hủ đề: "Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững", do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Hà nội tổ chức ngày 26-28/11/2012 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà nội.
I. Đặt vấn đề
Pháp
luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (dưới
đây viết tắt là TNBTCNN) là một phần của trật tự pháp quyền. Nhà nước pháp
quyền là một phương thức tổ chức nhà nước hiện đại, có mục đích là kiểm soát
quyền lực nhà nước dựa trên cơ sở pháp luật và sự công bằng, nhằm bảo vệ quyền
con người và quyền công dân. Hay nói cách khác, trong
nhà nước pháp quyền, nhà nước không phải là vị vua đứng trên hay đứng ngoài
pháp luật mà là trong luật (im Recht)
và phải hành động đồng thời chịu trách nhiệm giống như mọi công dân.[2]
Nhà nước pháp quyền ngày nay là một trong những điều kiện thiết yếu để phát
huy dân chủ, tự do và đảm bảo cho sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững.
Trong
nhà nước pháp quyền, pháp luật TNBTCNN đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Pháp luật TNBTCNN là
một trong những yếu tố thuộc nội dung của nhà nước pháp quyền (materielles Element des Rechtsstaates).[4]
Điều 2 Câu 1 Hiến pháp Việt Nam 1992 (dưới đây viết tắt là HP 1992) đã qui định: „Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.“ Trên cơ sở này cũng
tồn tại những cơ sở Hiến pháp cho quyền yêu cầu bồi thường tại Điều 72 và Điều 74
HP 1992. Mặc dù Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (dưới đây viết tắt là Luật TNBTCNN) đã được ban hành ngày 18/6/2009
và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010, đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề
bỏ ngỏ, nhiều vấn đề gây tranh cãi hoặc chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Trong phạm vi bài viết này,
tác giả tiếp cận vấn đề theo hướng so sánh các qui phạm pháp luật của Đức và Việt
Nam về vấn đề TNBTCNN, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm, hoàn thiện pháp
luật TNBTCNN Việt Nam trong tương lai.
II. Vài nét về
bối cảnh xã hội Đức và Việt Nam
Pháp
luật là một phần của trật tự xã hội. Tách rời pháp luật khỏi xã hội, nơi đã sản
sinh ra chúng, pháp luật trở nên vô nghĩa. Nhà triết học pháp luật Đức Gustav
Radbruch cho rằng luật pháp chẳng qua chỉ là một khái niệm văn hóa. Ông cho
rằng trên toàn thế giới tồn tại rất nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, mà mỗi
một hệ thống được phân biệt bởi nền văn hóa đã sản sinh ra chúng, đồng thời
chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơ sở lịch sử, xã hội.[6]
Sau
chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức năm 1945 bị chia cắt thành bốn vùng
chiếm đóng và bốn
khu vực tương ứng thuộc Berlin. Ba vùng phía Tây Đức chịu
sự quản lý của Mỹ, Pháp, Anh, vùng phía Đông là Liên Xô. Hậu quả của sự chia cắt
này là việc hình thành nên hai nhà nước Đức. Nhà nước Cộng hòa liên bang Đức
(BRD) là một nhà nước hợp hiến dân chủ ở phía Tây Đức, nhà nước Cộng hòa dân
chủ Đức (DDR) nằm trong quyền quản lý của Liên Xô ở Đông Đức. Vào ngày 3/10/1990,
hai nhà nước trên cơ sở Hiệp định thống nhất đất nước (Einigungsvertrag) đã được hợp nhất, trong đó 5 bang ở Đông Đức,
thuộc nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức trước đây, cũng như phía Đông Berlin, được
sáp nhập vào nước Đức thống nhất.
Từ hoang tàn, đổ nát của chiến tranh và thời gian
dài đất nước bị chia cắt, nước Đức đã vượt lên khó khăn, trở thành một cường
quốc như ngày nay. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công ấy
là nước Đức đã rất chú trọng đến hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp
luật. Chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của nước Đức ngày nay dựa trên
cơ sở Hiến pháp của Cộng hòa liên bang Đức (BRD)
được ban hành vào ngày 23/5/1949, hay còn có tên là Luật cơ bản.[10]
Việt
Nam là quốc gia có lịch sử lập quốc tương đối sớm. Sau khi giành độc lập, tự
chủ vào năm 939 SCN từ chính quyền đô hộ Trung Hoa, Việt Nam đã trải qua rất
nhiều các triều đại phong kiến khác nhau. Nước Việt đã có những thời kỳ phát
triển rực rỡ như thời Lý, Trần, Hậu Lê.
Sau khi trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước,
kể từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới năm 1986, Việt Nam đã đạt được nhiều
thành tựu quan trọng. Ngày nay, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức khu
vực và quốc tế như ASEAN, APEC, WTO..., đồng thời tham gia vào nhiều diễn đàn
lớn của khu vực và thế giới.
Trong
một thời gian rất dài, ở Việt Nam, vấn đề TNBTCNN không được đặt ra. Trong thời
kỳ phong kiến, dù bị hạn chế bằng cách này hay cách khác, nhà vua vẫn là nhân
vật trung tâm nắm toàn bộ quyền hành từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp. Trải
qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, rồi bước sang thời kỳ kinh tế tập
trung bao cấp và thời kỳ hội nhập, mở cửa, đến nay Việt Nam cũng chỉ mới bước
đầu làm quen với một vấn đề pháp lý rất mới mẻ này.
Cơ
sở luật pháp, xã hội, kinh tế, văn hóa giữa Đức và Việt Nam là rất khác biệt. Luật
pháp ở Việt Nam không dễ dàng được tiếp nhận, vận dụng, thực thi như ở các nước
Phương Tây nói chung, hay ở Đức nói riêng. Tuy nhiên, luật pháp cũng không phải
tự nhiên có, tự nhiên trở thành thói quen, mà phần nhiều phải được gây dựng, hỗ
trợ, ủng hộ và bảo vệ. Bởi vậy, việc tham khảo kinh nghiệm lập pháp các quốc gia tân
tiến, xây dựng các đạo luật vì dân, phản ánh được những đặc trưng văn hóa riêng
của dân tộc Việt Nam, phù hợp với những điều kiện thực tế của đất nước là đòi
hỏi rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập, xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt
Nam hiện nay.
III. Khái
niệm và các khía cạnh lịch sử pháp lý của TNBTCNN
1. Khái niệm
Trong
chế độ toàn trị, nhà nước không chịu trách nhiệm. Nhà nước đứng trên pháp luật
và vì thế không thể hành động trái luật (Tiếng
Anh: „The King can do no wrong“ – Nhà
nước không thể làm sai). Theo quan điểm nhà nước pháp quyền hiện
đại, nhà nước phải chịu trách nhiệm trong các quan hệ bên ngoài đối với những
thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho người bị thiệt hại là các cá
nhân, tổ chức. Ở Đức, nguồn gốc của TNBTCNN là xuất phát từ nguyên tắc nhà nước
pháp quyền (Rechtsstaatsprinzip) được
qui định ở Điều 20 LCB, đặc biệt là nguyên tắc ưu tiên tính hợp pháp trong
khi thi hành công vụ tại Điều 20 Khoản 3 LCB và nguyên tắc bảo đảm
quyền khởi kiện tại Điều 19 Khoản 4 LCB. Tương tự, tại Điều 2 HP
Việt Nam 1992 sửa đổi năm 2001 cũng qui định rằng Việt Nam là một nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa. Đây là cơ sở hiến định, cùng với
qui định tại Điều 72, 74 HP Việt Nam 1992 đặt nền móng cho việc thiết lập
một hệ thống các qui phạm pháp luật về TNBTCNN ở Việt Nam. Trong nhà
nước hiện đại, TNBTCNN là vấn đề cơ bản. TNBTCNN theo tác giả bài viết có ít
nhất ba lợi ích: Thứ nhất, bảo vệ
người bị thiệt hại trước những hành vi gây thiệt hại của công chức thông qua
một chủ thể có khả năng tài chính để bồi thường đó là nhà nước; Thứ hai, nhờ chế định này mà quyền lợi
của người thi hành công vụ được bảo vệ tốt hơn; Thứ ba, nâng cao tính chủ động, năng lực tự quyết của người thi
hành công vụ.
TNBTCNN
là vấn đề được thảo luận sôi nổi ở Việt Nam thời gian gần đây. Đây là một lĩnh
vực pháp luật tương đối mới mẻ. Do quan điểm và góc nhìn khác nhau, đến nay ở
Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất chung về TNBTCNN. Luật TNBTCNN
năm 2009 cũng không có một định nghĩa chính thức về khái niệm TNBTCNN, mà chỉ
qui định những cơ sở của quyền bồi thường ở Điều 6 Luật TNBTCNN.
Theo
Điều 3 Khoản 4 Luật TNBTCNN, nhà nước không chịu trách nhiệm bồi
thường, mà cơ quan nơi quản lý trực tiếp người thi hành công vụ gây ra thiệt
hại sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Hay nói cách khác, pháp luật Việt Nam không
có sự phân biệt giữa trách nhiệm bồi
thường của nhà nước với tư cách là một chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm và
trách nhiệm bồi thường của cơ quan quản
lý trực tiếp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.
Ở
Đức có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến khái niệm TNBTCNN (Staatshaftung) và trách nhiệm bồi
thường công vụ (Amtshaftung).
Tác
giả Ossenbühl cho rằng: TNBTCNN là trách nhiệm của duy nhất một chủ thể
là nhà nước bồi thường cho những thiệt hại do chính nhà nước gây ra. Tác giả Schulze bổ
sung rằng, TNBTCNN thực chất là khái niệm tổng quát để chỉ trách nhiệm của nhà
nước đối với bất cứ vi phạm pháp luật nào của công quyền trong bất kỳ lĩnh vực
nào từ lập pháp, hành pháp cho đến tư pháp.
Nhóm tác giả Scholz/Tremml
thì lại cho rằng không tồn tại một định nghĩa chuẩn mực về TNBTCNN.[14]
Nhóm tác giả này nhấn mạnh rằng, việc đổi tên thuật ngữ thành trách nhiệm đối
với hành vi vi phạm luật của nhà nước (Haftung
für staatliches Unrecht) cũng không đạt yêu cầu, bởi lẽ pháp luật TNBTCNN ở
Đức (das Staatshaftungsrecht) bao gồm
cả việc bồi hoàn cho những hành vi đúng pháp luật của nhà nước (Schadensersatz für rechtmäßige staatliche
Handlungen) trong trường hợp trưng mua, trưng dụng tài sản theo qui định
tại Điều 14 LCB.[15]
Tác
giả Peine thì diễn đạt một cách khác, ông cho rằng TNBTCNN không nên sử
dụng theo nghĩa nguyên gốc của nó tức là trách nhiệm của nhà nước đối với hành
vi trái pháp luật theo một nghĩa rất hẹp như truyền thống, mà cần phải hiểu đây
là trách nhiệm của nhà nước nói chung,
đối với cả hành vi đúng luật hay trái luật của nhà nước (Khái niệm TNBTCNN theo nghĩa rộng - Staatshaftung
i.w.S.).[16]
Theo nhóm tác giả Büchner/Reinert, pháp luật TNBTCNN theo nghĩa rộng bao
gồm bất cứ qui phạm pháp luật nào liên quan đến trách nhiệm của nhà nước, bao
gồm cả trách nhiệm của những đơn vị kinh tế đặc biệt của nhà nước (Sondervermögen), ví dụ như „Deutsche
Bundespost“, „Deutsche Bundesbahn“ trước đây, cũng như những chủ thể quyền lực
công đặc biệt khác, bao quát cả những hành vi của luật công và luật tư.[17]
Tác
giả Seewald lập luận thêm rằng TNBTCNN theo nghĩa hẹp là trách nhiệm
riêng của nhà nước đối với những hậu quả do hành vi trái luật của công quyền
gây ra trong quá trình thực thi công vụ. Theo nghĩa rộng, TNBTCNN là trách
nhiệm đối với bất cứ dạng hành vi nào của nhà nước, không phân biệt hành vi đó
là trái luật hay phù hợp với luật, hành vi của luật công hay của luật tư.[18]
Tác giả Maurer nhấn
mạnh rằng, với khái niệm TNBTCNN cần phải được hiểu rằng, nhà nước phải chịu
trách nhiệm trực tiếp cho hành vi sai
phạm của công chức (das Fehlverhalten
seines Beamten). Cũng theo tác giả này,
khái niệm trách nhiệm bồi thường công vụ (Amtshaftung) phân biệt với khái niệm TNBTCNN, bởi
lẽ trách nhiệm bồi thường công vụ trước tiên liên quan đến trách nhiệm của công
chức (Beamte) và đã được qui định ở Điều 839
Bộ luật dân sự Đức (dưới đây viết tắt là BLDS
Đức), nhưng sau đó được chuyển giao sang cho nhà nước. Nhóm tác giả Stein/Itzel/Schwall
bổ sung thêm rằng, TNBTCNN trực tiếp (unmittelbare
Staatshaftung) cần được hiểu rằng đó là trách nhiệm mà nhà nước phải chịu sau cùng. Trách nhiệm cá nhân
của công chức không đặt ra đối với TNBTCNN trực tiếp, bởi dạng trách nhiệm
này chỉ liên quan đến quan hệ bên ngoài giữa hai chủ thể là nhà nước và người
bị thiệt hại.
Nhiều tác giả cũng bổ sung ý kiến cho rằng, ở Đức hiện nay không tồn tại TNBTCNN
trực tiếp, mà là trách nhiệm bồi thường công vụ, bởi vì dạng trách nhiệm này
ban đầu là trách nhiệm cá nhân công chức, sau đó được chuyển giao cho nhà nước.
Tóm
lại, ở Đức, trách nhiệm bồi thường công vụ, hay TNBTCNN theo nghĩa hẹp, được qui
định ở Điều 839 BLDS và Điều 34 LCB. Về mặt lịch sử, trách nhiệm bồi
thường công vụ ban đầu thuộc về cá nhân công chức (Điều 839 Khoản 1 Câu 1 BLDS Đức), sau đó được
chuyển giao cho nhà nước và các pháp nhân của luật công theo Điều 34 Câu 1
LCB. Ở Việt Nam hiện nay chưa có định nghĩa pháp lý về TNBTCNN. Thay vì định
nghĩa, Luật TNBTCNN liệt kê các điều kiện của trách nhiệm bồi thường tại Điều 6
Luật TNBTCNN. Như vậy theo pháp luật TNBTCNN Việt Nam thì TNBTCNN có nghĩa là
trách nhiệm của cơ quan nhà nước tương ứng, nơi trực tiếp quản lý cán bộ công
chức gây ra thiệt hại (Điều 3 Khoản 4,
Điều 4 Luật TNBTCNN). Về bản chất, pháp luật TNBTCNN là một lĩnh vực luật công, bởi
lẽ trách nhiệm bồi thường này chỉ phát sinh khi nhà nước nhân danh quyền lực
công thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình. Bản chất của Luật TNBTCNN nói chung
là qui định trách nhiệm của một chủ thể
duy nhất là nhà nước đối với người bị thiệt hại, không phải là trách nhiệm
của cá nhân công chức hoặc cơ quan quản lý công chức đó theo nghĩa của luật tư.
2. Lịch sử pháp luật TNBTCNN ở Đức và Việt Nam
Ở
Đức, trách nhiệm bồi thường của công chức (Beamtenhaftung)
lần đầu tiên được qui định ở Điều 839 Khoản 1 Câu 1 BLDS Đức: „Nếu công chức vi phạm nghĩa vụ công vụ cố ý
hay vô ý xâm hại lợi ích của bên thứ ba, công chức đó có trách nhiệm phải bồi
thường cho những thiệt hại mà mình đã gây ra.“ Chế độ trách nhiệm cá
nhân công chức này hiện nay đã được chuyển giao sang trách nhiệm của nhà nước và
các pháp nhân của luật công theo Điều 34 Khoản 1 LCB, gọi chung là trách nhiệm bồi thường công vụ, hay TNBTCNN theo nghĩa hẹp (Staatshaftung i.e.S.).
Quá
trình chuyển giao ấy đã trải qua một lịch sử rất dài. Dưới đây là những thời
điểm chính được tóm lược:
Lịch sử pháp luật TNBTCNN ở Đức
|
Nguồn gốc
|
Nhà nước và chế độ quân chủ ở Đức nắm
toàn bộ quyền hành, nhà nước không phải chịu trách nhiệm.
|
1794
|
Các Điều 74, 75 Luật đất đai của
Phổ (§§ 74, 75 des Preußischen
Allgemeinen Landrechts) lần đầu tiên qui định TNBTCNN với tính chất là
một khoản tiền bồi hoàn cho những thiệt hại có tính dân sự của cá nhân, tổ
chức liên quan đến đất đai („Fiskus“).
|
1900
|
Điều 839 BLDS Đức qui định trách
nhiệm cá nhân của công chức gây ra thiệt hại trong khi thi hành công vụ. Điều 839
này còn hiệu lực cho đến ngày nay.
|
1900
|
Lần đầu tiên tại Điều 12 Luật
quản lý đất đai của đế chế Đức (Reichsgrundbuchordnung) qui định chuyển
giao trách nhiệm bồi thường của công chức sang trách nhiệm của nhà nước liên
quan đến các vi phạm trong quản lý đất đai.
|
1919
|
Điều 131 Khoản 1 Câu 1
của Hiến pháp Cộng hòa Weimar lần đầu tiên đặt ra qui định chuyển giao toàn
bộ trách nhiệm của cá nhân công chức sang nhà nước trong khi thi hành công vụ
gây ra thiệt hại cho bên thứ ba.
|
1949
|
Điều 34
LCB kế thừa Điều 131 Hiến pháp Cộng hòa Weimar năm 1919, không qui định TNBTCNN
trực tiếp mà là sự chuyển giao từ trách nhiệm công chức theo Điều 839
BLDS Đức sang trách nhiệm bồi thường của
nhà nước và các pháp nhân luật công, đồng thời vẫn bảo lưu một số điều
kiện của Điều 839 BLDS Đức.
|
1969
|
Ban hành Luật TNBTCNN của Cộng hòa dân
chủ Đức (Staatshaftungsgesetz der DDR).
Sau khi nước Đức thống nhất, đạo luật này vẫn tiếp tục có hiệu lực đến ngày
nay tại các bang Brandenburg, Mecklenburg-Vorpommern und Thüringen với tính
chất là luật của tiểu bang.
|
1981
|
Luật TNBTCNN của Cộng hòa liên bang Đức
được ban hành (Staatshaftungsgesetz der
BRD).
|
1982
|
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên
bang ngày 19/10/1982 tuyên bố Luật TNBTCNN của Cộng hòa liên bang Đức năm
1981 là vi hiến, do Nghị viện không có thẩm quyền lập pháp để ban hành đạo
luật này.
|
1994
|
Bổ sung thẩm quyền lập pháp của liên
bang đối với việc ban hành Luật TNBTCNN tại Điều 74 Khoản 1 Số 25
và Khoản 2 LCB.
|
2009
|
Hội nghị ba đảng CDU, CSU và FDP khẳng
định sự cần thiết phải pháp điển hóa Luật TNBTCNN.
|
Pháp
luật về TNBTCNN ở Đức đến nay vẫn chưa được pháp điển hóa một cách thống nhất
và vẫn tiếp tục được thảo luận dưới nhiều góc độ. Những gì có được ngày nay là
kết quả của sự phát triển pháp luật hàng thế kỷ ở Đức. Đạo luật TNBTCNN được
ban hành năm 1981 đã bị Tòa án Hiến pháp Đức tuyên bố vô hiệu, bởi lẽ thẩm
quyền lập pháp của liên bang về việc ban hành đạo luật này lúc đó chưa được qui
định ở trong Luật cơ bản. Kể từ lần bổ sung Luật cơ bản năm 1994, thẩm quyền
này của liên bang được qui định ở Điều 74 Khoản 1 Số 25 LCB.
Điều 72
và Điều 74 HP Việt Nam 1992 cũng trực tiếp qui định quyền yêu cầu bồi
thường này. Đây là cơ sở hiến định và là căn cứ xây dựng các văn bản qui phạm
pháp luật về TNBTCNN. Hiến pháp năm 1992 qui định: „Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, bị xét xử trái pháp luật có
quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự” (Điều 72);
„Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập
thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có
quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi về danh dự” (Điều 74).
BLDS
Việt Nam 1995 tại Điều 623 và Điều 624 đã quy định trách nhiệm bồi
thường của các cơ quan nhà nước. Các quy định này tiếp tục được kế thừa tại Điều 619 và Điều 620 BLDS Việt
Nam năm 2005. Để cụ thể hóa các quy định nêu trên, nhà nước đã ban hành nhiều
văn bản hướng dẫn thi hành trong đó có hai văn bản quan trọng là: Nghị định
số 47/CP ngày 3/5/1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường
thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan
tiến hành tố tụng gây ra; Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003
của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người
có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.
Ngày 18/6/2009,
tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XII, đã thông qua Luật TNBTCNN, đạo luật này có
hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010, đồng thời chấm dứt hiệu lực pháp lý của Nghị định số 47/CP và Nghị
quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 (Điều 65
Luật TNBTCNN).
Lịch
sử pháp luật về TNBTCNN ở Việt Nam có thể được tóm lược ở những nét chính như
sau:
Lịch
sử pháp luật TNBTCNN Việt Nam
|
1992
|
Các Điều 72, 74 HP Việt Nam 1992 hiện hành qui
định về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của công dân (Cơ sở Hiến pháp - Verfassungsgrundlage). Trước đó, Điều 29 Hiến pháp 1959, Điều 70 và 73 Hiến pháp 1980 đã đề cập đến quyền này nhưng chưa được cụ thể hoá đầy đủ trên thực tế, do điều kiện chiến tranh và kinh tế thời kỳ bao cấp. Tất cả các qui phạm này đều không nêu rõ ai (chủ thể nào) phải chịu trách nhiệm bồi thường.
|
1995
|
Các Điều 623, 624 BLDS Việt Nam qui định cơ sở pháp luật dân sự về
trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với người thi hành công vụ gây ra thiệt
hại cho cá nhân, tổ chức khác (hết hiệu
lực).
|
1997
|
Nghị định số 47/1997/CP của Chính
phủ qui định về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức
nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra (hết hiệu lực).
|
2003
|
Nghị quyết
số 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường
thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng
hình sự gây ra (hết hiệu lực).
|
2005
|
Các Điều 619, 620 BLDS Việt Nam 2005
kế thừa các qui định tại Điều 623, 624 BLDS Việt Nam 1995.
|
2009
|
Luật TNBTCNN được Quốc hội Việt Nam
thông qua ngày 18/6/2009.
|
2009
|
Chỉ thị 1565/CT-TTg ngày 6/10/2009
của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước.
|
2010
|
Luật TNBTCNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010.
|
2010
|
Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 3/3/2010
của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật
TNBTCNN.
|
2010
|
Thông tư liên
tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26/11/2010 của Bộ Tư Pháp,
Bộ Tài Chính, Thanh tra Chính Phủ hướng dẫn thực hiện TNBTCNN trong hoạt động
quản lý hành chính.
|
2011
|
Thông tư liên
tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP ngày 15/12/2011 của Bộ Tư Pháp và Bộ
Quốc phòng hướng dẫn thực hiện TNBTCNN trong hoạt động thi hành án dân sự.
|
2012
|
Thông tư liên
tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 9/5/2012 của Bộ Tài Chính và Bộ
Tư Pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
thực hiện TNBTCNN
|
2012
|
Thông tư liên
tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 18/9/2012 của Tòa án nhân
dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện
TNBTCNN trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
|
Xét về thời gian, lịch
sử của pháp luật TNBTCNN Việt Nam ngắn hơn nhiều so với lịch sử của pháp luật
TNBTCNN của Đức. Từ năm 1919, Điều 131 Hiến pháp Cộng hòa Weimar đã qui
định TNBTCNN theo nghĩa hẹp. Ngược lại phải rất muộn ở Việt Nam, đến năm 1992, Hiến
pháp mới bắt đầu qui định quyền được bồi thường của người bị thiệt hại do hành
vi công quyền gây ra. Luật TNBTCNN đã được ban hành năm 2009 và có hiệu lực từ
năm 2010, tuy nhiên cho đến nay còn nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đạo luật này
vẫn chưa được ban hành. Lịch sử pháp luật TNBTCNN Đức và Việt Nam cho thấy ban
đầu trách nhiệm bồi thường thuộc về cá nhân người thi hành công vụ hoặc cơ quan
quản lý trực tiếp người thi hành công vụ này, ngày nay xu hướng chung là trách
nhiệm cá nhân người thi hành công vụ về cơ bản được chuyển giao thành trách
nhiệm của nhà nước trong việc bồi thường cho người bị thiệt hại.
IV. Nội
dung cơ bản và những vấn đề đặt ra của Luật TNBTCNN Việt Nam năm 2009
Như
đã nêu, vào ngày 18/6/2009, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật TNBTCNN.
Đây là một bước quan trọng để hiện thực hóa vấn đề nhà nước pháp quyền ở Việt
Nam. Luật TNBTCNN gồm có 8 Chương và 67 Điều. Luật này qui định
về phạm vi TNBTCNN đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công
vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục
giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt
hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã
gây ra thiệt hại.
Cơ
sở của quyền yêu cầu bồi thường là Điều 6 Luật TNBTCNN. Căn cứ xác định TNBTCNN
trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và thi
hành án (Điều 6 Khoản 1 Luật
TNBTCNN) bao gồm: „Có văn bản xác
định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền xác định thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Luật
TNBTCNN; Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công
vụ gây ra đối với người bị thiệt hại. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường
trong hoạt động tố tụng hình sự“ (Điều 6
Khoản 2 Luật TNBTCNN) bao gồm: „Có
bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng
hình sự xác định thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 26
Luật TNBTCNN; Có thiệt hại thực tế đối với người bị thiệt hại do người tiến
hành tố tụng hình sự gây ra trong trường hợp quy định tại Điều 26 Luật
TNBTCNN.“
Điều 72,
74 HP Việt Nam 1992 qui định về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của công
dân, nhưng lại không nêu rõ chủ thể nào có nghĩa vụ bồi thường. Điều 1 Luật
TNBTCNN đề cập đến „trách nhiệm bồi
thường của nhà nước“, nhưng thực tế tại Điều 3 Khoản 4, Điều 4
Khoản 1 Luật TNBTCNN lại chuyển giao trách nhiệm cho „cơ quan có trách nhiệm bồi thường“. Như vậy có thể thấy nhà làm
luật Việt Nam chưa coi nhà nước (der Staat) là một chủ thể duy nhất có
nghĩa vụ phải bồi thường. Ngoài ra, Điều 1 Luật TNBTCNN đề cập đến phạm vi
bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, nhưng
thực tế chỉ có những trường hợp cụ thể được liệt kê tại các Điều 13, 16,
28, 38, 39 Luật TNBTCNN mới thuộc phạm vi bồi thường của nhà nước. Bên cạnh đó, Luật TNBTCNN qui định người bị thiệt hại có thể khởi kiện
cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường, yêu cầu Tòa án cấp huyện giải quyết bồi
thường nếu hết thời hạn luật định mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra
quyết định giải quyết bồi thường hoặc khi họ đã nhận được quyết định nhưng
không đồng ý với nội dung của quyết định đó (Điều 22
và 23 Luật
TNBTCNN).
Mặc dù thời gian vừa qua Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ
lực trong việc tổ chức thực thi Luật TNBTCNN, tuy nhiên theo Báo cáo số 57/BC-BTP ngày 4/4/2011
của Bộ Tư Pháp thì tình hình bồi thường vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Có
nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu theo tác giả là do những hạn chế sau:
– Vấn đề TNBTCNN là một vấn đề mới và khá nhạy cảm, đặc
biệt với một thể chế đặc thù như ở Việt Nam. Trên thực tế, số lượng giải quyết
bồi thường ở Việt Nam còn rất hạn chế. Một trong những lý do quan trọng là thủ
tục tiến hành bồi thường kéo dài, đặc biệt là mức được bồi thường vẫn thấp hơn
rất nhiều so với yêu cầu đòi bồi thường của người bị thiệt hại.
– Phạm vi bồi thường theo luật còn bị hạn chế tại các Điều 1,
6, 13, 26, 28, 38 và 39 Luật TNBTCNN, việc hạn chế này tự mâu thuẫn với quyền yêu
cầu bồi thường tại Điều 72, 74 HP Việt Nam 1992. Điều 74 HP Việt Nam
1992 qui định rằng „mọi
hành vi của nhà nước [...] xâm phạm quyền lợi của công dân”, không phân biệt đó là hành vi thuộc lĩnh vực nào.
– Điều kiện TNBTCNN theo Điều 6 Khoản 1 và Khoản 2
Luật TNBTCNN khá phức tạp, đặc biệt là yêu cầu phải có văn bản của cơ quan nhà
nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp
luật, đồng thời thuộc phạm vi bồi thường của Luật. Cơ quan có trách nhiệm bồi
thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ. Điểm mâu thuẫn có
thể dễ dàng thấy ngay là quan hệ giữa người thi hành công vụ và cơ quan có
trách nhiệm bồi thường là quan hệ bên trong, trong khi đó TNBTCNN là quan hệ
bên ngoài giữa nhà nước và người bị thiệt hại. Điều này dẫn đến hệ quả:
·
Do
tính chất quan hệ trực thuộc (quan hệ bên
trong), nên cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ hoặc cơ quan
nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công
vụ theo Điều 6 Luật TNBTCNN sẽ khó đảm bảo tính chất khách quan;
·
Với
qui định người bị thiệt hại phải thu thập hồ sơ, chứng cứ xác định hành vi trái
pháp luật của người thi hành công vụ (Điều 9
Khoản 2 Luật
TNBTCNN) gây khó cho
người dân, bởi lẽ việc tiếp cận với các văn bản hành chính từ phía bên ngoài
đối với các cơ quan công quyền ở Việt Nam luôn là vấn đề khó khăn;
– Điều 26 Luật TNBTCNN chỉ áp dụng cho những trường hợp bị oan trong
tố tụng hình sự. Trong quá trình tố tụng, những trường hợp sai diễn ra phổ
biến, nhưng Luật TNBTCNN không qui định cho những trường hợp như vậy.
– Hàng loạt các khái niệm của Luật TNBTCNN không rõ ràng,
ví dụ như hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ (Điều 6, Khoản 1 Mục a Luật
TNBTCNN), cơ quan có trách nhiệm bồi thường (Điều 3
Khoản 4 Luật
TNBTCNN), đối tượng được
bồi thường (Điều 2 Luật
TNBTCNN). Ngoài ra nhà
làm luật cũng sử dụng rất nhiều những thuật ngữ có tính định tính trong luật
như kịp thời, đầy đủ (Điều 9 Khoản 2
Mục a Luật
TNBTCNN), phù hợp (Điều 45 Khoản 3 Câu 2 Luật
TNBTCNN)… Những thuật
ngữ này không được giải thích sẽ tiếp tục gây ra sự khó hiểu và bất định trong
quá trình thi hành luật.
– Thủ tục giải quyết bồi thường theo Luật TNBTCNN kéo
dài. Theo tác giả bài viết, thương lượng thực chất không phải để giải quyết
nhanh chóng mà là làm kéo dài tiến trình giải quyết vụ việc, vì thực tiễn Việt
Nam cho thấy cơ quan nào đã gây ra thiệt hại thì cơ quan đó thường không muốn
bồi thường và cũng không muốn nhận trách nhiệm.
– Luật TNBTCNN ra đời không qui định rõ mối liên hệ cũng
như không chấm dứt hiệu lực các Điều 619, 620 BLDS Việt
Nam, cũng như các điều khoản
khác liên quan của BLDS Việt Nam. Điều 605 Khoản 1 BLDS Việt
Nam qui định trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tuy
nhiên, Luật TNBTCNN lại không qui định nào về hệ quả pháp lý này. Báo cáo số 220/BC-UBTVQH12
ngày 7/5/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng khẳng định rằng nhà nước
sẽ không bồi thường toàn bộ thiệt hại. Theo đó, người bị thiệt hại phải chấp
nhận mức bồi thường sau khi tiến hành thương lượng. Nếu không đồng ý với mức
bồi thường, người bị thiệt hại có thể khởi kiện bằng con đường Tòa án. Điều này là mâu thuẫn với Điều 605 BLDS
Việt Nam. Đồng thời cách qui định này cho thấy rõ ràng nhà làm
luật chưa làm rõ bản chất pháp lý giữa TNBTCNN với tư cách là một chế định của
luật công và TNBTCNN khi tham gia vào các quan hệ luật tư.
V. Nội dung cơ bản của pháp luật trách nhiệm bồi
thường công vụ của Đức
Cơ sở hiến định cho quyền được bồi thường thiệt hại
được qui định ở Điều 34 Khoản 1 LCB. Điều khoản này qui định: „Nếu bất cứ ai trong quá trình thi hành công
vụ được giao phụ trách mà vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại cho người thứ ba, thì
trách nhiệm bồi thường thiệt hại về cơ bản là thuộc về nhà nước hoặc cơ quan
quản lý người vi phạm.“ Điều 34 là qui phạm về bảo vệ quyền
thứ phát (Sekundärrechtsschutz), bổ sung qui định bảo vệ quyền nguyên
phát (Primärrechtsschutz). Do những yếu tố lịch sử mà cả hai qui phạm của Điều 839
BLDS Đức và Điều 34 LCB phải được xem xét đồng thời đối với các trường hợp
liên quan đến TNBTCNN ở Đức. Có nhiều điều kiện là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi
thường. Các điều
kiện đó bao gồm:
– Thi hành công vụ (Amtshandlung)
Thay vì
khái niệm công chức (Beamte) như qui
định ở Điều 939 BLDS Đức, Điều 34 Khoản 1 LCB sử dụng thuật ngữ „bất cứ ai“ (jemand). Như vậy so với BLDS, phạm vi chủ thể thực hiện quyền lực
công đã được mở rộng. Tuy
nhiên điều quan trọng ở đây là chủ thể đó theo Điều 34
LCB phải thực thi quyền lực công (hoheitlich),
hay nói cách khác là phải nhân danh công quyền thực hiện những nhiệm vụ trực
tiếp liên quan đến lợi ích của người bị thiệt hại.
– Vi phạm nghĩa vụ công vụ
(Amtspflichtverletzung)
Nghĩa vụ
công vụ ở Đức bắt nguồn từ một nghĩa vụ căn bản được qui định ở Điều 20 Khoản 3
LCB đó là nghĩa vụ phải thực hiện mọi công việc đúng luật (rechtmäßig).
Những nghĩa vụ công theo nhóm tác giả Stein/Itzel/Schwall, là những nghĩa vụ thực hiện hành vi liên
quan đến thực thi công vụ.
Theo tác giả Maurer,
những nghĩa vụ này bị vi phạm khi người thực thi công vụ đó không thực hiện hoặc
thực hiện không đúng những nghĩa vụ được giao theo qui định pháp luật.
– Xâm phạm lợi ích của bên thứ ba
(Drittbezug)
Theo Điều 34
Khoản 1 thì không phải bất cứ hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ nào cũng
phát sinh trách nhiệm bồi thường mà chỉ có những hành vi xâm hại trực tiếp đến
lợi ích của bên thứ ba.[34]
Điều đó có nghĩa rằng nếu hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ chỉ xâm hại lợi ích
chung, không hướng tới một đối tượng cụ thể nào hoặc lợi ích của nhà nước thì
cũng không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường.[35]
– Có lỗi (Verschulden)
Một
điều kiện quan trọng được qui định tại Điều 839 Khoản 1 Câu 1 BLDS
Đức đó là hành vi vi phạm phải có lỗi (schuldhaft).[36]
Lỗi được thể hiện dưới dạng lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.
–
Có thiệt hại
xảy ra có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi vi phạm (kausaler
Schaden)
Bên
cạnh những tiêu chí trên, chủ thể yêu cầu bồi thường phải chứng minh được rằng
hành vi vi phạm đã trực tiếp gây ra thiệt hại (Schaden) cho chủ thể đó (Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại tài sản, sức khỏe, danh dự, cơ hội
kinh doanh, cơ hội đầu tư...).
Ngoài ra, giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra phải có mối liên hệ nhân
quả, tức là hành vi vi phạm phải là nguyên nhân trực tiếp nhằm phát sinh hậu
quả.
Căn cứ vào Điều 839, người bị thiệt hại có quyền đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Ngoài
ra, TNBTCNN cũng bị giới hạn. Các giới hạn trách nhiệm bồi thường được qui định
ở Điều 839 BLDS Đức, cụ thể là Điều 839 Khoản 1 Câu 2 BLDS Đức
(Điều khoản phụ – Subsidiaritätsklausel),
Điều 839 Khoản 2 BLDS Đức (Đặc
quyền phán xét của thẩm phán Richterspruchprivileg), Điều 839 Khoản 3
BLDS Đức (Bỏ qua các quyền yêu cầu -Versäumung
von Rechtsmitteln) và Điều 254 BLDS Đức (Lỗi chung -Mitverschulden).
Chủ thể
tiền hành bồi thường theo pháp luật Đức là nhà nước (der Staat) hoặc là
pháp nhân của luật công (eine juristische
Person des öffentlichen Rechts), nơi mà chủ thể thực hiện công vụ gây ra
thiệt hại.
Nhà nước chỉ có quyền yêu cầu người vi phạm bồi hoàn khi người này thực hiện
hành vi một cách cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng (vorsätzlich oder grob fahrlässig) theo Điều 34 Khoản 2 LCB.
Theo Điều 34 Khoản 3 LCB, Tòa
án thường có quyền phán quyết về các vụ việc liên quan đến trách nhiệm bồi
thường công vụ. Không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp, theo Điều 71 Khoản 2
Số 2 Luật Tòa án Đức, các Tòa án của tiểu bang sẽ giải quyết các tranh
chấp ở cấp sơ thẩm.
VI. So sánh trách nhiệm bồi thường công vụ của Đức và TNBTCNN ở Việt Nam
1. Vi phạm nghĩa vụ công vụ và vi phạm nghĩa vụ pháp luật trong quá trình thực thi công vụ
1.1. Theo luật của Đức
1.1.1. Hành vi thực thi công vụ
Như
đã giải thích ở phần trước, khái niệm „bất
cứ ai“ theo nghĩa của Luật TNBTCNN không chỉ bao gồm những „công chức“ theo nghĩa hẹp, mà còn bao
gồm cả những người khác được giao quyền thực thi nhiệm vụ công. Hành vi gây thiệt hại
theo Điều 34 Câu 1 LCB phải trong quá trình thi hành công vụ („in
Ausübung eines öffentlichen Amts“).
1.1.2. Vi phạm nghĩa vụ công vụ (Amtspflichtverletzung)
Điều
kiện cơ bản nhất của cả Điều 839 Khoản 1 Câu 1 BLDS Đức và Điều 34
Câu 1 LCB là việc vi phạm một nghĩa vụ công vụ (Amtspflichtverletzung). Nghĩa vụ công vụ là những nhiệm vụ mà
người thực thi công vụ có trách nhiệm phải thực hiện. Sodan/Ziekow giải
thích rằng nghĩa vụ công vụ chỉ là những nghĩa vụ của người thi hành công vụ
trong quan hệ bên trong với người quản lý trực tiếp của người thi hành công vụ
đó. Detterbeck lập luận ngược lại: „Quan
hệ bên ngoài giữa hành vi của nhà nước và bên thứ ba (người bị thiệt hại), chứ
không phải là quan hệ bên trong là yếu tố quyết định đối với từng hành vi thi
hành công vụ.“
Việc vi phạm nghĩa vụ công vụ có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc
không hành động vi phạm nghĩa vụ của người thi hành công vụ, bao gồm cả việc từ
chối hay trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ công vụ.
Theo
tác giả Jarass, cơ sở và phạm vi của
vi phạm nghĩa vụ công vụ phụ thuộc phần lớn vào ý chí của nhà làm luật trong
tương lai, bởi lẽ Điều 34 Câu 1 LCB chỉ là qui định có tính nguyên
tắc, chứ chưa cụ thể hóa các điều kiện của quyền yêu cầu bồi thường. Cả Điều 839 BLDS Đức
và Điều 34 LCB đều đề cập đến hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ (Amtspflichtverletzung), không đề cập
đến vi phạm nghĩa vụ pháp luật của hành vi công vụ (Rechtspflichtverletzung).
1.2. Theo pháp luật Việt Nam
Ở Việt Nam khác với Đức, không có các học thuyết phân
chia giữa luật công và luật tư. Theo Điều 3 Khoản 1 Luật TNBTCNN và Điều 3 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN thì khái
niệm „người thi hành công vụ“ được
hiểu theo nghĩa rộng, tức là bao hàm mọi chủ thể thực thi nhiệm vụ công. Theo Điều 3
Khoản 1 Câu 1 Luật TNBTCNN, các cá nhân được giao quyền thực hiện chức
năng nhiệm vụ công cũng được coi là „người
thi hành công vụ“.
Trong Luật TNBTCNN, nhà làm luật Việt Nam sử dụng
thuật ngữ „hành vi trái pháp luật của
người thi hành công vụ“ (Điều 6 Khoản 1
Mục a Luật
TNBTCNN). Một hành vi được coi là trái pháp luật khi người thi
hành công vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các qui phạm thuộc Điều 13,
26, 28, 38 và 39 Luật TNBTCNN
cũng như các qui phạm liên quan khác. Điều kiện tiếp theo là hành vi trái pháp luật của người thi hành
công vụ phải được xác nhận bởi một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền theo Điều 3 Khoản 3 Luật TNBTCNN. Như
đã nêu ở trên, Luât TNBTCNN Việt Nam liệt kê các hành vi trái pháp luật của
người thi hành công vụ trong lĩnh vực hành chính, tố tụng hình sự, dân sự và
hành chính, cũng như lĩnh vực thi hành án dân sự và hình sự. Với cách liệt kê
đó, Điều 13 Luật TNBTCNN
thiếu rất nhiều lĩnh vực quan trọng thuộc phạm vi điều chỉnh của lĩnh vực hành
chính như xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, hôn nhân gia
đình, giao thông, tư pháp, giáo dục và đào tạo, an ninh quốc phòng, y tế v.v…Điều 26
Luật TNBTCNN cũng không bao quát toàn bộ lĩnh vực tố tụng, không bao gồm các
lĩnh vực tố tụng khác như tố tụng kinh tế, tố tụng lao động…, không bồi thường
cho những trường hợp bị xử lý „sai“
trong tố tụng.
1.3. Quan điểm của tác giả
1.3.1.Theo pháp luật Đức
1.3.1.1.Hành vi thực hiện chức năng công quyền
Mặc
dù có nhiều học thuyết, quan điểm phân chia luật công và luật tư, việc phân
định giữa hành vi thực hiện hay không thực hiên chức năng công quyền theo pháp
luật Đức trong nhiều trường hợp cũng không dễ xác định rạch ròi. Không ít các
hành vi của người thi hành công vụ vừa chứa đựng yếu tố quyền lực công vừa không. Chẳng hạn theo pháp luật
Đức, đối với những chủ thể là cảnh sát liên bang, hải quan, lính cứu hỏa, sĩ
quan quân đội khi tham gia giao thông vẫn được coi là hành vi thực hiện nhiệm
vụ công, điều này mâu thuẫn với nguyên tắc trách nhiệm ngang bằng của tất cả các chủ thể
tham gia giao thông. Câu hỏi đặt ra tại sao những chủ thể này là ngoại lệ trong
khi các công chức khác thì không, vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi ở Đức. Một trường hợp khác,
một công ty được cảnh sát thuê vận chuyển xe đỗ trái phép và gây ra thiệt hại. Có quan điểm cho rằng
trong trường hợp này nhà nước sẽ phải bồi thường cho hành vi vi phạm của công
ty này, vì công ty được ủy quyền thực thi quyền lực công. Nhưng cũng có quan điểm
phê phán rằng như vậy thì TNBTCNN sẽ bị lẩn vào luật tư và công ty vận chuyển
được thuê này trở thành cánh tay nối dài của quyền lực công (Werkzeugtheorie).Vấn
đề này hiện nay ở Đức vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau.
1.3.1.2.Trái pháp luật, không vi phạm nghĩa vụ công vụ
Về
nguyên tắc thì một hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ cũng đồng thời là hành vi
vi phạm pháp luật. Tuy nhiên cũng có những trường hợp hành vi của công chức là
trái luật nhưng lại không vi phạm nghĩa vụ công vụ. Ví dụ, chủ tịch của thành
phố A hướng dẫn chỉ đạo cho chủ tịch của một quận trực thuộc B ban hành một
quyết định trái luật trong đó có liên hệ với lợi ích của một bên thứ ba (là công dân). Vấn đề này hiện ở Đức còn
nhiều ý kiến khác nhau. Tác giả bài viết cho rằng, cần chia thành hai khả năng:
– Khả năng thứ nhất: Nếu vị chủ tịch quận này thực hiện đúng theo hướng dẫn trái luật của
chủ tịch thành phố và thông qua việc ban hành quyết định này gây thiệt hại cho
bên thứ ba. Trường hợp này là trái luật, nhưng không vi phạm nghĩa vụ công vụ.
Trách nhiệm theo tác giả bài viết sẽ không thuộc về vị chủ tịch quận B bởi lẽ vị
chủ tịch B này đã thực hiện đúng những yêu cầu của cấp trên, mà trách nhiệm sẽ
thuộc về người đã ban hành hướng dẫn đó, trong trường hợp này là chủ tịch thành
phố A.
– Khả năng thứ hai: Nếu vị chủ tịch quận này không thực hiện theo đúng hướng dẫn của
vị chủ tịch thành phố. Hệ quả là ở quan hệ bên trong, chủ tịch quận này đã vi
phạm nghĩa vụ công vụ, chứ không phải là một vi phạm pháp luật ở quan hệ bên
ngoài với người bị thiệt hại. Trường hợp này đương nhiên không phát sinh trách
nhiệm bồi thường nhà nước.
1.3.2.Theo pháp luật Việt Nam
Theo Luật TNBTCNN Việt Nam thì khái niệm „hành vi trái pháp luật của người thi hành công
vụ“ không được định nghĩa. Trên thực tế, người thi hành công vụ chịu sự
ràng buộc bởi những hướng dẫn bên trong hoặc các qui tắc hành chính. Do vậy
điều kiện qui định tại Điều 6 Khoản 1 Mục a Luật TNBTCNN („Có văn bản xác định hành vi trái pháp luật
của người thi hành công vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền“) theo quan
điểm của tác giả bài viết là rất khó khả thi. Ngoài ra, việc ban hành chậm các
qui phạm pháp luật theo kế hoạch theo quan điểm của tác giả bài viết cũng là
một hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ. Điểm này Luật TNBTCNN cũng như các văn
bản hướng dẫn đến nay chưa được giải quyết, làm rõ.
2. Xâm phạm lợi ích của bên thứ ba (Drittbezogenheit)
2.1. Theo
pháp luật Đức
Vi
phạm nghĩa vụ công vụ phải xâm phạm lợi ích của bên thứ ba (gegenüber einem Dritten)
(Điều 839 Khoản 1 Câu 1
BLDS Đức và Điều 34 Câu 1 LCB). Bên thứ ba theo pháp luật Đức là
bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ công
vụ. Tiêu chí này phụ thuộc
chủ yếu vào hai yếu tố: Thứ nhất là người bị thiệt hại phải là chủ thể thuộc
phạm vi bảo vệ nghĩa vụ công vụ (personaler
Drittbezug) và thứ hai là phải xác định được quyền hoặc lợi ích hợp pháp
của bên thứ ba đã bị xâm hại (sachlicher
Drittbezug).
Nhóm tác giả Sodan/Ziekow cho rằng: „Việc
xâm phạm lợi ích của bên thứ ba chỉ tồn tại khi chứng minh được rằng một quyền
lợi hợp pháp cụ thể của họ bị xâm phạm, mà quyền lợi này đã được xác định là
thuộc trách nhiệm phải bảo vệ của người thi hành công vụ.“
Bên thứ ba theo pháp luật Đức không
chỉ bao gồm những chủ thể là cá nhân, tổ chức thông thường mà còn bao gồm cả những
chủ thể là các cơ quan hành chính nhà nước (Verwaltungsträger). Tác giả Detterbeck lý giải rằng trường hợp bên thứ ba là cơ
quan hành chính nhà nước khi chủ thể gây thiệt hại và cơ quan hành chính đó
không có quan hệ trực thuộc và thực hiện những chức năng, nhiệm vụ công khác
nhau.
2.2. Theo pháp luật Việt Nam
Điều 2 Luật TNBTCNN không
sử dụng thuật ngữ „bên thứ ba“, mà sử
dụng thuật ngữ „người bị thiệt hại“. Cá
nhân, tổ chức được coi là người bị thiệt hại khi thuộc một trong các trường hợp
được qui định tại các Điều 13, 26, 28, 38 và 39 của Luật này. Khác với
luật Đức, nhà làm luật Việt Nam giới hạn phạm vi „người bị thiệt hại“ bằng cách liệt kê các trường hợp cụ thể ở
trong luật.
2.3. Quan điểm của tác giả
2.3.1. Theo pháp luật Đức
Phạm vi bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường
công vụ của Đức không bao quát những vi phạm trong lĩnh vực lập pháp. Có một
ngoại lệ về khái niệm bên thứ ba đối với các qui hoạch xây dựng (Bebauungsplan - theo Điều 1 Khoản 2
trường hợp 2 Điều 8 Luật xây dựng). Theo đó, một qui hoạch xây dựng
được coi như là một văn bản qui phạm hướng dẫn (Satzung - Điều 10 Khoản 1 Luật xây dựng). Nếu như qui
hoạch xây dựng này được ban hành và tổ chức thực hiện xâm phạm đến lợi ích của
bên thứ ba thì chủ thể đó sẽ có quyền yêu cầu được nhà nước bồi thường. Câu hỏi
tại sao qui hoạch xây dựng lại là một trường hợp ngoại lệ, trường hợp khác thì
không (ví dụ một văn bản qui định nội qui
của một trường Đại học), theo tác giả đến nay vẫn chưa có những lý giải
thực sự thuyết phục.
2.3.2. Theo pháp luật Việt Nam
Theo pháp
luật Việt Nam, khái niệm „người bị thiệt
hại“ cũng chưa được làm rõ. Không chỉ bị giới hạn bởi các Điều 13, 26,
28, 38 và 39 Luật TNBTCNN, một giới hạn quan trọng khác là ở Điều 6 Khoản 1 Luật TNBTCNN,
trong đó yêu cầu phải có văn bản của cơ
quan có thẩm quyền xác định hành vi vi phạm pháp luật. Tác giả bài viết cho
rằng những giới hạn này mâu thuẫn và vi phạm các qui định về quyền yêu cầu bồi
thường theo Điều 72 và Điều 74 HP Việt Nam 1992, theo đó người bị
thiệt hại không bị giới hạn trong bất cứ lĩnh vực vi phạm pháp luật nào của
hành vi công quyền. Theo pháp
luật Việt Nam, một cơ quan hành chính nhà nước không thể trở thành bên thứ ba
theo nghĩa là chủ thể bị thiệt hại. Hay nói cách khác, luật Việt Nam chưa lường
tính đến hay chưa có qui định cụ thể về vấn đề này.
3. Lỗi (Verschulden)
3.1. Theo pháp luật Đức
Theo qui định
tại Điều 839 Khoản 1 Câu 1 BLDS Đức thì điều kiện lỗi của người
thi hành công vụ là một trong những điều kiện bắt buộc của quyền yêu cầu bồi
thường nhà nước. Điều 276 Khoản 2 BLDS Đức định nghĩa rằng để xác
định lỗi vô ý phải căn cứ vào nhận thức và khả năng của những công chức ở mức
trung bình („pflichtgetreue
Durchschnittsbeamte”) để xác định. Tác giả Detterbeck giải thích rằng lỗi theo nghĩa của Điều 839 BLDS Đức
chỉ trong mối liên hệ với hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ, chứ không phải
trong mối liên hệ với thiệt hại hay là quan hệ nhân quả.
3.2. Theo pháp luật Việt Nam
Vấn đề lỗi theo Luật TNBTCNN ở Việt
Nam hiện nay rất đáng bàn. Điều 6 Khoản 1 và 2 Luật TNBTCNN
không coi yếu tố lỗi là điều kiện bắt buộc, bởi lẽ điều khoản này chỉ qui định
điều kiện „hành vi trái pháp luật“.
Hành vi trái pháp luật theo pháp luật Việt Nam chỉ là một trong những dấu hiệu cơ
bản để nhận biết vi phạm pháp luật (Rechtsverletzung),
đó là yếu tố thuộc mặt khách quan của một vi phạm pháp luật.
Nhà làm luật Việt Nam khi xây dựng Luật TNBTCNN có
mong muốn rất tiến bộ rằng nên coi TNBTCNN là một dạng cụ thể của trách nhiệm
bồi thường ngoài hợp đồng, tức là xác định TNBTCNN không phụ thuộc vào yếu tố
lỗi. Tuy nhiên dù cho Điều 6 không trực tiếp qui định điều kiện lỗi của
người thi hành công vụ nhưng lại đặt điều kiện ở Điều 3 Khoản 3, Điều 6
Khoản 1 Mục a Luật TNBTCNN rằng: phải có „văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là
quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại, tố cáo […]“. Điều 2 Khoản 1 Luật tố cáo không sử dụng
khái niệm „trái pháp luật“, mà sử
dụng khái niệm „vi phạm pháp luật“,
một thuật ngữ bao hàm trong đó cả yếu tố lỗi. Điều này đi ngược lại mong muốn
ban đầu của nhà làm luật và cho thấy rằng lỗi vẫn là điều kiện gián tiếp nếu
căn cứ vào Điều 2 Khoản 1 Luật tố cáo.
3.3. Quan điểm của tác giả
3.3.1.Theo pháp luật Đức
Trái ngược với Điều 839 Khoản 1 Câu 1
BLDS Đức, Điều 34 Câu 1 LCB không coi điều kiện lỗi của người thi
hành công vụ là điều kiện bắt buộc. Từ đây cũng đặt ra một số vấn đề khoa học
cần trao đổi:
– Liệu có tồn tại sự khác biệt giữa vi phạm nghĩa vụ
công vụ và vi phạm pháp luật công vụ không? Tác giả cho rằng, giữa vi phạm
nghĩa vụ công vụ và vi phạm pháp luật công vụ cần được phân biệt như sau: Vi
phạm nghĩa vụ công vụ chỉ bao quát quan hệ bên trong giữa người thi hành công
vụ và nhà nước. Ngược lại vi phạm pháp luật liên quan đến quan hệ bên ngoài
giữa bên thứ ba (người bị thiệt hại)
và nhà nước.
– Ai sẽ phải chứng minh lỗi: người bị thiệt hại hay
người thi hành công vụ? Thông thường ai khởi kiện người đó có nghĩa vụ chứng
minh, nhưng thực tế, người bị thiệt hại thường rất khó tiếp cận với các tài
liệu, hồ sơ, chứng cứ vốn dĩ thuộc sự quản lý của nhà nước. Chính vì vậy tác
giả bài viết cho rằng nên có qui định người thi hành công vụ phải có nghĩa vụ
chứng minh rằng mình không có lỗi. Cách tiếp cận này theo tác giả bài viết sẽ
góp phần hạn chế tình trạng cửa quyền và quan liêu trong việc giải quyết bồi
thường.
3.3.2. Theo pháp luật Việt Nam
– Không có lỗi, nhưng có gây ra thiệt hại: Trên thực tế
có thể xảy ra tình trạng người thi hành công vụ không có lỗi nhưng hành vi của
người thi hành công vụ vẫn có khả năng gây ra thiệt hại cho bên thứ ba (người bị thiệt hại). Trong Luật TNBTCNN
Việt Nam không qui định rõ trường hợp này, vì vậy theo quan điểm của tác giả
bài viết nhà làm luật Việt Nam cần tiếp cận theo hướng trách nhiệm bồi thường
thiệt hại không phụ thuộc vào yếu tố lỗi, hay nói cách khác trong trường hợp
người bị thiệt hại chứng minh rằng có thiệt hại do người thi hành công vụ gây
ra thì người đó vẫn được hưởng bồi thường từ phía nhà nước.
– Bảo vệ quyền lợi pháp lý của người bị thiệt hại theo Điều 26
Luật TNBTCNN:
Điều 26 Luật TNBTCNN
chỉ qui định cho những trường hợp bị oan, nhưng trong những trường hợp sai và gây
thiệt hại cho bên thứ ba trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự thì không
được bồi thường. Điều này theo tác giả bài viết là chưa thực sự công bằng. Mục
đích cao nhất của Luật TNBTCNN
là phải bảo vệ người bị thiệt hại, vì vậy phạm vi bồi thường của Điều 26
cần được mở rộng cả trong những trường hợp nêu trên.
– Các trường hợp gây tranh cãi (zweifelhafte oder umstrittene Rechtslage): Nâng cao năng lực tự
quyết và tự chịu trách nhiệm của người thi hành công vụ là một trong những lợi
ích và mục đích của pháp luật TNBTCNN. Trong những tình huống pháp luật còn có
những quan điểm khác nhau (zweifelhafte
oder umstrittene Rechtslage), nếu người thi hành công vụ đã kiểm tra kĩ các
thủ tục pháp lý và dựa trên các nguyên tắc pháp luật chung được thừa nhận để xử
lý thì theo pháp luật Đức người thi hành công vụ đó không có lỗi. Tác giả
cho rằng, nhà làm luật Việt Nam nên nghiên cứu, tham khảo luật của Đức để có qui
định tương ứng với điều kiện Việt Nam.
– Lỗi tổ chức: Trong lĩnh vực TNBTCNN ở Đức có một
trường hợp xảy ra khá phổ biến là Lỗi tổ chức (Organisationsverschulden). Trường hợp này xảy ra khi bên thứ ba chịu thiệt hại
do hành vi công quyền của một cơ quan nhà nước cụ thể gây ra, nhưng không xác
định được người thi hành công vụ cụ thể nào có lỗi, mà lỗi là do công tác tổ
chức và điều hành của cơ quan đó. Trong trường hợp này, luật Đức xác định cơ quan công
quyền gây ra thiệt hại cho bên thứ ba có nghĩa vụ phải bồi thường, bất luận là
có tìm ra người có lỗi cụ thể hay không. Tác giả cho rằng đây là một qui định
tiến bộ, theo hướng TNBTCNN không phụ thuộc vào yếu tố lỗi của người thi hành
công vụ, nên được tham khảo trong quá trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam.
4. Thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại xảy ra
4.1. Theo pháp luật Đức
Điều kiện thiệt hại (Schaden) và mối quan hệ nhân quả (Kausalität) là hai điều kiện quan trọng của quyền yêu cầu bồi
thường trách nhiệm bồi thường công vụ ở Đức, được qui định ở Điều 839 BLDS
Đức. Thiệt hại
bao gồm cả những thiệt hại tài sản và thiệt hại phi tài sản. Phạm vi bồi thường trách nhiệm bồi thường
công vụ theo pháp luật Đức căn cứ vào các Điều 249, 252, 253 BLDS khá
rộng và chi tiết. Việc bồi thường bao gồm toàn bộ những thiệt hại phát sinh,
bao gồm bồi thường bằng tiền đối với những thiệt hại vật chất (Điều 249 BLDS Đức), bồi thường do
mất cơ hội kinh doanh, đầu tư (ein
entgangener Gewinn - Điều 252 BLDS Đức), bồi thường cho những tổn
thương về tinh thần – tiền đau thương (Điều 253
Khoản 2 BLDS Đức). Ở Đức, thuyết quan hệ liên quan (Adäquanztheorie) được vận dụng để xác định mối quan hệ nhân quả.
Nội dung cơ bản của lý thuyết này là những điều kiện được coi là liên quan (kausal) đến việc bồi thường khi những điều kiện đó có khả năng được thấy trước bằng kinh nghiệm sống thông thường. Ví dụ: Cảnh sát A gây tai nạn cho công dân X trong khi thi hành công vụ một cách có lỗi. Khi bà Y, vợ của nạn nhân X nghe tin báo về vụ tai nạn, bà đã đột ngột qua đời. Trong truờng hợp này theo luật Đức, hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ của cảnh sát A không có mối quan hệ nhân quả với cái chết của bà Y, do cái chết của bà là không thể thấy trước.
4.2. Theo pháp luật Việt Nam
Luật TNBTCNN Việt
Nam không làm rõ khái niệm mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của
người thi hành công vụ và thiệt hại. Hàng loạt các trường hợp còn bỏ ngỏ trong
luật. Chẳng hạn như:
– Trường hợp
1: Một cảnh sát T gây ra tai nạn trong khi thực thi nhiệm
vụ công, theo đó gây tai nạn cho một công dân X. Người công dân này đang trên
đường đi kí kết một hợp đồng rất quan trọng trị giá 250 triệu đồng tiền Việt (khoảng 10.000 Euro). Do tai nạn xảy ra,
người đó đã bị mất cơ hội kinh doanh. Câu hỏi đặt ra rằng trong trường hợp này
người bị thiệt hại có được bồi thường không nếu chứng minh được rằng hành vi vi
phạm của cảnh sát và thiệt hại về cơ hội của X là có mối quan hệ nhân quả.
– Trường hợp
2: Công chức M gây tai nạn trong khi thực thi công vụ cho
công dân N. Người vợ của N bị bệnh tim từ lâu nay nghe tin chồng bị tại nạn đã phải
nằm viện để điều trị với nhiều chi phí tốn kém, con cái không có người chăm lo
phải bỏ học. Vậy N có được bồi thường những khoản chi phí này không?
Tác giả bài viết cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của
người bị thiệt hại, trong cả hai trường hợp nêu trên Luật bồi thường nhà nước
nên bổ sung qui định bồi thường cho trường hợp mất cơ hội kinh doanh và tiền
đau thương căn cứ vào mức độ thiệt hại giống với luật Đức cho hai trường hợp
này.
VII. Luật TNBTCNN trong tương lai pháp luật Việt Nam
Trên cơ sở nghiên cứu, so sánh với pháp luật TNBTCNN
Đức, tác giả cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện Luật TNBTCNN theo những nội dung
cụ thể sau:
1. Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trực tiếp theo
nghĩa nhà nước là chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm
Để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước khác nhau
trong quá trình tiến hành bồi thường, nhà làm luật Việt Nam nên qui định rõ
trong luật rằng quyền yêu cầu bồi thường
của người bị thiệt hại chỉ đối với một chủ thể duy nhất là nhà nước. TNBTCNN
phải được qui định trước tiên ở trong Hiến pháp. Người bị thiệt hại có quyền
yêu cầu nhà nước bồi thường đối với những thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp luật trong thi hành công vụ gây ra thiệt
hại, xâm phạm lợi ích của người bị thiệt hại. Đề xuất này theo tác giả bài
viết là có ích, bởi lẽ nó sẽ tránh được những tranh chấp về trách nhiệm bồi
thường giữa các cơ quan nhà nước khác nhau. Cần qui định TNBTCNN là một
chế định của Luật công để phân biệt với các dạng bồi thường của luật tư. Người
thi hành công vụ phải có nghĩa vụ chứng minh rằng mình thực hiện đúng các nghĩa
vụ, không có lỗi và không gây ra thiệt hại cho cá nhân, tổ chức yêu cầu bồi
thường, thay vì cách qui định trách nhiệm chứng minh thuộc về người bị thiệt
hại như lâu nay.
2. Phân biệt giữa trách nhiệm bồi thường của nhà nước trực
tiếp và các quyền yêu cầu bồi thường khác theo luật dân sự
Như trên đã nêu, hiện nay các Điều 619, 620 BLDS Việt
Nam 2005 tồn tại song song với Luật TNBTCNN là một mâu
thuẫn lớn. Tác giả bài viết cho rằng nhà làm luật Việt Nam nên có một qui định
nêu rõ mối quan hệ giữa các Điều 619, 620 BLDS Việt
Nam và Luật TNBTCNN. Trong đó cần xác định rõ, TNBTCNN
không thuộc lĩnh vực luật dân sự, bởi lẽ trách nhiệm này chỉ phát sinh khi
người thực thi công vụ nhân danh nhà nước thực thi chức năng, nhiệm vụ pháp
luật qui định.
Ngoài ra, cần làm rõ vì đây là TNBTCNN nên trách nhiệm
là thuộc về nhà nước, chứ không phải thuộc về trách nhiệm người thi hành công
vụ hay là cơ quan nhà nước tương ứng, nơi mà người thi hành công vụ đã gây ra
thiệt hại. Hay nói cụ thể hơn, nếu một người thi hành công vụ thực hiện hành vi
thuộc lĩnh vực điều chỉnh của luật tư hoặc vì những động cơ cá nhân thì các qui
định trách nhiệm của luật tư (Điều 619,
620 BLDS Việt
Nam và các qui định tương ứng) sẽ được áp dụng.
3. Phạm vi áp dụng của Luật TNBTCNN
Hiện tại nhà nước chỉ chịu trách nhiệm bồi thường cho
những hành vi trái pháp luật trong một số trường hợp được liệt kê thuộc lĩnh
vực hành chính (Điều 13 Luật
TNBTCNN), tố tụng hình sự (Điều 26
Luật
TNBTCNN), tố tụng hành chính và dân sự (Điều 28 Luật
TNBTCNN), Lĩnh vực thi hành án dân sự (Điều 38 Luật
TNBTCNN) và thi hành án hình sự (Điều 39 Luật
TNBTCNN).
Chính vì vậy phạm vi TNBTCNN rất hạn hẹp. Trong tương
lai phạm vi này cần được mở rộng.
Ngoài ra việc chậm ban hành các văn bản pháp lý hướng
dẫn theo kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ theo tác giả bài viết cũng là một
dạng vi phạm nghĩa vụ công vụ, bởi lẽ người thi hành công vụ đã không thực hiện
đúng yêu cầu của cấp trên. Luật TNBTCNN là
trường hợp điển hình. Cũng chính vì thiếu các văn bản hướng dẫn nên đến nay Luật TNBTCNN vẫn
chưa được thực thi một cách đầy đủ trên thực tế sau hơn hai năm có hiệu lực.
4. Hành vi trái pháp luật xâm phạm lợi ích của bên thứ ba
Điều 6 Khoản 1 Luật TNBTCNN không
rõ ràng; phần nhiều qui định này bảo vệ lợi ích của nhà nước chứ không phải
người bị thiệt hại. Nhà làm luật cần sử dụng thống nhất khái niệm „hành vi
trái pháp luật của người thi hành công vụ” trong luật, để thể hiện rõ quan hệ bồi thường là quan hệ bên ngoài giữa
nhà nước và công dân. Hành vi vi phạm ở đây là hành vi trái pháp luật (quan hệ bên ngoài) chứ không phải trái
với nghĩa vụ công vụ giữa người thi hành công vụ với cấp trên của mình (quan hệ bên trong).
|
Hình vẽ minh họa: Trách nhiệm bồi thường của nhà nước với người bị thiệt hại |
Người bị thiệt hại nên được định nghĩa lại trong luật,
theo đó các cá nhân, tổ chức được coi là người bị thiệt hại khi phải chịu các
thiệt hại về vật chất hoặc tinh thần do hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp luật của
người thi hành công vụ gây ra.
5. Trách nhiệm bồi thường của nhà nước không phụ thuộc
vào yếu tố lỗi
Để bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại, tác giả
bài viết cho rằng yếu tố lỗi không nên là một điều kiện bắt buộc thuộc căn cứ
xác định TNBTCNN. Luật TNBTCNN nên
bãi bỏ những điều kiện không phù hợp của Điều 6 Khoản 1 Luật TNBTCNN,
đồng thời nên tham khảo các qui định của luật Đức như:
– Nếu hành vi của người thi hành công vụ mà trái luật
nhưng không vi phạm nghĩa vụ công vụ, ví dụ ban hành quyết định do thực hiện
hướng dẫn của cấp trên mà hướng dẫn đó trái luật. Trường hợp này, người bị
thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường đối với nhà nước và nhà nước yêu cầu bồi
hoàn đối với cấp trên đã ban hành văn bản trái luật đó, chứ không phải đối với
công chức thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao cho.
– Đối với những tình huống phức tạp, gây nhiều tranh
cãi, người thi hành công vụ sẽ không có lỗi nếu người đó đã xem xét kĩ càng các
cơ sở pháp lý, hoàn cảnh thực tế và giải quyết vấn đề một cách có cơ sở. Qui
định này có ý nghĩa tích cực là bảo vệ lợi ích của người thi hành công vụ, nâng
cao tính năng động, chủ động, tích cực giải quyết công việc của công chức trong
khi thi hành công vụ.
– Lỗi tổ chức – như trên đã trình bày - cũng là một vấn
đề đáng tham khảo đối với Việt Nam, áp dụng cho những trường hợp mà công dân
phải chịu thiệt hại do hành vi của công quyền và trong cơ quan, tổ chức đó
không tìm ra một người có lỗi cụ thể.
6. Thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái
pháp luật của người thi hành công vụ và thiệt hại xảy ra
Chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm
và thiệt hại thực tế có ý nghĩa quan trọng. Theo tác giả trong Luật TNBTCNN nên
có một định nghĩa pháp lý xác định rõ, mối quan hệ nhân quả được hiểu như thế
nào. Nhà làm luật Việt Nam cũng nên tham khảo thuyết quan hệ liên quan (Theorie
des adäquaten Kausalzusammenhanges) của Đức để xác định một cách chính xác
mối quan hệ nhân quả, thuận lợi cho công tác bồi thường.
7. Về phạm vi và mức bồi thường
Luật TNBTCNN Việt Nam không qui định phạm vi bồi thường một cách đầy đủ.
Mức bồi thường thực tế cho người bị thiệt hại ở Việt
Nam thường thấp hơn rất nhiều so với những thiệt hại thực tế đã xảy ra. Luật
TNBTCNN trong tương lai cần phải làm rõ hai khái niệm „bồi thường“ và „đền bù“.
Việc bồi thường toàn bộ thiệt hại phù hợp với các nguyên tắc của nhà nước pháp
quyền hiện đại, bởi lẽ nhà nước trong nhà
nước pháp quyền phải chịu hoàn toàn trách nhiệm giống như người thi hành công
vụ có thể phải gánh chịu với tư cách là một cá nhân. Vì lẽ đó, trong tương
lai, phạm vi bồi thường không nên chỉ giới hạn bởi bồi thường bằng tiền đối với
thiệt hại vật chất mà còn qui định cả những khoản bồi thường cho những thiệt
hại phi vật chất như chi trả cho cơ hội làm ăn, cơ hội học tập bị mất, nếu
chứng minh được giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp luật của người thực thi công
vụ và hậu quả là có mối quan hệ nhân quả, chi trả cho những thiệt hại phi vật
chất khác mà người bị thiệt hại phải gánh chịu căn cứ vào mức độ thiệt hại thực
tế.
Tóm lại, một đạo luật nói chung cũng như Luật TNBTCNN
ở Việt Nam nói riêng chỉ thành công khi những đạo luật này được thực thi hiệu
quả trên thực tế. Những gì được qui định ở trong luật TNBTCNN là một vấn đề.
Việc thi hành được không và thi hành như thế nào những điều khoản đã được thông
qua lại là một vấn đề khác. Tác giả bài viết cho rằng những yếu tố có tính chất
quyết định nhất là điều kiện kinh tế, hệ thống chính trị, sự độc lập của Tòa
án, chất lượng công chức cũng như tập quán và nhận thức pháp luật của người
dân. Những yếu tố này cần phải được dần hoàn thiện, bổ khuyết song hành với
những đề xuất nêu trên.