Nguồn: Tạp chí Nhà nước và Pháp luật,
Số 5 (289) 2012, đăng ngày 14/5/2012, tr. 39–47, đường link mục lục tạp chí tại đây.
Trường phái pháp luật lịch sử
(die historische Rechtsschule) là trường phái pháp luật lớn, phát triển
mạnh nhất ở Đức trong suốt thế kỷ XIX. Mở đầu cho sự ra đời của trường phái
pháp luật lịch sử này là cuộc tranh luận khoa học giữa hai nhà luật học Thibaut (1772–1840) và Savigny (1779–1861) về vấn
đề pháp điển hóa Bộ luật dân sự thống nhất của nước Đức. Những học giả của
trường phái pháp luật lịch sử, mà người sáng lập là Savigny đã có nhiều đóng
góp quan trọng trong sự phát triển khoa học pháp lý ở Đức, trong đó quan trọng
nhất là việc xây dựng một phương pháp tiếp cận pháp luật mới, khảo cứu một cách
toàn diện, có hệ thống Luật La Mã và thực tiễn áp dụng ở thời trung cổ để đưa
ra những đóng góp tích cực vào quá trình pháp điển hóa Bộ luật dân sự của Đức
năm 1900.
1. Tác phẩm “Về sự cần thiết
ra đời bộ pháp điển hóa Luật dân sự thống nhất ở Đức” năm 1814 của Thibaut
Cuối thế
kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, các vùng trên nước Đức như Bayern (1756), Preußen
(1794), Baden (1809) đều đã xây dựng được các bộ pháp điển riêng về dân luật. Những
nơi khác, Tòa án vẫn áp dụng Luật La Mã và Luật của giáo hội từ thời trung cổ. Khác
với Pháp và Áo, đế chế Đức lúc đó vẫn chưa có sự thống nhất về chính trị. Cuộc
xung đột vũ trang giữa quân đội Pháp và Đức (1813–1815) cũng như sự ra đời của Bộ luật dân sự của Pháp 1804 là động lực cho
những nhà luật học Đức yêu nước mong muốn xây dựng một Bộ pháp điển dân luật thống
nhất. Họ cho rằng đây sẽ là một bước quan trọng để tiến tới sự thống nhất về
chính trị trên toàn lãnh thổ nước Đức.
|
Thibaut (1772-1840) |
Năm 1814,
Thibaut, một Giáo sư luật học của Đại
học Heidelberg đã viết cuốn sách Sự cần
thiết ra đời bộ pháp điển hóa Luật dân sự thống nhất ở Đức (Über die
Notwendigkeit eines allgemeinen bürgerlichen Rechts für Deutschland) để khẳng
định nhu cầu này.
Trong tác
phẩm này, ông đã nêu hai vấn đề chính:
Thứ nhất, bộ pháp điển Luật La Mã Corpus iuris civilis không còn phù hợp với
bối cảnh thế kỷ XIX. Trước tình trạng hàm hỗn của Luật La Mã, bao gồm cả những
chế định luật dân sự, luật hình sự, luật tố tụng, ông đề xuất cần phải tách
riêng những chế định của luật tư – những chế định liên quan đến các quan hệ pháp luật có tính chất phi nhà nước.
Thứ hai, chính tình trạng pháp luật thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng
chéo là nguyên nhân dẫn đến sự bất
công và sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật.
Vì vậy, việc pháp điển hóa là nhiệm vụ cấp
thiết của nhà nước, của những nhà lập pháp và chính trị để khái quát hóa toàn
bộ hệ thống dân luật.
Với tác
phẩm này, Thibaut là người đầu tiên
đặt ra vấn đề xây dựng bộ pháp điển dân
luật thống nhất cho toàn nước Đức.
Tuy nhiên vấn đề cách thức làm như thế nào để pháp điển hóa hiệu quả thì ông
chưa có điều kiện làm rõ trong tác phẩm này.
2. Tác phẩm “Nhiệm vụ của thời
đại chúng ta đối với hoạt động lập pháp và khoa học pháp lý” năm 1814 của Savigny
và sự ra đời của trường phái pháp luật lịch sử
|
Savigny (1779-1861) |
Savigny sinh năm 1779 trong một gia đình
quí tộc ở Frankfurt am Main. Ông đã đi chu du nhiều nơi, đọc nhiều sách, trao
đổi với nhiều học giả và có điều kiện cảm nhận sự đa dạng của cuộc sống.
Trong
giới luật học của Đức, Savigny được
đánh giá là một thiên tài, một nhà luật học xuất chúng, là Goethe của ngành luật.
Năm 16 tuổi, Savigny bắt đầu học luật, đến năm 21 tuổi (năm 1800), ông đã bảo
vệ xuất sắc luận án tiến sĩ luật học ở Marburg. Khi mới 24 tuổi (năm 1803), ông
đã được trường Đại học Marburg bổ nhiệm làm Giáo sư và sớm nổi tiếng với cuốn
sách Luật về quyền chiếm hữu (Das Recht
des Besitzes). Năm 1810, ông được mời về giảng dạy ở Đại học Humbolt Berlin.
Năm 1814,
Savigny đã viết tác phẩm “Nhiệm vụ của thời đại chúng ta đối với hoạt
động lập pháp và khoa học pháp lý” (Vom Beruf unserer Zeit für Gesetzgebung
und Rechtswissenschaft). Đây là tác phẩm ông viết để tranh luận với quan điểm
của Thibaut về vấn đề pháp điển hóa
Bộ luật dân sự.
Trước hết,
Savigny đồng tình với quan điểm của Thibaut rằng cần phải tách riêng các chế
định của luật tư và tiến hành pháp điển hóa Bộ luật dân sự. Tuy nhiên ông cũng đã
đưa ra ba luận điểm chính để phê phán quan điểm của Thibaut và đề xuất những cách
tiếp cận mới:
– Thứ nhất, pháp điển hóa trước tiên là nhiệm
vụ của những nhà luật học. Ông đưa ra lập luận: “Không phải cứ có một bộ luật mới là những quyền lợi của người dân sẽ
được đảm bảo, mà quan trọng là nội dung của bộ luật đó là gì, phục vụ cho lợi
ích của ai.” Từ
đó ông phê phán quan điểm của Thibaut: “Không
ai được phép chính trị hóa pháp luật. Một
công trình pháp điển chỉ thành công khi nó có sự tham gia rộng rãi của những
nhà luật học, hay nói cách khác là phải bằng con đường khoa học, chứ không phải
con đường chính trị.”
– Thứ hai, một bộ pháp điển hóa chỉ có sức
sống lâu dài khi có một sức sống nội sinh, phản ánh tập quán, thói quen sinh
hoạt của nhân dân. Ông nhấn mạnh: “Luật
pháp không phải là một chiếc áo mà có thể thay đổi một cách dễ dàng. Muốn có
sức sống lâu dài, luật pháp phải có một sức sống nội sinh (innere Kräfte). Sức
sống ấy được hình thành, phát triển trong một thời gian dài.”
Ông nói: “Luật pháp sống với nhân dân, hình thành ra bởi nhân dân. Cách mà
luật pháp được hình thành thực chất là kết quả của một quá trình thích nghi với
tập quán, tâm lý, thói quen, đạo đức, niềm tin của nhân dân v.v...”
– Thứ ba, việc pháp điển hóa chỉ thành công
khi có sự đầu tư nghiên cứu toàn diện pháp luật từ lịch sử, hiểu pháp luật
thông qua công cụ lịch sử. Savigny cho
rằng “khoa học pháp lý thực chất là một khoa học luật lịch sử, bởi lẽ tất cả
những gì là luật pháp, đều phản ánh tính phù hợp đời sống khách quan trong một
chiều dài diễn tiến lịch sử.”
Từ đó ông đưa ra nhận định và đề xuất: “Kế hoạch pháp điển mà Thibaut đưa ra
là nóng vội. Việc xây dựng bộ pháp điển lúc này là chưa chín muồi, cần phải ưu
tiên cho việc nghiên cứu pháp luật trước khi tiến hành pháp điển.
Do vậy, cần phải nghiên cứu, kế thừa có
chọn lọc Luật La Mã trong lịch sử, nghiên cứu một cách toàn diện tập quán sử
dụng pháp luật của người dân (Volkgeist), chính xác hóa lại các khái niệm trước
khi pháp điển hóa.”
Với việc
phê phán quan điểm về pháp điển của Thibaut,
Savigny đã thực sự thuyết phục được
nhiều nhà khoa học lúc bấy giờ và trở thành người sáng lập, người mở đường cho
một trường phái pháp luật mới, một trường phái pháp luật lớn nhất, nhiều đại
biểu nhất thế kỷ XIX – trường phái pháp luật lịch sử (die historische Rechtsschule), thay
thế vị trí độc tôn của trường phái pháp
luật tự nhiên ở Đức thế kỷ XVIII.
“Một
công trình pháp điển chỉ thành công khi nó có sự tham gia rộng rãi của những
nhà luật học, hay nói cách khác là phải bằng con đường khoa học, chứ không phải
con đường chính trị.” – Savigny (1779-1861) |
Nếu
như trường phái luật tự nhiên
(Naturrecht) thế kỷ XVIII cho rằng để đảm bảo được mục tiêu công bằng, luật
pháp của con người cần được xây dựng sao cho phù hợp với luật tự nhiên
(Naturrecht/natural law) – điều mà con người
có thể khám phá nhờ vào tư duy lý trí
(Vernunft) của mình, thì những học giả theo trường
phái pháp luật lịch sử lại cho rằng có rất nhiều những tập quán, qui tắc tồn
tại một cách khách quan không phụ thuộc vào lý trí của con người. Luật
pháp chịu sự ràng buộc bởi điều kiện lịch sử, văn hóa, xã hội. Vì vậy muốn hiểu
luật pháp phải thông qua lịch sử, tức là hiểu luật pháp trong một quá trình
phát triển.
Năm 1814,
cùng với Karl Friedrich Eichhorn
(1781–1854) và Johann Friedrich Ludwig Goeschen (1778–1873), Savigny
đã sáng lập ra Tạp chí khoa học luật lịch sử, chuyên nghiên cứu về các vấn đề
lịch sử pháp lý, đặc biệt là Lịch sử Luật La Mã. Trong thời gian từ năm 1815
đến 1831, Savigny đã lần lượt cho ra
đời sáu tập của bộ sách “Lịch sử của
Luật La Mã thời trung cổ” (Geschichte des römischen Rechts im Mittelalter).
Đây là công trình khoa học khảo cứu một cách toàn diện nhất về lịch sử Luật La
Mã. Các nhà khoa học Đức đã đánh giá rằng cho đến thời điểm thế kỷ XIX trên toàn thế giới chưa có một công trình khoa học pháp lý nào nghiên cứu
một cách toàn diện, sâu sắc và đầy đủ hơn tác phẩm này của Savigny về lịch sử Luật La Mã thời trung cổ.
Ngoài ra Savigny còn đưa luận thuyết của mình lên một tầm cao mới khi chỉ rõ được những
giá trị của những chế định cụ thể nào của Luật La Mã cần kế thừa khi tiến hành
pháp điển Bộ luật dân sự trong bộ sách gồm tám tập “Hệ thống Luật La Mã hiện nay” (System des heutigen römischen Rechts)
(1840–1849) và bộ sách gồm hai tập “Luật nghĩa vụ” (Obligationenrechts)
(1851–1853).
“Khoa học pháp lý thực chất là một khoa học luật lịch sử, bởi lẽ tất cả
những gì là luật pháp, đều phản ánh tính phù hợp với đời sống khách quan trong một
chiều dài diễn tiến lịch sử.” – Savigny (1779-1861) |
Thực tế
sau này trong trường phái pháp luật lịch sử có sự phân chia tiếp thành hai
trường phái nhỏ hơn đó là: trường phái
thân luật La Mã (Romanist) mà đại biểu tiêu biểu là Savigny, G.F. Puchta, Bernhard Windscheid và trường phái thân luật Đức (Germanist) mà đại biểu tiêu biểu là Otto von Gierke, Karl Friedrich, Jakob
Grimm, George Beseler. Hai trường phái này mặc dù hướng nghiên cứu khác
nhau nhưng thống nhất ở xuất phát điểm phương pháp tiếp cận, coi lịch sử là
phương tiện để hiểu pháp luật mà Savigny đã đưa ra và thực tế kết quả nghiên
cứu của cả hai trường phái này là sự bổ khuyết cho nhau.
3. Đóng góp của trường phái pháp luật lịch
sử trong việc pháp điển hóa Bộ luật dân sự Đức năm 1900
Người đã
kế thừa tư tưởng của Savigny là Giáo
sư G. F. Puchta (1798–1846). Puchta
đã kế thừa sâu sắc những tư tưởng của Savigny
về phương pháp tiếp cận pháp luật, bổ sung một hệ thống các khái niệm mới trên
cơ sở tiếp thu các khái niệm của Luật La Mã như các khái niệm: quyền tuyệt đối (absolutes Recht), quyền đối vật (dingliches Recht), thế chấp (Pfandrecht), cầm cố (Grund-schuld)…
Savigny và Puchta đã nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống các khái niệm của
Luật La Mã, hệ thống hóa chúng và xây dựng một ngành khoa học mới – khoa học nghiên cứu về lịch sử Luật La Mã
(Pandektenwissenschaft).
Những
công trình khoa học, đặc biệt là phương pháp tiếp cận của Savigny và Puchta về
lịch sử luật La Mã, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến việc pháp điển Bộ luật dân sự
của Đức năm 1900 sau này.
“Xã hội cần được hiểu là một cộng đồng trong đó các thành viên được phát
huy tất cả những tiềm năng, khả năng ở mức độ cao nhất, cùng nhau hợp tác để vì
mục tiêu phục vụ lợi ích xã hội chung.
Khi phúc lợi chung được đảm bảo thì khi đó mới hiện thực hóa được yêu cầu về công
bằng xã hội.” Otto von Gierke (1841-1921) |
Bộ luật dân sự Đức (Bürgerliches Gesetzbuch – BGB)
được hai viện thông qua năm 1896 và có hiệu lực vào ngày 1/1/1900.
Trước khi được thông qua, Bộ luật này đã trải qua hai giai đoạn xây dựng dự
thảo, lấy ý kiến và chỉnh sửa, kéo dài trong suốt 21 năm. Trong cả hai giai
đoạn (giai đoạn 1 [1874–1889] và giai đoạn hai [1889–1895]), các học giả của trường phái pháp luật lịch
sử, nổi bật là hai nhà luật học Rudolf
von Ihering
và Otto von Gierke
đã kế thừa phương pháp tiếp cận và hệ thống các thuật ngữ pháp luật mà Savigny
và Puchta đưa ra
đồng thời trực tiếp bổ sung thêm hàng loạt các thuật ngữ pháp lý mới trong các
bản dự thảo của Bộ luật.
|
Otto von Gierke (1841-1921) |
Đại diện
tiêu biểu của trường phái pháp luật lịch
sử thân luật Đức (Germanist) Otto von
Gierke (1841–1921) là người đầu tiên xây dựng
một lý thuyết mới về luật hợp tác xã hội
Đức (Das Deutsche Genossenschaftsrecht) trong cuốn sách Nhiệm vụ xã hội của Bộ luật dân sự năm 1889. Lý thuyết này của Gierke có ảnh
hưởng rất lớn đến cách thức xây dựng Bộ luật dân sự 1900 trong việc giải bài
toán mối quan hệ giữa “lợi ích tư” và
“lợi ích công”.
Theo Gierke, xã hội cần được hiểu là một cộng đồng trong đó các thành viên được phát
huy tất cả những tiềm năng, khả năng ở mức độ cao nhất, cùng nhau hợp tác để vì
mục tiêu phục vụ lợi ích xã hội chung.
Khi phúc lợi chung được đảm bảo thì khi đó mới hiện thực hóa được yêu cầu về công
bằng xã hội (Gerechtigkeit).
Gierke cho rằng
vai trò điều tiết của nhà nước và các định chế pháp luật đóng vai trò rất quan
trọng, thông qua mở rộng tự do cá nhân,
mở rộng quyền tự do hợp đồng, mở rộng hợp
tác của các thành viên trong xã hội, nhà
nước sẽ có sức mạnh tài chính, từ việc có sức mạnh tài chính, nhà nước mới có thể
đảm bảo được các nhiệm vụ xã hội (soziale Gemeinschaft) và từ đó đảm bảo được
nguyên tắc công bằng (Gerechtigkeit).
Từ chủ thuyết này, Gierke đã tiếp tục
phân tích, phản biện trong tác phẩm Phê phán dự thảo
Bộ luật dân sự lần thứ nhất (Kritik am ersten Entwurf des BGB) và trở thành một trong những người
có đóng góp quan trọng nhất đối với việc pháp điển hóa Bộ luật dân sự Đức 1900.
4. Đóng góp của trường phái pháp luật lịch
sử trong việc xây dựng một quan niệm thống nhất về vấn đề nguồn của
pháp luật
Bên cạnh việc
đưa ra một hệ thống các khái niệm pháp lý có tính chuẩn mực, các nhà khoa học
thuộc trường phái pháp luật lịch sử này còn đưa
ra được một cách hiểu mới về nguồn
của pháp luật (Rechtsquelle).
Xuất phát
từ quan điểm cho rằng: “Một Bộ luật là
sản phẩm của con người. Con người vốn không hoàn thiện thì không thể có một Bộ
luật hoàn thiện do con người tạo ra, qui định được đầy đủ, chi tiết tất cả các
tình huống phát sinh trên thực tế ở trong đó”,
các học giả của trường phái này đặt vấn đề cần phải phân biệt hai khái niệm đạo luật (Gesetz) và luật (Recht).
|
Bürgerliches Gesetzbuch 1900 |
Một đạo luật (Gesetz) chỉ là tập hợp những
định chế, qui phạm có tính chất quan
phương (staatliche Regelungen), do nhà nước ban hành. Khái niệm luật (Recht) cần phải được hiểu rộng hơn.
Khái niệm này theo các các đại biểu của trường phái pháp luật lịch sử ngoài
việc bao hàm nghĩa của đạo luật (Gesetz), còn gồm cả những định chế phi quan phương (nichtstaatliche
Regelungen), trong đó có các qui phạm đạo đức, qui phạm tập quán, được thừa
nhận và áp dụng lâu dài
và cả những án lệ.
Từ những lập luận đó, các nhà khoa học thuộc trường phái này đã cho rằng khi
pháp điển hóa Bộ luật dân sự một mặt cần chính xác hóa các thuật ngữ, qui định
các nguyên tắc chung để đảm bảo sự an toàn pháp lý, đồng thời cần phải “lấp những lỗ hổng pháp luật” bằng việc
thừa nhận những loại nguồn pháp luật khác như tập quán, đạo đức và cả án lệ
không trái với những nguyên tắc chung mà đạo luật đó đưa ra.
Điều 242 (qui định về áp dụng luật tập quán)
và Điều 138 (qui định về giao dịch dân sự vi phạm đạo đức bị coi là vô hiệu)
của Bộ luật dân sự năm 1900 là những bằng chứng về việc quan điểm khoa học của
những học giả trường phái pháp luật lịch sử về vấn đề nguồn của pháp luật được
hiện thực hóa.
5. Đóng góp của trường phái pháp luật lịch
sử về xây dựng phương pháp giải thích qui
phạm pháp luật thống nhất
Nhằm giải quyết
vấn đề đa nghĩa và bất định của qui phạm pháp luật, Savigny đã khẳng định cơ quan
tư pháp (Rechtsprechung) phải có nhiệm vụ giải thích pháp luật để bảo vệ sự
an toàn pháp lý, bảo vệ niềm tin của người dân về sự minh bạch của pháp luật và
tránh sự tùy tiện trong áp dụng pháp luật.
Ông đưa ra một phương pháp giải thích qui
phạm pháp luật (Auslegung von
Rechtsnormen) trong tác phẩm “Hệ thống pháp luật La Mã ngày nay”.
Nội dung của
phương pháp này hiểu một cách đơn giản nhất gồm bốn công cụ giải
thích (Auslegungsmittel): giải thích có tính chất ngữ pháp (die
grammatische Auslegung), giải thích có tính chất nguồn gốc lịch sử (die
historische Auslegung), giải thích có tính chất hệ thống (die
systematische Auslegung) và giải thích có tính chất mục đích luận (die teleologische Auslegung).
Giải thích có tính chất ngữ pháp là việc giải thích qui phạm pháp luật một cách chính xác về mặt ngôn ngữ
cũng như văn phạm nhằm làm rõ nghĩa của qui phạm. Từng qui phạm phải được giải
thích, làm rõ theo cả nghĩa phổ thông - nghĩa mà một người dân bình thường khi
đặt vào tình huống đó sẽ hiểu (der allgemeine Sprachgebrauch) và cả ngôn ngữ
chuyên ngành cụ thể (eine spezielle Fachsprache). Giải
thích có tính chất nguồn gốc lịch sử là việc giải thích qui phạm thông qua cơ sở lập
luận của các nhà khoa học, đặc biệt là những nhà lập pháp (Gesetzgeber)
được thể hiện từ khi vấn đề đó phát sinh đến khi trở thành luật. Để giải đáp ý
nghĩa của qui phạm, trước hết phải dựa trên những dữ liệu khoa học trung thực
và đặc biệt là các dữ liệu lập pháp (Gesetzgebungsmaterialien). Giải thích có tính chất hệ thống là
việc giải thích qui phạm trong việc xem xét tổng quát mối quan hệ giữa qui
phạm đó với các qui phạm khác có liên quan (Normzusammenhang [Kontext]). Việc
giải thích này sẽ giúp mỗi một qui phạm được xem xét một cách toàn diện trong
liên hệ với các qui phạm khác và cũng giúp khẳng định được sự nhất quán của qui
phạm đó nếu nó không mâu thuẫn với những qui phạm khác. Giải thích có tính chất mục đích luận là
chỉ ra được nội dung của qui phạm cần giải thích theo ý nghĩa và mục đích của đạo
luật. Mục đích và ý nghĩa của đạo
luật ở đây không phải là ý muốn nguyên thủy của nhà làm luật, mà là mục đích
khách quan được thể hiện ở trong chính đạo luật đó.
Theo thời gian,
phương pháp này được các học giả của trường phái pháp luật lịch sử và các nhà luật
học khác bổ sung, phát triển. Vào năm 1960, Tòa án hiến pháp liên bang Đức đã
thừa nhận trong phán quyết BVerfGE 11, 126 (130) coi phương pháp giải thích qui
phạm pháp luật do Savigny xây dựng là phương
pháp giải thích qui phạm pháp luật chính thống ở Đức.
Những tư tưởng,
thành tựu mà trường phái pháp luật lịch sử đạt được, đến nay vẫn được kế thừa,
tiếp nối và phát triển dưới nhiều hình thức, hoạt động khác nhau. Về nghiên cứu, Tạp chí lịch sử pháp luật do Savigny cùng với Eichhorn và Goeschen sáng lập năm 1814 đến nay vẫn là một trong những tạp chí
luật học uy tín hàng đầu ở Đức do Viện nghiên cứu
lịch sử pháp luật Châu Âu Max Planckt xuất bản định kỳ. Về giảng dạy, Lịch sử pháp
luật (Rechtsgeschichte) là môn học truyền thống, bắt buộc, thuộc khối kiến
thức khoa học pháp lý cơ bản trong chương trình đào tạo luật trên toàn nước
Đức. Về trao đổi học thuật, hoạt động
“Ngày của những nhà luật học Đức” (Deutscher
Juristentag) do trường phái pháp luật lịch sử sáng lập từ năm 1860, cách đây
hơn 150 năm, đến nay vẫn được duy trì thường xuyên.Đây là diễn đàn khoa học trao đổi về các vấn
đề luật học đương đại được tổ chức hai năm một lần.
Kết luận
Tóm
lại, qua việc nghiên cứu các quan điểm, luận thuyết và thành tựu của trường
phái pháp luật lịch sử như đã phân tích ở trên, có thể rút ra những nhận định khoa
học cơ bản sau:
– Tranh
luận về vấn đề pháp điển Bộ luật dân sự ở Đức giữa hai tác giả Thibaut và Savigny là sự khởi đầu cho việc ra đời trường phái pháp luật lịch
sử. Điểm khởi đầu có tính quyết định trong tư tưởng và công trình của Savigny là xây dựng một phương pháp tiếp cận pháp luật mới – phương pháp pháp luật lịch sử.
Phương pháp này không coi lịch sử là mục
đích, mà là phương tiện để hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về pháp luật.
– Savigny khẳng
định vai trò của các nhà khoa học pháp lý
có tính chất quyết định đến sự thành công
của việc pháp điển hóa Bộ luật dân sự. Những nhà luật học Đức đánh giá rất
cao sự táo bạo, dũng cảm và tinh thần khoa học của Savigny khi đưa ra nhận định này, đặc biệt khi đặt trong hoàn cảnh
lịch sử của đế chế phong kiến Đức đầu thế kỷ XIX. Có thể nói, với luận điểm
này, Savigny đã trở thành người tiên phong cho một trào lưu tự do học thuật mới
ở Đức thế kỷ XIX.
– Việc phân chia tiếp thành 2
trường phái nhỏ hơn đó là: trường phái
thân luật La Mã (Romanist) và trường
phái thân luật Đức (Germanist) thể hiện hai khuynh hướng nghiên cứu khác
nhau nhưng bổ khuyết cho nhau, nhằm làm rõ giá trị của Luật La Mã và giá trị
của Luật bản địa Đức. Hai trường phái này hiện thực hóa hai mục tiêu: mục tiêu pháp luật phải thể hiện giá trị nhân bản,
phù hợp với tập quán sử dụng pháp luật
của người dân trong một quá trình lịch sử của Savigny và mục tiêu pháp luật
phải bảo vệ tự do cá nhân, phục vụ mục tiêu vì lợi ích xã hội, hướng tới giá
trị công bằng và phản ánh đặc trưng văn hóa bản địa của người Đức của Gierke.
– Trường phái pháp luật lịch sử là
trường phái phát triển mạnh nhất ở Đức thế kỷ XIX và cũng là trường phái có đóng góp quan trọng nhất vào quá trình pháp
điển hóa Bộ luật dân sự Đức năm 1900. Bên cạnh đó trường phái này còn đưa
ra nhận thức mới về vấn đề nguồn của pháp
luật và phương pháp giải thích qui
phạm pháp luật. Những đóng góp của trường phái pháp luật lịch sử này ở Đức đến
nay vẫn có ý nghĩa nhiều mặt đối với khoa học pháp lý, không chỉ với riêng nước
Đức, mà rộng hơn với sự tiến bộ về khoa học pháp lý nói chung của nhân loại.
– Hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và trao đổi học
thuật về lịch sử pháp luật ở Đức từ thế kỷ XIX đến nay luôn phát triển rất mạnh.
Với cách thức và mức độ khác nhau, tinh thần và giá trị mà trường phái pháp
luật lịch sử gây dựng nên ngày nay vẫn liên tục được tiếp nối, kế thừa và phát
triển, đóng góp trực tiếp cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đối với các
hoạt động xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật và hoạt động xét xử ở Đức.
Bài viết cùng tác giả:
- Vì sao cần phải có tự do ngôn luận
- Khi Hiến pháp là công cụ bảo vệ dân quyền
- Vụ án hiến pháp nổi tiếng về biểu tình ở Đức năm 1986
- Trường phái pháp luật lịch sử ở Đức
- Trao đổi về bài viết: "Tội giết người không có người chết?"
- Hiến pháp 1946: Thể hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước
- Cấm chơi golf ngày nghỉ và những nhầm lẫn về pháp luật
- Tiếp cận pháp luật từ góc nhìn văn hóa
- Phân định ranh giới giữa luật công và luật tư ở Đức: Lịch sử, tranh luận và gợi mở
- Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam