Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

CƠ SỞ CHO NIỀM TIN

Thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thời khắc đặc biệt đáng nhớ trong lịch sử Việt nam.
Thời khắc này đáng nhớ ít nhất bởi hai lẽ: chưa lúc nào trong lịch sử, chúng ta lại nghèo khó đến như thế nhưng cũng chưa có lúc nào trong lịch sử, chúng ta lại có NIỀM TIN đối với chính quyền, với tương lai của đất nước lớn lao đến như thế. 

Hãy cùng nhớ lại, sau Cách mạng, quốc khố lúc đó gần như trống rỗng, cả kho bạc chỉ còn 1,2 triệu đồng, quá nửa trong số đó là tiền rách, nát, không tiêu được. Vậy mà chỉ trong Tuần lễ Vàng, trong một thời gian rất ngắn, nhân dân đã quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kilôgam vàng. Đáng lưu ý là riêng gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô (1914 - 1988) đã ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng lâm thời lúc đó là 5.147 lượng vàng, một số tiền gấp đôi ngân khố của cả nước bấy giờ. 

Câu hỏi đặt ra là vì đâu mà người dân có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn đến như thế? Vì đâu mà gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô có thể tuyên bố rằng gia đình ông sẵn sàng cống hiến tất cả? Nếu như không có một NIỀM TIN mãnh liệt vào độc lập dân tộc, niềm tin vào tự do, hạnh phúc, gia đình ông Trịnh Văn Bô lúc đó có làm như vậy không?

Người xưa dạy rằng: "Mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, còn mất niềm tin là mất tất cả." Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất cũng trả lời vua Trần Anh Tông về kế sách giữ nước rằng: "khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước". Bởi thế cho nên niềm tin ở nơi dân mới chính là điều quan trọng nhất, điều cần trân trọng, gìn giữ và phát huy nhiều nhất.
Nhớ lại mùa thu cách mạng năm ấy, hậu thế cũng đặt câu hỏi vậy niềm tin ấy ngày nay so với thời điểm sau Cách mạng Tháng Tám 1945 có thay đổi không, thay đổi như thế nào? Điều gì đang tác động trực tiếp đến niềm tin ấy? Bài viết ngắn dưới đây của tác giả Phạm Trần Lê, đăng trên Tia sáng, ngày 16/5/2012 là một ý kiến góp bàn cùng chia sẻ về vấn đề rất hệ trọng này.

CƠ SỞ CHO NIỀM TIN
Phạm Trần Lê
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, đăng ngày 16/5/2012,
truy cập đường link gốc tại đây
Khi nói về điều kiện để giúp một quốc gia hùng mạnh, người ta thường hình dung về những yếu tố như tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học công nghệ, hay tiềm lực quân sự. Tuy nhiên, những yếu tố đó sẽ hoàn toàn vô nghĩa nếu con người không tin vào những điều họ theo đuổi.
Một quốc gia hùng mạnh phải bắt đầu từ điều giản dị nhất, đó là người dân có niềm tin mạnh mẽ vào tương lai phía trước. Cụ thể hơn, đó là một sự hình dung sáng sủa về bản thân mình, cộng đồng, và hoàn cảnh đời sống trong tương lai. Đó là điều kiện quan trọng nhất giúp con người có thể yên tâm sống và làm việc mỗi ngày, nỗ lực vượt qua những thử thách mà cuộc sống mang đến.

Niềm hi vọng đến từ đâu?



Sự tuyên truyền một cách hiệu quả của chính quyền có thể đóng một vai trò quan trọng nhất định trong việc tạo dựng niềm hy vọng của dân chúng vào tương lai, nhưng niềm hy vọng đó rốt cục chỉ có thể duy trì dựa vào những căn cứ thực tế mà người dân được trải nghiệm trong quá khứ và hiện tại, qua những kết quả cụ thể trong quá trình phát triển nền kinh tế và xã hội, qua chất lượng môi trường, y tế, giáo dục, và các cơ sở hạ tầng.


Trong bối cảnh giao lưu thông tin toàn cầu thuận tiện như hiện nay, rất khó để các chính phủ che đậy những yếu kém của mình trong các lĩnh vực cơ bản này. Và nếu để những tiêu cực trầm trọng làm ảnh hưởng tới niềm tin của người dân thì quyền lực của các chính phủ sẽ lung lay.


Khi nói về vấn đề ổn định xã hội, người ta thường nói về vấn đề cải thiện thu nhập của người dân, hay tìm giải pháp làm giảm chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Nhưng vấn đề còn quan trọng hơn là nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ thành quả lao động của nhân dân.
Tuy nhiên, nhân dân luôn công bằng. Họ không bao giờ đòi hỏi từ các nhà nước những điều phi thực tế. Không phải cứ hễ gặp thách thức khó khăn là họ sẽ mất niềm tin vào tương lai. Lịch sử nước ta không thiếu những bài học về sự đoàn kết một lòng của nhân dân vượt qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, đánh bại những kẻ thù hùng mạnh trên thế giới. Thực tế này cho thấy rằng, nếu những khó khăn là mang tính khách quan, thì dù gặp gian khổ đến đâu, nhân dân vẫn không mất đi niềm vọng, vẫn kiên cường sát cánh cùng chính phủ của mình để nỗ lực tìm cách vượt qua. Đã có không ít những tấm gương dám hy sinh toàn bộ của cải, thậm chí tính mạng vì nghĩa lớn, vì niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng, xã hội, và Tổ quốc.


Niềm hy vọng là bản năng sinh tồn cố hữu trong mỗi con người. Con người không vì nghèo đói hay chênh lệch giàu nghèo, hay những bệnh tật và hiểm nguy mà mất hy vọng.
Để duy trì niềm hy vọng trong nhân dân, các nhà nước chỉ cần đáp ứng những yêu cầu tối thiểu. Đó là làm sao để đa số người dân cảm thấy rằng những nỗ lực của mình trong cuộc sống sẽ đem lại những thành quả nhất định, và những thành quả này sẽ được xã hội và nhà nước tôn trọng, công nhận để có thể tồn tại một cách chắc chắn, và sẽ tiếp tục có cơ hội sinh sôi, phát triển.

Niềm hy vọng quan trọng như thế nào? 



Khi nói về vấn đề ổn định xã hội, người ta thường nói về vấn đề cải thiện thu nhập của người dân, hay tìm giải pháp làm giảm chênh lệch thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Nhưng vấn đề còn quan trọng hơn là nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ thành quả lao động của nhân dân.


Con người sẽ tuyệt vọng nếu biết rằng những nỗ lực mình đang theo đuổi là vô nghĩa. Xã hội sẽ vô cùng bất an khi người dân cảm thấy rằng những thành quả mình làm ra có nguy cơ tan biến hoặc rơi vào tay người khác. Khi nguy cơ ấy đủ lớn, người dân sẽ mất niềm tin.


Ví dụ như những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trên thế giới mà nguyên nhân vốn đều xuất phát từ sự mất lòng tin của người dân, khi họ thấy rằng những khoản tích lũy và đầu tư của mình có nguy cơ tan biến. Và khi những cuộc tháo chạy đồng loạt diễn ra trên thị trường tài chính, những nền kinh tế hùng mạnh nhất đều có khả năng sụp đổ. Kéo theo đó là những cuộc suy thoái trầm trọng kéo dài, hoàn toàn không hẳn vì những yếu kém trong năng lực sản xuất hay trí tuệ của con người, mà vì người dân không còn đủ lòng tin để đầu tư. Họ lo lắng rằng những khoản đầu tư của mình sẽ biến mất trong vòng xoáy đổ vỡ của thị trường. Dù chính phủ các nước tung ra nhiều gói cứu trợ, có nhiều biện pháp tuyên truyền để giữ lòng tin cho nhà đầu tư, nhưng đã qua vài năm nền kinh tế thế giới vẫn chưa thể thấy được những khởi sắc đáng kể. Kinh nghiệm này cho thấy, một khi niềm tin của người dân bị mất đi thì sẽ rất khó, và rất lâu mới khôi phục lại được.


Khi nhìn vào bối cảnh đất nước ta hiện nay, khi tình hình kinh tế vẫn rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, xã hội còn nhiều biểu hiện tiêu cực, nạn tham nhũng chưa suy giảm, chúng ta thấy rằng vấn đề giữ vững niềm tin của người dân là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của xã hội cũng như tồn vong của Nhà nước. Niềm tin ấy không phụ thuộc vào cách thức tuyên truyền thông tin từ phía Nhà nước, mà phụ thuộc vào những điều Nhà nước làm được trong thực tế.


Những cuộc suy thoái trầm trọng kéo dài, hoàn toàn không hẳn vì những yếu kém trong năng lực sản xuất hay trí tuệ của con người, mà vì người dân không còn đủ lòng tin để đầu tư. Họ lo lắng rằng những khoản đầu tư của mình sẽ biến mất trong vòng xoáy đổ vỡ của thị trường.
Nhà nước ta luôn khẳng định rằng đất nước sẽ phát triển theo kinh tế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là vừa tận dụng được tính hiệu quả của thị trường, vừa đảm bảo được tính công bằng và những giá trị nhân bản trong lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương như vậy là tiến bộ, nhưng để duy trì niềm tin của nhân dân thì nhất thiết phải thông qua những căn cứ cụ thể, mà một trong những căn cứ quan trọng đầu tiên là việc nhà nước xây dựng, thực hiện hiệu quả những cơ sở pháp lý giúp công nhận và bảo vệ thành quả lao động của con người, thể hiện qua quyền sở hữu đối với những tài sản chính đáng của từng người dân.


Có đáp ứng điều kiện cơ bản này chúng ta mới mong nuôi dưỡng niềm hy vọng mạnh mẽ của nhân dân vào tương lai, khuyến khích được những khoản đầu tư mạnh dạn từ xã hội, để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn cải thiện trình độ khoa học công nghệ, giáo dục, và văn hóa, tạo ra những biến chuyển tiến bộ từ trí tuệ và công sức to lớn của nhân dân.