Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

LỊCH SỬ LẬP HIẾN Ở ĐỨC

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Bộ Tư pháp, Số 1/2012, tr. 60 - 63

Hiến pháp của CHLB Đức hiện nay là một trong những bản Hiến pháp nổi tiếng thế giới về tính chặt chẽ, khoa học và những đặc trưng nổi bật của nhà nước pháp quyền hiện đại. Không thể từ hư vô hay nhờ sao chép từ một bản Hiến pháp của nước khác mà có được những thành tựu ấy. Sản phẩm lập hiến hiện hành thực sự là sự kết tinh của cả một quá trình dài, thậm chí rất dài, sàng lọc, gắn kết những giá trị lập hiến của nhân loại với những đặc trưng riêng độc đáo của Hiến pháp Đức. Bài viết dưới đây sẽ tiếp cận Hiến pháp Đức từ góc nhìn lịch sử, nhằm chỉ ra những giá trị cốt lõi của bản Hiến pháp này.
1. Một chặng đường lịch sử lập Hiến ở Đức trước năm 1945
Đầu thế kỷ XIX, trên lãnh thổ của Đức nhiều nơi đã có Hiến pháp như Hiến pháp của Bayern (26/5/1818), Baden (22/8/1818), Württemberg (25/9/1819), Hessen-Darmstadt (1820), Kurhessen, Sachsen (1831) và Hannover (1833). Đây là thời điểm xét về tương quan lực lượng, giai cấp tư sản chưa đủ mạnh, nhà vua (der König) vẫn có rất nhiều quyền hành. Về nội dung, các bản Hiến pháp này chủ yếu đề cập đến vấn đề tổ chức nhà nước, dựa trên nền tảng chế độ quân chủ. Các quyền cơ bản chưa được hiểu theo nghĩa là quyền công dân giống Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và ở Pháp, mà chỉ là các quyền của thần dân.[1]

Nhà thờ thánh Paul. Ảnh: Wiki

Sau cách mạng tháng 2 năm 1848 của Pháp, ở Đức cũng như nhiều nước Châu Âu khác, nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh của tư sản chống phong kiến đã diễn ra mạnh mẽ. Nhà vua Friedrich Willhelm IV, ngày 21 và 22 tháng 3/1848 đã phải thỏa hiệp với giai cấp tư sản và tuyên bố sẽ xây dựng Hiến pháp chung cho đế chế Đức Phổ.
Ngày 28 tháng 3 năm 1849 Hiến pháp nhà thờ thánh Paul (Paulskirchen-verfassung) của đế chế Đức Phổ được thông qua bởi một Quốc hội lập hiến mà thành viên là những nhà trí thức hàng đầu thời đó. Họ đã tổng kết kinh nghiệm lập hiến trên thế giới, trao đổi rất kĩ lưỡng và kiến thiết ra một bản Hiến pháp dân chủ cho nước Đức - một bản Hiến pháp có thể nói về mức độ hoàn bị không thua kém bất cứ một bản Hiến pháp thành văn nào trên thế giới thời điểm đó.
Có được thành quả ấy cũng bởi khi xây dựng Hiến pháp này, các nhà lập hiến đã ý thức được rằng Hiến pháp trước hết phải chứa đựng những giá trị pháp quyền, Hiến pháp sinh ra là để ghi nhận, bảo vệ quyền con người và chống lại sự lạm quyền của nhà nước.[2]
Đọc Hiến pháp này, người ta không khỏi ngạc nhiên và trân trọng những giá trị của nó, vì gần như tất cả các quyền tự do dân chủ mà hiện nay người Đức đang được hưởng đều đã được qui định một cách đầy đủ, chi tiết ở Chương VI của Hiến pháp như: quyền tự do ngôn luận (Điều 143), quyền tự do biểu tình (Điều 161), quyền tự do lập hội (Điều 162), quyền tự do tôn giáo (Điều 147), quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp (Điều 158), quyền tự do khoa học (Điều 152), quyền sở hữu tài sản, quyền tự do cư trú, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 133), quyền bất khả xâm phạm về thư tín, quyền bình đẳng (Điều 137), các quyền tố tụng, liên quan đến việc bắt giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử (Điều 175), bãi bỏ hình phạt tử hình (Điều 139)...
Mặc dù đã được thông qua và đăng công báo, nhưng rất tiếc là bản Hiến pháp này lại không được thực thi do sự chống đối của vị vua độc tài Friedrich Wilhelm IV.[3]
Dù không có hiệu lực trên thực tế, nhưng bản Hiến pháp này đã để lại một di sản vô cùng quí giá, đó là lần đầu tiên xây dựng được nền tảng, hình hài của một bản Hiến pháp dân chủ, lần đầu tiên phản ánh được Tinh thần Hiến pháp - một tinh thần xây dựng, đấu tranh và bảo vệ các giá trị sống, các giá trị tự do, dân chủ ở Đức.
Dưới thời Bismark, năm 1871, một bản Hiến pháp thành văn khác có tên là Hiến pháp đế chế Bismark (Bismarcksche Reichsverfassung) đã được thông qua. Điểm hạn chế của bản hiến pháp này là chỉ đề cập đến vấn đề tổ chức nhà nước và hoàn toàn không chứa đựng những quyền cơ bản của công dân, do vậy bản Hiến pháp này đã không được đánh giá cao trong lịch sử lập hiến ở Đức.[4]
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, năm 1919, một Hiến pháp cộng hòa được soạn thảo, thông qua ở Weimar (gọi tắt là Hiến pháp cộng hòa Weimar [Weimarer Reichsverfassung]) có hiệu lực từ ngày 14/8/1919. Đây là bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên có hiệu lực, xác lập một nền cộng hòa, liên bang, tồn tại từ năm 1919 đến 1933 ở Đức.
Nội dung của bản Hiến pháp này có rất nhiều điểm tiến bộ cả trên phương diện tổ chức quyền lực nhà nước cũng như phương diện qui định cụ thể các quyền cơ bản của công dân.
Khác với Hiến pháp đế chế Bismark, hàng loạt các điều khoản của Hiến pháp nhà thờ thánh Paul năm 1948 đã được kế thừa trong bản Hiến pháp này. Hàng loạt các quyền như tự do tôn giáo, tín ngưỡng (chương III, phần 2), quyền học tập (chương 4, phần 2), quyền tự do kinh doanh (chương 5, phần 2), bất khả xâm phạm về chỗ ở (Điều 115), quyền tự do ngôn luận (Điều 116), quyền tự do biểu tình (Điều 123), quyền tự do bầu cử (Điều 125), quyền bình đẳng nam nữ (Điều 128, Điều 130), quyền sở hữu, quyền thừa kế (Điều 153) v.v...đã được qui định rất cụ thể, chặt chẽ.
Hiến pháp Weimar, Ảnh: Wiki
Chính thể của nền cộng hòa Weimar này là chính thể cộng hòa hỗn hợp, bởi đó là sự kết hợp những đặc tính của cả chính thể Cộng hòa Tổng thống và Cộng hòa đại nghị (ein Mischform aus präsidialem und parlamentarischem Regierungssystem).  
Ngoài việc phân định rõ nhiệm vụ của liên bang và các tiểu bang, Hiến pháp Weimar đã xác định rất cụ thể, chi tiết vị trí pháp lý của từng thiết chế như Hạ viện (Reichstag), Thượng viện (Reichsrat), Tổng thống và Chính phủ (Reichspräsident und die Reich), Tòa án (Gerichtshof), cũng như các nhiệm vụ lập pháp (Reichsgesetzgebung), hành chính (Reichsverwaltung) và tư pháp (Rechtspflege).
Bên cạnh cơ chế phân quyền, các vấn đề liên quan đến bảo hiến, trách nhiệm của nhà nước, những yêu cầu được coi là tối quan trọng của nhà nước pháp quyền lần đầu tiên đã được qui định cụ thể trong bản Hiến pháp này
Tòa án quốc gia (Der Staatsgerichtshof) có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về Hiến pháp (Verfassungsstreitigkeiten) giữa các tiểu bang với nhau hoặc giữa liên bang và tiểu bang. Ngoài ra trên cơ sở có đề nghị của Hạ viện  (Reichstag), Tòa án quốc gia có quyền phán quyết việc liệu những chức danh đứng đầu nhà nước có vi phạm Hiến pháp hay luật của nền cộng hòa hay không. (Xem thêm: Milan Kuhli: Zur Verfassung von Weimar – eine Einführung, in: Juristische Ausbildung (JURA) 2009, S. 321–329).
Về vấn đề trách nhiệm của nhà nước (Staatshaftung), Điều 131 Hiến pháp 1919 qui định trách nhiệm nhà nước phải bồi thường cho công dân khi công chức gây ra thiệt hại, một cách có lỗi, khi thi hành công vụ. Đây là qui định đầu tiên xác lập trách nhiệm bồi thường của nhà nước theo nghĩa hẹp (Staatshaftung i.e.S), đồng thời là một bước tiến nổi bật so với qui định trách nhiệm cá nhân của công chức phải bồi thường khi thi hành công vụ (Điều 839 BLDS 1900). Qui định này sau này được kế thừa và phát triển ở Điều 34 Luật cơ bản.
Trong suốt thời cai trị của Adolf Hitler và Đảng Đức quốc xã sau này (1933 – 1945), bản Hiến pháp cộng hòa Weimar hoàn toàn không bị bãi bỏ. 
Luật cơ bản của Cộng hòa liên bang Đức (Tây Đức) và nước Đức thống nhất sau này đã kế thừa nhiều nội dung tiến bộ từ Hiến pháp cộng hòa Weimar, cũng như Hiến pháp nhà thờ thánh Paul nếu nhìn trong một chiều dài lịch sử lập hiến ở Đức.
2. Hoàn cảnh ra đời Luật cơ bản (Grundgesetz) của Cộng hòa liên bang Đức
Năm 1947, sau khi hội nghị ngoại trưởng của bốn nước đồng minh thắng trận Mỹ, Anh, Pháp, Liên xô (Siegermächte) ở Mát-xơ-cơ-va và ở Luân đôn không đi đến thống nhất về tương lai của nước Đức, ba nước Mỹ, Anh và Pháp đã tìm cách đưa ra sự thống nhất chung mà không cần đến sự nhất trí của Liên Xô. [5]
Cụ thể ngày 1/7/1948, các chính quyền quân sự ở Tây Đức gồm Mỹ, Anh và Pháp đã ký các thỏa thuận chung tại Frankfurt (Frankfurter Dokumente). Nội dung chính của các thỏa thuận này liên quan đến vấn đề lập hiến. Trước tình trạng tiến thoái lưỡng nan, mọi quyết định không thận trọng có thể dẫn đến mối nguy hại về việc chia cắt nước Đức, các nước này đã thống nhất 3 vấn đề chính trong thỏa thuận chung Frankfurt về lập hiến:
Thứ nhất, không tổ chức tổng tuyển cử bầu Hội đồng lập hiến (verfassunggebende Versammlung) mà Hội đồng này chỉ bao gồm đại biểu do Hạ viện các bang trực tiếp bầu ra.  
Thứ hai, lấy tên là Luật cơ bản (Grundgesetz) thay vì Hiến pháp (Verfassung).
Thứ ba, sau khi Hội đồng lập hiến thông qua Luật cơ bản, sẽ không tổ chức trưng cầu dân ý (Volksabstimmung) mà chính quyền quân sự trung ương (Militärgouverneure) và Hạ viện của bang sẽ quyết định việc chuẩn thuận Hiến pháp.
Tháng 8/1948, một Ủy ban soạn thảo Hiến pháp (Sachverständigenausschuss) bao gồm các chuyên gia luật học hàng đầu về lĩnh vực luật công lúc đó đã được các thống đốc bang triệu tập ở Bayern để bàn thảo xây dựng Hiến pháp.
Xây dựng lại đất nước trong đống hoang tàn đổ nát, người Đức đã nhanh chóng  tiếp nối Tinh thần Hiến pháp trong việc xây dựng Luật cơ bản năm 1949, một tinh thần đã có một thế kỷ phát triển nếu tính từ bản Hiến pháp đầu tiên là Hiến pháp nhà thờ thánh Paul năm 1848. Tại Hội nghị lập hiến, Karl Arnold, thống đốc bang Nord-Rhine Westphalia (sau này là Chủ tịch Thượng viện) đã tuyên bố một câu nói nổi tiếng rằng: "Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề đó là tiếp nối tinh thần Hiến pháp, chúng ta phải làm việc thật cẩn trọng và trách nhiệm, phải cân nhắc để chắc chắn rằng những gì mà chúng ta kiến thiết hôm nay, ngày mai sẽ là tương lai tốt đẹp cho tất cả người Đức".Kết quả là dự thảo Luật cơ bản đầu tiên đã được xây dựng vào thời điểm này.
Luật cơ bản (Grundgesetz), Ảnh: DPA
Ngày 1/9/1948, Hội nghị lập hiến được tổ chức ở Bonn (thủ đô của Tây Đức) để thảo luận và thông qua Luật cơ bản. Hội nghị này gồm 65 thành viên. Những thành viên này do Hạ viện của các bang bầu ra. Chủ tịch Hội nghị này là Konrad Adenauer - người sau này là Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa liên bang Đức (Tây Đức).
Sau một quá trình làm việc cẩn trọng, ngày 8/5/1949, Hội nghị lập hiến đã biểu quyết thông qua Luật cơ bản (Grundgesetz) với tỷ lệ 53 phiếu thuận, 12 phiếu chống trên tổng số 65 phiếu.
Theo Hiệp định chung Frankfurt đã ký kết ngày 1/7/1948, ngày 12/5/1949, sau khi Hội nghị lập hiến đã biểu quyết thông qua Luật cơ bản, chính quyền quân sự trung ương (Militärgouverneure) phải chuẩn thuận bằng văn bản và có đủ ít nhất 2/3 tổng số Hạ viện của các bang (Landtage) thuộc Tây Đức nhất trí thông qua. Trừ bang Bayern, khi tiến hành thủ tục này, các bang đều nhất trí chuẩn thuận Luật cơ bản.
Vào 24 giờ ngày 23.5.1949, Luật cơ bản (Grundgesetz) chính thức có hiệu lực.
3. Hiến pháp Cộng hòa dân chủ Đức (DDR)
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Luật cơ bản có hiệu lực, Liên xô tuyên bố thành lập nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức (Deutsche Demokratische Republik, thường được gọi tắt là nhà nước Đông Đức, hay DDR) trên phần lãnh thổ chiếm đóng.
Vào ngày 7/10/1949 nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức đã thông qua Hiến pháp. Hiến pháp của Cộng hòa dân chủ Đức (DDR) đã xóa bỏ chế độ phân quyền (có từ Hiến pháp Cộng hòa Weimar) và xây dựng chế độ tập quyền thống nhất. Điều 50 Hiến pháp DDR qui định cơ quan dân biểu (Volkskammer) là cơ quan tối cao của nền Cộng hòa. Hiến pháp DDR cũng qui định các quyền cơ bản (từ Điều 6 đến Điều 18), tuy nhiên trên thực tế chúng không được thực thi và với những quyền cơ bản được ghi nhận trong Hiến pháp này công dân hoàn toàn không thể được khởi kiện thông qua một Tòa án hiến pháp độc lập khi các quyền của mình bị xâm hại (ohne Rechtsweg).[6]
Cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, chế độ cộng sản ở Liên xô và các nước Đông Âu lần lượt sụp đổ.
4. Thống nhất nước Đức và những thay đổi của Luật cơ bản
Ngày 9/11/1989, bức tường Berlin ngăn cách giữa Đông Đức và Tây Đức bị phá bỏ. Trên cơ sở hiệp định thống nhất nước Đức giữa Cộng hòa liên bang Đức và Cộng hòa dân chủ Đức ngày 3/10/1990, 5 bang của Đông Đức và phía Đông của Berlin đã thuộc về Cộng hòa liên bang Đức thống nhất.
Sự thống nhất nước Đức cũng chấm dứt về mặt pháp lý Hiệp định quốc tế giữa bốn nước đồng minh chiến thắng, chấm dứt hiệp định chung chế độ hai nhà nước Đức (hay còn gọi là Hiệp định 2+4-). Theo đó, Hiến pháp của Cộng hòa dân chủ Đức chấm dứt hiệu lực và Luật cơ bản  (Grundgesetz) có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ nước Đức thống nhất.[7]
Trước khi nước Đức thống nhất năm 1990, Luật cơ bản cũng đã có một số lần sửa đổi như:
- Năm 1954/1956: Bổ sung nghĩa vụ quân sự (1954) và tổ chức lực lượng quốc phòng (1956);
- Năm 1968: Qui định về tình trạng khẩn cấp, bổ sung qui định trách nhiệm của nhà nước tại Điều 20 Khoản 4. 
- Năm 1969: Cải cách về tài chính, bổ sung Điều 104a GG và thay đổi cơ bản các Điều 105 GG, 106 GG, 107 GG, 108 GG.
Sau khi nước Đức thống nhất, đã có một số sửa đổi, bổ sung như: 
- Năm 1990: Thay đổi lời nói đầu (Präambel), bãi bỏ Điều 23, bổ sung Điều 143 GG và qui định mới Điều 146 GG.
- Năm 1992: Qui định mới Điều 23 GG liên quan đền những qui định về EU năm 1992. 
Ngoài ra, nước Đức cũng đã tiến hành hai lần cải cách liên bang (Föderalismusreform) vào năm 2007 và năm 2009. Cải cách liên bang năm 2007 tập trung bổ sung thẩm quyền lập pháp của liên bang tại Điều 72 và Điều 74 GG, trong đó giảm bớt số lượng các đạo luật của liên bang mà đòi hỏi phải có sự chuẩn thuận của Bundesrat tại Điều 84 Khoản 1 GG. Cải cách liên bang năm 2009 tập trung về vấn đề giới hạn nợ công (Schuldenbremse) ở Điều 109 Khoản 2 GG và Điều 115 Khoản 2 GG.[8]
5. Thành công của Luật cơ bản (Grundgesetz)
Luật cơ bản của CHLB Đức đến nay đã trải qua lịch sử hơn 60 năm (1949 - 2012). [9] Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi cho rằng Luật cơ bản Đức có ba giá trị cốt lõi nhất và có ý nghĩa nhất sau đây:
5.1. Thành công thứ nhất, những giá trị của "Tinh thần Hiến pháp dân chủ" có từ trong lịch sử ở Đức đã được kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và thể hiện trong Luật cơ bản Đức 
Luật cơ bản của Đức là sự tiếp nối những giá trị của Hiến pháp trong suốt một chiều dài lịch sử lập hiến của nước Đức.
Hiện nay trong Luật cơ bản có hẳn một chương riêng, viện dẫn trực tiếp các Điều khoản của hiến pháp Weimar, với 31 điều (từ Điều 116 đến Điều 146 Luật cơ bản). Chính điều này làm cho một phần của Hiến pháp Weimar như được sống lại và tiếp tục phát huy những giá trị của nó trong Luật cơ bản 1949. 
5.2. Thành công thứ hai là chế độ dân chủ ở Đức đã được vĩnh viễn hóa, một hệ thống các quyền cơ bản của công dân có chất lượng và có sức mạnh thi hành đã được thể hiện đầy đủ trong Luật cơ bản
Điều 79 khoản 3 Luật cơ bản đã vĩnh viễn hóa nền tảng của chế độ dân chủ. Điều luật này chỉ rõ các qui định về nhân quyền (Menschenwürde) tại Điều 1 và các nguyên tắc nhà nước cộng hòa dân chủ pháp quyền liên bang (Verfassungsgrundsätze) tại Điều 20 là không thể thay đổi. Hay nói cách khác, Điều khoản này đã vĩnh viễn hóa những đặc trưng nền tảng về dân chủ, pháp quyền của nhà nước Đức, vĩnh viễn hóa một chân lý: “Phẩm giá của con người là giá trị cao nhất và không thể bị xâm phạm”.
Về chất lượng, các nhà lập hiến khi xây dựng Luật cơ bản đã thừa nhận một hệ thống các giá trị khách quan về quyền con người như: Quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể (Điều 2), quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng (Điều 4), quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do về khoa học và nghệ thuật (Điều 5), Quyền tự do biểu tình (Điều 8), Quyền tự do lập hội, cấm các biện pháp hạn chế đình công (Điều 9), quyền tư hữu (Điều 14)…Các quyền cơ bản này ngoài chức năng bảo vệ tự do cá nhân (Schutz der individuellen Freiheit) còn có chức năng là các quyền tự vệ của cá nhân (Abwehrrechte) đối với nhà nước.
Luật cơ bản Đức 1949 đã có sự tách biệt rõ đâu là quyền (Rechte) và đâu là nghĩa vụ (Pflichte) cơ bản của công dân (Điều 1-19), điều này hoàn toàn khác với Hiến pháp của Cộng hòa dân chủ Đức (DDR) 1949, 1968 không có sự tách rời giữa quyền và nghĩa vụ của công dân (giống với Điều 51 Câu 1 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 hiện hành). Có nghĩa là theo Luật cơ bản 1949 thì đối với một vấn đề, công dân chỉ có quyền hoặc nghĩa vụ, chứ không phải là quyền đồng thời là nghĩa vụ, chẳng hạn như quyền bầu cử (Điều 38 Luật cơ bản) là một quyền tự do,  chứ không phải vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ giống ở DDR trước đây hay ở Việt Nam hiện nay. Ưu điểm rất rõ qui định này là bất cứ ai khi đọc luật cơ bản cũng có thể hiểu được điều gì được phép làm (quyền) và những gì bắt buộc phải làm (nghĩa vụ).
Về sức mạnh thi hành, Điều 19 khoản 4 Luật cơ bản qui định „Nếu bất cứ ai bị các cơ quan công quyền xâm hại các quyền cơ bản đã được nêu trong Luật cơ bản, đều có quyền khởi kiện trực tiếp“. Sức mạnh thi hành của Luật cơ bản chỉ thực sự đi vào cuộc sống sau khi Luật tòa án Hiến pháp (Bundesverfassungsgerichtgesetz - BVerfGG) năm 1951 và qui định bổ sung chế định khiếu kiện Hiến pháp của công dân tại Điều 93 khoản 1 số 4a Luật cơ bản năm 1969 có hiệu lực. Từ đó đến nay, từng quyền cơ bản của công dân được bảo vệ, được giải thích và làm sáng tỏ trong các phán quyết có hiệu lực pháp luật của Tòa án Hiến pháp liên bang.
5.3. Thành công thứ ba là Luật cơ bản đã xây dựng nền tảng của một nhà nước pháp quyền hiện đại (moderner Rechtsstaat), mô hình Tòa án Hiến pháp liên bang (Bundesverfassungsgericht) và chính thể đại nghị bền vững (palamentarisches Regierungssystem). Đây là những nét đặc trưng điển hình trên phương diện tổ chức quyền lực nhà nước trong Luật cơ bản.  
Các yêu cầu về hình thức như phân chia quyền lực (Gewaltenteilung),  đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp và các đạo luật (Vorrang von Verfassung und Gesetz), đảm bảo tư pháp độc lập và các bảo đảm thủ tục tố tụng (Justizgrundrechte und Verfahrensgarantie), đảm bảo quyền tố tụng Hiến pháp (Justizgewaehrungsanspruch), cũng như những yêu cầu về nội dung của nhà nước pháp quyền như sự an toàn pháp lý (Rechtssicherheit), chống độc quyền (Willkürverbot), hiệu lực trực tiếp các quyền cơ bản (Unmittelbare Geltung der Grundrechte), bảo vệ niềm tin của công dân (Vertrauensschutz), trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Staatshaftung) đều được qui định một cách chi tiết, chặt chẽ trong Luật cơ bản này.
Tòa bảo hiến Đức. Ảnh: ZDF
Tòa án Hiến pháp liên bang (Bundesverfassungsgericht)  là một thiết chế có chức năng bảo vệ Hiến pháp và bảo vệ nền dân chủ (wehrhafte Demokratie) ở Đức. Thiết chế này được đánh giá là một trong những mẫu hình bảo hiến thành công nhất trên thế giới hiện nay. Kế thừa những giá trị về bảo hiến của HIến pháp Weimar, thẩm quyền của Tòa án này đã được mở rộng hơn, cụ thể như Điều 93, Điều 100, Điều 21 Khoản 2, Điều 41 khoản 2, Điều 61, Điều 93 khoản 1 số 4b. Trong những quy định này,  thẩm quyền quan trọng nhất của Tòa án Hiến pháp gồm: quyền tuyên bố một đạo luật là vi hiến nếu đạo luật đó trái với Luật cơ bản (Điều 100 khoản 1); quyền giải thích Hiến pháp (Điều 93 khoản 1 số 2), quyền giải quyết xung đột thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Liên bang (Điều 93 khoản 1 số 1); quyền giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa liên bang và tiểu bang (Điều 93 Khoản 1 số 3 và số 4) và đặc biệt là quyền giải quyết khiếu kiện Hiến pháp của cá nhân (Điều 93 khoản 1 số 4a).
Về chính thể, chính thể nước CHLB Đức hiện nay là chính thể cộng hòa đại nghị điển hình trên thế giới. Khác với Hiến pháp Cộng hòa Weimar trước đây, Tổng thống không còn là một thiết chế có nhiều quyền hành. Theo Luật cơ bản, Tổng thống liên bang là một thiết chế đại diện, không được nhân dân bầu trực tiếp mà được bầu thông qua Hội nghị liên bang [Bundesversammlung]  (Điều 54 Luật cơ bản). Nhân dân trực tiếp bầu các nghị sĩ Hạ viện liên bang (Điều 38 Luật cơ bản). Hạ viện bầu ra Thủ tướng theo đề nghị của Tổng thống liên bang (Điều 63 khoản 1 Luật cơ bản). Thủ tướng thành lập nên Nội các (Điều 64 Luật cơ bản). Thủ tướng có thể bị bất tín nhiệm và Hạ viện có thể bị giải tán (Điều 67 và Điều 63 khoản 4 Luật cơ bản).
Có thể thấy mặc dù ra đời muộn hơn so với Mỹ, Pháp nhưng Hiến pháp của Đức cũng đã kết hợp được đầy đủ những giá trị tích cực của chủ nghĩa lập hiến trên thế giới và những giá trị lập hiến trong lịch sử của chính nước Đức. Đây chính là điều góp phần quan trọng làm nên sức sống trường tồn của Hiến pháp Đức, làm nên một Tinh thần Hiến pháp. Tinh thần ấy sống không chỉ ở những con chữ của Hiến pháp mà còn nằm trong tâm thức cũng như hành động gìn giữ, bảo vệ, phát triển những giá trị này của nhiều thế hệ người Đức. Với những qui định tiến bộ, chặt chẽ, Luật cơ bản (Grundgesetz) của CHLB Đức hiện nay đã vượt ra khỏi phạm vi nước Đức, xứng đáng trở thành một giá trị văn minh chung của nhân loại và là mẫu hình rất đáng tham khảo đối với nhiều quốc gia muốn hướng đến dân chủ, pháp quyền theo nghĩa hiện đại.


[1] E. –W. Böckenförde (Hrsg.), Probleme des Konstitutionalismus im 19. Jahrhundert, 1975; J. Hilker, Grundrechte im deutschen Frühkonstitutionalismus, 2005; M. Schwertmann, Gesetzgebung und Repräsentation im frühhkonstitutionellen Bayern 2006.
[2] Xem: Edel/Thielmann, Rechtsgeschichte, 3. Aufl., 2003, Rn.526f.
[3] Gröpl, Staatsrecht I, 3. Aufl., 2011, Rn. 160; Frotscher/ Pieroth, Verfassungsgeschichte, 8. Aufl., 2009, Rn. 345 – 350.
[4] Frotscher/ Pieroth, Verfassungsgeschichte, 8. Auflage, 2009, Rn. 442; Gröpl, Staatsrecht I, 2. Aufl., 2010, Rn. 171ff.
[5] Gröpl, Staatsrecht I, 3. Aufl., 2011, Rn. 171ff.; Vogt, Der Parlamentarische Rat in Bonn, S. 41 – 46 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009.
[6] Boldt, Verfassungsgeschichte, S.302f.; G. Brunner, Das Staatsrecht der Deutschen Demokratischen Republik, in: Insensee/ Kirschhof, Handbuch des Staatsrechts, Band I, S. 531 ff.
[7] Gröpl, Staatsrecht I, 3. Aufl., 2011, Rn. 171 ff.
[8] Gröpl, Staatsrecht I, 3. Aufl., 2011, Rn. 719 f.
[9] H. Vorländer, Die Deutschen und ihre Verfassung, S. 33 – 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009; K. Niclauß, Die Bundesregierung im Verfassungssystem, S.33 40 in: 60 Jahre Grundgesetz, Aus Politik und Zeitgeschichte, BPB, Nr. 18 – 19/2009, 27/4/2009.
 Bài viết cùng tác giả: 
- Vì sao cần phải có tự do ngôn luận 
- Khi Hiến pháp là công cụ bảo vệ dân quyền
- Ván hiến pháp nổi tiếng về biểu tình Đức năm 1986

- Trường phái pháp luật lịch sĐức 
- Trao đổi về bài viết: "Tội giết người không có người chết?"
- Hiến pháp 1946: Thể hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước 
- Cấm chơi golf ngày nghỉ và những nhầm lẫn về pháp luật
- Tiếp cận pháp luật từ góc nhìn văn hóa
- Phân định ranh giới giữa luật công và luật tư Đức: Lịch sử, tranh luận và gợi m 
- Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam