Liên quan
đến những câu trả lời của Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, tôi thấy còn một số vấn đề
chưa thực sự sáng tỏ, cần tiếp tục trao đổi để làm rõ như sau:
1. Đa dạng hóa các hình thức sở hữu đất đai - một đòi hỏi từ thực tế
cuộc sống
Trả lời
câu hỏi liên quan đến vấn đề sở hữu đất đai, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên nhận
định rằng hiện có ba quan điểm về vấn đề này: "Phần lớn vẫn kiến nghị
giữ nguyên chế định sở hữu toàn dân về đất đai, chú trọng hơn nữa quá trình thể
chế hóa chế định này vào luật và các nghị định. Ý kiến thứ hai cho rằng quy
định “sở hữu toàn dân” chưa rõ về mặt chủ sở hữu. Do vậy kiến nghị quy định rõ
trong HP là sở hữu đất đai thuộc Nhà nước. Đề xuất thứ ba là trong tình hình
hiện nay nên đặt vấn đề đa dạng hóa sở hữu về đất đai."
Nhận định này cho thấy tiếng nói thật của người dân vẫn chưa được lắng nghe và tiếp nhận đầy đủ.
Câu hỏi đặt ra là “Phần lớn những người vẫn kiến nghị giữ nguyên chế định sở
hữu toàn dân về đất đai" là bao nhiêu? Phần lớn đó là những ai, ai là
những người được hỏi? Bao nhiêu trong số những ý kiến được hỏi đó là người nông dân? Những ý kiến này được thu thập
bằng những con đường nào và được xử lý ra sao?
Người phát
ngôn của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 còn giải thích
thêm rằng: "Cũng phải nói rằng đưa ra đề xuất thì dễ dàng nhưng để có
những lập luận có đủ cơ sở lý luận cũng như thực tiễn đến mức thuyết phục thì tất
cả kiến nghị trên đều chưa làm được." Tôi nghĩ một đề xuất muốn thực sự thuyết phục cần có sự tham gia rộng rãi của người dân, đặc biệt là những nhà khoa học có chuyên môn. Chính sách ấy phải tối ưu hóa được các lợi ích, trong đó có lợi ích của nhà nước, của người dân, của các tổ chức và đặt mục đích là bảo vệ dân quyền lên vị trí ưu tiên nhất, vì đó mới là mục đích cuối cùng, cao nhất của bất kỳ bản Hiến pháp nào.
Nói về đất đai, thực tế không có đất đai chung chung trừu tượng, chỉ có khu
đất, thửa đất cụ thể. Nói về sở hữu, không có sở hữu toàn dân chung chung trừu
tượng, chủ sở hữu luôn gắn với con người, cá nhân cụ thể. Tôi cho rằng nếu vẫn
duy trì hình thức sở hữu toàn dân về đất đai sẽ tiếp tục duy trì sự mất quyền kiểm soát của chính nhà nước và
tiếp tục phát sinh các hệ quả tiêu cực khác đối với người dân. Vấn đề chính
ở chỗ khi người dân bị thu hồi đất thì giá đền bù là cực kì ít ỏi, nhưng khi
đất vào tay doanh nghiệp lại là tiền tỷ. Người được hưởng lợi thực tế cuối cùng
không phải nông dân, cũng chẳng phải nhà
nước, mà là những nhà doanh nghiệp và những người có quyền hô biến “đất” thành “vàng”.
Vì vậy muốn giải quyết triệt để vấn đề sở hữu đất đai theo tôi cần đưa hai nội
dung sau vào Hiến pháp để vừa bảo vệ được quyền sở hữu đất đai của cá nhân, tổ
chức, nhà nước mà vừa bảo vệ quyền lợi của quốc gia trong những trường hợp đặc
biệt:
Thứ nhất, đa dạng hóa các hình thức sở hữu đất đai, xác lập quyền sở hữu đất đai
của cá nhân, doanh nghiệp đối với cả đất ở và đất nông nghiệp, xuất phát từ một cơ sở Hiến
pháp bền vững quyền tư hữu là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nhà nước
sinh ra là để bảo vệ những quyền cơ bản của công dân trong đó có quyền tư hữu.
Thực tế, người dân chỉ có thể yên tâm làm ăn, yên tâm bỏ công sức, tiền bạc đầu
tư, khi mà quyền sở hữu đất đai của họ được bảo vệ. Đa dạng hóa sở hữu có nghĩa
rằng đối với từng mảnh đất, dù là đất công cũng phải có chủ sở hữu cụ thể. Kể
cả quyền sở hữu đất đai của nhà nước cũng nên được phân chia theo cấp độ quản
lý ví dụ đất đai thuộc quyền sở hữu của trung ương, của cấp tỉnh, cấp huyện hay
cấp xã một cách ổn định, lâu dài.
Thứ hai, chỉ thu
hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và người bị thu hồi được đền bù thỏa
đáng. Nhà nước
chỉ được thu hồi đất của người dân
trong trường hợp đặc biệt vì mục đích an ninh, quốc phòng và trên cơ sở đã
thống nhất với người bị thu hồi đất một mức bồi hoàn thỏa đáng.
Chính
sách muốn thành công phải tối ưu hóa các lợi ích và phải đặt con người ở vị trí
trung tâm. Bổ sung hai qui định này thực tế không gây ra xáo trộn lớn, ngược
lại ý nghĩa tích cực lại rất lớn vì chúng ta vừa bảo vệ quyền sở hữu đất đai của cá nhân, tổ chức mà lại vừa vẫn bảo
vệ quyền lợi của nhà nước trong trường hợp cần thu hồi đất vì mục đích an ninh,
quốc phòng.
2. Dân quyền - không chỉ ghi nhận, mà cần phải giải thích và bảo vệ
Về vấn đề
quyền cơ bản của công dân, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, thay mặt Ban chỉ đạo tổng
kết thi hành Hiến pháp 1992 đã chỉ ra một ý rất quan trọng là: "Lâu nay
chúng ta vẫn nói quyền a, quyền b được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chính cái “đuôi” này gây khó khăn cho chúng ta, đó cũng là thái độ đối xử chưa
tương xứng với quyền con người, với ý nghĩa nó là quyền cơ bản được Hiến pháp quy định. Lần này chúng tôi đề xuất theo hướng đã là quyền cơ bản của
công dân thì phải được bảo đảm thực thi bằng luật và chỉ bị hạn chế bởi
luật...Lần này chúng ta phải làm thế nào để Hiến pháp đã quy định thì Nhà nước phải bảo đảm thực
thi, còn chưa được thực thi thì trách nhiệm thuộc về Nhà nước."
Đây thực sự là một tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên theo tôi, nếu chỉ sửa như
vậy thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn mà vẫn chưa giải quyết được cái gốc
của vấn đề. Gốc của vấn đề là quyền cơ bản được đặt ra để ràng buộc nhà
nước, không phải là ràng buộc đối với cá nhân. Bởi vậy muốn quyền cơ
bản thực sự có ý nghĩa và hiệu lực trên thực tế, theo tôi Ủy ban dự thảo sửa
đổi hiến pháp sắp tới cần cân nhắc và tiếp tục làm rõ hai vấn đề sau:
Thứ nhất, cần phải bỏ qui định quyền của
công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân (Điều 51 Câu 1 Hiến pháp 1992). Cách qui định này thực tế là
rất tù mù. Đối với một vấn đề, công dân
chỉ có quyền hoặc nghĩa vụ, chứ không nên qui định quyền đồng thời là nghĩa vụ.
Quyền là khả năng xử sự được phép, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Vì thế đã
là quyền thì công dân có thể làm hoặc không làm. Không nên qui định rằng các
quyền như quyền
tham gia quản lý Nhà nước và xã hội (Điều 53 HP 1992), quyền bầu cử,
quyền ứng cử (Điều 54 HP 1992), quyền tự do kinh doanh (Điều 57 HP 1992), quyền nghiên
cứu khoa học (Điều 60 HP 1992), quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí;
có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình (Điều 69 HP 1992), quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 70 HP 1992)…đồng thời là những nghĩa vụ. Qui định
như vậy các quyền trong Hiến pháp không còn đúng với ý nghĩa là các quyền cơ bản hiến định nữa.
Thứ hai, không phải chỉ đặt ra quyền cơ bản
trong Hiến pháp là đã xong, cần phải giải thích nội hàm các quyền cơ bản đó là
gì, giới hạn đến đâu, cách thức người dân có thể tự vệ như thế nào và bằng cách
nào. Theo suy nghĩ của tôi triệt để nhất là thiết lập cơ quan tài phán Hiến pháp
độc lập, giao cho thiết chế này quyền giải thích hiến pháp và quyền tài phán
Hiến pháp. Đây là một việc làm vừa cấp
thiết, vừa có tính lâu dài.
3. Phân quyền một cách khoa học để chống lại nguy cơ lạm quyền của nhà
nước
Liên quan
đến vị trí của Chính phủ, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng hiện có hai quan điểm. Nếu vẫn khẳng định
Chính phủ là cơ quan chấp hành thì nhiệm vụ của Chính phủ không thay đổi. Nếu
chấp nhận kiến nghị sửa đổi theo hướng Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền
hành pháp thì khi đó, Chính phủ sẽ giữ vai trò khởi xướng, hoạch định điều hành.
Tuy nhiên, khi Chính phủ có tính năng động như vậy thì đòi hỏi cần có cơ chế
giám sát chặt chẽ hoạt động của Chính phủ.
Tập quyền
vào bất cứ một thiết chế nào hay một cá nhân nào cũng là nguyên nhân dẫn đến sự
độc tài, chuyên chế. Muốn chống lại sự lạm quyền, độc tài, chuyên chế và bảo vệ
dân quyền thì cần phải áp dụng những hạt
nhân hợp lý của học thuyết phân quyền, bởi lẽ không có phân quyền thì không
có Hiến pháp, không có phân quyền thì không có tự do, và không có phân quyền
thì không có nhà nước pháp quyền. Robert von Mohl
(nhà luật học người Đức), cha đẻ của học thuyết nhà nước pháp quyền
(Rechtsstaat) cũng đã khẳng định nhà nước pháp quyền không thể thiếu sự phân
quyền và một khi đã hiểu là phân quyền thì cũng không thể thiếu sự kiểm soát và
cân bằng quyền lực. Phân quyền là yếu tố hình thức, là điều kiện tiên quyết
của nhà nước pháp quyền, không có nó thì cho dù có biện minh thế nào, nhà nước
đó cũng không được coi là nhà nước pháp quyền.