Bài viết ngắn dưới đây giới thiệu những
nét cơ bản nhất về tổ chức chính quyền trung ương thời Ngô - Đinh - Tiền Lê như những
định hướng ban đầu để khi có điều kiện, sinh viên tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu
sâu hơn.
---------------------
Thời Ngô - Đinh - Tiền Lê là thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn sau một thời gian dài chịu sự cai trị của chính quyền Trung Hoa.
Để bảo vệ chủ quyền còn non trẻ bên cạnh một nước lớn như Trung Hoa, việc xây dựng mô hình chính quyền quân sự có tính tự vệ là một phản ứng tự nhiên và là sứ mệnh có tính lịch sử.
Trong
giai đoạn phôi thai của nhà nước phong kiến, khi cuộc đấu tranh vũ
trang giữa các lực lượng cát cứ và giữa chính quyền trung ương với các
lực lượng cát cứ địa phương diễn ra mạnh mẽ thì chính quyền mới phải giải cho được bài toán về mối quan hệ giữa phân tán và tập quyền. Phân tán là bản chất của tính tiểu nông vốn vẫn tiềm ẩn. Trong thời kỳ cai trị phong kiến phương Bắc tính tự trị địa phương là rất cao, luôn trong thế bùng phát, nguy cơ phân tán quyền.
Về tổ chức chính quyền ở trung ương, Ngô Quyền
đã đặt ra các chức quan văn, quan võ , quy định các nghi lễ trong triều
đình và màu sắc, trang phục của quan lại các cấp.
Đến thời nhà Đinh, Đinh Bộ Lĩnh xưng đế chọn
Hoa Lư làm kinh đô và cũng là căn cứ quân sự. Chính quyền lựa chọn việc đóng đô ở Hoa Lư là sự
lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh, chống lại sự trỗi dậy của các
thế lực cát cứ. Để bảo vệ một chính quyền non trẻ vừa mới giành lại được, việc chọn Hoa Lư làm kinh đô là một lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh trong
bối cảnh bấy giờ. Hoa Lư có địa thế hiểm yếu,
khả năng phòng thủ tốt, nhưng lại có bất lợi rất lớn là không thuận lợi về vị trí địa lý cũng như điều kiện tự nhiên để phát
triển thành trung tâm kinh tế, văn hoá.
Năm 974 Đinh Tiên Hoàng tổ chức lại quân đội trong cả nước tổ chức quân đội thành 10 đạo, mỗi đạo 10 quân, mỗi quân 10 lữ, mỗi lữ 10 tốt, mỗi tốt 10 ngũ, mỗi ngũ 10 người. Tổng chỉ huy quân đội là Thập đạo tướng quân điện tiền chỉ huy sứ Lê Hoàn. Nếu đúng như vậy thì quân đội lúc đó lên đến 1 triệu người.
Có hai vấn đề đặt ra:
Thứ nhất, với số liệu trên cho ta thấy, tổng số quân đội thời kì này lên đến 1.000.000 người. Nhưng liệu sự thật có phải tổng số quân ở thời kì đó đã đạt được con số khổng lồ như vậy trên tổng dân số Đại Việt mới có khoảng 3.000.000 dân? Với tư liệu sử sách quá ít ỏi, chưa cho phép ta khẳng định một cách xác đáng, nghiêm túc về vấn đề này, nhưng phần nào cũng giúp ta nhận diện rằng đây là thời kì quân đội được chú trọng xây dựng và phát triển cả về số lượng và chế độ luyện tập.
Thứ hai, cả nước chia thành 10 đạo, trong 10 đạo ấy liệu có bao gồm những người thường dân khác hay không? Tại sao 10 đạo lại tương ứng với 1 triệu người. Vậy những người thường dân khác nằm trong bộ phận nào? hoà nhập hay tách riêng? qui chế pháp lí gì riêng cho thường dân không? Tất cả vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp, chỉ biết rằng bằng tư duy lí luận - lịch sử ta có thể khẳng định rằng việc phân chia thành các đạo, 10 đạo tương ứng 1 triệu quân chứng tỏ tính chất của nó không giản đơn là đơn vị hành chính mà thực chất đạo là một đơn vị tổ chức quân sự.
Dưới Triều Đinh Tiên Hoàng, chưa xuất hiện thiết chế Lục Bộ. Đinh Tiên Hoàng phong Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, Giang Cự Vong làm Nha hiệu.
Năm 1002 Lê Hoàn (Lê Đại Hành) đổi 10 Đạo thành Lộ, Phủ, Châu. Dưới triều Tiền Lê, Lê Hoàn và các đời vua tiếp sau
củng cố và tăng cường thêm quân đội thường trực, đặt ngạch thân binh,
tuyển lính túc vệ đóng quân ở kinh thành. Các chức quan cao cấp chỉ huy
quân đội được đặt ra như Thái Uý, Khu mật sứ. Ngoài quân đội của nhà vua, còn có quân đội của các vương hầu, quý tộc chiêu mộ và điều khiển ở
điền trang, thái ấp mà vua có thể điều động khi cần thiết.
Trong triều đình Ngô - Đinh - Tiền Lê, các vị vua
đã tiến hành phong tước, mà trước hết là một số người trong hoàng tộc. Thời kỳ này trật tự lễ nghi
trong triều đình đã bước đầu được định hình.
Từ mô hình tổ chức bộ máy nhà nước đến các biện pháp quản lý xã hội thời kỳ này còn mang đậm tính chất quân sự.
Thực chất nhà nước thời kỳ này vẫn mang dáng dấp của một cái làng lớn, chủ yếu giải quyết tính đại diện của nhà nước về quân sự. Làng xã với tính chất tự quản mạnh vẫn thể hiện rõ nét tính độc lập của mình trong quan hệ với chính quyền trung ương.
Mỗi nhà nước phải có bệ đỡ về tư tưởng, chính quyền thời này không muốn dập khuôn theo mô hình Nho giáo, đã chọn Phật giáo nhằm tranh thủ nhân tâm. Điều đáng tiếc là Phật giáo lại quá xa lạ với luật pháp có tính quân sự của nhà Đinh, vì vậy đã tạo ra một sự phản kháng hết sức gay gắt trong thời gian này.
Về tình hình pháp
luật, cho đến nay chưa có một công trình nào có đủ căn cứ khoa học để khẳng
định rằng thời kì này đã có luật pháp thành văn, mặc dù trong sử sách đôi chỗ
cũng chép lại những hiện tượng như vua "định luật lệ", "xuống
chiếu", "chế định triều nghi phẩm phục"...Đặt vào hoàn cảnh lúc
bấy giờ thì việc quan trọng của các vương triều Ngô - Đinh - Tiền Lê phải tập
trung bảo vệ chủ quyền, vì vậy việc chưa có điều kiện quan tâm nhiều đến việc
xây dựng pháp luật cũng là điều dễ hiểu.
Cần lưu ý rằng kỉ
luật quân đội thời kì này không được coi là pháp luật, giữa kỉ luật quân đội và
pháp luật có sự khác biệt về điều kiện hình thành, nội dung và phạm vi. Kỉ luật
trong quân đội chỉ áp dụng đối với những người phục vụ trong quân đội, trong
khi đó pháp luật được áp dụng phổ biến, được xác định chặt chẽ về hình thức và
được đảm bảo thực hiện bởi nhà nước.
Thực chất, nếu đặt vào thời điểm thế kỉ X, ta
sẽ thấy nhiều quốc gia trong thời kì này cũng không thiếu những hình phạt vô
cùng tàn bạo, dã man. Với một đất nước vừa mới giành được độc lập, các thế lực
chống đối thường xuyên chống đối, nên việc qui định các biện pháp khắc nghiệt
để thị uy, trừng trị những kẻ chống đối, chứ tuyệt nhiên không phải những
hình phạt này được áp dụng đối với toàn dân. Bên cạnh hình thức quan phương
(qui định của nhà nước), nếu xét một cách công bằng các yếu tố phi quan
phương (đặc biệt là tập quán, lệ làng) lúc bấy giờ mới thực sự giữ một tỉ trọng
lớn và là công cụ đặc biệt điều chỉnh hành vi con người.
Như
vậy nhìn tổng thể
cách thức tổ chức chính quyền thời Ngô - Đinh - Tiền Lê có đặc trưng nổi
bật đó là một mô hình lấy việc phòng thủ, bảo vệ độc lập chủ quyền là mục tiêu
quan trọng nhất. Thời điểm đó, yêu cầu này có tính chất quyết định hơn những
vấn đề khác, được đặt ra cao hơn vấn đề phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu
văn hoá, bởi lẽ có giải quyết được vấn đề giữ vững độc lập chủ quyền thì các
vấn đề khác mới có cơ sở để phát triển. Nhà nước nào khi xây dựng cũng chú trọng
đến phát triển quân sự, nhưng sở dĩ có thể khẳng định đây là mô hình chính
quyền quân sự vì nhà nước thời Ngô - Đinh - Tiền Lê đã coi mục tiêu phòng thủ
là nhiệm vụ của nhà nước, mục tiêu ấy ảnh hưởng đến tổ chức và
hoạt động của toàn bộ bộ máy, từ việc chọn Hoa Lư làm kinh đô, xây dựng cơ cấu
10 đạo quân, tổ chức luyện tập và cả việc thi hành những chính sách quân sự hà khắc.