Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

NHÀ NƯỚC VĂN LANG - NHÀ NƯỚC SIÊU LÀNG (PHẦN 2)

ThS. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội
Nguồn: Tạp chí Khoa học,
Đại học Quốc gia Hà nội,
chuyên san Kinh tế - Luật, Tập 23, Số 3, năm 2007
,

2 - Sự liên kết làng nước mang tính chất hoà đồng, lưỡng hợp:

Theo Việt Sử Lược, bộ sách lịch sử lâu đời nhất do người Việt viết còn lưu truyền được đến ngày nay đã nêu rõ: "Đến đời Trang Vương nhà Chu (696 - 682 TCN) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều gọi là Hùng Vương" [9; tr.18]. Như vậy, về mặt trình độ tổ chức, nhà nước Văn Lang đã thể hiện rõ nét tính chất tổ chức cao hơn cách tổ chức trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ.

Thời kì này, mỗi công xã nông thôn (làng) đều là những đơn vị kinh tế khá hoàn chỉnh, có tổ chức riêng, có tập quán riêng. Nước và làng thời kì này chưa có sự phân định rạch ròi, thực chất đây là quan hệ có tính chất hoà đồng, lưỡng hợp. Trong mối quan hệ với chính quyền trung ương, thời kì này "làng" đang còn rất mạnh, và chưa chịu phụ thuộc nhiều với chính quyền trung ương. Hay nói cách khác đây là thời kì làng "mạnh", nước "yếu", khác cơ bản với nhà nước quân chủ trung ương tập quyền sau này.
Hơn nữa, làng và nước thời kì này có quan hệ rất gần gũi, mặc dù nhà nước thời kì này được tổ chức theo hình thức quân chủ nhưng tính tập quyền vẫn chưa cao, làng vẫn giữ vị trí quan trọng cả về kinh tế lẫn chính trị. Chức năng cơ bản của nhà nước lúc này là tổ chức các công trình trị thuỷ và chống ngoại xâm, do vậy bộ máy nhà nước lúc này cũng chưa cần phải lớn, sự chuyên môn hoá chưa cao nên cũng chưa cần nhiều những cơ quan chuyên trách. Nhưng để thực hiện tốt hai công việc đó khả năng liên kết giữa các làng của nhà nước lúc này cần phải mạnh, quan trọng nhất trong việc quản lí đất nước lúc này đó là uy tín, khả năng thu phục nhân tâm, khả năng tạo ra sự đoàn kết giữa các làng của người thủ lĩnh. Lúc này công việc của làng cũng là công việc của nước và công việc của nước cũng là công việc của làng, chưa thực sự có sự phân định rạch ròi công việc giữa làng và nước, phân định trách nhiệm và cơ chế xử lí khi có vi phạm.
Một mặt hai chữ "hoà đồng" có điểm tích cực là đề cao tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, giữ gìn quan hệ tình cảm. Đây là yếu tố rất tích cực, là cơ sở để người Việt sau này, trải qua hơn 1000 năm chịu đô hộ của phong kiến Phương Bắc nhưng người Việt vẫn giữ gìn được bản sắc riêng của mình, không bị đồng hoá. Nhưng một mặt khác, hai chữ "hoà đồng" cũng cho thấy một cái gì đó ngay từ đầu đã thiếu rõ ràng về trách nhiệm giữa cấp trên - cấp dưới, giữa chính quyền trung ương và địa phương. Và điều này theo chúng tôi nó không chỉ là đặc tính của nhà nước Văn Lang, mà ít nhiều còn di tồn, còn ảnh hưởng đến thời kì sau này, nếu không nói là cả hiện tại.

3. Nhà nước Văn Lang - một quá trình hình thành lâu dài:

Theo tinh thần học thuyết Mác - Lênin về nguồn gốc nhà nước đã chỉ ra rằng nhà nước ra đời khi tư hữu xuất hiện và có sự phân hoá xã hội thành các giai cấp đối kháng. Tuy nhiên học thuyết Mác – Lênin cũng khẳng định bên cạnh cái phổ biến cũng có những điểm đặc thù, tức là còn có những phương thức hình thành nhà nước khác nhau, vì trong cuốn Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và nhà nước, Ăngghen còn đưa ra nhiều phương thức hình thành nhà nước khác nhau như Nhà nước Aten, Nhà nước Giéc manh, nhà nước Rôma. Như vậy tính khách quan, khoa học của học thuyết Mác – Lênin chính là ở chỗ học thuyết này mặc dù nhấn mạnh hai nguyên nhân kinh tế và nguyên nhân xã hội nhưng cũng không tuyệt đối hoá nó và cho rằng đó là nguyên nhân duy nhất. Nhà nước Văn Lang thực chất cũng là một nhà nước ra đời đặc thù như thế.

Về vấn đề thời điểm ra đời nhà nước, hiện nay chúng ta chưa có căn cứ rõ ràng và đầy đủ để khẳng định thực sự có 4000 năm lịch sử, giới sử học cho đến nay qua khảo sát rất nhiều ngôi mộ cổ mới có thể tìm thấy ngôi mộ cổ Việt Khê (Hải phòng) với niên đại vào khoảng +_ 700 năm TCN (cuối thời kì văn hoá Đông Sơn), tức là cách ngày nay khoảng +_ 2700 năm, và đưa ra quan điểm lúc này tư hữu mới xuất hiện [5; tr.124].

Về vấn đề này, tôi cho rằng việc hình thành nhà nước đầu tiên ở Việt Nam là một quá trình, thậm chí một quá trình rất lâu dài, do vậy sẽ là không khách quan nếu khẳng định có một cái mốc cụ thể rằng nhà nước Văn Lang ra đời vào năm này, hay năm kia, điều này là không có cơ sở khoa học đáng tin cậy.

Hiến pháp Việt Nam năm 1980 đã từng khẳng định rằng nước ta có "bốn nghìn năm lịch sử", nhưng không lâu sau Quốc hội đã phải sửa lại thành "trải qua mấy nghìn năm lịch sử" ở lời nói đầu Hiến pháp 1992 [6; tr.67]. Nhưng càng suy nghĩ càng thấy, nhiều vấn đề tưởng như không cần phải bàn cãi nữa, nhưng ẩn sau những câu chữ ấy, từ "mấy" vẫn vẹn nguyên là một từ để hỏi, là một món nợ chưa trả được của hậu thế đối với lịch sử dân tộc.

Vì là một quá trình nên đương nhiên khi sử dụng khái niệm Nhà nước Văn Lang thì cũng cần phải hiểu rằng không phải ngay từ đầu những đặc trưng cơ bản của nhà nước đã hiện diện đầy đủ. Bởi lẽ nhà nước nếu theo như đúng lí thuyết của lí luận chung nhà nước và pháp luật phải thể hiện đầy đủ cả 5 đặc trưng cơ bản đó là: có bộ máy; có dân cư, lãnh thổ; có chủ quyền quốc gia; có pháp luật; và có thu thuế. Nhưng qua phân tích ở trên cho thấy cả 5 đặc trưng trên của nhà nước thời kì này còn rất mờ nhạt và chưa thực sự rõ ràng. Nhưng nhìn rộng ra thế giới, không riêng gì ở Việt nam, nhiều nhà nước Phương Đông thời cổ đại khác ra đời sớm hơn như Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc, ấn Độ cũng không phảI ngay từ đầu đã đầy đủ cả 5 đặc trưng trên, và cũng phải sau một thời gian rất dài kể từ khi nhà nước ra đời, nhiều nhà nước mới trình diện trước thế giới các bộ luật, hay đạo luật thành văn.

Hiện nay có nhiều công trình khoa học lịch sử, khảo cổ học…cũng đã và đang đi tìm kiếm những luận cứ để khẳng định rằng ở thời kì Hùng Vương đã có chữ viết, đã có luật thành văn. Nhưng chúng tôi quan niệm rằng, việc chứng minh ấy có lẽ cũng không quá quan trọng vì ở phương diện giá trị nội dung, Luật thành văn thời kì Hùng Vương nếu có đi nữa chắc chắn nó cũng còn ở một trình độ chưa cao. Nhưng dù có hay chưa, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định chắc chắn rằng điều chỉnh hành vi con người và các quan hệ xã hội thời kì này vẫn là các phong tục tập quán, qui phạm đạo đức được hình thành từ các công xã nông thôn – các đơn vị cấu thành cơ bản nhất của nhà nước này.

Tóm lại, nhà nước thời kì này chỉ được coi là nhà nước sơ khai hay một nhà nước trong trạng thái đang hình thành, một tổ chức cao hơn làng, được xây dựng trên cơ sở liên kết các làng, kết cấu ở một trình độ cao hơn, tính tổ chức cao hơn xã hội nguyên thuỷ, thực hiện các chức năng cơ bản của một nhà nước.

Từ những phân tích ở trên, tác giả có thể bước đầu đưa ra những luận điểm sau:

(1) Việc hình thành nhà nước Văn Lang là một quá trình rất lâu dài, nhà nước chỉ ra đời khi có cả những điều kiện cần và đủ, cả những yếu tố khách quan và chủ quan. Muốn nghiên cứu toàn diện về quá trình hình thành nhà nước không nên tuyệt đối hoá bất kì một nguyên nhân nào.

(2) Quan hệ giữa làng và nước trong nhà nước Văn Lang là quan hệ hoà đồng - mang tính lưỡng hợp. Công việc của làng cũng là công việc của nước và ngược lại. Kinh tế của làng vẫn mang tính độc lập tương đối so với kinh tế nhà nước, chưa có sự phân chia rạch ròi giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương;

(3) Nhà nước có tính liên kết mạnh, tính đại diện cao và tính giai cấp yếu. Nhà nước Văn Lang ra đời tương đối sớm so với điều kiện chín muồi của sự phân hoá giai cấp.

(4) Yêu cầu trị thuỷ và chống ngoại xâm không những thúc đẩy nhanh quá trình hình thành nhà nước mà còn qui định chức năng của nhà nước, là cơ sở cho sự tồn tại của nhà nước.

(5) Trị thuỷ, chống ngoại xâm là nhu cầu phát sinh từ xã hội, là yếu tố quan trọng dẫn đến sự ra đời nhà nước lúc đầu, lúc này chưa phải tính giai cấp. Điều này có lẽ hơi khác với cách mà lâu nay về mặt lí luận chung nhà nước và pháp luật nhiều khi chúng ta vẫn đặt tính giai cấp là phương diện "số 1" và tính xã hội là phương diện "số 2" để xem xét về nhà nước. Từ phương diện thực tiễn lịch sử, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác trên thế giới, về phạm vi không phải chỉ trong quá khứ mà cả hiện tại, tính xã hội vẫn tỏ ra trội vượt hơn so với tính giai cấp. Có lẽ đã đến lúc tính xã hội phải được đặt đúng vị trí của nó ở cả góc độ lí luận về nhà nước.

(6) Nhà nước hiện tại được thoát thai từ lịch sử, nhà nước hiện tại vẫn được cấu thành từ những đơn vị hành chính tự nhiên nhỏ nhất là các làng, và vẫn ít nhiều mang dáng dấp của một cái làng lớn. Đây là di tồn có từ lịch sử góp phần lí giải vì sao người dân nhiều nơi chưa thói quen sử dụng pháp luật, chưa có thói quen tiếp cận toà án, có tâm lí ngại kiện tụng; do hạn chế của lịch sử nên sự phân định trách nhiệm cấp trên và cấp dưới; giữa các bộ, ngành nơi này nơi khác vẫn chưa thực sự rõ ràng, tính cục bộ địa phương, cục bộ ngành, cục bộ nhóm còn khá rõ nét...

Từ bài học lịch sử về nhà nước Văn Lang cũng đặt ra nhiều vấn đề cho hiện tại nhất là trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay: như về nhà nước, cần phát huy sức mạnh nhân dân, phát huy tinh thần đồng thuận xã hội trong cả tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; Về pháp luật, bên cạnh đầu tư xây dựng văn bản pháp luật, cần phải chú trọng tương xứng, thậm chí nhiều hơn đến công tác nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng, trước nhân dân; khuyến khích khả năng quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức…

Nghiên cứu xưa mà ngẫm đến nay, khép lại vài trang giấy, với những nét chấm phá có phần còn sơ sài, chưa đầy đủ về nhà nước Văn Lang, trong đầu tôi vẫn ẩn hiện bóng dáng của một "cái làng" - tuy xa mà gần, tuy vô hình mà hiện hữu - làng từ nhà ra phố, từ nông thôn đến thành thị, từ trường học đến mỗi công xưởng, làng trong từng nghĩ suy đến hành động của con người… và hơn hết thảy vẫn là ước vọng về một ngày không xa lắm ánh sáng pháp quyền sẽ rọi soi đến từng thôn cùng xóm vắng, để người dân được hưởng ngày càng nhiều hơn những quyền tự do, dân chủ, để nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân không còn là khẩu hiệu, là mục tiêu nữa mà thật sự hiện hữu, gần gũi như cơm ăn, nước uống hàng ngày của mọi người dân, mọi gia đình, và toàn xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C.Mác - F.Engen - V.I.Lênin, Bàn về các xã hội tiền tư bản, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà nội, 1975, tr.295.
2. Phan Đại Doãn, Về tính chất sở hữu ruộng đất công làng xã, Nghiên cứu lịch sử, số 4/1981, tr.22-23;
3. Phan Hữu Dật, Về sự hình thành tầng lớp quí tộc - thị tộc trong xã hội Hùng Vương// Hùng Vương dựng nước, Nxb Khoa học xã hội, H.tr334 - 339;
4. Vũ Minh Giang, The Hung Vuong Era of Vietnam, Kỉ yếu hội thảo quốc tế - The study of Thao Houng or Thao Cheuang, Bangkok, 1998.
5. Diệp Đình Hoa, Nghiên cứu đồ đồng thau Việt Khê (Hải phòng) qua phương pháp phân tích quang phổ (viết chung), trong cuốn Những phát hiện mới về khảo cổ học, năm 1981, H., 1982, tr.124.
6. Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến năm 2001, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, tr67.
7. Hà Văn Tấn, Kinh tế thời Hùng Vương (viết chung), Khảo cổ học, số 9 - 10, 1971, tr.63-68.
8. Hà Văn Tấn, Buổi đầu giữ nước - Thời Hùng Vương, Lịch sử quân sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1999.
9. Khuyết danh (Trần Quốc Vượng phiên dịch và chú giải), Việt Sử Lược, Nhà xuất bản Thuận Hoá, Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà nội, 2005, tr.18
10. Trần Quốc Vượng, Về danh hiệu Hùng Vương, trong Hùng Vương dựng nước, tập .III. tr.353 - 355;

--------------------------------------------------------------------------------------
VAN LANG - A SUPER VILLAGE STATE

LLM. Nguyen Minh Tuan Faculty of Law, VNU Hanoi

It is really meaningful in both theoretical and practical aspects to research the basic characters of the first State in Vietnam history. This is the paper making clear the "super village" characteristic of Van Lang State under the aspect of theory and history of State and Law. The content of this paper includes 3 parts: Firstly, Van Lang State is similar to a big village, having highly representative, strongly associate, weakly class characters; Secondly, the relationship between Village and State is so close, condescending , there's even no big differences between them; Thirdly, the formation of State is a long process.
Tham khảo thêm: Nguyễn Minh Tuấn, Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Số 11+12/2003.