Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

MỘT GÓC NHÌN KHÁC VỀ NGUỒN GỐC VÀ XU HƯỚNG VẬN ĐỘNG CỦA NHÀ NƯỚC

TS. Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, Số 8 (304) năm 2013, tr. 3–9.
 
Trong lịch sử nhân loại đã có rất nhiều những học thuyết khác nhau lý giải về nguồn gốc ra đời của nhà nước. Những học thuyết này rất đa dạng và khác biệt. Sở dĩ xuất hiện nhiều học thuyết như vậy trước tiên là do khả năng nhận thức của con người mỗi thời kì là khác nhau, ngoài ra quá trình hình thành nhà nước lại diễn ra rất phức tạp, đa dạng ở mỗi khu vực địa lí và mỗi một nhà nước. Bên cạnh đó, lý giải nguồn gốc nhà nước còn phản ánh ý thức hệ, trong nhiều trường hợp đã có thời cách lý giải đó chỉ nhằm phục vụ lợi ích của bộ phận những người thống trị.
Các tác giả của thuyết thần quyền cho rằng nhà nước là sản phẩm do thượng đế sáng tạo ra để bảo vệ trật tự chung.[1] Các học giả thuyết tâm lý thì cho rằng nhà nước ra đời là do nhu cầu của con người nguyên thuỷ luôn muốn phụ thuộc vào các thủ lĩnh.[2] Thuyết gia trưởng lại giải thích: nhà nước là sản phẩm phát triển của gia đình, là hình thức tổ chức tự nhiên của cuộc sống con người.[3] Còn thuyết bạo lực lại cho rằng nhà nước xuất hiện trực tiếp chẳng qua là từ việc sử dụng bạo lực của thị tộc này đối với thị tộc khác mà kết quả là thị tộc chiến thắng thiết lập một hệ thống cơ quan đặc biệt (nhà nước) để nô dịch kẻ chiến bại và do vậy, nhà nước là công cụ của kẻ mạnh thống trị kẻ yếu.[4]
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, nhà nước là “sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được.[5] Nhà nước trước hết là “bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với giai cấp khác.”[6] Tiền đề kinh tế cho sự ra đời nhà nước là chế độ tư hữu tài sản. Tiền đề xã hội cho sự ra đời nhà nước là sự phân chia xã hội thành các giai cấp (hoặc các tầng lớp xã hội) mà giữa các giai cấp, tầng lớp đó, những lợi ích cơ bản đối kháng nhau đến mức không thể điều hoà được. Chính vì vậy, “nhà nước” được hiểu là “hình thức (phương thức) tổ chức xã hội có giai cấp, là tổ chức quyền lực chính trị công cộng đặc biệt, có chức năng quản lý xã hội để phục vụ lợi ích trước hết cho giai cấp thống trị và thực hiện những hoạt động nảy sinh từ bản chất của xã hội.[7]
Chúng tôi cho rằng sự ra đời nhà nước sơ khai trong lịch sử nhân loại thực tế diễn ra rất đa dạng, trong một thời gian rất lâu dài, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài hai nguyên nhân kinh tế và nguyên nhân xã hội như học thuyết Mác-Lênin chỉ ra, sự xuất hiện nhà nước sơ khai (hay còn gọi là nhà nước tiền công nghiệp) còn có nhiều nhân tố khác với mức độ ảnh hưởng nhiều ít, trực tiếp hoặc gián tiếp rất khác nhau,[8] trong đó có các yếu tố:
Yếu tố bên trong, như vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn cung cấp thức ăn, giao thông... Chính những yếu tố này là cơ sở để thu hút sự tập trung dân cư, khiến cho có nơi này nhà nước ra đời sớm hơn nơi khác, trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hoá sớm hơn các vùng khác;
Yếu tố bên ngoài, như nhu cầu hợp nhất các cộng đồng dân cư tạo sự thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán (Inter-Polity Trade); nhu cầu tự vệ trước khả năng chiến tranh (War); sự ra đời hay phát triển của các nhà nước láng giềng (Tributary or Client State Formation); sự cạnh tranh về sinh thái và chủng tộc (ethnic and ecological competition); sự phát triển về vũ khí quân sự của các nhà nước láng giềng (military technology)…;
- và các yếu tố văn hoá – kinh tế - khoa học, kĩ thuật, như sự ra đời của chữ viết, sự ra đời của các thành thị[9], sự tiến bộ về kĩ thuật, sự ra đời, ảnh hưởng của tôn giáo, sự tập trung hoá về chính trị, sự thống nhất về tư tưởng, ý thức hệ.
Chẳng hạn, ở Việt Nam, những kết quả nghiên cứu mới nhất của giới sử học, khảo cổ học cho thấy nhà nước đầu tiên xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là vào cuối thời đại văn hóa Đông Sơn, tức là cách ngày nay khoảng 2500 – 2700 năm dựa trên những chứng cứ khảo cổ học qua việc phân tích sự khác biệt của các ngôi mộ táng, đặc biệt là ngôi mộ cổ Việt Khê (ở Hải Phòng).[10] Hai nhân tố trị thủy và chống ngoại xâm là những yêu cầu khách quan thúc đẩy nhanh quá trình hình thành nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, một nhà nước đầu tiên rất sơ khai ở Việt Nam. Nhà nước này ra đời thực chất là một quá trình rất lâu dài. Khi mới ra đời, nhà nước được tổ chức theo hình thức quân chủ, người đứng đầu là Hùng Vương, thành lập theo nguyên tắc cha truyền con nối. Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc mang tính chất là một tổ chức cao hơn làng, tổ chức ấy có đặc trưng là tính đại diện cao, tính liên kết mạnh và tính giai cấp yếu.[11]
Khác với cách tiếp cận của các học thuyết kể trên, ngày nay trên thế giới, các nhà khoa học lý luận về nhà nước đã phân chia nhà nước thành hai dạng: nhà nước sơ khai (early state), hay còn gọi là nhà nước tiền công nghiệp (pre-industrial state) và nhà nước hiện đại (mordern state), hay còn gọi là nhà nước công nghiệp (industrial states).[12] Theo đó nhà nước tiền công nghiệp là phương thức tổ chức quyền lực chính trị chưa hoàn chỉnh, chưa mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản của một nhà nước.[13]
Xét về thời gian, những nhà nước sơ khai đầu tiên ra đời sớm nhất ở Phương Đông cổ đại là ở Lưỡng Hà, Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ và ở Phương Tây cổ đại là Hy Lạp, La Mã.[14] Bước sang thời Trung cổ, những nhà nước này do ảnh hưởng của tình trạng phân quyền cát cứ kéo dài, quyền lực nhà nước thời Trung Cổ bị chia sẻ với các thế lực của giáo hội, yếu tố quyền lực của những nhà nước này ở Phương Tây bị hạn chế.[15]
Khác với các nhà nước sơ khai là các nhà nước hiện đại. Các học thuyết, tư tưởng đầu tiên về nhà nước hiện đại (mordern state) chỉ bắt đầu từ thời kỳ khai sáng, với những đại diện tiêu biểu như John Locke (1632-1704), Jean Jacques Rousseau (1712-1778), Charles Louis Montesquieu (1689-1775) … Các nhà tư tưởng này đều lấy lý thuyết về quyền tự nhiên làm tiền đề tư tưởng để luận giải.
John Locke (1632-1704) trong tác phẩm Hai khảo luận về chính quyền (Two Treaties of Government) đã đặt cơ sở cho thuyết khế ước xã hội.[16] Theo John Locke, mọi người dân đều tự do, bình đẳng. Nhà nước ra đời là sản phẩm của một khế ước (hợp đồng) được ký kết trước hết giữa những con người tự do trên cơ sở mỗi người tự nguyện nhường một phần trong số quyền tự nhiên vốn có của mình giao cho một tổ chức đặc biệt đó là nhà nước, để bảo vệ lợi ích chung. John Locke đã nhấn mạnh rằng mặc dù có việc ủy quyền nhưng quyền lực nhà nước vẫn thuộc về nhân dân.[17] Sau này Jean Jachques Rousseau (1712-1778) trong tác phẩm Khế ước xã hội (Du Contrat Social) cũng khẳng định rằng nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước (souveraineté populaire). Nhà nước chỉ là người đại diện và quyền lực nhà nước có được là do người dân ủy quyền.[18] Đặc biệt sau này trong tác phẩm Tinh thần pháp luật (De L'eprit des lois), Montesquieu (1689-1755) đã kế thừa, phát triển và nâng lên thành học thuyết phân quyền (gọi tắt của từ “phân công quyền lực giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” [Distribution des pouvois]).[19] Ông cho rằng bản chất khi có quyền lực là dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, vì vậy cần phải phân công, kiểm soát và giới hạn quyền lực để tránh lạm quyền và bảo vệ dân quyền.[20]
Cụ thể hóa các tư tưởng của các nhà khai sáng về nhà nước, vào năm 1900, Georg Jellinek (1851-1911)[21], một nhà luật học người Đức, đã chỉ ra rằng dưới góc độ pháp lý, một tổ chức được coi là “nhà nước hiện đại” phải thỏa mãn các tiêu chí cả bên trong và bên ngoài. Ở bên trong, phải hội tụ đủ những tiêu chí như: 1) quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; 2) có cơ chế phân công quyền lực, cân bằng, giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước; 3) có một hệ thống các quyền cơ bản có hiệu lực trực tiếp và có cơ chế bảo vệ hiệu quảỞ bên ngoài, nhà nước được hiểu là quốc gia (Sovereign state) đặt trong mối quan hệ đối ngoại với các chủ thể khác của Công pháp quốc tế, được công nhân là một chủ thể cơ bản của Công pháp quốc tế.[22]
Georg Jellinek cũng cho rằng khái niệm nhà nước (state) rộng hơn khái niệm quốc gia (sovereign state).[23] Nhà nước được hiểu ở cả hai khía cạnh: “Khía cạnh quan hệ đối nội (tức là quan hệ bên trong nhà nước, giữa nhà nước và công dân – thuộc góc độ nghiên cứu của lĩnh vực Hiến pháp) và khía cạnh quan hệ đối ngoại (tức là quan hệ bên ngoài nhà nước, giữa các nhà nước với nhau – thuộc góc độ nghiên cứu của lĩnh vực luật quốc tế)“.[24] Bên cạnh đó, Georg Jellinek cũng đưa ra luận thuyết ba yếu tố (Drei-Elemente-Lehre) trong đó khẳng định một nhà nước hiện đại được luật pháp quốc tế công nhận khi có các điều kiện về dân cư (Staatsvolk), lãnh thổ (Staatsgebiet) và chủ quyền (Staatsgewalt).[25]
Từ cuối thế kỷ 20, đặc biệt là đầu thế kỷ 21, tư duy, quan niệm về nhà nước đã có rất nhiều thay đổi, do bối cảnh toàn cầu hóa, quốc tế hóa.[26] Thay đổi đó do cả những yếu tố bên trong và bên ngoài nhà nước đem lại. Bên trong là việc gia tăng xu hướng tư nhân hóa các nhiệm vụ của nhà nước, sự lớn mạnh của xã hội dân sự, kinh tế tư nhân và phong trào đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ và minh bạch hóa trách nhiệm của nhà nước. Bên ngoài là việc gia tăng xu hướng liên kết giữa các nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề chung mà một nước không thể tự giải quyết được như suy thoái kinh tế, dân số, môi sinh, dịch bệnh, khủng bố, tội phạm quốc tế…Những tác động đó, dẫn đến hàng loạt các yếu tố từ tư tưởng, học thuyết về nhà nước đến bản chất, bộ máy, hình thức và vai trò, chức năng của nhà nước cũng thay đổi theo. [27]
Ở bên trong, xu hướng của nhà nước hiện đại không còn là cai trị, áp đặt, mệnh lệnh nữa, mà là xu hướng dân chủ, pháp quyền, gắn kết hài hòa giữa kinh tế thị trường và giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ người dân; quyền lực nhà nước (thay vì tập trung) đã dần định hình xu hướng phân công quyền lực[28] trong sự kiểm soát và cân bằng giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; các quyền tự do, dân chủ của người dân ngày càng được thừa nhận, mở rộng và đảo đảm thực hiện.
Ở bên ngoài, các nhà nước cũng có sự biến đổi mạnh mẽ thể hiện ở xu hướng hợp nhất hay ly khai ở nhiều quốc gia hay xu hướng liên minh  liên kết giữa các quốc gia để cùng giải quyết các vấn đề chung trên bình diện khu vực hoặc quốc tế.[29]
Trên phương diện quốc tế, có thể thấy từ thực tế lịch sử, trong một không gian và thời gian xác định, một nhà nước có thể ra đời hoặc diệt vong.[30] Nguyên lý chung, một nhà nước không tồn tại, khi thiếu hoặc mất đi một trong ba yếu tố: dân cư, lãnh thổ hoặc quyền lực.[31] Các nhà nước đương đại hiện nay có hai xu hướng chính là xu hướng ly khai và xu hướng hợp nhất.[32]
Ly khai có hai dạng thức bao gồm: ly khai thay thế (dismemberment) và ly khai chia tách (secession).[33]
Ly khai thay thế là trường hợp trên lãnh thổ một nhà nước cũ ra đời một hay nhiều nhà nước mới, đồng thời dẫn đến hệ quả là nhà nước cũ bị diệt vong.[34] Thí dụ: Năm 1918, nền quân chủ Áo - Hung sụp đổ do sự ly khai thành các nhà nước Áo, Hung, Tiệp khắc và Nam Tư. Tương tự như vậy, vào năm 1993 là sự tan rã của Tiệp khắc bởi sự ly khai thành Cộng hòa Séc và Xlôvakia, hay sự sụp đổ của Nam Tư và Liên bang Xô Viết năm 1991.
Khác với hình thức ly khai thay thế, hình thức ly khai chia tách là việc tách ra hình thành nhà nước mới từ một nhà nước cũ mà nhà nước cũ vẫn không mất đi.[35] Việc chia tách này được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, thông qua một thỏa thuận quốc tế nhất định, Thí dụ: Nhà nước Eritrea ly khai khỏi Ethiopia trở thành một quốc gia độc lập và được quốc tế công nhận vào năm 1993; hoặc Nhà nước Montenegro sau một cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tháng 5 năm 2006, tách ra khỏi liên bang Serbia và Montenegro (một quốc gia hậu thân của Liên bang Nam Tư cũ) vào ngày 3/6/2006.
Xu hướng thứ hai là xu hướng hợp nhất. Hợp nhất có hai hình thức là hợp nhất đơn quốc gia (incorporation) và hợp nhất đa quốc gia (merger).[36]
Hợp nhất đơn quốc gia (incorporation) là việc một nhà nước sáp nhập một cách tự nguyện vào một nhà nước khác đã tồn tại[37]. Thí dụ: Các hiệp ước vào năm 1871 về việc hợp nhất của các nhà nước ở miền Nam nước Đức vào liên bang của miền Bắc nước Đức hoặc việc hợp nhất của nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức (Đông Đức) vào nhà nước Cộng hòa liên bang Đức (Tây Đức) vào năm 1990; Trước ngày 22/5/1990, trên lãnh thổ của Yemen tồn tại hai nhà nước Bắc và Nam Yemen. Sau ngày này trên cơ sở sự thống nhất của nguyên thủ hai nhà nước, Yemen đã trở thành một nhà nước Cộng hòa nghị viện, đa đảng.
Hợp nhất đa quốc gia (merger) là việc ít nhất hai nhà nước cùng tự nguyện sáp nhập với một nhà nước khác đã tồn tại[38]. Thí dụ: Sự hợp nhất của các nhà nước Italia thành đế chế Italia độc lập trong những năm 1815 đến 1870.
Trên thực tế, sự hình thành nhà nước mới hay giải tán một nhà nước hoặc việc làm thay đổi các yếu tố cấu thành nhà nước còn có thể được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác. Có các trường hợp cụ thể như: 1). Thông qua một hiệp định được ký kết bởi những nhà nước khác dẫn đến ra đời nhà nước mới. Thí dụ: Việc ra đời một nhà nước đảo Zypern là bắt nguồn từ Hiệp định ngày 16/8/1960 giữa ba nước Vương quốc Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.[39]; 2). Thông qua một hình thức sang nhượng hợp pháp làm thay đổi các yếu tố về dân cư, lãnh thổ. Thí dụ: Mỹ mua lại vùng đất Louisiana rộng 280.000 dặm vuông từ Pháp vào năm 1803 và vùng Alaska rộng 586.412 dặm vuông của Đế chế Nga năm 1867.[40]; 3). Thông qua một hiệp định thống nhất dân tộc. Thí dụ: Đế chế Đức vào năm 1871 được hình thành thông qua một Hiệp định hòa bình do nhu cầu thống nhất thành một nhà nước của tất cả những người Đức.[41]4). Thông qua một đạo luật. Thí dụ: việc giải tán Khối Thịnh Vượng Chung (British Commonwealth) và thực hiện chính sách phi thực dân hóa là trên cơ sở đạo luật Westminster của Anh (United Kingdom) ngày 11/11/1931.[42]
Ngày nay, Liên hiệp quốc (United Nations) là một tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới. Tại thời điểm thành lập năm 1945, tổ chức này chỉ có khoảng 80 nhà nước thành viên (member states), cho đến nay tổ chức này đã có 193 nhà nước thành viên (số liệu năm 2013).[43] Điều này cũng phần nào phản ánh sự đa dạng về các khả năng hình thành nên những nhà nước mới trên toàn thế giới trong một khoảng thời gian rất ngắnQuá trình ly khai hay hợp nhất các nhà nước đều có thể đưa đến hệ quả là nhà nước mới ra đời hoặc một nhà nước cũ bị thay thế.
Xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa đã và đang làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ các yếu tố bên trong và bên ngoài nhà nước. Để có cái nhìn bao quát, toàn diện hơn về nhà nước, cần thiết phải nghiên cứu nhà nước trong tiến trình lịch sử để thấy rõ sự đổi thay cả về phương diện bản chất, chức năng, hình thức, bộ máy của nhà nước. Nhà nước nào cũng phải thay đổi để tồn tại trong một môi trường quốc tế ngày càng cởi mở, bình đẳng. Đó là con đường đi tất yếu của thời đại.


[1] Đại biểu tiêu biểu của thuyết thần quyền, trong đó có phái quân chủ là Martin Luther (1483-1546), Robert Filmer (1588-1653), phái dân quyền là John Calvin (1509-1564).
[2] Đại biểu tiêu biểu của thuyết tâm lý là L. Petozazitki, Phoreder
[3] Đại biểu tiêu biểu của thuyết gia trưởng là Aristote (384-322 TCN) và nhiều nhà triết học khác.
[4] Đại biểu tiêu biểu của thuyết bạo lực là David Hume (1711-1776), Ludwig Gumplowicz (1838-1909).
[5] V.I. Lênin, Toàn tập, Tập 33, NXB Tiến bộ, M. 1979, tr. 9.
[6] V.I. Lênin, Sách đã dẫn, Tập 33, tr. 110.
[7] Hoàng Thị Kim Quế (chủ biên), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà nội, Hà nội, 2005,  tr. 87. Tương tự, theo giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà nội thì nhà nước được định nghĩa là “một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một bộ máy chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế và thực hiện các chức năng quản lý đặc biệt nhằm duy trì trật tự xã hội, thực hiện mục đích bảo vệ địa vị của giai cấp thống trị trong xã hội” (Xem: Lê Minh Tâm (chủ biên), Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản Tư Pháp, Hà nội, 2006, tr. 49).
[8] Hiện nay có nhiều quan  điểm của các nhà khoa học Phương Tây khác với học thuyết Mác – Lênin. Họ đánh giá rằng học thuyết Mác - Lênin khi lý giải về nguồn gốc nhà nước đã quá nặng nề về yếu tố giai cấp, mà yếu tố này ở nhà nước sơ khai không phải lúc nào cũng được thể hiện một cách rõ ràng (Chẳng hạn trong các tác phẩm: Anatolii M. Khazanov, Some Theoretical Problems of the Study of the Early State, in the book : The Early State, edited by Henri J.M Claessen, Peter Skalnik, Mouton Publishers, 1978, p. 90-91; Ronald Cohen, State Origins : A Reappraisal, in the book : The Early State, edited by Henri J.M Claessen, Peter Skalnik, Mouton Publishers, The Hague, The Netherlands, 1978,  p.32-71).
[9] Việc xuất hiện chữ viết, thành thị, nhà nước là các yếu tố mà nhiều nhà khoa học Phương Tây cho rằng đó là biểu hiện của xã hội bước vào thời kỳ văn minh (civilization). Xem thêm: Anatolii M. Khazanov, Some Theoretical Problems of the Study of the Early State, in the book : The Early State, edited by Henri J.M Claessen, Peter Skalnik, Mouton Publishers, The Hague, The Netherlands, 1978, p. 90-91.
[10] Vũ Minh Giang, Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới, Chương trình Khoa học – Công nghệ cấp nhà nước KX. 10, Hà nội, 2006, tr. 29; Nguyễn Minh Tuấn, Nhà nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam (Kỳ 2), Tạp chí dân chủ và pháp luật, số 12 (141)/ 2003, tr. 47.
[11] Xem thêm: Hà Văn Tấn, Làng, liên làng và siêu làng (Mấy vấn đề về phương pháp), Tạp chí Khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 1, 1987, in lại trong Một số vấn đề Lý luận Sử học, Nxb ĐHQGHN, 2007; Nguyễn Minh Tuấn, Nhà nước Văn Lang - nhà nước siêu làng, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà nội, chuyên san Kinh tế - Luật, Tập 23, Số 3, năm 2007.
[12] Chẳng hạn trong các tác phẩm: Ronald Cohen, State Origins : A Reappraisal, in the book : The Early State, edited by Henri J.M Claessen, Peter Skalnik, Mouton Publishers, The Hague, The Netherlands, 1978,  p.32-71; Doehring, Allgemeine Staatslehre, eine systematische Darstellung, 3. Aufl., Heidelberg 2004, Rn. 1-3; Schöbener, Allgemeine Staatslehre, München, 2009, Rn. 13 f.
[13] Ronald Cohen, State Origins : A Reappraisal, in the book : The Early State, edited by Henri J.M Claessen, Peter Skalnik, Mouton Publishers, The Hague, The Netherlands, 1978,  p.32-71. Ngoài ra, ở CHLB Đức, Giáo sư Schöbener ở Đại học Cologne cũng cho rằng: “Những phương thức tổ chức quyền lực thời cổ đại và thời trung cổ đã tồn tại chỉ là những nhà nước cổ điển, không phải là nhà nước theo nghĩa hiện đại do bản chất chỉ là công cụ của cá nhân hay bộ phận cụ thể cai trị.” (Xem: Schöbener, Allgemeine Staatslehre, München, 2009, S. 25.)
[14] Uwe Wesel, Geschichte des Rechts, 3. Aufl., München, 2006, Rn. 32.
[15] Ebel Friedrich/Thielmann Georg, Rechtsgeschichte (Von der Römischen Antike bis zur Neuzeit), 3. Aufl., Heidelberg, 2003, Rn. 206 f.
[16] John Locke, Two Treatises of Government: In the Former, The False Principles and Foundation of Sir Robert Filmer, And His Followers, are Detected and Overthrown, London, 1690.
[17] John Locke, Sách đã dẫn, Chương XIX, Nr. 211-243.
[18] Xem: Jean-Jacques Rousseau, Du contrat social ou Principes du droit politique (Vom Gesellschaftsvertrag oder Grundsätze des Staatsrechts). Französisch/Deutsch (übersetzt von Eva Pietzcker und Hans Brockard), Stuttgart, 2010.
[19] Xem bản gốc Tiếng Pháp: Montesquieu (1748), De L'eprit des lois, V/14, XI/6, XI/7, XI/14, XI/18, XI/20, XII/1. Lưu ý thực tế ngày nay ngay cả ở Mỹ, một nước theo chủ thuyết "phân quyền cứng rắn" cũng không tồn tại một sự "phân quyền tuyệt đối" giữa lập pháp và hành pháp, điều này một phần do quan hệ ràng buộc của hai viện và Chính phủ trong hoạt động lập pháp, một phần do tính chất quan hệ giữa các đảng phái không tĩnh mà luôn động. Đưa ra những căn cứ lịch sử và thực tế như vậy để thấy rằng không có sự phân quyền tuyệt đối, mà chỉ tồn tại sự phân công tương đối, tồn tại song hành với việc kiểm soát và cân bằng quyền lực.
[20] Montesquieu (1748), De L'eprit des lois, XI/18, XI/20, XII/1.
[21] Georg Jellinek (1851-1911) là một nhà luật học người Đức, gốc Áo. Ông nổi tiếng với công trình Lý luận về nhà nước (die Allgemeine Staatslehre) vào năm 1900 và được coi là cha đẻ của lý thuyết nhà nước hiện đại. (Xem thêm: Camilla Jellinek, Georg Jellinek: Ein Lebensbild, in: Georg Jellinek, Ausgewählte Schriften und Reden, Bd. 1, Neudruck Aalen 1970, S. 5–140).
[22] Từ đó đến nay cách tiếp cận của G. Jellinek được đông đảo các nhà luật học thừa nhận và phát triển, ví dụ trong các tác phẩm: Doehring, Allgemeine Staatslehre, eine systematische Darstellung, 3. Aufl., Heidelberg, 2004; Schöbener, Allgemeine Staatslehre, München, 2009; Zippelius, Allgemeine Staatslehre, Politik Wissenschaft, 15. Aufl., München, 2007. Sau này, luật pháp quốc tế đã cụ thể hóa vấn đề này và chỉ công nhận nhà nước khi: 1) đó là thành viên của Liên hiệp quốc (thỏa mãn các tiêu chí tại Điều 4 Khoản 1 Hiến chương Liên hiệp quốc – UN-Charta), 2) có năng lực pháp lý đủ để trở thành bên nguyên hoặc bên bị trước Tòa án quốc tế (Theo Điều 34 Khoản 1 Luật về Tòa án quốc tế - IGH-Statut) và 3) cam kết và chịu ràng buộc toàn diện vào luật pháp quốc tế.
[23] Nếu như nhà nước, quốc gia được hiểu theo nghĩa chính trị - pháp lý, thì dân tộc (nation) được dùng theo nghĩa là một thực thể văn hóa (a cultural entity) để chỉ một tổ chức của những người có chung nguồn gốc xuất thân, ngôn ngữ, tôn giáo, tập quán hoặc lịch sử. Đất nước (Country) được dùng theo nghĩa gốc là một thực thể địa lý (a geographical entity).
[24] G. Jellinek, Sách đã dẫn, S. 394. Ngày nay, theo tiêu chí tại Điều 1 của Công ước Môn-tê-vi-de-o năm 1933 thì một thực thể được coi là quốc gia theo pháp luật quốc tế phải có bốn yếu tố cơ bản đó là dân cư, lãnh thổ, hệ thống chính quyền có chủ quyền và năng lực tham gia vào quan hệ quốc tế với các thực thể, quốc gia khác. Ngày nay hầu hết các quốc gia đều là thành viên của Liên hiệp quốc và chịu ràng buộc bởi các thỏa thuận pháp lý chung, trong đó có đảm bảo của Hiến chương liên hiệp quốc về quyền tự quyết của nhà nước.
[25] Xem: G. Jellinek, Allgemeine Staatslehre, 3. Aufl. 1914, S. 406. Ba yếu tố đó theo G. Jellinek được hiểu như sau: Nhà nước trước hết phải có dân cư. Dân cư theo Georg Jellinek là tập hợp những người có cùng chung một quốc tịch. Ngoài ra, nhà nước nào cũng có một lãnh thổ giới hạn, trong đó dân cư sinh sống và tổ chức quyền lực. Bên cạnh đó, nhà nước phải có chủ quyền, chủ quyền ấy thể hiện ở việc quản lý của nhà nước đối với dân cư theo lãnh thổ, quyền tự quyết của nhà nước đó trong các vấn đề đối nội và đối ngoại (G. Jellinek, Sách đã dẫn, S. 394 ff.).
[26] Ngày nay, trên thế giới có rất nhiều cách hiểu khác nhau về nhà nước, chẳng hạn theo từ điển Oxford, nhà nước (State) là “a. một cộng đồng chính trị có tổ chức dưới hình thức là một chính quyền (government); một khối thịnh vượng chung (a commonwealth); một dân tộc (a nation). b. một cộng đồng theo nghĩa một bộ phận của một nền cộng hòa liên bang, ví dụ như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” (Xem định nghĩa "state" trong: Từ điển Concise Oxford English Dictionary (9th ed.). Oxford University Press. 1995. Nguyên văn Tiếng Anh: “a state is "a. an organized political community under one government; a commonwealth; a nation; b. such a community forming part of a federal republich, esp the United States of America.”). Theo Từ điển luật học ở Đức, nhà nước được hiểu là “một cộng đồng của các các cá nhân trong một tổ chức chính trị của mình, tổ chức ấy bao gồm lãnh thổ (ein Staatsgebiet), dân cư (ein Staatsvolk) và hệ thống chính quyền có chủ quyền (eine Staatsgewalt).” (Xem định nghĩa “Staat” trong: Creifelds, Rechtswörterbuch, 20. Aufl., München 2011. Nguyên văn Tiếng Đức: “In einfachster Form versteht man darunter eine Personengemeinschaft in ihrer politischen Organisation, die ein Staatsgebiet, ein Staatsvolk und eine Staatsgewalt voraussetzt”).
[27] Xem: Hoàng Thị Kim Quế, Một vài suy nghĩ về những vấn đề đã và đang diễn ra trong đời sống nhà nước, Tạp chí Dân chủ và pháp luật Số 2 /2003, tr. 6 – 8.
[28] Phân công quyền lực không phải là sự phân quyền tuyệt đối, mà là phân công tương đối. Ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp về cơ bản là ngang hàng nhau. Phân quyền toàn diện theo chức năng, theo cơ quan và nhân sự, toàn diện theo cả theo chiều ngang ở trung ương và chiều dọc giữa trung ương và địa phương, đảm bảo sự kiểm soát và cân bằng quyền lực. 
[29] Doehring, Sách đã dẫn, Rn. 108.
[30] Việc một nhà nước bị diệt vong  là hoàn toàn có thể xảy ra trong trường hợp một nhà nước hoàn toàn biến mất sau một trận sóng thần, do cả ba yếu tố dân cư, lãnh thổ, quyền lực đều không còn (Xem thêm: U. Fastenrath, States, Extinction, in: EPIL, Bd. 4, 2000, S. 669 ff.).
[31] Doehring, Sách đã dẫn, Rn. 108.
[32] Schöbener, Sách đã dẫn, Rn. 64 ff.
[33] Doehring, Sách đã dẫn, Rn. 136.
[34] Schöbener, Sách đã dẫn, Rn. 70.
[35] Schöbener, Sách đã dẫn, Rn. 72.
[36] Doehring, Sách đã dẫn, Rn. 145 ff.
[37] Schöbener, Sách đã dẫn, Rn. 73.
[38] Schöbener, Sách đã dẫn, Rn. 77.
[39] Xem thêm: P.Tzermias, Die Entstehung der Republik Zypern, Jahrbuch fur oeffentliches Recht, Bd. 9, 1960, S. 245 ff.
[40] Schöbener, Sách đã dẫn, Rn. 71.
[41] G. Jellinek, Sách đã dẫn, S. 774 f.
[42] Doehring, Sách đã dẫn, Rn. 108.
[43] Truy cập website chính thức của tổ chức Liên hiệp quốc (United Nations) tại địa chỉ: http://www.un.org/en/ , truy cập gần nhất ngày 7/5/2013.