Pháp luật ghi nhận và bảo vệ chặt chẽ quyền
tư hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất được thể hiện trong Bộ Luật Hammurabi, Luật 12 Bảng ở La Mã sơ kỳ nền cộng hòa, Bộ pháp điển Corpus iuris Civilis của Hoàng đế Justinian. Cụ thể pháp luật nhiều nước thời kỳ này cho phép tra tấn, giam cầm con nợ để yêu cầu trả nợ. Các
hành vi mua bán, chuyển nhượng tài sản của chủ tư hữu cũng được pháp luật nhiều
nước quy định chặt chẽ nhằm tránh sự lừa dối, gian lận làm phương hại đến quyền
tư hữu (Ví dụ: Điều 2 Bảng III Luật 12
Bảng qui định: „Người chủ nợ có thể cầm tay con nợ và đưa con nợ đến Tòa. Nếu
con nợ không trả được nợ theo phán quyết của Tòa và cũng không có ai bảo lãnh cho
anh ta, chủ nợ có thể tống giam con nợ"). Đồng thời pháp luật chủ nô cũng công khai tuyên bố tình trạng vô quyền của nô lệ và
thừa nhận nhiều hình thức bóc lột, hình thức tra tấn tàn nhẫn của chủ nô đối với nô lệ (Điều 3 Bảng III Luật 12 Bảng quy định: "Đến ngày phiên chợ thứ ba, các chủ nợ có thể tùng
xẻo con nợ không trả được nợ. Nếu xử quá mức, họ cũng không bị tội" [Các ví dụ khác?].
- Ghi nhận tình trạng
phân biệt đẳng cấp trong xã hội.
Pháp luật cho phép những chủ nô giàu có thuộc các đẳng
cấp cao trong xã hội có những đặc quyền về kinh tế và chính trị. Ví dụ: Điều 1
Bảng X Luật 12 Bảng qui định cấm kết
hôn giữa quí tộc và bình dân: "Cấm kết hôn giữa người bình dân và quí tộc" [Các ví dụ khác?].
- Ghi nhận và bảo vệ chế độ gia trưởng.
Pháp luật của nhiều nhà nước thời kỳ này ghi nhận quyền tuyệt đối của người gia trưởng đối với tài sản trong gia đình và địa vị
chi phối của người gia trưởng đối với các thành viên khác của gia đình. Thí dụ, ở Bộ luật Hammurabi nếu không có con, người chồng có quyền ly dị
hoặc bán vợ hoặc lấy vợ lẽ; nếu bắt được vợ ngoại tình thì chồng có
quyền trói vợ và nhân tình của vợ ném xuống sông. Ngược lại nếu
vợ bắt được chồng ngoại tình, chỉ có quyền ly dị mà thôi. Điều 129 qui
định : "Nếu vợ của dân tự do ngủ với người đàn ông khác mà bị bắt, thì phải trói cả hai người này lại và ném xuống sông" [Nêu
thêm các ví dụ khác để chứng minh?].
- Hình phạt mang nặng tính trừng trị, ít chứa đựng tính chất giáo dục và cảm hóa.
Pháp luật thời kỳ này hình sự hóa hầu hết các
vi phạm, kể cả các vi phạm trong quan hệ dân sự [Giải thích?]. Các
qui phạm pháp luật đặc biệt là ở Phương
Đông thời kỳ cổ đại thường mang tính hàm hỗn (hầu hết các điều luật đều kèm theo
chế tài). Hình phạt được áp dụng phổ
biến nhất là tử hình bằng rất nhiều hình thức khác nhau như: ném đá cho đến chết,
buộc đá ném xuống sông, ném người vào vạc dầu, chặt người ra thành nhiều mảnh,
thiêu chết, chôn sống, treo cổ... [Dẫn chứng cụ thể?] Các hình phạt dã man khác cũng được áp dụng
cho các hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hơn như: chọc mù mắt, khắc chữ vào mặt,
chặt chân tay, cắt lưỡi, bắt đi trên than hồng... Pháp luật chủ nô còn cho phép
tra tấn nhục hình phạm nhân, cho phép trả thù ngang bằng (Ví dụ: Điều 2 Bảng VIII Luật 12 bảng: "Nếu ai gây thương tích làm tàn tật người khác và
không bồi thường, thì việc trả thù ngang bằng là hợp pháp"). Trong nhiều trường hợp, pháp luật chủ nô cho phép
giết cả những người không liên quan đến hành vi phạm tội. (Ví dụ: Điều 38 Bộ luật Hammurabi qui định: " Nếu thợ xây nhà mà xây không đảm bảo, nhà đổ, chủ nhà chết thì người thợ xây bị giết." hoặc Điều 39 Bộ luật Hammurabi: "Nếu nhà đổ, con của người chủ nhà chết thì con của người thợ xây cũng phải chết theo") [Nêu
thêm các ví dụ khác để chứng minh?].
- Nguồn luật, phạm vi điều chỉnh, mức độ điều chỉnh của pháp luật.
Hình
thức biểu hiện của pháp luật chủ nô rất đa dạng,
bao gồm: Tập quán pháp, Tiền lệ pháp và văn bản pháp luật. Nhiều nhà nước
chủ nô đã xây dựng được những bộ luật lớn. Điển hình như: Bộ luật
Hammurabi của nhà nước chủ nô Babilon
(thế kỉ XVIII TCN); Bộ luật Đôracông của nhà nước chủ nô Hy lạp (thế kỉ
VII
TCN); Bộ luật 12 bảng của nhà nước chủ nô La Mã (thế kỉ V TCN); Bộ luật
Pháp Kinh của nước Hàn - một quốc gia cát cứ ở Trung Quốc (thế kỉ V TCN); Luật
Manu của
nhà nước chủ nô Ấn độ (thế kỉ I TCN); Bộ pháp điển Luật La Mã của Hoàng
Đế Justinian ở hậu kỳ nền Cộng hòa Corpus Iuris Civilis...
Các bộ luật cổ thường được chia thành nhóm các
điều khoản có nội dung khác nhau. Phạm vi điều chỉnh của các Bộ luật trên tương đối rộng, điều chỉnh hầu hết mọi quan hệ xã hội từ các vấn đề tội phạm, hình phạt, tố tụng đến các quan hệ về hợp đồng, hôn nhân gia đình, thừa kế, sở hữu, hợp đồng, mai táng...[Dẫn chứng cụ thể?]. Về mức độ điều chỉnh của luật, thông thường
người ta phân biệt thành hai mức độ điều chỉnh pháp luật: cụ thể – chi
tiết và khái quát hoá. Các Bộ luật cổ về cơ bản áp dụng mức độ điều chỉnh
cụ thể, chi tiết [Tìm những ví dụ là những qui phạm cụ thể chứng minh?]. Tuy nhiên trong các Bộ luật cổ cũng có nhiều qui định điều chỉnh ở mức độ khái quát hóa điển hình là các qui định về dân sự ở Luật La Mã [Tìm những vị dụ là những qui phạm cụ
thể chứng minh?].
[...]
III. NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT CƠ BẢN
1. Điều kiện tự nhiên
Các nhà nước ở Phương Đông ra đời sớm ở lưu vực các con sông lớn (Sông Nin ở Ai Cập, Sông Ti-grơ và Ơ-ph-rát ở Lưỡng Hà, Sông Hằng
Hà ở Ấn Độ, Sông Hoàng Hà và Trường Giang ở Trung Quốc) ["sớm" ở đây hiểu theo những nghĩa nào?]. Đây là nơi thuận lợi cho
kinh tế nông nghiệp phát triển.
Trong khi đó về điều kiện tự nhiên, ở Phương Tây, các nhà nước Hy Lạp và La
Mã được hình thành chủ yếu trên 2 bán đảo là bán đảo Ban-căng và bán đảo I-ta-li-a. Đây là nơi không thuận lợi cho kinh tế nông nghiệp, nhưng thuận lợi cho việc phát triển
kinh tế thủ công nghiệp, thương nghiệp [Nêu dẫn chứng cụ thể để chứng minh cho lập luận trên? lý giải vì sao nhà nước ở Phương Tây lại ra đời muộn hơn ở Phương Đông?].
2. Tính chất và
trình độ của lực lượng sản xuất
Ở Phương Đông,
nhà nước Phương Đông
ra đời trên cơ sở lực lượng sản xuất phát triển thuộc giai
đoạn
đồ đồng. Kinh tế tự nhiên, trong đó nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo.
Ở Phương Tây,
nhà nước ra đời trên cơ sở lực lượng sản xuất đã phát triển thuộc giai
đoạn đồ sắt [Sự khác nhau về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất nói lên điều gì?].
3. Thời điểm xuất hiện nhà nước
Các nhà sử học cho rằng khoảng thế kỷ 7 TCN, tức là mãi sau hơn 2000 năm, sau sự xuất hiện của nhà nước Phương Đông cổ đại, nhà nước Phương Tây
mới ra đời (Cụ thể: nhà nước thành
bang của Hy Lạp xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ VIII - VI TCN trong khi đó nhà nước Phương Đông lại xuất hiện rất sớm từ cuối
thiên niên kỷ thứ IV TCN) [Dựa vào đâu mà người ta xác định được thời điểm xuất hiện nhà nước? Tiêu chí nào để biết rằng nhà nước ra đời? Liệu có một cái mốc cụ thể rằng nhà nước năm này hay năm kia ra đời không?].
4. Thành thị
Nhà
nước Phương Đông cổ đại tồn tại và phát triển trên cơ sở nền kinh tế tự
nhiên, kinh tế hàng hoá chậm phát triển nên
không xuất hiện những trung tâm kinh tế lớn. [Tại sao kinh tế hàng hóa lại chậm phát triển ở Phương Đông?].
Ở Phương Tây, nền kinh tế
vẫn
mang tính chất tự nhiên, nhưng khác với Phương Đông là kinh tế công
thương
nghiệp ở Phương Tây rất phát triển, nên ở Phương Tây đã sớm xuất hiện
những thành thị, những khu tập trung buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Khác cơ bản với thành thị ở Phương Đông mang nhiều yếu tố "tĩnh" chủ yếu là trung tâm chính trị, ngược lại thành thị Phương
Tây mang nhiều yếu tố "động", vừa là trung tâm chính trị vừa là trung tâm kinh tế. Hoạt
động lưu thông tiền tệ, kinh tế hàng hoá phát triển nên thành thị phương Tây cổ đại
rất phồn thịnh [Lý giải vì sao có sự khác biệt nói trên?].
5. Sở hữu ruộng đất
Ở Phương Đông, ruộng đất hầu hết thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Quyền sở hữu
ruộng đất của tư nhân có nơi có lúc xuất hiện nhưng đóng vai trò không đáng
kể [Giải thích?]. Công xã nông thôn ở Phương Đông không bị phá vỡ mà được bảo lưu, tồn
tại một cách vững chắc [Lý giải sự tồn tại lâu dài và phổ biến của công xã nông thôn ở Phương Đông?]. Chính
sự tồn tại của công xã nông thôn đã làm cho quyền sở hữu ruộng đất của nhà nước
Phương Đông càng thêm ổn định, củng cố thêm chế độ độc tài chuyên chế [Giải thích?].
Ở Phương Tây, quyền sở hữu ruộng
đất chủ yếu thuộc về tư nhân. Ví dụ: ở La Mã, sau các
cuộc chiến tranh chinh phục, nhà nước đã biến ruộng đất chiếm được thành đất
công rồi đem bán hoặc chia cho tư nhân [Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?].
6. Tính giai cấp, xu hướng tập quyền hay phân quyền
Phương Đông bước
vào xã hội có giai cấp sớm [Chỉ ra điểm giống và khác giữa việc phân chia thành giai cấp và sự phân chia thành đẳng cấp (ví dụ ở Ấn Độ cổ đại)?]. Ngay từ đầu tính tập quyền của nhà nước Phương Đông có xu hướng phát triển mạnh (Tại sao? ở nhà nước nào?). Nếu như ở Phương Đông càng
có các cuộc chiến tranh thì nhu cầu
hợp nhất, sáp nhập hay tập quyền càng mạnh thì các nhà nước ở Phương Tây
lại có phần ngược lại, sau những cuộc chiến tranh, sớm hay muộn cũng đều tồn
tại một xu hướng chia tách hoặc phân quyền [Bạn đồng ý hay phản đối nhận định này? Hãy nêu dẫn chứng chứng minh và lập luận?] vì thực chất một trong những lý do quan trọng là ban đầu các nhà nước ở Phương Tây không có nhu cầu nội tại và thường trực về trị thủy như các nhà nước Phương Đông [Thử phản biện lại?]. Sự phân quyền ấy ở Phương Tây thời cổ
đại là sự xuất hiện các nhà nước thành bang, sau này phát triển hơn ở
thời trung cổ là sự chia tách giữa quyền lực nhà nước và quyền lực của
giáo hội, quyền lực của nhà vua và các lãnh chúa [Còn có những nguyên nhân nào khác không?].
7. Hình thức nhà
nước
Hình thức chính thể ở Phương Đông hầu hết là hình thức quân chủ (Nêu ví dụ?). Vua
đứng đầu nhà nước, có quyền lực cao nhất về mọi mặt, vua được thần thánh hoá, được
coi là vị thần vĩ đại, là thiên tử hoặc tăng lữ tối cao [Ở nhà nước nào? Người đứng đầu nhà nước thời kỳ này ở Phương Đông có những đặc điểm gì giống và khác so với người đứng đầu nhà nước ở những giai đoạn sau đó? Cho ví dụ?]. Quần chúng
nhân dân phải phục tùng vô điều kiện giai cấp thống trị và hầu như không
được tham gia bất cứ sinh hoạt chính trị nào của đất nước [Dẫn chứng?].
Ở Phương Tây, hình thức chính thể
được biểu hiện rất đa dạng gồm dân chủ chủ nô,
cộng hoà quý tộc, quân chủ chuyên chế. Ví dụ nhà nước Xpác (nhà nước cộng hoà quý tộc chủ nô); nhà nước Aten
(nhà nước cộng hòa dân chủ chủ nô); nhà nước La mã (cộng hoà và quân chủ chuyên chế). Những nhà nước được tổ chức theo chính thể cộng hòa thì các thiết chế quan trọng được hình thành bằng phương thức bầu cử. Ví dụ: Thiết chế Hội nghị công dân ở nhà nước Aten; Hai vua trong nhà nước Xpac được hình thành bằng phương thức bầu cử (Tại sao ở Phương Tây lại xuất hiện đa dạng các hình thức chính thể như vậy? hình thức quân chủ ở Phương Đông và Phương Tây thời kỳ này có những điểm khác nhau nào?].
Về hình thức cấu trúc nhà nước,đa phần các nhà nước là đơn nhất. Ở Phương Tây đặc biệt là ở Hy Lạp và La Mã cổ đại đã lần lượt xuất hiện các nhà
nước thành bang (Tại sao? Nêu ví dụ?).
Về chế độ chính
trị, khác với các nhà nước Phương Đông, các biện pháp và biểu hiện dân chủ (Demokratie) đã xuất hiện ở nhà nước Phương Tây. Ví dụ: Hội nghị công dân - cơ quan quyền lực cao nhất trong
nhà nước
Aten cổ đại. Một trong những lý do khiến tính chất, mức độ dân chủ của nhà nước ở Phương Tây cao hơn Phương Đông thời kỳ này là do những nhà nước ở Phương Tây thời kỳ này liên tục có những cuộc cải cách rất toàn diện từ chính trị, kinh tế đến xã hội (Ví dụ: điển hình là các cuộc cải cách của Xô-lông, Clít-x-ten, Pê-ri-clét ở nhà nước Aten cổ đại) [Tại sao ở Phương Tây lại diễn ra các cuộc cải cách như vậy? So sánh các cuộc cải cách ở Phương Đông (ví dụ cải cách của Thương Ưởng) và Phương Tây (cải cách của Xô-lông, Clít-x-ten, Pê-ri-clét để thấy rõ sự khác biệt?]. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, về tính chất và mức độ của dân chủ ở đây chỉ dừng lại ở dân
chủ đa số và chứa đựng những hạn chế nhất định. Khái niệm "dân" ở đây cũng chỉ được hiểu là những người dân
tự do chứ không phải là một bộ phận lớn trong xã hội lúc này là những
người nô lệ [Phân tích để làm rõ hơn giá trị và hạn chế của dân chủ trong nhà nước
Aten? Nâng cao: Thử so sánh dân chủ sơ khai của nhà nước Aten với những hình thức và mức độ dân chủ trên thế giới hiện nay ? Dân chủ có những hạn chế gì không? Trong khi nhân loại chưa tìm ra những hình thức mới tiến bộ hơn thì cần hạn chế những hiệu ứng nghịch nào của dân chủ?].
8. Vấn đề "nô lệ" và "kiểu nhà
nước"
Ở Phương Tây, theo học thuyết Mác - Lênin, chế độ nô lệ là điển
hình (hay còn gọi là kiểu nhà nước chiếm hữu nô lệ điển hình). Sự điển hình thể hiện ở tính chất, số lượng và vai trò nô lệ trong các
ngành sản xuất. Hy Lạp và La Mã là nơi mà số lượng nô lệ hết sức đông đảo, là lực lượng lao động chính tạo ra của cải và sự giàu có cho chủ nô. Ví dụ: Ở Hy
lạp trong thời kỳ chiến tranh Ba Tư, con số nô lệ ở Ca-ran-tơ lên đến
46 vạn, ở E-gi-i-nơ lên đến 47 vạn, tức là tính theo dân số thì trung bình cứ 10 nô lệ mới có 1 người tự do [Tại sao chế độ nô lệ ở Phương Tây thì được coi là "điển
hình", còn ở Phương Đông thì không được coi là "điển hình"? Học thuyết Mác - Lênin về hình thái kinh tế xã hội có hạn chế không? Nếu có ở điểm nào?].
Kiểu nhà nước ở Phương Đông thời cổ đại nhiều nhà khoa học đặt tên là kiểu nhà
nước Châu Á (hay Phương thức sản
xuất châu Á) mang những đặc trưng riêng. Khác với Phương Tây, chế độ nô
lệ Phương Đông là chế
độ nô lệ không điển hình, mang nặng tính chất gia trưởng, căn cứ
vào nhiều yếu tố, song quan trọng nhất là nô lệ thời kì này không phải
là lực lượng
đông đảo và lao động chính trong xã hội, chủ yếu chỉ phục dịch trong gia
đình
các quí tộc. Nô lệ có nguồn gốc xuất thân chủ yếu từ các tù binh chiến
tranh, hoặc những
người nông dân, thợ thủ công bị phá sản [Nô lệ thì khác, vậy chủ nô có khác không? đưa ra dẫn chứng để so sánh].
9. Về bộ máy nhà nước
Ở Phương Đông, hệ thống các cơ quan giúp
việc cho nhà vua từ trung ương đến địa phương được phân chia
theo chức năng, lĩnh vực (kể tên các cơ quan, chức năng, nhiệm vụ cụ thể?). Ở Phương Tây, ví dụ nhà nước cộng hòa quí tộc chủ nô Xpac cũng có thiết chế nhà vua (hai nhà vua) - người đứng đầu nhà nước, nhưng hai vua không phải là thiết chế nắm nhiều quyền hành. Ở các nhà nước Phương Tây cổ đại, sự chuyên môn hóa trong
hoạt động của các cơ quan
nhà nước cũng cao hơn, xuất phát từ nguyên nhân những nhà nước này liên tục
có các cuộc cải cách rất toàn diện [Còn có nguyên nhân nào khác không?]. Ví dụ: Sự chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của các thiết chế như: Hội đồng
5 quan giám sát ở nhà nước Xpac, Hội đồng 10 tướng lĩnh ở Aten, Hội
đồng quan
án ở La Mã [Tiêu chí nào để đánh giá sự chuyên nghiệp?].
Về
cơ quan xét xử, ở Phương Đông nhìn chung cơ quan xét xử không tách riêng
thành cơ quan độc lập với cơ quan hành chính. Cụ thể quyền xét xử tối cao thuộc về
người đứng đầu nhà nước và thường được nhà vua uỷ nhiệm cho một cơ
quan đặc
biệt ở
trung ương. Tại các địa phương, hoạt động xét xử thuộc thẩm quyền của
viên quan đứng đầu đơn vị hành chính đó. [Tại sao ở Phương Đông thì cơ quan xét xử không tách riêng thành cơ quan độc lập với các cơ quan hành chính? Hệ quả?]. Ở Phương Tây ngay từ đầu tính chuyên nghiệp và tính độc lập trong hoạt động xét xử đã cao hơn. Các cơ quan xét xử thường
được tách khỏi cơ quan hành chính và phân nhóm để xét xử những loại vụ việc cụ
thể. Ví dụ: ở La mã (thời kì cộng hòa) cơ quan xét xử chuyên trách được
thành lập với số lượng khá đông các thẩm phán được bầu, hoạt động thường xuyên
theo các nhóm với quy chế hoạt động chặt chẽ. [Vậy ở nhà nước Hy Lạp thời cổ đại có sự tách biệt này không?].
10. Pháp luật
Thời
cổ đại đã có những sản phẩm lập pháp rất đồ sộ và thể hiện tính pháp
điển hóa cao như Bộ luật Hammurabi và Bộ luật Manu (ở Phương Đông), Luật 12
Bảng và Bộ pháp điển Corpus Iuris Civilis năm 533 SCN ở La Mã (ở Phương Tây). Đây là những thành tựu nổi bật về lập pháp thời cổ đại.
Điểm khác biệt rõ
nhất giữa pháp luật Phương Đông và Phương Tây thời cổ đại là ở chỗ: Nếu
so
sánh với các nước Phương Tây thời cổ đại thì pháp luật dân sự ở Phương
Đông kém
phát triển hơn Phương Tây. Ở Phương Đông, lĩnh vực pháp luật hình sự với
các qui định về tội phạm và hình phạt được qui định nhiều hơn hơn pháp luật
dân sự. (Đồng tình hay phản đối? Nêu ví dụ, lập luận? Ngoài ra còn có những khác biệt nào nữa?).
Điểm hạn chế rõ nhất của các Bộ luật cổ là các chế định hình sự. Sự hàm hỗn giữa hình luật và dân luật chính là
nét đặc trưng cơ bản của luật pháp thời kỳ này. Hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là nhiều bộ luật (đặc biệt là các Bộ luật ở Phương Đông) đã hình sự hoá hầu hết các
quan hệ xã hội. [Các bộ luật cổ ở Phương Tây có đặc điểm này không? Nêu dẫn chứng?]. Ngoài ra các qui định hình sự cũng thể hiện sự bất bình đẳng rõ nét và sự tiếp thu các tàn
dư của cách xử sự trong xã hội công xã nguyên thuỷ [Chứng minh?].
Vượt ra khỏi tính giai cấp, pháp luật cổ đại chứa đựng nhiều điểm tiến bộ [Vậy hiểu thế nào là "tiến bộ"? dựa vào đâu để đánh giá?] :
- Trong Bộ luật Hammurabi có nhiều qui định tiến bộ như: 1) quan
hệ hợp đồng khi qui định ba điều kiện bắt buộc đối với hợp đồng mua
bán; 2) qui định con trai, con gái đều được hưởng quyền thừa
kế ngang nhau; 3) kết hôn phải có giấy tờ; 4) người chồng không được bỏ vợ
khi biết người vợ mắc bệnh
phong hủi; 5) trách nhiệm của thẩm phán khi xử oan người vô tội v.v... [Đọc bản dịch của Bộ luật và trích dẫn chính xác những điều luật tương ứng và đưa ra nhận xét, bình luận?].
- Trong Luật 12 Bảng cũng có nhiều qui định đặc biệt tiến bộ như: 1). Qui định thủ tục xét xử bắt
buộc và trách nhiệm của thẩm phán. (Ví dụ: Điều 6. Bảng IX : “Cấm xử tử hình một người mà chưa thông qua
xét xử“. Điều 4. Bảng IX: “Thẩm phán
sẽ bị xử tử hình nếu có bằng chứng về việc phạm tội nhận hối lộ”); 2). Qui định cụ thể về trình tự tố
tụng như Điều 4 Bảng I: „Nếu
các bên đã thỏa thuận giao kèo, thì phải công bố công khai thỏa thuận này. Nếu
các bên có tranh chấp, thì họ phải đưa vụ kiện ra nơi công cộng trước buổi trưa.
Họ sẽ cùng tự bào chữa cho mình. Sau buổi trưa, thẩm phán sẽ phán quyết. Nếu cả
hai đều có mặt, vụ kiện sẽ kết thúc lúc mặt trời lặn"; 3). Xác định rõ thời hiệu, hiệu lực của thỏa thuận dân sự. (Ví dụ: Điều 1. Bảng III: „Trong trường hợp một khoản nợ đã được xác định trước hoặc khoản nợ
mà Tòa án đã tuyên bố buộc phải trả, thì trong thời hạn ba mươi ngày khoản nợ
đó phải được thanh toán“; Điều 1. Bảng VI: “Nếu một người làm một
giao kèo hoặc chuyển nhượng và thông báo điều đó bằng lời nói, thì kể từ thời
điểm đó quyền lợi được xác lập); 4). Xác định rõ quyền đối với bất động sản liền kề (Ví dụ: Điều 1. Bảng VII: “Một người chủ
tài sản phải làm một con đường để đi lại (nếu tồn tại một quyền với lối đi - right-of-way); nếu người chủ từ chối
không làm, khách qua đường vẫn có quyền đi qua cùng với gia súc bất cứ chỗ nào
mà họ phải đi qua.”); 5). Xác định rõ đối tượng được hưởng thừa kế (Ví dụ: Điều 1. Bảng V: “Nếu một người qua đời không để lại di chúc mà
cũng không có người thừa kế theo luật, thì người đàn ông tiếp theo thuộc họ
hàng gần nhất sẽ hưởng thừa kế. Nếu không có người đàn ông kế tiếp thuộc họ
hàng gần nhất, những người đàn ông thuộc dòng tộc còn lại sẽ được hưởng thừa kế”; Điều 2. Bảng V Luật 12 Bảng: “Nếu một người bị điên, thì
người đàn ông tiếp theo thuộc họ hàng gần nhất của người đó sẽ có quyền đối với
tài sản của anh ta")...[Nhận xét, bình luận?].
- Bộ pháp điển Corpus Iuris Civilis năm 533 SCN ở La Mã là đỉnh cao về lập pháp thời cổ đại. Đây được coi là cội nguồn
của luật pháp Châu Âu thời Trung đại và Cận hiện đại. Sự tiến bộ của Bộ pháp điển này ở chỗ pháp luật bảo vệ tất cả các mặt của chế độ tư hữu, phạm vi điều chỉnh của luật rất
sâu và rộng, liên quan đến cá nhân như sở hữu, hôn nhân và gia
đình, hợp đồng, thừa kế. Điển hình là các qui định như: 1). Phân loại sở hữu đất đai thành sở hữu nhà nước, sở hữu công xã và tư hữu; 2). về qui định điều kiện hợp đồng phải thoả mãn 2 điều kiện là phải dựa trên cơ sở thoả thuận tự nguyện giữa hai bên, không được lừa dối, không được dùng bạo lực và nội dung của hợp đồng phải hợp pháp, phù hợp với các qui định của
pháp luật, người kí kết phải có đủ năng lực theo qui định của pháp luật; 3). Các cách phân loại hợp đồng; 4). Qui định về cầm cố tài sản; 5). Cách qui định về giải quyết tranh chấp hợp đồng khi gặp phải trường hợp bất khả kháng; 6). Về thừa kế theo di chúc (Testato) và thừa kế theo luật (Intestato); 7. Về qui định tài sản riêng của vợ chồng; 8. Về việc cho phép người vợ có quyền li hôn và nhận lại của hồi môn của mình...([Đọc bản dịch
của Bộ luật và trích dẫn đúng những điều
luật cụ thể tương ứng và đưa ra nhận xét, bình luận?].
Thời phong kiến, các nhà nước phương Tây đã dựa vào những chế định của Luật
La Mã để xây dựng luật riêng cho vương quốc họ [Cụ thể?]. Đến thời cận hiện đại, các nhà
làm luật cũng kế thừa Luật La Mã cổ đại để xây dựng thành Bộ luật dân sự của quốc gia mình. Điển hình là Bộ luật dân sự của Pháp do hoàng đế Napôlêông xây dựng năm 1804, Bộ luật dân sự
của Đức năm 1900. Các Bộ luật dân sự đương đại trên thế
giới hiện nay, kể cả Bộ luật dân sự của Việt Nam đều ít nhiều kế thừa những qui định tiến bộ đã có từ Luật
La Mã thời cổ đại và pháp luật của các quốc gia Tây Âu hiện đại [Bộ luật dân sự Việt Nam hiện hành có kế thừa gì từ Luật La Mã không?].
[...]
Câu hỏi tổng hợp: Việc nghiên cứu nhà nước và pháp luật Phương Đông và Phương Tây thời cổ đại cũng như chỉ ra những
điểm tương đồng và khác biệt cơ bản về nhà nước và pháp luật của hai khu vực này (vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, có thời điểm rất xa so với hiện tại) liệu có ích gì không?
NMT