Nguyễn Minh Tuấn
Điều 5 khoản 3 câu 1 Luật cơ bản của Đức qui định: “Khoa học, giảng dạy và nghiên cứu là tự do”. Qui định quyền tự do về khoa học (die Wissenschaftsfreiheit) là quyền hiến định, một quyền tự vệ của cá nhân (Abwehrrecht) chống lại sự can thiệp từ phía nhà nước trong lĩnh vực khoa học, đồng thời là cơ sở bảo vệ sự tự chủ của các trường đại học (Hochschulautonomie). Quyền tự do về khoa học được đặt trong hệ thống các quyền tự do khác là các quyền tự do về tư tưởng (Meinungsfreiheit), tự do báo chí (Pressefreiheit) và tự do về nghệ thuật (Freiheit der Kunst) được qui định chung tại Điều 5 của Luật này.
Từ qui định cụ thể đến thực tế tổ chức giảng dạy, học tập và qui trình đào tạo đại học theo tín chỉ ở Đức đều phải dựa trên cơ sở của Điều 5 khoản 3 câu 1 Luật cơ bản theo nguyên tắc:
TÔN TRỌNG TỰ DO TRONG KHOA HỌC.
Bản chất của đào tạo tín chỉ cũng là hoạt động tổ chức nhằm hiện thực hóa quyền tự do trong khoa học của các chủ thể hoạt động khoa học là các giáo sư, người nghiên cứu và học viên.
1. Giảng dạy và học tập
- Sinh viên năm thứ nhất được các Giáo sư ở tất cả các chuyên ngành trực tiếp giới thiệu phương pháp cũng như những kỹ năng cần thiết cho việc học tín chỉ của từng môn học.
- Bên cạnh các môn khoa học pháp lý cơ bản (như Lịch sử pháp luật, triết học pháp luật, xã hội học pháp luật, Lịch sử các học thuyết pháp lý và Phương pháp luận nghiên cứu luật học) là các môn khoa học pháp lý chuyên ngành (Zivilrecht, Strafrecht, Öffentliches Recht) (1) cũng như các môn học chuyên sâu của từng ngành tương ứng (intensive Ausbildung in denjenigen Rechtsfächern). Bên cạnh đó, học viên có thể lựa chọn một số môn học khác để tích lũy đủ số tín chỉ theo yêu cầu như môn So sánh pháp luật (Rechtsvergleichung), Công pháp quốc tế (Völkerrecht), Tư pháp quốc tế (Internationales Privatrecht), Luật hình sự quốc tế (Internationales Strafrecht), Luật kinh tế và luật thuế quốc tế (Internationales Wirtschafts- und Steuerrecht) và Luật Châu Âu (das Europarecht).
- Mỗi môn học, bên cạnh việc nghe giảng (Vorlesung), sinh viên được tham dự các buổi seminar, các buổi học nhóm (Tutorien/ AG - Arbeitsgemeinschaft). Việc nghe giảng cũng như học nhóm là hoàn toàn tự nguyện, không có điểm danh. Ý nghĩa của việc học nhóm quan trọng ở chỗ đây là môi trường để rèn luyện tư duy pháp lý qua việc giải bài tập là các tình huống thực tế cập nhật hoặc những câu hỏi mà Giáo sư đưa ra mỗi tuần.
- Mỗi giáo sư có một website riêng. Trước khi bắt đầu môn học, sinh viên có thể truy cập vào trang web của Giáo sư để tìm hiểu trước các tài liệu tham khảo, mục lục các bài giảng. Sau mỗi bài giảng trên lớp, sinh viên có thể truy cập trang web này để download nội dung chính của bài giảng và các bài tập, tình huống pháp lý để tự nghiên cứu. Khi nghe giảng, sinh viên không phải ghi chép nhiều mà vấn đề là hiểu được nội dung bài giảng.
- Chỉ có Giáo sư thực thụ mới được đứng lớp giảng dạy. Các học viên sau tiến sĩ, tiến sĩ, hoặc nghiên cứu sinh (những người đã qua kỳ thi quốc gia) chưa được phong hàm giáo sư chính thức chỉ có thể tham gia hướng dẫn các buổi học nhóm. Giảng đường và các phòng học nhóm được bố trí tương ứng, phù hợp với số lượng sinh viên.
- Trong mỗi buổi học nhóm, sinh viên và người hướng dẫn học nhóm được trao đổi, thảo luận về các tình huống pháp lý do Giáo sư của môn học đó đưa ra.
- Các lớp học không có lớp trưởng, không có giáo viên chủ nhiệm. Tổ chức hội sinh viên là tổ chức chính trị độc lập do sinh viên toàn trường bầu ra để bảo vệ quyền lợi của sinh viên.
2. Giáo trình, sách tham khảo
- Mỗi một môn học có nhiều giáo trình, nhiều sách tham khảo khác nhau, được cập nhật, tái bản liên tục (nhiều giáo trình được tái bản hàng năm). Trước khi bắt đầu môn học, giáo sư thường giới thiệu cho sinh viên các tài liệu tham khảo và ưu điểm của từng cuốn giáo trình để sinh viên có thể tự nghiên cứu.
- Một cuốn giáo trình luật thường được chia thành các phần như sau: 1. Giới thiệu (Vorwort), 2. Mục lục tổng quan (Inhaltsübersicht), 3. Mục lục chi tiết (Inhaltsverzeichnis), 4. Tài liệu tham khảo (Literaturverzeichnis), 5. Mục lục các từ viết tắt (Abkürzungsverzeichnis), 6. NỘI DUNG (Inhalt), 7. Mục lục các biểu bảng tổng quan và nội dung quan trọng (Verzeichnis der Übersichten und Schemata), 8. Mục lục các tình huống (Verzeichnis der Erläuterungsfälle), 9. Mục lục các phán quyết của Tòa án được trích dẫn (Verzeichnis der zitierten Entscheidungen) và 10. Mục lục các thuật ngữ (Sachverzeichnis).
- Bên cạnh việc chia thành từng trang, cuốn giáo trình được chia nhỏ hơn thành các đoạn (Randnummer - Rn.). Mỗi đoạn (Randnummer) là một ý, hoặc một vấn đề độc lập. Tương ứng với các Randnummer, các thuật ngữ pháp lý quan trọng được in đậm. Việc in đậm giúp sinh viên khi đọc chú ý và hiểu thuật ngữ đó trong từng ngữ cảnh tương ứng. Ở phần cuối mỗi cuốn giáo trình đều có phần tổng hợp các thuật ngữ (Stichwortverzeichnis). Mỗi thuật ngữ đều được chỉ dẫn tương ứng với các Randnummer. Ví dụ: einstweilige Anordnung 55, 496f., 500, 725, 858 ff.. Sinh viên có thể tra cứu thuật ngữ này một cách dễ dàng và có thể hiểu thuật ngữ trong các ngữ cảnh cụ thể.
- Về nội dung, nhìn chung các giáo trình được thiết kế theo hình thức đan xen giữa các vấn đề lý thuyết và các tình huống thực tế (Fall). Mỗi bài tập đều có bài giải mẫu mang tính định hướng (Lösung). Các tình huống được nêu trong giáo trình đa phần được trích dẫn từ các phán quyết của Tòa án (Ví dụ: môn học Luật nhà nước sở dĩ rất lý thú vì người học được tiếp cận với thực tiễn rất sinh động từ các phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang, đồng thời thông qua các phán quyết của Tòa án, các thuật ngữ cũng được giải thích rất cụ thể).
- Mỗi một phần/ một chương của giáo trình đều giới thiệu các tài liệu tham khảo (Literatur). Tài liệu tham khảo là những chỉ dẫn quan trọng để sinh viên có thể tra cứu khi muốn hiểu sâu hơn về nội dung đã được trình bày trong giáo trình.
- Với mỗi vấn đề lý thuyết đều có các ghi nhớ (Merke), các biểu bảng, mô hình (Tabelle) cũng như các nội dung quan trọng của bài học (Übersichten und Schemata), giúp người đọc có thể nắm được các nội dung căn bản một cách nhanh nhất.
3. Thi cử
- Các kì thi được tổ chức dưới một trong hai hình thức: Thi viết (Klausur - schriftliche Prüfung) hoặc thi vấn đáp (mündliche Prüfung). Thi theo hình thức nào là do giáo sư dạy môn học đó quyết định. Sinh viên được mang Bộ luật vào phòng thi.
- Đối với các môn khoa học pháp lý chuyên ngành nội dung đề thi dù là vấn đáp hay thi viết đều là các tình huống pháp luật. Để giải được các bài tập, đương nhiên sinh viên phải có kiến thức tổng hợp, hiểu được các vấn đề lý thuyết và qua một quá trình luyện tập. Điểm số: thang điểm từ 1 đến 5. Điểm 1 là điểm cao nhất.
4. Qui trình đào tạo luật
4.1. Hai ngành Luật và Y khoa là ngành đòi hỏi tiêu chuẩn đầu vào cao nhất, cũng như quá trình đào tạo lâu nhất ở nước Đức.
Để có thể hành nghề luật chính thức, một người phải trải qua một thời gian học tập rất lâu dài và vất vả. Qui trình đạo tạo luật chính thức (die voll-juristische Ausbildung)
gồm các bước như sau:
Bước 1: Học viên phải hoàn thành khóa học 4 năm hoặc 4 năm rưỡi (8 hoặc 9 học kỳ tùy từng trường qui định) và tích lũy đủ các yêu cầu sau:
+ Tích lũy đủ số tín chỉ các môn học;
+ Tích lũy đủ các bài tiểu luận (Hausarbeiten): Các bài tiểu luận thường liên quan đến một loạt các tình huống khó yêu cầu sinh viên phải hoàn thành trong thời gian từ 4 đến 6 tuần;
+ Viết bài, trình bày trong các buổi seminar theo chủ đề tự chọn;
+ Tích lũy đủ thời gian thực tập (praktische Studienzeiten
) là 3 tháng tại Tòa án, văn phòng luật sư, văn phòng luật của các doanh nghiệp. Cơ sở thực tập do người học tự đăng ký lựa chọn, tuy nhiên bắt buộc phải có tối thiểu 1 tháng thực hành thực tế tại một văn phòng luật sư (2);
+ Tham gia khóa đào tạo về kĩ năng thực hành nghề luật ( Schlüsselqualifikationen) [ví dụ kĩ năng thương lượng, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng hùng biện, kỹ năng tranh tụng...]
+ Có chứng chỉ chứng minh khả năng ngoại ngữ chuyên ngành luật (der Nachweis einer rechtswissenschaftlichen Fremdsprachenkompetenz).
Cuối khóa học, người đó phải tham gia tiếp kỳ thi quốc gia thứ nhất (die juristische Prüfung ["Referendarexamen"]). Để đảm bảo tính độc lập, khách quan kỳ thi này
được tổ chức bởi cơ quan khảo thí độc lập của bang, cơ quan này không trực thuộc trường Đại học.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư Pháp Đức năm 2006 có 14.013 thí sinh dự thi kỳ thi quốc gia thứ nhất, có khoảng 9.903 thí sinh đỗ. Trong toàn liên bang chỉ có 27 người đỗ loại giỏi (sehr gut). Số liệu được lấy từ website của Bộ Tư Pháp Đức (http://www.bundesjustizministerium.de)
Bước 2: Trước khi tham dự kỳ thi quốc gia thứ hai (die zweite staatsliche Prüfung), học viên phải hoàn thành thời gian thực tập (còn gọi là Referendarzeit) là hai năm. Kỳ thi quốc gia thứ hai thông thường được tổ chức bởi cơ quan khảo thí pháp lý của bang (Landesjustizprüfungsamt). Kỳ thi này thường rất khó đối với hầu hết những người học luật vì bao gồm nhiều bài thi (từ bảy đến mười một bài thi viết, số lượng tùy từng bang qui định. Mỗi bài thi kéo dài từ 3 đến 8 tiếng đồng hồ). Hình thức thi bao gồm cả thi vấn đáp và thi viết cũng như thi trình bày cách giải quyết các tình huống khó. Nội dung các bài thi đòi hỏi người học phải nắm chắc một hệ thống kiến thức luật tổng hợp cũng như kinh nghiệm thực tiễn, liên quan đến tất cả các lĩnh vực luật học. Người chấm thi là các giáo sư, thẩm phán, luật sư danh tiếng do cơ quan khảo thí pháp lý của bang lựa chọn phù hợp với từng dạng bài thi. Nếu vượt qua kỳ thi thứ hai, người học được chứng nhận là Assessor - một chứng nhận kết thúc quá trình đào tạo l
uật chính thức ở Đức (die voll-juristische Ausbildung). Chứng nhận Assessor là điều kiện cần để một người có thể hành nghề luật như Luật sư, thẩm phán, công chức, công tố viên...hoặc tiếp tục nghiên cứu ở trường Đại học hoặc một Viện nghiên cứu.
Cũng theo thống kê của Bộ Tư Pháp,
số lượng thí sinh dự thi kỳ thi quốc gia lần thứ hai năm 2006 là 13.319 thí sinh, trong đó có 8.432 thí sinh vượt qua được kỳ thi này trên toàn liên bang. Trong số đó, cũng chỉ có 8 người đỗ loại giỏi (sehr gut).
Cũng theo thống kê của Bộ Tư Pháp, độ tuổi trung bình khi học Đại học Luật là 19 hoặc 20 tuổi và kết thúc kỳ thi thứ hai là khoảng 28 tuổi. Thời gian đào tạo, cũng như mức độ khắt khe về đào tạo luật ở Đức vượt xa những chuẩn mực đào tạo luật thông thường trên toàn Châu Âu. (Xem thêm:
Nigel Foster, Satish Sule, German Legal System and Laws, 3. Edition, Oxford, 2008, p. 86)
4.2. Ngoài ra, muốn trở thành giáo sư đại học (Professor), sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (Doktorarbeit), người có học vị tiến sĩ phải tiếp tục tích lũy nhiều điều kiện khác như: 1. Hoàn thành bậc sau tiến sĩ (
Habilitation) và bảo vệ thành công đề tài sau tiến sĩ (Habilitationsschrift); 2. Tích lũy đủ các công trình khoa học; 3. Tích lũy đủ kinh nghiệm giảng dạy và 4. Được một trường Đại học công nhận và bổ nhiệm.
5. Một vài nhận xét
Qua việc phân tích quá trình giảng dạy, thi cử và qui trình đào tạo tín chỉ ngành luật (lấy ví dụ từ thực tiễn tại Đại học Tổng hợp Saarland) có thể rút ra một số nhận định sau:
- Chương trình đào tạo luật học ở Đức nói chung không còn những môn học đại cương.
- Đề thi không ra theo kiểu thuộc luật mà theo hướng hiểu luật và rèn luyện tư duy pháp lý.
- Sự đa dạng về giáo trình là sản phẩm và biểu hiện của sự tự do trong khoa học. Mỗi môn học có nhiều giáo trình để sinh viên có thể tham khảo. Mỗi giáo trình được biên soạn một cách công phu, có chất lượng, có những điểm mạnh riêng và liên tục được tái bản, bổ sung hoàn thiện.
- Thời lượng thực tập chiếm một phần quan trọng trong quá trình đào tạo (ít nhất 3 tháng trước kì thi quốc gia thứ nhất và 2 năm trước kì thi quốc gia thứ hai).
- Các kỳ thi quan trọng được tổ chức bởi cơ quan khảo thí độc lập, đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Nội dung thi bám sát khả năng vận dụng các kiến thức luật trong thực tế.
- Ngoài coi trọng tư duy và kĩ năng giải quyết các tình huống pháp lý, người học được rèn luyện các kĩ năng cần thiết khác của nghề luật và ngoại ngữ chuyên ngành luật. Sau 6 năm được đào tạo cả ở môi trường đại học và rèn luyện qua các vụ việc thực tế tại cơ sở thực tập, cũng như trải qua hai kỳ thi quốc gia, người học có đủ kiến thức và kĩ năng, tự tin để hành nghề luật.
---------
Chú thích
(1) Ở Đức có 3 lĩnh vực luật truyền thống là: luật dân sự, luật hình sự và luật công.
(2) Đợt nghỉ hè hoặc nghỉ đông sinh viên nước ngoài thường tranh thủ đi thực tập tại Tòa án hoặc văn phòng luật để có kiến thức thực tế về nghề nghiệp của mình.
Nguyễn Minh Tuấn (tổng hợp)
(Ghi chú: Điều kiện tuyển sinh, qui trình đào tạo luật của trường ĐHTH Saarland,
tác giả tổng hợp từ website chính thức của Khoa tại địa
chỉ này:
http://archiv.uni-saarland.de/de/fakultaeten/fak1/rewifak/studg-rw/rw/, truy cập gần nhất ngày 20 tháng 4 năm 2010. Trong bài viết, tác giả có sử dụng từ ngữ
từ Tiếng nước ngoài. Khi chuyển ngữ sang Tiếng Việt, với những từ ngữ
quan trọng, để đảm bảo tính chính xác, từ gốc Tiếng nước ngoài được để
trong dấu ngoặc đơn).