Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

GIẤC MƠ ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ



Nguyễn Minh Tuấn

Bộ giáo dục và đào tạo Việt nam đặt mục tiêu 10 năm nữa sẽ có trường Đại học lọt vào top 200 các trường hàng đầu thế giới. Quả là một tham vọng lớn. Có tham vọng và phấn đấu hết mình cho những ước mơ để đi đến thành công là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên cứ đặt ra tham vọng, nhưng không hiểu mình đang đứng ở đâu, thì tham vọng sẽ chỉ là mơ mộng.

Trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt giữa các trường đại học trên thế giới hiện nay, việc phấn đấu trở thành trường đại học hàng đầu thế giới là một việc làm hết sức khó khăn. Thử kể ra một vài điều kiện và năng lực thực tế sẽ thấy ngay ta đang đứng ở đâu.

Các trường đại học hiện nay thường cạnh tranh, dựa vào các tiêu chí như:
(1) số lượng giáo sư có đẳng cấp quốc tế, có các thành tích nghiên cứu khoa học tầm quốc tế như giải Nobel và Fields,
(2) số lượng bài báo quốc tế được trích dẫn thường xuyên nhất,
(3) tỷ lệ giáo sư /sinh viên, giáo sư/sinh viên nước ngoài,
(4) chương trình giảng dạy, qui trình tuyển chọn giáo viên, qui trình tuyển chọn sinh viên,
(5) tiêu chuẩn về thư viện, điều kiện cơ sở vật chất, chi phí phục vụ nghiên cứu, phục vụ giảng dạy.

Hiện nay Việt Nam chưa có bất kỳ một trường đại học nào được xếp vào top 200 trường hàng đầu Châu Á. Về giải thưởng, Việt Nam vẫn chưa có nhà khoa học nào đạt được giải thưởng Nobel về khoa học hay kinh tế độc lập. Số lượng Giáo sư có đẳng cấp quốc tế đang làm việc trong nước cũng không nhiều. Với số lượng chưa đầy 200 công trình nghiên cứu một năm được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành của thế giới, Việt Nam vẫn không thể cạnh tranh nổi với một trường Đại học lớn trong khu vực chứ chưa nói ở tầm thế giới.

Về số lượng sinh viên/giáo sư thì trên thế giới nhiều nơi nếu có quá 30 sinh viên/1 giáo sư là đã không được công nhận là trường đạt chất lượng chuẩn trong nước của một ngành nào đó. Thông thường những trường thuộc đẳng cấp quốc tế tỉ lệ này là từ khoảng 15 đến 20 sinh viên/1 giáo sư. Ở Việt Nam, riêng về đào tạo Luật, theo một cuộc điều tra của Bộ Tư Pháp năm 2005 thì có 110 sinh viên/ 1 giảng viên Luật . Thậm chí có nơi cá biệt được giao chỉ tiêu đào tạo 4000 sinh viên Luật mà không hề có một giảng viên chuyên trách (Dẫn theo PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa trong bài "Phải dám so mình với thế giới bên ngoài", trích nguồn từ tạp chí Khoa học pháp lý, số 5/2005, tr.55).

Việc xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế là một việc làm cần nhiều thời gian, tiền bạc và đặc biệt là chính sách đãi ngộ, thu hút chất xám. Các đại học danh tiếng thế giới như Havard, Yale, Oxford, Cambridge...ngoài việc đầu tư vào cơ sở vật chất, cũng cần hàng trăm năm tạo dựng uy tín và thu hút nhân tài để đạt được những thành tựu như ngày nay.

Đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam hiện có rất nhiều việc cần phải làm. Bên cạnh việc có nhiều tiền để xây dựng cơ sở vật chất thật tốt, tôi cho rằng trước mắt cần phải tập trung ở những điểm sau:

(1) Tuyển chọn được Giáo sư và sinh viên giỏi, đặc biệt là các Giáo sư có trình độ cao từ Mỹ và Châu Âu về phục vụ đất nước (Nếu không nhanh chóng cải thiện điều kiện nghiên cứu, giảng dạy, và xây dựng môi trường làm việc công bằng, minh bạch, thân thiện, các trường đại học sẽ chỉ nhìn thấy những người tài lặng lẽ lần lượt ra đi, chứ không thể mong có nhiều người tài, đặc biệt là các Giáo sư thành danh đã có công việc ổn định từ nước ngoài trở về nước cống hiến).
(2) Xóa bỏ cơ chế bao cấp từ Bộ chủ quản đối với các trường Đại học, đồng thời tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của trường đại học.
(3) Quốc tế hóa chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy. Tin học hóa, công khai hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý đào tạo theo hướng ngày càng thuận tiện cho người học, đồng thời giảm tải công việc cho người làm công tác quản lý.
(4) Liên kết hiệu quả với các đơn vị, doanh nghiệp trong nước để trước hết nhằm đào tạo theo nhu cầu xã hội, thứ hai là tranh thủ sự hỗ trợ để tạo điều kiện tốt nhất cho người học.
(5) Liên kết hiệu quả với các cơ sở đào tạo nước ngoài, các GS nước ngoài, đặc biệt là những trường Đại học nổi tiếng thế giới và thu hút được nhiều sinh viên quốc tế.


Thực chất những đề xuất trên không hẳn mới, nhưng căn bản, nếu đặt trong những tiêu chí chung của giáo dục đại học trên thế giới. Giáo dục đại học Việt Nam, theo thiển ý của tôi, nên hướng tới làm tốt từ những điều như vậy.

NMT