Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

KỸ NĂNG ĐẶT CÂU HỎI

Nguyễn Minh Tuấn
Kỹ năng đặt câu hỏi là một trong những bí mật giúp bạn thành công trong giao tiếp, trong nghề nghiệp của mình. Đặt câu hỏi đúng “quan trọng hơn ngàn lần tìm câu trả lời đúng cho một câu hỏi sai”.

Khi bạn hỏi, bạn ở thế “làm chủ”. Nếu vậy, kĩ năng đặt câu hỏi thực chất là kĩ năng để bạn dẫn dắt câu chuyện hay một cuộc đối thoại sao cho hiệu quả nhất.
Câu hỏi có thể được phân loại theo nhiều cách. Nếu theo cách đặt câu hỏi, có thể phân chia thành câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Nếu phân chia theo cách trả lời, có thể chia thành câu hỏi trực tiếp và câu hỏi gián tiếp. Hơn nữa, tùy từng ngữ cảnh, trong giao tiếp, đàm phán hay tham vấn, cách thức đặt câu hỏi, loại câu hỏi cũng được vận dụng khác nhau. Ở bài viết ngắn này, tôi chỉ tập trung trao đổi về hai dạng câu hỏi quan trọng nhất là câu hỏi đóng và câu hỏi mở, cũng như giới thiệu các bước chuẩn bị và tiến hành kĩ năng này.

[1]. Câu hỏi đóng

Câu hỏi đóng là những câu hỏi mà câu trả lời thường là “có”, “không” hoặc một thực tế đơn giản nào đó, tính chất của nó là xác nhận lại thông tin, chứ không có tính gợi mở.

Hỏi đóng thường dùng với tính chất là câu mở đầu cho một đề tài nào đó. Chẳng hạn, câu hỏi đóng dùng để thăm dò, giúp bạn xác định nhanh được người đối diện có hứng thú/quan tâm không đến điều bạn nói. Qua cách trả lời của họ, bạn có thể tiếp tục hoặc dừng lại. Không nên lạm dụng câu hỏi đóng liên tục, vì điều này sẽ khiến người đối diện nghĩ là bạn đang tra khảo họ.

[2]. Câu hỏi mở

Hỏi mở là hỏi khi muốn nắm bắt ý kiến riêng của người được hỏi, đào sâu thêm thông tin, khơi gợi người được hỏi nói về những điều bạn chưa biết hay còn mơ hồ. Câu hỏi mở thường bắt đầu bằng từ để hỏi có dạng “vì sao, như thế nào, ở đâu, ý kiến của bạn về vấn đề đó…” (Trong Tiếng Anh là dạng câu hỏi WH [Why, how, where, when…). Câu hỏi mở là những câu hỏi không có câu trả lời cố định, chúng kích thích suy nghĩ và mở ra những trao đổi hoặc tranh luận, người được hỏi không bị gò bó về câu trả lời.

Với một câu hỏi đóng, chẳng hạn như: “Ngài có dùng cà phê không (ạ)?”, câu trả lời chỉ có thể là Có hoặc Không. Nhưng muốn khai thác thêm thông tin, ta cần phải đặt câu hỏi mở. Chẳng hạn: Nếu có thêm một thứ khác nữa để lựa chọn tôi có thể đặt câu hỏi: “Liệu tôi có thể (hân hạnh) phục vụ ngài món gì?” Câu hỏi như thế khuyến khích việc mở rộng thông tin (Ngoài cà phê, có thể lựa chọn trà, nước ngọt…). Nếu muốn, có thể tiếp tục mở rộng câu hỏi như: “Ngài muốn dùng loại cà phê nào? (cà phê sữa, cà phê đen hoặc cà phê đen có đường…” Như thế, tính mở câu hỏi đã tiếp tục được mở rộng.

Câu hỏi mở rất cần thiết cho việc nghiên cứu, điều tra thực tế, cho biết kiến thức, sự hiểu biết, quan điểm hoặc cảm xúc của người trả lời. Câu hỏi càng mở, người được hỏi càng dễ trả lời.

Trong câu hỏi mở thường người hỏi đã định hướng điều gì có giá trị và điều gì quan trọng, cũng như khơi gợi nhiều đáp án đa dạng hoặc kích thích trao đổi, thảo luận và tranh luận.

Các dạng câu hỏi mở
Ví dụ
Câu hỏi đào sâu (giúp khai thác thông tin, mở rộng vấn đề, giúp tìm hiểu bản chất vấn đề)
·   ...Điều này có ý nghĩa gì với bạn?/Bạn có thể mở rộng ý này như thế nào?/Theo bạn, bước tiếp theo có thể là gì?/ Tại sao vấn đề này lại quan trọng thế?/ Tại sao bạn nghĩ vậy?/ Bạn có thể nói theo cách khác không?/ Bạn có thể cho một ví dụ không? Bạn có thể giải thích lý do cho mọi người không?/ Bạn cho rằng đâu là vấn đề cốt lõi?
Câu hỏi Giả định (giúp thăm dò các khả năng và kiểm chứng các giả thuyết, giúp phát huy trí tưởng tượng)
...Điều gì sẽ xảy ra nếu…?/ Nếu…, bạn nghĩ thế nào?/ Nếu…, bạn đồng ý hay phản đối?/ Ta có thể đưa ra giả định nào thay thế?/ Có cách thay thế nào không?/ Nếu điều đó xảy ra, nó có thể gây ra hậu quả gì? Tại sao?
Câu hỏi xác định nguồn thông tin? (giúp đánh giá mức độ tin cậy, trung thực của thông tin)
    ...Dữ liệu được thu thập như thế nào?/ Bạn sử dụng phương pháp nào để thu thập?/Tại sao bạn nghĩ thông tin mình đưa ra là có thể tin cậy được?/ Tại sao bạn nghĩ rằng điều đó là đúng?/ Có lý do nào để nghi ngờ bằng chứng này không?/ Đây là ý kiến của bạn hay là bạn lấy từ một nguồn nào khác?
Câu hỏi về sự đánh giá của cá nhân (giúp đánh giá quan điểm, tình cảm, suy nghĩ của cá nhân)
   ...Bạn nghĩ gì về…?/ Bạn đánh giá như thế nào về…?/ Bạn đã từng ở trong tình huống đó chưa và bạn xử lý ra sao?/ Điều gì khiến bạn tin như thế?

[3]. Các bước chuẩn bị và thực hiện
Muốn đặt câu hỏi tốt, bạn cần:

[3.1]. Lên kế hoạch

Việc đầu tiên là bạn cần lên kế hoạch chuẩn bị cho các câu hỏi. Khi lên kế hoạch bạn cần xác định rõ mục đích hỏi. Câu hỏi tốt trước tiên phải có mục đích hỏi rõ ràng, xác định rõ thông tin nào bạn muốn biết, vấn đề nào bạn sẽ hỏi. Hỏi có thể để thúc đẩy người tham dự tìm hiểu các lĩnh vực tư duy mới, thách thức các ý tưởng hiện tại, thăm dò kiến thức, hoặc hỏi đơn thuần chỉ để trao đổi thông tin, kinh nghiệm.  

[3.2]. Đặt câu hỏi

Mấu chốt của kỹ năng này là hỏi sao cho trúng và đúng thời điểm. Một câu hỏi hay luôn là câu hỏi mang tính sáng tạo, những câu hỏi này khuyến khích sự tư duy. Tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tượng được hỏi mà bạn nêu câu hỏi sao cho phù hợp. Bạn cần lựa chọn câu hỏi tùy theo mục đích hỏi, có thể là câu hỏi nhớ lại/ miêu tả, câu hỏi phân tích hoặc câu hỏi ứng dụng. Câu hỏi tốt chỉ nên có một ý hỏi . Tránh đưa ra nhiều ý hỏi cùng một lúc khiến người tham dự không biết bắt đầu trả lời từ đâu. 

Đặt câu hỏi mở khéo léo, hấp dẫn cũng là cả một nghệ thuật. Câu hỏi mở sẽ dẫn đến câu trả lời dài hơn, phát huy tác dụng trong một cuộc trò chuyện mở, tìm kiếm thêm thông tin hoặc tham khảo ý kiến người khác. Nên mở rộng các câu hỏi mở, chú ý tính liên tục, chặt chẽ của các câu hỏi. Chẳng hạn nên phát triển những câu hỏi như: Điều gì làm bạn thích nhất/ Điều gì tạo cho bạn sự ấn tượng nhất khi…Hoặc mở rộng…Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm/quan điểm/ thông tin về…

Trong thời gian ngắn, bạn phải xác định được câu hỏi nào là trọng tâm và câu hỏi nào là câu hỏi phụ. Khi hỏi không định kiến trước, cũng không nên áp đặt. Để thuận lợi trong việc trao đổi người hỏi vẫn có thể đưa ra quan điểm riêng của mình và lắng nghe ý kiến riêng của người được hỏi. Chẳng hạn, có thể bắt đầu bằng những câu như: “Theo ý kiến của tôi/ cảm nhận của tôi thì…/ Tôi tin rằng…”. 

Câu hỏi tốt là câu hỏi dùng từ ngữ phù hợp với vốn từ và trình độ, kinh nghiệm của người được hỏi. Cần hạn chế từ ngữ chuyên môn sâu. Kèm theo câu hỏi có thể là những gợi ý, ví dụ để người được hỏi dễ liên hệ, trả lời. Chỉ nên hỏi những câu hỏi mà người được hỏi có kinh nghiệm, kiến thức và sự ham thích. Hãy để cho buổi trao đổi được diễn ra tự nhiên nhất có thể. 

[3.3]. Lắng nghe, đồng cảm và cùng chia sẻ 

Một người biết cách lắng nghe có thể hoàn toàn làm chủ được mọi tình huống và sự trao đổi thông tin. Bạn cần quan sát phản ứng của người được hỏi để hiểu người khác thật sự muốn nói gì trong câu trả lời của họ. Sau khi đặt một câu hỏi, cần chú ý tới thời gian chờ đợi, đủ để họ suy nghĩ. Khi hỏi không nên ngắt lời người nói, mà hãy tập thái độ tôn trọng người nói như chính bạn đang nói vậy. Khi bạn thực sự lắng nghe, bạn sẽ khiến cho người khác tin tưởng ở bạn và họ sẽ sẵn sàng cùng bạn chia sẻ. 

Tóm lại, kỹ năng đặt câu hỏi rất quan trọng, cần thiết trong cuộc sống. Nếu biết cách đặt câu hỏi tốt, bạn có thể khuyến khích người đối diện cùng suy nghĩ, cùng tham gia. Hỏi đúng sẽ khiến giao tiếp hiệu quả và trao đổi thông tin chính xác. Hi vọng những gợi ý nêu trên cùng với việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp bạn nâng cao khả năng đưa ra những câu hỏi hiệu quả, lắng nghe câu trả lời cẩn thận và đưa ra giải pháp phù hợp trong công việc và cuộc sống của bạn.
--------------------------------------------------
 Các bài viết khác có liên quan đến chủ đề (click vào liên kết dưới đây để đọc):