Nguyễn Minh Tuấn
Hùng biện về hình thức là việc diễn
giả phải nói sao cho hay. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Nói hay chưa chắc đã là
hùng biện. Diễn giả hùng biện thành công phải biết, hiểu và vận dụng: (1) sức mạnh của thông tin
chân thực, tri thức và sự đam mê, yêu thích vấn đề đưa ra, (2) sức mạnh của
ngôn từ và sự phân tích, lập luận; (3) sức mạnh của sự tự tin, lòng dũng cảm và
sự thiện tâm.
[1]. Sức mạnh của thông tin chân thực, tri thức và sự đam mê, yêu thích vấn
đề trình bày
Sự thật, tri thức là hạt nhân của hùng biện. Trung thực là cơ sở tạo nên lòng tin đối với người khác. Điều kiện để
suy luận đạt tới kết luận chân thực là phải xuất phát từ những tiền đề chân thực.
Thông tin đưa ra có chính xác, có đủ độ
xác tín hay không mới là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
Trong nghề luật, khi biện luận phải
đưa ra được những chứng cứ để chứng minh và củng cố lập luận của mình. Chính thông
tin trung thực mới là vũ khí quan trọng nhất. Học hùng biện trước tiên cần tập kỹ
năng sàng lọc thông tin, chắt lọc thông tin, tìm ra vấn đề nào là cốt lõi nhất,
bản chất nhất.
Hùng biện không phải là nói cho
riêng mình nghe, mà là nói những điều mình hiểu biết, yêu thích cho
người khác nghe, do vậy công việc của diễn giả là chỉ nên nói những gì
cần thiết nhất, thú vị nhất, dẫn dụ, lôi cuốn, thuyết phục người nghe. Muốn vậy,
bản thân diễn giả phải hiểu thấu và yêu thích vấn đề mà mình trình bày. Khi hùng biện đạt đến tầm nghệ
thuật hùng biện thì ngoài sự hiểu biết, phong cách, giọng nói… diễn giả nhất
thiết phải có sự đam mê chính về vấn đề mình trình bày. Thiếu sự đam mê thì bài nói đó sẽ thiếu sức sống và vì
vậy không thể truyền được cảm hứng cho người nghe.
[2]. Sức mạnh của ngôn từ và sức mạnh của sự phân tích, lập luận
Về ngôn ngữ, vốn ngôn ngữ phải
phong phú. Sử dụng ngôn ngữ phải chuẩn xác cả về thanh âm và ngữ điệu. Mỗi một
từ, một câu đều phải giúp truyền tải một lượng thông tin, gắn với mục đích vấn
đề cần làm rõ. Ngữ điệu trong bài hùng biện phải có cung bậc, có điểm nhấn. Âm
vực trong thể hiện ngôn ngữ phải linh hoạt, phù hợp với nội dung, xúc cảm biểu
đạt.
Hiểu biết sâu sắc pháp luật là điều
kiện có tính chất nền tảng của những người hành nghề luật. Chẳng hạn, khi hùng
biện, luật sư phải căn cứ vào những qui định
của pháp luật để bảo vệ thân chủ. Muốn hùng biện tốt, nhất thiết luật sư phải
có vốn kiến thức luật chuyên ngành sâu rộng, vốn sống được tích lũy qua năm
tháng.
Nếu như nghề y, bác sĩ có các máy
móc trợ giúp, luật sư không có gì khác ngoài cái đầu để phân tích. Diễn giả hùng biện giỏi không hẳn
chỉ vì những gì họ nói, mà vì họ đã phân tích vấn đề trước khi nói.Nếu muốn người
khác nghe, bạn phải thuyết phục được họ về mặt lý trí. Chỉ những lập luận sắc
sảo, chính xác mới có sức thuyết phục, cảm hóa người nghe.
Bạn
phải biết phân biệt các sự kiện theo bản chất (cái ruột) và tên gọi của chúng
(cái vỏ), phân biệt cái nào chính, cái nào phụ, cái nào là nguyên nhân, cái nào
là hậu quả, cái nào là gốc, cái nào là ngọn….
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích nêu ví dụ:
“Cô Lan có ba vòng đo lần lượt là 90, 80, 88 (cô ấy – cái ruột). Ở nhà tên cô
là Cô Ba, ở trường tên là Hồng, nay đi làm tên cô ấy là Lan (cái vỏ). Bạn thấy
bản chất hay cái ruột là một (tĩnh); tên gọi thì có nhiều (động). Bạn suy luận
mà dựa trên “cái động” thì dễ mất phương hướng, nói cái này thì quàng sang cái
khác. Người nghe không hiểu! Khi phân biệt sự kiện nào là chính hay phụ thì phải
gắn nó với một gốc nào đó. Thí dụ mẹ của bạn là chính với bạn , nhưng là phụ đối
với tôi.”
[3]. Sức mạnh của sự tự tin, lòng dũng cảm và sự thiện tâm
Muốn nói hay phải hiểu chắc chắn
về vấn đề mình đang nói. Hùng biện tốt trước tiên phải là người có bản lĩnh thực
sự. Đối với luật sư, đó phải là người không sợ quyền lực, không sợ trù dập mà
chỉ hướng tới bảo vệ được lẽ phải, lẽ công bằng.
Hùng biện có thu phục được nhân
tâm hay không phụ thuộc rất lớn vào đạo đức của người thể hiện. Mọi lập luận,
lý lẽ đưa ra cũng sẽ là vô nghĩa, nếu người luật sư không có trách nhiệm trong
nghề nghiệp, không bảo vệ thân chủ từ chính động cơ cao đẹp vì lẽ phải, vì lợi
ích chính đáng của con người. Thuật hùng biện cũng không giúp ích cho việc biến
sai thành đúng. Trong hoàn cảnh nghề nghiệp ở Việt Nam, nói như Luật sư Nguyễn
Ngọc Bích, luật sư luôn phải hành xử với mình bằng một sự tự trọng, với người một
cách liêm chính. Có như vậy việc hành nghề mới được lâu dài và vững bền.
-----
Các bài
viết khác có liên quan đến chủ đề (click vào liên kết dưới đây
để đọc):