Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

CON HÁT MẸ KHEN HAY VÀ THÔNG ĐIỆP CẦN VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH

Nguyễn Minh Tuấn

Quỳnh Anh và phụ huynh. Ảnh: Vietnamgottalent.info
Tài năng đích thực hay chỉ là con hát mẹ khen hay?

Chương trình giải trí trên truyền hình có tên Vietnam‘s got Talent đang thu hút được sự chú ý của dư luận. Sau khi chương trình tuần vừa qua khép lại, đã có rất nhiều người bàn luận về tiết mục biểu diễn của thí sinh Quỳnh Anh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sẽ chẳng có gì đáng để „ồn ào“ như thế, nếu như chỉ thuần túy là việc dự thi và không được lựa chọn để đi tiếp vào vòng sau. Tuy nhiên trường hợp „không được lựa chọn“ này lại không bình thường như những trường hợp khác.

Điều không bình thường là trước khi bước lên sân khấu, người mẹ và cả gia đình của thí sinh Quỳnh Anh đã hết lời ca ngợi tài năng của em, rằng em  "quá có năng khiếu“, "quá tài năng", "đỉnh của đỉnh". Tuy nhiên, sau khi thể hiện, cả khán giả và Ban giám khảo mới thấy sự thật rằng tài năng thực sự của thí sinh đã không hoàn toàn giống như những gì gia đình ca ngợi trước đó. Nhạc sĩ Huy Tuấn đã nhận xét: "chất giọng của Quỳnh Anh có thể gặp bất cứ nơi đâu, kĩ thuật chưa thật hoàn hảo, những nốt lên cao còn rất nhiều hạn chế."

Điều khiến khán giả thất vọng ở đây không phải với thí sinh dự thi Quỳnh Anh, một cô bé chỉ mới 15 tuổi, mà thất vọng, bất bình với hành động của người mẹ. Sau khi có những lời nhận xét và kết quả không đồng ý đi tiếp vào vòng sau của Ban giám khảo, mẹ của thí sinh đã cầm micro, lên tiếng phát biểu ngay trên sân khấu để "bảo vệ" con mình. Bà cho rằng thí sinh Quỳnh Anh đã trình bày rất tốt, không có lỗi nào, rằng con gái bà thực sự có tài, hơn nhiều thí sinh khác và có ý phê bình Ban giám khảo đã không cho Quỳnh Anh một cơ hội (?!).

Việc người mẹ này dám đứng lên bảo vệ con thực chất không có gì là sai, nếu như lập luận bà đưa ra là đúng và đủ sức thuyết phục. Tuy nhiên, trong một cuộc thi, thí sinh có tài hay không, tài đến mức độ nào, muốn khách quan, công bằng quan trọng nhất là phải để công luận và những người có chuyên môn đánh giá. Tất cả những việc người mẹ làm chỉ cho thấy một điều rõ nhất rằng những gì bà ca ngợi con mình và tài năng thực sự của cô bé đã thể hiện trên sân khấu là khác nhau quá xa.

Điều rất đáng buồn là hiện nay có khá nhiều vị phụ huynh vẫn ngộ nhận về khả năng thực sự của con cái mình để chạy theo một thứ thành tích ảo như thế. Trên đời có người mẹ nào mà không yêu con, thương con. Nhưng yêu thương không phải là đánh giá con một cách mù quáng, cao quá mức so với khả năng thực sự của con, mà phải rèn luyện cho con tinh thần dũng cảm, dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào những điểm còn hạn chế của con mình, động viên con khiêm tốn, tiếp tục cố gắng học hỏi và dần hoàn thiện, chứ không phải áp đặt ý muốn của mình. Làm như thế, thực tế là...đang làm hại con mình.

„Hơn gấp vạn lần dân chủ tư sản“

Khép lại chuyện „con hát mẹ khen hay“, nhìn vào thực tế xã hội ta sẽ thấy có muôn vàn những cách suy nghĩ, cách làm tương tự như thế của những người được coi là „người lớn“, "người có học", thậm chí cả những người hiện đang giữ những trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước. Điều này khiến cho rất nhiều người trong chúng ta không khỏi phải day dứt, suy nghĩ.

Dường như ai cũng biết, so với nhiều nước, nước ta vẫn là một nước nghèo, chúng ta hiện đang thua kém họ ở nhiều phương diện. Nhẽ ra cần phải biết mình, biết người, mà phấn đấu, vậy mà trong một bài viết gần đây đăng trên Báo nhân dân, ngày 5/11/2011, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lại khẳng định rằng: "Nhà nước ta đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản…"

Bà Nguyễn Thị Doan, Ảnh: Tuổi trẻ

Như đã đề cập về phần thi của thí sinh Quỳnh Anh, việc đánh giá em có tài thực sự hay không thì phải căn cứ vào sự thể hiện của em trên sân khấu, sự đánh giá của Ban giám khảo, cũng như ngàn vạn khán giả theo dõi, chứ không phải chỉ nghe một phía từ người mẹ hay gia đình em. 

Cũng tương tự vậy, vấn đề nước ta có dân chủ thực sự hay không và dân chủ ở mức độ nào thì phải dựa trên những căn cứ, tiêu chí cụ thể và được đánh giá một cách khách quan từ phía bên ngoài, tức là bởi những người dân trong nước và dư luận quốc tế, chứ không phải chỉ dựa vào kết luận chủ quan, cảm tính, một chiều của những người lãnh đạo.  

Như khẳng định của bà Doan, không rõ "dân chủ" mà bà nói là dân chủ gì, „tầm cao mới“ ấy là tầm cao nào mà có khả năng cao „gấp vạn lần dân chủ“ của những nước tư bản ngày nay? Tất nhiên, bà Phó chủ tịch nước có thể nói, có thể viết, có thể đưa ra quan điểm riêng, đó là quyền của bà. Tuy nhiên, khi bà đưa ra nhận định, muốn thuyết phục được người khác, bà phải dựa trên lý lẽ và có nghĩa vụ chứng minh những gì mình nói là đúng sự thật. 

Phó chủ tịch nước đã nói thì chắc không phải chuyện chơi. Vậy thì liệu bà Phó chủ tịch nước có thể chứng minh bằng những chứng cứ cụ thể, thuyết phục với nhân dân cả nước và với các nước trên thế giới rằng Việt Nam ta đang có „dân chủ cao hơn gấp vạn lần“ các nước tư bản như Anh, Đức, Mỹ, Nhật, Pháp hiện nay không? Chúng tôi – những người dân luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp tục theo dõi phần dự thi của bà, nhưng mong bà đừng giống như người mẹ của thí sinh Quỳnh Anh trong cuộc thi Vietnam’s got Talent tuần vừa rồi, trình diễn xong, khán giả lại „ồ lên" rõ to...ồ lên không phải vì sung sướng hay khâm phục, mà là...tràn đầy thất vọng.

Dũng cảm nhìn lại và tự sửa mình

Dù gì thì chương trình Vietnam’s got Talent cũng chỉ là một cuộc chơi. Cuộc chơi nào, ánh hào quang nào, ồn ào mấy rồi cũng sẽ khép lại. Con đường phía trước của Quỳnh Anh còn rất dài, sự việc vừa rồi có thể khiến em phần nào bị tổn thương, nhưng tôi nghĩ ban giám khảo đã quyết định đúng và quyết định đó là cần thiết cho em, vì hi vọng qua những lời nhận xét của Ban giám khảo, của mọi người, Quỳnh Anh sẽ tĩnh tâm nhìn lại mình, xem xét lại cách mình được giáo dục để trưởng thành hơn. Với nhiều người có thể em hát chưa thật hay, nhưng em hãy tiếp tục khám phá khả năng của bản thân, tiếp tục cố gắng với những đam mê thật sự của mình, em vẫn có nhiều cơ hội để thành công.

Với nhiều vị phụ huynh, con cái dù có lớn đến đâu trong mắt họ vẫn chỉ là những đứa trẻ. Cách suy nghĩ ấy đến nay cần phải thay đổi. Khi con đã lớn, bố mẹ cần phải luôn tin tưởng và động viên con hướng tới những điều tốt đẹp, cho con quyền tự quyết định và tự chịu trách nhiệm dần về việc mình làm. Khi đã trưởng thành, điều đáng quí nhất của người con là có chính kiến riêng của mình, không ngại khó, ngại khổ để vươn tới những điều mà mình cho là tốt đẹp.  

Đối với nhà nước cũng vậy, đã qua rồi thời kì nhà nước là cha mẹ dân, dù sai hay đúng nhà nước nói gì dân cũng tin, qua rồi thời chính quyền có thể "ru ngủ" nhân dân bằng những từ ngữ mĩ miều, đẹp đấy nhưng không hề có thật. 

Tự do, dân chủ không bao giờ là quà tặng từ trên trời rơi xuống, những điều hay ho đó chỉ có được khi người dân nhìn nhận ra những sai trái, bất công, dám lên tiếng, đấu tranh, bảo vệ những quyền căn bản, những giá trị sống của mình.

Người dân Myanmar chào đón sự trở lại của bà Aung San Suu Kyi, người phụ nữ Châu Á đấu tranh cho Nhân Quyền nổi tiếng thế giới hiện nay. Ảnh:  ABC

Cô bé Quỳnh Anh sẽ lại ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ bất luận đúng sai HAY qua cuộc thi này em sẽ trưởng thành hơn, sẽ mạnh mẽ hơn mà suy nghĩ độc lập, quyết định tương lai và sự thành công theo cách của mình? Câu trả lời là ở phía em. Điều này cũng giống với một dân tộc, nếu không nhìn ra bên ngoài, không nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém của mình mà dũng cảm sửa đổi, dân tộc ấy sẽ mãi chìm đắm một cách êm ái trong lạc hậu, đói nghèo. Thời nay dân chủ có được hay không, đó không phải chỉ là việc của chính quyền nữa rồi, giờ đã đến lúc phải suy nghĩ khác, làm khác, người dân phải tự quyết định lấy vận mệnh, nếu như muốn có một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân mình và con cháu mai sau. 

NMT

---------------------

Mời quí vị xem lại những tư liệu dưới đây:

Video clip phần dự thi của thí sinh Quỳnh Anh trong chương trình Vietnam's got Talent, tuần 7:


----------------

Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới
Cập nhật lúc 01:56, Thứ bảy, 05/11/2011 (GMT+7) 
GS.TS. Nguyễn Thị Doan
Nguồn: Báo Nhân dân điện tử,
đăng ngày 5/11/2011,
truy cập đường link gốc tại đây
Trải qua hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới (từ Ðại hội VI đến hết nhiệm kỳ Ðại hội X) và 20 năm (1991-2010) thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và một lần nữa chứng minh vai trò lãnh đạo của Ðảng ta đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, trong giai đoạn cách mạng mới, thế giới đã có nhiều thay đổi và diễn biến phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác, phát triển và hội nhập vẫn là xu thế lớn, nhưng xung đột sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra gay gắt; các yếu tố đe dọa an ninh, các nước lớn dùng mọi thủ đoạn tinh vi, thậm chí cả hành động quân sự dưới mọi chiêu bài để can thiệp, lấn lướt các quốc gia nhỏ, yếu thế và tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng. Những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh,... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, không chỉ còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà muốn giải quyết được phải có sự chung tay, góp sức của tất cả các nước trên thế giới. Song, chế độ chính trị, lợi ích của mỗi nước lại khác nhau, số nước do Ðảng Cộng sản là Ðảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo không còn nhiều, trong khi sự chia sẻ trên tinh thần đoàn kết, hy sinh giúp đỡ của các nước có chế độ do Ðảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo đối với nước ta cũng đã thay đổi nhiều. Tuy xu hướng hòa bình, hữu nghị vẫn là chính, nhưng việc tính toán để bảo vệ quyền lợi của mỗi quốc gia cũng thay đổi. Quốc gia nào cũng có toan tính riêng trong bối cảnh phức tạp hơn. Toàn cầu hóa, hội nhập và cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, làm cho thời gian như ngắn lại, không gian như nhỏ đi, thúc đẩy hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Quá trình cấu trúc lại nền kinh tế thế giới và nền kinh tế của mỗi quốc gia diễn ra mạnh mẽ theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng làm mục tiêu. Trong khi đó, cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực, cả ở thị trường tại mỗi quốc gia và thị trường thế giới, giữa các nước ngày càng gay gắt. Ðấu tranh giai cấp và dân tộc vẫn diễn biến phức tạp. Khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Ðông - Nam Á là khu vực phát triển năng động nhưng vẫn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo càng nóng bỏng. Trong nước, tuy đã có thành tựu và kinh nghiệm của hơn 25 năm đổi mới, tạo ra thế và lực mới cho đất nước, nhưng "nước ta vẫn phải đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Những biểu hiện xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta".
Trong bối cảnh, thời cơ và thách thức đan xen như hiện nay, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Ðảng càng cực kỳ quan trọng và luôn là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Ðể đảm đương được vai trò lãnh đạo, Ðảng phải tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong để xây dựng Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học...Muốn vậy, cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:
Một là, Ðảng ta cần tiếp tục nâng tầm trí tuệ và đổi mới tư duy để lãnh đạo toàn diện đất nước phù hợp với diễn biến nhanh chóng, mau lẹ của thực tế; phù hợp với đường lối đổi mới của cách mạng Việt Nam. Mỗi đảng viên phải nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm của mình khi tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Ðảng và tuyên thệ dưới cờ Ðảng để cố gắng phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đảng viên và mọi nhiệm vụ được giao. Ðảng lãnh đạo thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên của mình hoạt động trong mọi lĩnh vực. Do đó, cần xây dựng đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Ðảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư"; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và có khả năng tổng kết, giải đáp những vấn đề thực tiễn của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; đồng thời mỗi đảng viên phải xây dựng cho mình phương pháp và tác phong công tác, làm cho mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm thuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa.
Thực tế vừa qua, một số đảng viên chưa xứng đáng là người lãnh đạo và lại càng chưa xứng đáng là người đầy tớ của nhân dân mà có người lại tìm cách "xâm hại quyền lợi của dân", làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Ðảng; tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng và quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn diễn ra với tính chất và mức độ nghiêm trọng... Trước tình trạng này, Ðảng muốn giữ được vai trò và uy tín để lãnh đạo, cần tập trung vào phòng, chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, trước hết là trong nội bộ Ðảng, xác định rõ trách nhiệm của đảng viên trong cuộc đấu tranh quyết liệt này. Ðây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp ngay trong nội bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, thường xuyên tự phê bình và phê bình, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong, phong cách Hồ Chí Minh, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ tham nhũng, tiêu cực. Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cần thực hiện sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Ðảng về trách nhiệm của người đảng viên, để mọi đảng viên đều gương mẫu, tiên phong. Chỉ khi đó, Ðảng mới thật sự lãnh đạo hệ thống chính trị và xã hội thông qua đội ngũ đảng viên của mình, như vậy mới thực hiện được phương thức Ðảng lãnh đạo cách mạng thông qua tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên.
Hai là, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Ðiều lệ Ðảng đã quy định rõ, cấp ủy là cơ quan lãnh đạo của Ðảng giữa hai kỳ đại hội. Như vậy, cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy có vai trò, trách nhiệm quyết định đối với hoạt động và hiệu quả lãnh đạo của Ðảng và cũng là biểu hiện tập trung Ðảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng. Thực tế cho thấy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng là cực kỳ quan trọng. Họ có quyền và trách nhiệm thay mặt cấp ủy, tổ chức đảng. Trình độ, năng lực, sự trong sạch, gương mẫu của các cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy là nhân tố hàng đầu bảo đảm hiệu quả lãnh đạo của Ðảng. Sự gương mẫu, tiên phong của cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, ở cấp càng cao thì sự lan tỏa, sức thuyết phục đối với đội ngũ đảng viên, nhân dân càng rộng lớn và còn có giá trị thuyết phục cao hơn nhiều những bài thuyết giáo chung chung. Nhưng nếu người đứng đầu cấp ủy suy thoái đạo đức hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng nhất là ở cấp vĩ mô "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì điều đó là nguy hiểm khôn lường đối với Ðảng và chế độ mà sự tan rã của Ðảng Cộng sản Liên Xô và các nước XHCN ở Ðông Âu đã cho ta bài học đắt giá. Cần quy định rõ trách nhiệm  thông qua các tiêu chí cụ thể đánh giá người đứng đầu cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng Ðảng và nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình, đặc biệt cần tập trung vào trách nhiệm trong công tác tổ chức cán bộ và phát triển đội ngũ kế cận. Ðảng ta thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, mà thực chất công tác cán bộ là của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy. Nếu coi việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là một đặc ân, đặc quyền của Ðảng thì sẽ là nguy cơ lớn đối với Ðảng. Do đó, việc lựa chọn đúng người, xếp đúng việc là việc quan trọng hàng đầu trong tổ chức cán bộ.
Thực tế vừa qua, công tác cán bộ còn nhiều tồn tại và hạn chế, tình trạng một số cấp ủy còn mất đoàn kết, một số đảng viên còn chạy chức, chạy quyền,... vẫn chưa được khắc phục; việc đánh giá đúng năng lực của cán bộ để sử dụng và bố trí đúng người, đúng việc vẫn còn bất cập. Cần nhận thức rằng yếu kém, khuyết điểm này, trước hết thuộc trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy để từ đó có biện pháp đổi mới thật sự công tác cán bộ của Ðảng. Chỉ có như vậy chất lượng lãnh đạo, uy tín của Ðảng mới được nâng cao; niềm tin của dân với Ðảng mới thật sự được củng cố; Ðảng mới bảo đảm được vai trò lãnh đạo thông qua đội ngũ cán bộ của mình.
Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội một cách toàn diện trên các mặt phong cách, nội dung, phương pháp. Về phong cách lãnh đạo phải gần dân, nghe dân, học dân và trọng dân theo đúng tư tưởng "lấy dân làm gốc" và "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát"; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng các hành động thiết thực, cụ thể trong công việc, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, gia đình... nhằm khắc phục triệt để tình trạng quan liêu, xa dân, ngại tiếp xúc với dân, không nghe ý kiến phê bình, phản biện của dân, thậm chí còn chèn ép dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ðiều đó làm mất lòng tin của nhân dân đối với Ðảng. Cần phân định rõ chủ thể lãnh đạo với chủ thể quản lý để không có sự "lấn sân", bao biện làm thay của chủ thể lãnh đạo, hoặc ngược lại, buông lỏng lãnh đạo và quản lý, xác định rõ nguyên tắc, nội dung, phương pháp, hình thức và thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể lãnh đạo và của đối tượng chịu sự lãnh đạo bằng các nguyên tắc, quy định,  quy chế, quy trình,... cụ thể. Về nội dung lãnh đạo phải đổi mới cách ra nghị quyết,... trước mắt cần rà soát lại, sơ kết, tổng kết các nghị quyết của Ðảng đã ban hành, xem những nghị quyết nào còn nguyên giá trị phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nhằm khắc phục hiện tượng nghị quyết này chồng lên nghị quyết kia hoặc nhắc lại nội dung của các nghị quyết đã có trước. Tập trung lãnh  đạo việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế hoạt động theo luật pháp, cùng cạnh tranh bình đẳng và phát triển lành mạnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới quan hệ phân phối, điều tiết kinh tế phù hợp để thực hiện công bằng trong từng chính sách và từng bước phát triển; bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia... Ðồng thời với việc đổi mới cách ra nghị quyết, phải đổi mới việc quán triệt, học tập, tuyên truyền nghị quyết để mọi đảng viên và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ và thực hiện tốt các nghị quyết đã đề ra. Về phương pháp lãnh đạo phải tuân thủ triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ và tự phê bình, phê bình trong Ðảng. Nhưng để thực hiện được các nguyên tắc này trong thực tiễn không phải dễ. Tình trạng khi kiểm điểm hằng năm, mọi cấp ủy viên, đảng viên đều viết rằng mình đã thực hiện đúng và tốt việc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, nhưng thực tế có nhiều nơi, nhiều đảng viên vẫn độc đoán, chuyên quyền, thậm chí có khi, có lúc người đứng đầu cấp ủy lấy ý kiến cá nhân mình áp đặt cho tập thể cấp ủy.
Bốn là, mở rộng dân chủ ngoài xã hội; thực hành dân chủ thật sự trong Ðảng. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản, nhưng chưa tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu đúng về dân chủ đi liền với kỷ cương nên một số người đã cố tình lợi dụng dân chủ để gây rối, chia rẽ làm tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội. 
Việc thực hành dân chủ trong nội bộ Ðảng rất quan trọng. Trong Ðảng có thật sự dân chủ thì mới có điều kiện mở rộng và phát huy dân chủ của nhân dân. Ðiều 3, Ðiều lệ Ðảng đã quy định rõ quyền của đảng viên, trong đó thể hiện cụ thể quyền dân chủ của đảng viên. Do vậy, cần phải xây dựng và ban hành Quy chế dân chủ trong Ðảng để có cơ sở thực hiện dân chủ trong thực tiễn. Quy chế chất vấn trong Ðảng hiện nay mới quy định chất vấn trong sinh hoạt cấp ủy, như vậy chủ thể, đối tượng và phạm vi chất vấn rất hẹp, cần sửa đổi bổ sung Quy chế chất vấn trong Ðảng theo hướng mở rộng chủ thể, đối tượng, phạm vi và hình thức chất vấn.
Năm là, tăng cường giữ gìn kỷ luật, tạo sự đoàn kết nhất trí của Ðảng là sức mạnh vô địch của Ðảng. Ðảng điều chỉnh hành vi của các tổ chức đảng, đảng viên bằng kỷ luật của mình. Buông lỏng kỷ luật, sớm hay muộn Ðảng sẽ bị suy yếu, tan rã.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: kỷ luật của Ðảng là "kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác", ai ai cũng phải phục tùng kỷ luật và chịu các hình thức kỷ luật (nếu có khuyết điểm, sai lầm). Về vấn đề thi hành kỷ luật, tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện rõ tính dân chủ, lòng bao dung, độ lượng sâu sắc: Người đời ai cũng có khuyết điểm (chỉ có trẻ em mới sinh ra và người chết mới không có khuyết điểm), nhưng chúng ta không sợ sai lầm, khuyết điểm, chỉ sợ không chịu khó cố gắng sửa chữa và cũng chỉ sợ người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm. Mọi vi phạm kỷ luật đảng đều phải được xem xét, nếu đến mức phải thi hành kỷ luật thì xử lý thích đáng, không có "vùng cấm", không được che đậy, thiên lệch, nể nang. Thực tế vừa qua, việc chấp hành kỷ luật của một số tổ chức đảng và đảng viên chưa nghiêm túc; việc xử lý kỷ luật (khi có vi phạm) còn nể nang, nhẹ trên, nặng dưới, thiếu tác dụng giáo dục, ngăn ngừa và răn đe, chưa tạo được sự đồng thuận cao của xã hội,... Có trường hợp làm cán bộ, đảng viên phân tâm. Do vậy cần tăng cường giữ gìn kỷ luật sắt, tạo sự đoàn kết nhất trí của Ðảng và sự đồng thuận của xã hội. Ðây chính là sức mạnh vô địch của Ðảng, "cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".