Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

NGƯỜI HỌC ĐÃ THỰC SỰ Ở VỊ TRÍ TRUNG TÂM KHI ĐÀO TẠO TÍN CHỈ?

 

Nguyễn Minh Tuấn

Đào tạo theo tín chỉ đã được áp dụng từ rất lâu ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Vài năm trở lại đây, nhiều trường Đại học ở Việt Nam đã bước đầu áp dụng mô hình này. 
Hướng đi thì đúng, nhưng liệu cách làm đã đúng?
Qua quan sát và cảm nhận, tôi thấy nếu như đào tạo tín chỉ ở nước ngoài (cụ thể ở Đức trong bài viết tôi đã trình bày tại đây) thực chất là
kết quả của một sự hối thúc liên tục "từ dưới lên" tức là từ phía người học buộc nhà trường, buộc người thầy phải thay đổi, đáp ứng nhu cầu của họ, thì dường như ở Việt Nam lại đang làm ngược lại là áp đặt "từ trên xuống"

Trong bài viết dưới đây đăng trên Báo pháp luật Việt Nam, nói về thực trạng "đào tạo theo tín chỉ ngành luật", một bạn lớp trưởng tâm sự: "Tuy mang danh là lớp trưởng nhưng vì học theo tín chỉ, nên lớp em cũng không còn ra lớp nữa, các bạn tản mát theo từng lịch học cá nhân hết. Thế nên, khi cần sinh hoạt tập thể, hay có công việc gì em đành chịu."
Bạn sinh viên đã phản ánh đúng thực tế. Nhưng đọc đến đây tôi lại tự hỏi: Nếu như đã chuyển sang tín chỉ, coi người học ở vị trí trung tâm, tức là coi họ đã là những người trưởng thành, độc lập và bình đẳng như nhau, thì liệu có còn cần đến "chức danh lớp trưởng" giống như cách đào tạo niên chế cũ không? Nếu coi người học là ở vị trí trung tâm sao thực tế họ vẫn chưa có một tiếng nói đại diện đủ mạnh buộc nhà trường phải làm theo những gì họ muốn? Hội sinh viên, Đoàn thanh niên hiện nay đang đứng ở đâu, ở vị trí nào để bảo vệ quyền lợi người học?
Kết thúc vẫn là những lời hứa của Ban giám hiệu nhà trường: "Nhà trường sẽ tạo các điều kiện tốt nhất từ cơ sở vật chất, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, giảng viên… để các em có thể học tập tốt theo mô hình tín chỉ...".  
Đúng rồi, nhà trường sẽ làm, nhưng vấn đề là cụ thể làm những gì, ai làm, ai giám sát, ai phải giải trình và ai có quyền qui kết trách nhiệm?
Sinh viên thụ động phải chăng vì họ chưa bao giờ được đặt ở vị thế chủ động cả. Trách họ, tôi nghĩ trước hết nên trách chính những người quản lý - những người lâu nay thường vẫn ở vị trí từ trên cao nhìn xuống và có quyền quyết định tất cả.

Nguyễn Minh Tuấn
-------------------------------

ĐÀO TẠO LUẬT THEO TÍN CHỈ SẼ PHIẾN DIỆN NẾU KHÔNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGƯỜI HỌC

Nguồn: Bài báo của Xuân Hoa, Báo pháp luật Việt Nam, 
địa chỉ: http://phapluatvn.vn/tuphap/201103/dao-tao-Luat-theo-tin-chi-loi-co-bat-cap-hai-2037922/
Đăng ngày 12/03/2011

Tối 10/3 vừa qua, toàn thể Ban giám hiệu cùng các trưởng phòng, ban, khoa của trường ĐH Luật Hà Nội đã có mặt đông đủ để lắng nghe và đối thoại với các em sinh viên K34 và K35 - là những khóa đầu tiên được đào tạo theo mô hình tín chỉ.
a
Sinh viên sôi nổi phát biểu tại cuộc họp

Sinh viên vẫn bị động vì thói quen “bao cấp”

Đào tạo theo tín chỉ là một yêu cầu của đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước và đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới.

Trường ĐH Luật Hà Nội bắt đầu chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo tín chỉ cách đây hơn 1 năm đối với hai khóa 34 và 35 đã cho thấy nhiều tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vì đây là hình thức đào tạo khá mới với mô hình giáo dục của nước ta cũng như so với thói quen, tâm lý của người dạy, người học nên trường ĐH Luật Hà Nội cũng không thể nào tránh khỏi việc “loay hoay tìm lối đi phù hợp” như rất nhiều các trường ĐH khác. 
Tại buổi đối thoại, rất nhiều vấn đề “nóng”của đào tạo tín chỉ  đã được sinh viên đề cập tới, như cách thức quy đổi điểm, khối lượng bài tập, nội dung giáo trình… Đặc biệt, về nguyên tắc khi đào tạo tín chỉ thì sinh viên phải tự đăng ký các môn học theo sự hướng dẫn của nhà trường, các cố vấn học tập sao cho hợp lý về thời gian và trình tự, nhưng trên thực tế vì nhiều lý do như nghẽn mạng, hết chỗ và cả không biết… nên nhiều sinh viên đã và đang học theo kiểu “môn trước học sau, môn sau học trước”. 

Sinh viên Nguyễn Văn Đức K34 đã kể tâm trạng bó tay của em khi nhận được đề bài tập “Nêu quan điểm về cải tổ Hội đồng bảo an LHQ”. “Em mới 19 tuổi, kiến thức luật, kiến thức đời chưa được bao nhiêu, thì câu hỏi đó quả là quá khó đối với em” – em Đức than với các thầy cô. Một cô giáo trong trường cũng kể câu chuyện khi cô lên lớp về thỏa thuận trong hợp đồng giao dịch bất động sản, nhiều sinh viên nghe hai chữ “thỏa thuận” rất …ngơ ngác. Hóa ra các em chưa học môn pháp luật dân sự, mà đáng ra môn này phải được học trước để vỡ vạc các kiến thức cơ bản. 

Câu chuyện này gợi nhớ đến lời phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng ĐH Xây dựng (trường đầu tiên ở khu vực phía Bắc áp dụng đào tạo tín chỉ từ những năm 1995) rằng, sinh viên của ta vẫn còn thói quen “bao cấp” nên rất bị động, lúng túng khi bước vào học tín chỉ. Nhà trường phải khắc phục được thói quen đó cho các em bằng cách chuẩn bị chu đáo chương trình đào tạo, niên lịch đào tạo, có sổ tay hướng dẫn cho sinh viên đăng ký, giám sát quản lý việc đăng ký môn học của sinh viên. Đào tạo tín chỉ còn đòi hỏi bộ máy quản lý và đội ngũ nhân viên hành chính rất chuyên nghiệp, trong đó phương thức quản lý cũng phải thay đổi: xây dựng chương trình phải đảm bảo tính liên thông và tính “cơ bản”. 

Học tín chỉ: bạn bè lạ nhau, phong trào đi xuống

Không chỉ gửi đến các thầy cô những bất cập, bức xúc về chuyện học, trong buối đối thoại tối 10.3, các sinh viên ĐH Luật Hà Nội còn “tâm sự” rất nhiều vấn đề quan hệ, lối sống, sinh hoạt có liên quan đến phương pháp đào tạo tín chỉ.

Sinh viên Nguyễn Tiến Dũng, lớp trưởng lớp 19 K34 nói rằng, tuy mang danh là lớp trưởng nhưng vì học theo tín chỉ nên lớp em cũng không còn ra lớp nữa, các bạn tản mát theo từng lịch học cá nhân hết. Thế nên, khi cần sinh hoạt tập thể, hay có công việc gì em đành chịu. Tương tự, sinh viên Nguyễn Thị Hồng Nhưng, Bí thư chi đoàn lớp 01 K34 tâm sự em không thể nào phát động được các phong trào đoàn thể trong lớp, vì giờ học của các bạn rất trái nhau, khó thu xếp cùng lúc. 

Kết thúc buổi đối thoại, PGS – TS Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Hiệu trường đã thay mặt Ban giám hiệu, giáo viên khẳng định với sinh viên  nhà trường sẽ tạo các điều kiện tốt nhất từ cơ sở vật chất, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, giảng viên… để các em có thể học tập tốt theo mô hình tín chỉ. Nhưng bên cạnh đó, sinh viên cũng cần phải nhận thức được rằng: đào tạo tín chỉ, bên cạnh những ưu điểm như tạo tính chủ động cao về thời gian và tính sáng tạo, được chọn thầy, chọn thời gian, chọn người hướng dẫn… , thì ngược lại, nếu sinh viên lơ là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập, như kinh nghiệm tại nhiều trường đã cho thấy.

Và cuối cùng, cũng từ buổi đối thoại này, thiết nghĩ rằng về phía Bộ GD-ĐT, cần sớm có một khảo sát, hoặc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về thực trạng phương thức đào tạo này để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trường khi áp dụng tín chỉ. 

Xuân Hoa