Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

TỰ DO NGÔN LUẬN Ở CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC


Nguyễn Minh Tuấn
Ở Đức, cơ sở Hiến định của quyền tự do ngôn luận là Điều 5 Khoản 1 Câu 1 Đoạn 1 Luật cơ bản. Điều khoản này thừa nhận: „Bất cứ ai cũng có quyền tự do thể hiện và biểu đạt ý kiến của mình dưới dạng lời nói, chữ viết và hình ảnh (…) Không được phép tồn tại bất cứ một sự kiểm duyệt nào.“[1] 

Tòa án Hiến pháp liên bang Đức đã giải thích: „Một ý kiến (Meinung) được hiểu là sự đánh giá có tính định tính (Werturteil), chứa đựng các yếu tố quan điểm, góc nhìn của cá nhân về một vấn đề cụ thể nào đó trong phạm vi tranh luận về mặt tinh thần (im Rahmen einer geistigen Auseinandersetzung). Đã là quan điểm cá nhân thì không phụ thuộc vào việc quan điểm đó là đúng hay sai, quan điểm đó có giá trị hay không có giá trị, cũng như không phụ thuộc vào mức độ xúc cảm ra sao“.[2]

Tự do ngôn luận có nghĩa là được tự do đưa ra ý kiến của mình, do vậy cho dù ý kiến đó có phóng đại hay cường điệu[3]; mang tính phê phán hay hài hước[4], là những câu hỏi[5] hay những lời cảnh báo[6] đều thuộc phạm vi bảo vệ của quyền tự do ngôn luận.

Phạm vi bảo vệ quyền này không chỉ bao gồm những những đánh giá có tính định tính (Werturteil) như đã nêu ở trên mà về cơ bản còn bảo vệ cả những khẳng định hay nhận định cá nhân về một thực tế (Tatsachenbehauptung).[7] 

Khác với nhận định có tính chất định tính (Werturteil), khẳng định thực tế (Tatsachen-behauptung) hoàn toàn có khả năng kiểm chứng (Überprüfbarkeit) về nội dung cũng như về độ chính xác của thông tin[8]. Ví dụ: Khẳng định „Đảng A là đảng có số lượng Đảng viên nhiều nhất ở Đức“. Khẳng định này có thể đúng hoặc sai. Tòa án có thể thông qua các bằng chứng để xác định việc đúng sai. 

Một khẳng định quan điểm định tính thì khác. Ví dụ khẳng định „Vấn đề tài chính của Đảng B trong cuộc bầu cử vừa qua là không minh bạch“. Nhận định này không thể kết luận là đúng hay sai, mà là một quan điểm có tính định tính của cá nhân. Hay một ví dụ khác, trên một diễn đàn có người đã đưa ra một nhận định: Những người lính là những kẻ giết người (Soldaten sind Mörder). Nhận định này đã gây rất nhiều tranh cãi, người đưa ra nhận định đó ban đầu cũng chịu rất nhiều lời chỉ trích, nhưng cuối cùng Tòa án Hiến pháp liên bang đã kết luận, một nhận định như thế hoàn toàn thuộc phạm vi bảo vệ của quyền tự do ngôn luận vì đây là một nhận định mang tính chất quan điểm cá nhân, người đưa ra nhận định đó không kết luận mỗi người lính là những tội phạm và nay phải bỏ tù tất cả. Nhận định này phản ánh góc nhìn và chủ yếu đề cập đến nghề nghiệp cũng như nhiệm vụ thực tế của những người lính (Xem thêm phán quyết: BVerfGE 93, 266, (293 f.) – Soldaten sind Mörder – Những người lính là những kẻ giết người).

Trong trường hợp người đưa ra một kết luận hoặc một khẳng định thực tế  (Tatsachen-behauptung) mà không cố ý, người đưa ra thông tin đó không thể biết trước hoặc không buộc phải thấy trước (unbewusst) về việc thông tin này không đúng sự thật thì ngay cả khi bị kết luận là thông tin đó không chính xác thì quyền được đưa ra những thông tin như thế vẫn được bảo vệ và vẫn thuộc phạm vi của quyền tự do ngôn luận.[9] Ngược lại, luật pháp của Đức không bảo vệ những khẳng định thực tế (Tatsachenbehauptung) mà người cung cấp thông tin cố ý hay đã biết rõ rằng thông tin đó không có thật (bewusst unwahre Tatsachenbehauptungen) nhưng vẫn công bố.[10]

Ngoài ra, luật pháp Đức cũng không bảo vệ cho việc trích dẫn sai nguồn gốc (Falschzitate)[11] hoặc việc cung cấp thông tin chịu tác động trực tiếp bởi áp lực về kinh tế hay bị ép buộc vì lý do bạo lực.[12] 

Theo Điều 5 Khoản 2 Luật cơ bản chỉ có Luật của Nghị viện mới được giới hạn phạm vi của quyền này trong trường hợp mục đích của sự giới hạn này là nhằm bảo vệ quyền trẻ em hoặc quyền của cha mẹ. Giống như pháp luật ở nhiều quốc gia khác, trên thực tế liên quan đến bảo vệ an toàn trật tự xã hội và những quyền tự do cá nhân khác, quyền tự do ngôn luận ở Đức cũng bị giới hạn trong một số trường hợp cụ thể liên quan đến yếu tố hoàn cảnh, địa điểm, thời gian thực hiện quyền này. Cụ thể như pháp luật cũng không bảo vệ việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm hại đời tư người khác ở nơi công cộng hay trên các diễn đàn (Điều 185 Bộ luật hình sự) hay pháp luật cũng không bảo vệ quyền tự do ngôn luận để dọa có bom trên máy bay, có thuốc nổ ở trong nhà hát (Điều 130 Bộ luật hình sự)… 

Do pháp luật đã minh định rõ phạm vi bảo vệ, nên trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế xã hội ở Đức, quyền tự do ngôn luận đã thực sự phát huy tác dụng tích cực. Những đảm bảo của quyền này cho phép một ý kiến dù có trái với những ý kiến được nhiều người thừa nhận thì ý kiến đó vẫn phải được bảo vệ. Quyền này thực chất là quyền tự vệ của cá nhân, chống lại sự can thiệp của nhà nước, đặc biệt trong việc tranh luận về các vấn đề chính trị, chính sách có liên quan đến các đảng phái, Nghị viện hay Chính phủ. Trong khoa học, kể cả khoa học pháp lý cũng vậy, luật pháp không phải đã là chân lý, một ý kiến cụ thể của một tác giả hoặc một nhóm tác giả có uy tín cũng chưa chắc đã là ý kiến đại diện chung cho tất cả các nhà khoa học. Ở Đức, điều có tính chất quyết định và được đánh giá cao trong khoa học chính là sức mạnh thuyết phục ở sự tranh luận, cách thức lập luận của người đưa ra ý kiến đó.

Người ta nói nước Đức là đất nước của những ý tưởng (Deutschland - Land der Ideen). Thực ra triết lý của vấn đề rất đơn giản - chẳng phải ở riêng nước Đức, ở bất cứ đâu có tự do ngôn luận thì ở đó sẽ có sự giàu có về các ý tưởng, ở đâu có sự giàu có các ý tưởng, ở đó khoa học sẽ phát triển, đất nước đó sẽ có nhiều cơ hội để trở nên thịnh vượng.


[1] Nguyên bản Tiếng Đức Art. 5, Abs. 1, Satz 1, Hs. 1: “(1) Jeder hat das Recht, seine Meinung in Wort, Schrift und Bild frei zu äußern und zu verbreiten (…) Eine Zensur findet nicht statt". 
[2]  BVerfGE 33, 1, (14 f.)
[3] BVerfGE 85, 1, (14 f.) – Bayer-Aktionäre - Những cổ đông Bayer.
[4] BVerfGE 93, 266, (293 f.) – Soldaten sind Mörder – Những người lính là những kẻ giết người.
[5] BverfGE 85, 1, (31f.)
[6] BVerfGE 95, 173, (182) – Tabakwarnung - Cảnh báo thuốc lá.
[7] BVerfGE 61, 1, (8); BVerfGE 65, 1, (41)
[8] BVerfGE 61, 1, (8); BVerfGE 65, 1, (41); Epping, Grundrechte, 2. Aufl., 2004, Rn. 190; Manssen, Staatsrecht II, 7. Aufl., 2010, S. 330f.
[9] BVerfGE 90, 241, (247) – Auschwitzlüge).
[10] BVerfGE 99, 185, (197) – Helnwein
[11] BVerfGE 54, 208, (219) – Böll
[12] BVerfGE 25, 256, (264 f.) – Blinkfüer

Ghi chú: Thuật ngữ tự do ngôn luận trong bài viết này hiểu theo nghĩa rộng, tức là quyền được tự do thể hiện ý tưởng của cá nhân (Meinungsfreiheit - freedom of expression) không chỉ dưới dạng lời nói, mà cả chữ viết hay hình ảnh hoặc bất cứ loại phương tiện truyền tin nào. Tự do ngôn luận theo nghĩa của bài viết rộng hơn cách hiểu tự do ngôn luận chỉ tồn tại dưới dạng lời nói (Redefreiheit/ Freedom of speech), tự do ngôn luận cũng hoàn toàn khác với tự do tư tưởng (Freedom of thought/ conscience). Vấn đề tự do tư tưởng, không thể hiện ra bên ngoài dưới một hình thức cụ thể, không thuộc phạm vi bài viết này.
 
Trong bài viết tác giả có sử dụng một số từ viết tắt trong Footnote theo thông lệ nghiên cứu khoa học pháp lý ở Đức: ví dụ: BVerfGE 33, 1, (14 f.), thì BVerfGE có nghĩa là Phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang Đức [Bundesverfassungsgerichtsentscheidung], số 33 tiếp theo là số tập [Bandnummer], các số tiếp theo là số trang trích dẫn [Seite], trong đó số 1 đầu tiên là số trang bắt đầu phần phán quyết có liên quan và số (14 f.) trong ngoặc đơn là số trang trích dẫn chính xác; Aufl. có nghĩa là lần xuất bản (Auflage); Rn. có nghĩa là số đoạn (Randnummer); S. 300f. có nghĩa là từ trang (Seite) 300 đến trang tiếp theo (folgende). Những thuật ngữ quan trọng được trích lại tiếng nước ngoài, để dấu trong ngoặc.
Bài viết cùng tác giả: 
- Vì sao cần phải có tự do ngôn luận 
- Khi Hiến pháp là công cụ bảo vệ dân quyền
- Ván hiến pháp nổi tiếng về biểu tình Đức năm 1986

- Trường phái pháp luật lịch sĐức 
- Trao đổi về bài viết: "Tội giết người không có người chết?"
- Hiến pháp 1946: Thể hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước 
- Cấm chơi golf ngày nghỉ và những nhầm lẫn về pháp luật
- Tiếp cận pháp luật từ góc nhìn văn hóa
- Phân định ranh giới giữa luật công và luật tư Đức: Lịch sử, tranh luận và gợi m 
- Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam