Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

CÁC VẤN ĐỀ NÓNG VỀ CHÍNH TRỊ Ở ĐỨC ĐƯỢC MINH BẠCH HÓA NHƯ THẾ NÀO?

Ảnh: Statista 2012
Nguyễn Minh Tuấn
Ở Đức, từ năm 1977 đến nay, vào tối thứ sáu cuối cùng mỗi tháng có một chương trình truyền hình rất đặc biệt được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia ZDF chương trình Politbarometer. Đây là chương trình công bố công khai kết quả thăm dò ý kiến của người dân Đức về các vấn đề chính trị quan trọng trong tháng.
Các vấn đề hệ trọng như uy tín của từng Đảng phái chính trị; uy tín của Thủ tướng, Tổng thống, Chủ tịch các Đảng; các chủ đề nóng đang diễn ra; kết quả bầu cử v.v...sẽ được phát sóng một cách công khai trên chương trình này.
Chương trình Politbarometer (Ảnh: ZDF)
Kết quả này do Viện các vấn đề chính trị (FGW) cung cấp. Đây là Viện nghiên cứu độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập từ năm 1974.
Hiện nay Viện này có khoảng 150 nhân viên. Tất cả kinh phí hoạt động của Viện này là do đài truyền hình ZDF chi trả. Theo Luật báo chí, các chính trị gia hay các Đảng phái chính trị không thể can thiệp hay tác động vào kết quả khảo sát của Viện này.
Với mỗi vấn đề thăm dò, có khoảng 1.000 đến 1.500 người dân Đức được hỏi một cách ngẫu nhiên. Những người này phải là công dân Đức, đủ tuổi bầu cử (tức là từ 18 tuổi trở lên).
Chương trình Deutschlandtrend (Ảnh: ARD)
Ngoài kênh truyền hình ZDF công bố những thông tin này, một kênh truyền hình trung ương khác có tên là ARD cũng có một chương trình tương tự, được phát sóng từ năm 1997 đến nay có tên là chương trình các xu hướng ở nước Đức (Deutschlandtrend). Cách làm và các kết quả của chương trình này độc lập với cách làm của kênh truyền hình ZDF.
Dưới đây là những kết quả được công bố công khai tại các địa chỉ: kênh truyền hình ZDF tại địa chỉ http://politbarometer.zdf.de/; kênh truyền hình ARD tại địa chỉ http://www.tagesschau.de/inland/deutschlandtrend/; và trang web thống kê: http://de.statista.com/:
1. Chấm điểm các nhà chính trị hàng đầu ở Đức
Bảng 1 dưới đây khảo sát việc chấm điểm các nhà chính trị hàng đầu ở Đức.
Đây là kết quả mới nhất của đợt khảo sát tháng 5/2012. Nhìn vào bảng thống kê này bạn đọc có thể thấy được uy tín chính trị của ai đang lên hay đang giảm sút.
Thông qua bảng khảo sát này có thể thấy  rằng được đánh giá cao nhất là Thủ tướng Angela Merkel, Hạ nghị sĩ Peer Steinbrück, Bộ trưởng Bộ tài chính Wolfgang Schäuble; thấp nhất là Bộ trưởng Bộ ngoại giao Guido Westerwelle và Phó thủ tướng Philipp Rösler. Đây là kết quả thăm dò ý kiến của 1.312 người dân Đức từ 18 tuổi trở lên, được thực hiện từ ngày 22/5/2012 đến ngày 24/5/2012, công bố ngày 26/5/2012 trên ZDF (Xem bảng 1).
Bảng 1. Kết quả thăm dò về vấn đề: "Cho điểm các nhà chính trị hàng đầu ở Đức trong tháng 5/2012" (Nguồn: ZDF Politbarometer, Copyright: Statista 2012).
Ý nghĩa của việc khảo sát này là tạo ra một cơ chế cạnh tranh khỏe mạnh, minh bạch. Muốn nhận được sự ủng hộ của người dân Đức, không có cách nào khác hơn là các chính trị gia phải liên tục cố gắng, nỗ lực trong công việc của mình. Tất cả mọi đóng góp, phát ngôn của các chính khách này đều chịu sự giám sát, đánh giá bởi ngàn vạn người dân ở khắp nơi trên nước Đức.
2. Thăm dò mức độ tín nhiệm của người dân với từng Đảng
Không được sự ủng hộ của nhân dân thì một Đảng không thể tồn tại, bởi lẽ các Đảng phái là các tổ chức của nhân dân (Điều 2 Khoản 1 Câu 1 Luật các Đảng phái ở Đức – PartG) và các Đảng phái này có nhiệm vụ là cùng góp phần trong việc xây dựng các quan điểm chính trị của nhân dân (Điều 21 Câu 1 Luật cơ bản của Đức).
Không phải cứ có nhiều đảng viên thì đương nhiên sẽ có đại diện trong Hạ viện (Xem bảng 2.1 về số lượng thực tế các Đảng viên của từng Đảng). 
Bảng 2.1. Số liệu công khai các đảng viên của các Đảng lớn ở Đức: Đảng SPD, Đảng CDU, Đảng Linke, Đảng FDP, Đảng Gruene, Đảng Piraten, số liệu cập nhật đến tháng 5/2012 (Nguồn: CDU, FDP, Grüne, Linke, Piratenpartei, Copyright: Statista 2012).
Ở Đức có một điểm khá đặc thù trong các cuộc bầu cử Hạ viện là nếu Đảng nào có tỷ lệ phiếu bầu dưới 5% (Sperrklausel) thì Đảng đó sẽ không có bất cứ đại diện nào trong Hạ viện (Điều 6 Khoản 6 Luật bầu cử liên bang - Bundeswahlgesetz). Nếu Đảng nào rơi vào trường hợp này trong cuộc bầu cử thì đó là điều bất lợi rất lớn.
Các Đảng phái ở Đức luôn ở trạng thái "động" chứ không "tĩnh". Tất cả các Đảng đều phải nỗ lực hết sức để nhận được sự ủng hộ của người dân. Mức độ ủng hộ cho từng Đảng có thể thay đổi khá nhanh, thậm chí theo từng tuần, từng tháng, tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động thực tế của từng Đảng và sự đánh giá bởi người dân.
Bảng 2.2 dưới đây là kết quả thăm dò cho câu hỏi: "Nếu giả sử ngày chủ nhật sắp tới (ngày 27/5/2012) là ngày bầu cử Hạ nghị viện thực sự thì bạn sẽ bầu cho Đảng nào?". 
Nhìn vào bảng kết quả này, bạn đọc có thể thấy rất rõ uy tín của từng Đảng trong tháng đến đâu. Giả sử ngày 27/5/2012 là ngày bầu cử Hạ viện thực sự và đây là kết quả chính thức thì Đảng dân chủ tự do FDP sẽ không có bất cứ đại diện nào trong Hạ viện, bởi vì tỷ lệ được bầu của Đảng này chỉ chiếm 4% (chưa đủ 5% theo qui định của Điều 6 Khoản 6 Luật bầu cử liên bang) (Xem bảng 2.2).
Bảng 2.2. Kết quả thăm dò về vấn đề: "Nếu giả sử ngày chủ nhật sắp tới (ngày 27/5/2012) là ngày bầu cử Hạ nghị viện thực sự thì bạn sẽ bầu cho Đảng nào?" (Nguồn: ZDF Politbarometer, Copyright: Statista 2012).
3. Thăm dò mức độ hài lòng của người dân đối với các chính trị gia hàng đầu
Bảng 3 dưới đây là kết quả thăm dò cho câu hỏi: "Người dân hài lòng hay không hài lòng với nhiệm vụ chính trị của từng chính khách trong tháng 5 năm 2012 vừa qua."
Với bảng này, bạn đọc có thể thấy ngay mức độ hài lòng hay không hài lòng đối với từng chính trị gia.
Bảng thống kê cho thấy chính trị gia nhận được sự hài lòng nhất của người dân Đức trong tháng 5/2012 là đương kim Tổng thống Joachim Gauck (70%) và thủ tướng Angela Merkel (61%), ít nhận được sự hài lòng nhất là Phó thủ tướng Philipp Rösler (16%) (Xem bảng 3).
Bảng 3. Kết quả thăm dò về vấn đề: "Bạn có hài lòng hay không hài lòng với nhiệm vụ chính trị của từng chính trị gia trong tháng 5 năm 2012?" (Nguồn: ARD-DeutschlandTREND, Copyright: Statista 2012).
4. Các vấn đề nóng đang diễn ra ở Đức 
Ngoài những vấn đề trên, ở Đức cũng công bố kết quả khảo sát các vấn đề nóng đang gây nhiều tranh cãi. Từ những kết quả khảo sát này, các chính trị gia có thể nắm bắt được ý kiến của người dân về các quyết định của mình.
Đơn cử như vấn đề quyết định của thủ tướng Merkel về việc bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ môi trường Norbert Röttgen là đúng hay sai? Trong số 1312 người từ 18 tuổi được hỏi thì có đến 50% số người được hỏi trả lời là quyết định của bà Merkel này là sai, chỉ có 39% trả lời là đúng, số còn lại không có câu trả lời (Xem bảng 4).
Kết quả khảo sát này đã phản ánh một cách trung thực thái độ đồng tình hay phản đối của người dân với quyết định của Thủ tướng.
Bảng 4. Quyết định của thủ tướng Merkel về việc bãi nhiệm Bộ trưởng Bộ môi trường Norbert Röttgen là đúng hay sai? (Nguồn: ZDF Politbarometer, Copyright: Statista 2012).
5. Cảm nhận hoặc đánh giá của người dân Đức về các vấn đề chính trị quan trọng khác của nước Đức
Ngoài các vấn đề thăm dò chính được phát sóng trên kênh truyền hình ZDF và ARD, ở Đức còn có nhiều cơ quan, tổ chức cũng tiến hành các cuộc thăm dò về các vấn đề chính trị. Các kết quả khảo sát này thường được công bố công bố trên trang web http://de.statista.com/. Dưới đây là kết quả của một vài cuộc thăm dò quan trọng thời gian gần đây ở Đức.
Bảng 5.1 dưới đây là kết quả thăm dò cho câu hỏi: “Bạn có tự hào về vấn đề tự do và tính chất nhà nước pháp quyền của nước Đức hay không?”
Kết quả cho thấy có đến 85% trên tổng số 1000 người, từ 18 tuổi trở lên được hỏi trả lời là họ cảm thấy tự hào về vấn đề quyền tự do và tính chất nhà nước pháp quyền (Xem bảng 5.1). 
Bảng 5.1. Kết quả thăm dò về vấn đề: "Bạn có tự hào về vấn đề tự do và tính chất nhà nước pháp quyền của nước Đức hay không?" (Nguồn: BPB, infratest dimap).
Bảng 5.2.1. dưới đây là kết quả cho câu hỏi thăm dò: "Bạn có cảm thấy tự hào về Hiến pháp của nước Đức hay không?". Kết quả là có đến 74% trên tổng số 1000 người được hỏi trả lời là họ cảm thấy tự hào (Xem bảng 5.2.1.).
Bảng 5.2.1. Kết quả thăm dò về vấn đề: "Bạn có cảm thấy tự hào về Hiến pháp của nước Đức hay không?" (Nguồn: BPB, infratest dimap).
Trong một cuộc khảo sát khác do tổ chức BPB thực hiện cho thấy người dân Đức tự hào nhất về Hiến pháp (Luật cơ bản) (31,90%), tiếp đến là thành tựu về kinh tế (16,50%), kết quả nghiên cứu khoa học (15%), văn học nghệ thuật (12,60%), thể thao (11%) và giải quyết các vấn đề phúc lợi xã hội (8,7%). Đây là kết quả lấy ý kiến của 1000 người dân từ 18 tuổi trở lên (Xem bảng 5.2.2).
Bảng 5.2.2. Kết quả thăm dò về vấn đề: "Khi bạn là người Đức, bạn có cảm thấy tự hào nhất về vấn đề gì?" (Nguồn: GESIS).
Từ kết quả này có thể thấy Hiến pháp (Luật cơ bản) của Đức được người dân nơi đây đánh giá rất cao và được xem như một thành tựu quan trọng, nổi bật.
Bảng 5.3. dưới đây là kết quả khảo sát cho câu hỏi: “Bạn có cảm thấy tự hào khi mình là công dân Đức không?”. Kết quả khảo sát năm 2009 cho thấy có đến 83% trên tổng số 1003 người được hỏi trả lời là họ cảm thấy tự hào khi mình là công dân Đức.
Tỷ lệ này tăng qua các đợt khảo sát khác nhau lần lượt vào năm 1994, 2001, 2006, 2009 (Xem bảng 5.3).
Bảng 5.3. Đây là kết quả thăm dò về vấn đề: "Bạn có cảm thấy tự hào khi mình là người Đức không?". Kết quả thăm dò ý kiến 1.003 người dân Đức từ 18 tuổi trở lên (Nguồn: ipos).
Việc người dân có tự hào khi mang quốc tịch Đức hay không nói lên rất nhiều điều. Điều này phần nào phản ánh ý thức chính trị của công dân, phản ánh niềm tự hào hay không khi mang quốc tịch Đức, phản ánh sự hài lòng hay không với những thành tựu mà nước Đức đạt được.
Có thể khẳng định rằng, chính minh bạch là cơ sở cho niềm tin của người dân về các vấn đề chính trị ở Đức. Chỉ có minh bạch mới có thể ngăn chặn được tham nhũng hay những vấn đề mờ ám. Chính với cách làm công khai, thường xuyên này, các Đảng phái ở Đức luôn ở trạng thái động và các chính khách luôn có động lực để liên tục cạnh tranh, đổi mới và nỗ lực hết mình, nếu họ muốn nhận được sự ủng hộ của công chúng, muốn thực sự là tổ chức của nhân dân đúng như tinh thần Điều 2 Luật các Đảng phái chính trị Đức. Hai kết quả công bố trên kênh truyền hình ZDF và ARD là hai kết quả hoàn toàn độc lập. Mặc dù những kết quả này chỉ có giá trị tham khảo, nhưng chúng thực sự có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống chính trị ở Đức, cũng như với từng người dân Đức.
(Tình trạng bài viết: ngày 28/5/2012) 
Bài viết cùng tác giả: 
- Vì sao cần phải có tự do ngôn luận 
- Khi Hiến pháp là công cụ bảo vệ dân quyền
- Ván hiến pháp nổi tiếng về biểu tình Đức năm 1986

- Trường phái pháp luật lịch sĐức 
- Trao đổi về bài viết: "Tội giết người không có người chết?"
- Hiến pháp 1946: Thể hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước 
- Cấm chơi golf ngày nghỉ và những nhầm lẫn về pháp luật
- Tiếp cận pháp luật từ góc nhìn văn hóa
- Phân định ranh giới giữa luật công và luật tư Đức: Lịch sử, tranh luận và gợi m 
- Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam