|
Ảnh 1: Năng lượng mặt trời thay vì chất phóng xạ (Nguồn ảnh: tại đây) |
Nguyễn Minh Tuấn
Phần 1. Tóm tắt nội dung vụ án
Vào một ngày đẹp trời, một người có quốc tịch Đức tên là M đã thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo luật định sẽ cùng một số người khác tổ chức một cuộc biểu tình ôn hòa chống lại việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Wackersdorf. Mục đích của đoàn
biểu tình là: "mong muốn những người xây dựng nhà máy và người dân thấy được sự nguy
hiểm, tác hại của nhà máy điện hạt nhân." Tiêu ngữ của đoàn biểu tình này là: "Năng lượng mặt trời thay vì chất phóng xạ" (Sonne statt Plutonium) (Xem ảnh 1).
Vào ngày 23/6/1986, khoảng 6h sáng, một nhóm khoảng 30 người đã tiến hành biểu tình dưới hình thức ngồi xếp hàng dài (Sitzblockade) ở nhà máy tại Wackersdorf. Từ 6h30 đến 8h30, một vài người trong số đó có M xếp hàng trước cả lối ra vào nhà máy nhằm không cho những người công nhân đi xe tải vào khu đất xây dựng nhà máy. (Xem ảnh 2)
|
Ảnh 2: Đoàn biểu tình ngồi xếp hàng trước lối đi vào nhà máy (Nguồn ảnh: tại đây) |
Ngay sau đó, cảnh sát đã đến giải tán đoàn biểu tình. Tất cả những người biểu tình đều bị bắt với lý do mà cảnh sát đưa ra là họ đã xâm phạm trật tự công cộng theo Điều 240 Bộ luật hình sự của Đức.
Tiếp đó, M còn bị Tòa án sơ thẩm của bang tuyên phạt tiền với số tiền tổng cộng là 700 DM (tương ứng 20 ngày công, mỗi ngày 35 DM).
Không chấp nhận bản án sơ thẩm, M đã khiếu kiện lên Tòa án hiến pháp liên bang để đề nghị giải quyết. M cho rằng trong trường hợp này cả cảnh sát và Tòa án sơ thẩm ở Wackersdorf đã xâm phạm quyền tự do biểu tình của M, cũng như đoàn biểu tình.
Câu hỏi đặt ra là liệu trong trường hợp này quyền tự do biểu tình của M và nhóm biểu tình có bị vi phạm hay không?
Phần 2. Tóm tắt lập luận và phán quyết của Tòa án Hiến pháp liên bang
Tòa án Hiến pháp liên bang trong phán quyết BVerfG 104, 92 đã lập luận và tuyên án như sau:
Muốn biết được việc cảnh sát giải tán đoàn biểu tình có xâm phạm quyền tự
do biểu tình hay không thì phải trở lại với các tiêu chí cụ thể như: phạm vi bảo vệ
quyền biểu tình, mục đích chung của người tham gia biểu tình, thủ tục pháp lý liên quan và tính có căn cứ pháp luật hay không trong hành vi của cảnh
sát cũng như của Tòa án sơ thẩm.
Thứ nhất, cần phải xem xét việc biểu tình có thuộc phạm vi bảo vệ của Điều 8
Khoản 1 Luật cơ bản và các qui định tương ứng trong Luật biểu tình
không? Điều 8 Khoản 1 Luật cơ bản bảo vệ tất cả người Đức quyền được biểu tình một cách hòa bình và không sử dụng vũ khí. Vì M là người có quốc tịch Đức, do vậy M hoàn toàn thuộc phạm vi bảo vệ của quyền này. Điều 8 Khoản 1 Luật cơ bản cũng bảo vệ tất cả những dạng thức hành vi mà có quan hệ vật chất, trực tiếp đến việc biểu tình (unmittelbare sachliche Zusammenhang).
Thứ hai, cần xem xét cuộc biểu tình của nhiều người có chung mục đích không? Trong trường hợp này, thông qua biểu ngữ, hành động của tất cả những người tham gia biểu tình (những yếu tố khách quan) và thông qua động cơ, mục đích họ là mong muốn cảnh báo về mức độ nguy hiểm của việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đây (những yếu tố chủ quan), hoàn toàn có thể khẳng định rằng họ có chung mục đích.
Thứ ba, về mặt thủ tục cần xem xét việc biểu tình đã thực hiện đúng thủ tục luật định chưa? Thực tế M đã thông báo biểu tình với cơ quan có thẩm quyền trước 48 giờ. Như vậy việc biểu tình là phù hợp với Điều 14 Khoản 1 Luật biểu tình của liên bang (Bundesversammlungsgesetz) về thủ tục đăng ký biểu tình (Xem chú thích số 1).
Thứ tư, phải xem xét việc xếp hàng dài và ngồi án ngữ trước cửa ra vào nhà máy liệu có phải là hành vi biểu tình một cách ôn hòa hay không? Vấn đề này, Tòa án hiến pháp liên bang đã viện dẫn Điều 5 khoản 3 Luật biểu tình (Versammlungsgesetz) để chứng minh khả năng loại trừ. Điều khoản này qui định những cuộc biểu tình đươc coi là không ôn hòa khi những hành vi của những người tham gia có tính chất gây nguy hiểm (Gefährlichkeit), chống lại người khác, xâm hại tài sản công hay tài sản của người khác hoặc bất cứ hành vi có tính chất bạo lực nào. Dựa trên căn cứ này, hành động của đoàn biểu tình rõ ràng chưa gây nguy hiểm trực tiếp và vì thế phải được coi là biểu tình ôn hòa. Cảnh sát do vậy chưa có đủ căn cứ pháp lý rõ ràng để tiến hành giải tán hay bắt giữ đoàn biểu tình.
Thứ năm, Điều 240 Khoản 1 Bộ luật hình sự qui định rất rõ điều kiện: "dùng vũ lực" (mit Gewalt). Những người tham gia biểu tình ở đây không trang bị vũ khí và cũng không dùng bất cứ hình thức vũ lực nào để chống đối, do vậy việc nói rằng đoàn biểu tình gây rối trật tự công cộng theo Điều 240 Bộ luật hình sự và việc Tòa án yêu cầu nộp phạt 700 DM cũng là không có cơ sở pháp luật.
Căn cứ vào những lập luận trên, Tòa án hiến pháp liên bang đã đưa ra phán quyết: Thứ nhất, đoàn biểu tình không vi phạm pháp luật về biểu tình; Thứ hai, hành động giải tán, bắt giữ những người biểu tình và phạt tiền họ là không có đủ cơ sở pháp lý (Xem chú thích số 2).
Từ ngày phán quyết này của Tòa án Hiến pháp liên bang có hiệu lực, các giáo trình Luật hiến pháp cũng như các tài liệu liên quan cũng đã liệt kê hình thức biểu tình ngồi xếp hàng (Sitzblockade) thuộc phạm vi bảo vệ của Điều 8 Khoản 1 Luật cơ bản. Hay nói cách khác đó là hình thức biểu tình được pháp luật ở Đức bảo vệ (Xem chú thích số 3).
Nguyễn Minh Tuấn
--------------------
Chú thích
(1). Về qui định các quyền cơ bản, ở Đức có hai điều khác cơ bản với pháp luật Việt Nam: Thứ nhất,
ở Đức chỉ có luật do Nghị viện ban hành mới được giới hạn các quyền
của công dân. Quyền biểu tình cũng như nhiều quyền cơ bản khác trong luật
cũng vậy. Liên quan đến quyền biểu tình ở Đức có Luật biểu tình lần đầu tiên có hiệu lực vào ngày 10/8/1953; thứ hai, khi cho rằng quyền tự do cơ bản của mình bị
xâm hại, công dân có quyền khởi kiện và được giải quyết bởi một thiết
chế Tài phán độc lập theo Điều 19 khoản 3 Luật cơ bản. Ngoài ra công dân Đức cũng có quyền khởi kiện trực tiếp lên Tòa án Hiến pháp liên bang theo Điều 93 Khoản 1 mục số 4a Luật cơ bản.
(2). Nguồn: BVerfG 104, 92 (104f.). Xem thêm các phán quyết khác liên quan: BVerfG 73, 206 (235f.); BVerfG 87, 399 (406).
(3). Xem thêm: Lembke in JuS 2005, 984–988, 1081–1085; Gröpl in Jura 2002, 18–25; Epping, Grundrechte, 2. Aufl., 2005, Rn.36f; G. Manssen, Staatsrecht II, 7. Aufl., 2010, Rn. 474.