Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

BÀN VỀ CHẾ ĐỊNH QUYỀN CÔNG DÂN TRONG HIẾN PHÁP 1992

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Báo Khoa học và đời sống Online
đăng ngày 5/10/2011, truy cập tại đây

Chế định quyền của công dân được coi là linh hồn của bất cứ bản Hiến pháp dân chủ nào. Lần sửa đổi Hiến pháp sắp tới là cơ hội để chúng ta nhìn lại các quy định của Hiến pháp hiện hành, cùng bàn thảo, đánh giá một cách toàn diện và đưa ra phương án sửa đổi hợp lý. 

Trên cơ sở xem xét cách quy định của Hiến pháp 1992 hiện hành và quy định cụ thể của Hiến pháp một số nước trên thế giới về vấn đề này, tác giả Nguyễn Minh Tuấn, NCS Đại học Saarland, CHLB Đức, đưa ra quan điểm cá nhân và những đề xuất nhằm hoàn thiện chế định này. Để rộng đường dư luận, Bee.net.vn xin đăng tải bài viết.

Quy định của phát luật được hiểu thế nào?


Nhiều quy định về quyền của công dân quy định tại Chương V Hiến pháp 1992 thường kèm theo vế “theo quy định của pháp luật”, ví dụ như Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”; Điều 57: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”; Điều 68: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật”...

Theo quy định của pháp luật được hiểu như thế nào? Phải chăng “pháp luật” ở đây được hiểu là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật (Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008) từ Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội đến các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp? Hay pháp luật còn có thể được hiểu rộng hơn nữa bao gồm cả những quy phạm đạo đức, tập quán không trái với những văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước? Ở đâu, ở văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích và minh thị điều này?
Tìm trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, tôi không thấy ở bất cứ đâu giải thích rõ ràng điều này.

Không giải thích rõ có thể dẫn đến một cách hiểu và cách làm hết sức nguy hiểm rằng: bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc một hành vi nào nhân danh công quyền cũng có thể giới hạn quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Nếu hiểu như vậy, chế định các quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp sẽ mất đi hoàn toàn ý nghĩa.


Cách quy định ở Hiến pháp Đức, Mỹ


Điều 2 Luật cơ bản ở Đức quy định rõ:
“Các quyền tự do của công dân là bất khả xâm phạm. Những quyền này chỉ bị giới hạn bởi luật (Gesetz)”.
Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa kỳ ở Tu chính thứ 14 Khoản 1 cũng quy định rõ: “Không một bang nào có thể tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một cá nhân mà không theo luật (statue).”

Như vậy, không phải là “pháp luật”, mà chỉ có “luật” do Nghị viện hay Quốc hội ban hành mới được phép giới hạn các quyền tự do của công dân và cũng phải theo những quy trình thủ tục rất đặc biệt. Mục đích quy định như vậy để khẳng định rằng chính những quyền cơ bản của công dân là một công cụ để ràng buộc giới hạn quyền lực nhà nước.


Ngoài ra để các quyền cơ bản thực sự là vũ khí, là công cụ để người dân tự vệ chống lại sự xâm hại từ phía nhà nước. Hiến pháp các nước còn quy định con đường để người dân khởi kiện lại nhà nước (ở Đức là thuật ngữ “Rechtsweg”, ở Mỹ là thủ tục “Judicial Review”) khi các quyền công dân bị xâm hại.


Điều 19 Khoản 4 Câu 1 Luật cơ bản của Đức quy định:
“Bất cứ ai cho rằng quyền tự do cơ bản của mình bị xâm hại, đều có quyền khởi kiện lại nhà nước”. Thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện Hiến pháp của công dân là Tòa án Hiến pháp liên bang, quy định cụ thể tại Điều 93 Khoản 1 mục 4a Luật cơ bản.

Để Hiến pháp có linh hồn mới


Trở lại với vấn đề Hiến pháp Việt Nam, có một thực tế hiện nay là nhiều người dân tỏ ra rất xa lạ với Hiến pháp. Về vấn đề này tôi nghĩ cũng không nên vội chỉ trách người dân, có trách là trách chính các cơ quan công quyền vì ngay cả khi áp dụng pháp luật trong đời sống hàng ngày, thực tế những cơ quan này có viện dẫn Hiến pháp đâu.


Các quyền tự do của công dân thực tế chính là linh hồn của Hiến pháp. Sửa đổi Hiến pháp lần này là một cơ hội rất tốt để chúng ta xem xét, cân nhắc đưa hai vấn đề sau vào trong Hiến pháp:


(1). Chỉ có luật do Quốc hội ban hành mới được giới hạn các quyền của công dân;


(2). Khi cho rằng các quyền tự do cơ bản của mình bị xâm hại, công dân có quyền khởi kiện và được giải quyết bởi một thiết chế Tài phán Hiến pháp độc lập.


Xây dựng nhà nước pháp quyền, một bản hiến pháp hướng đến pháp quyền thì phải giới hạn quyền lực của nhà nước và biến những quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp trở thành vũ khí để người dân có thể tự vệ trước bất cứ sự xâm phạm trái Hiến pháp nào của cơ quan công quyền.


Chỉ cần sửa đổi, bổ sung hai điểm nhỏ đó thôi nhưng tôi cho rằng đó sẽ thực sự là bước tiến rất dài của chúng ta trong lịch sử lập hiến. Hiến pháp khi đó sẽ thực sự có một diện mạo mới, có một linh hồn mới.
Nguyễn Minh Tuấn (NCS Đại học Saarland, CHLB Đức)