Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

VỤ BA TRẺ SƠ SINH TỬ VONG VÀ VẤN ĐỀ TRÁCH NHIỆM

Ảnh: Vietnamnet

Nguyễn Minh Tuấn

Dư luận trong nước đang vô cùng bức xúc và đau lòng về vụ ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi được tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan B ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Hôm nay, một Hội đồng chuyên môn gồm những Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành của Bộ Y Tế đã tuyên bố một kết luận rất mơ hồ: „nguyên nhân tử vong do sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân…và đang chờ giám định[1]
Phải chăng chỉ cần tuyên bố „chưa rõ nguyên nhân“ và „chờ giám định“ là xong? Bộ Y Tế vốn "độc quyền" về thuốc các loại liên quan đến sống chết của bao người…nay lại kiêm luôn „độc quyền“ cả việc kết luận nguyên nhân tử vong hay sao?
Ảnh phunutoday.vn
Trong một nhà nước pháp quyền, ai làm sai, bên đó phải bồi thường. Công dân gây thiệt hại, thất thoát cho nhà nước thì công dân phải chịu trách nhiệm pháp lý, ngược lại nhà nước gây thiệt hại cho công dân thì nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường. Điều đó là rõ ràng.
Không thể nói là không có luật để xử lý. Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước đã có hiệu lực từ hơn hai năm nay, các văn bản hướng dẫn cho hầu hết các lĩnh vực bồi thường đã có cả.
Trong trường hợp này, quan hệ pháp luật ở đây là quan hệ giữa một bên là NHÀ NƯỚC (mà người đại diện là cơ quan y tế) và một bên là CÔNG DÂN (người nhà cháu bé).[2]
Theo đúng tiêu chí nhà nước pháp quyền: Không cần phải chờ đợi tìm ra nguyên nhân và cá nhân nào đã làm sai, sai ở đâu. Gia đình các cháu có quyền khởi kiện lại nhà nước và yêu cầu nhà nước phải bồi thường. 
Có thể nói ngay: Lỗi trong trường hợp này là lỗi tổ chức (organisation's fault). Không phải một, mà cả ba cháu bé cùng tử vong sau khi tiêm vaccine. Cả một qui trình: Từ Bộ Y Tế, Sở Y Tế đến y tá tiến hành tiêm vacxin rõ ràng "có vấn đề". Vấn đề nằm ở khâu tổ chức, quản lý, điều hành, thử nghiệm, thực hiện. Chính vì khâu tổ chức có vấn đề nên mới dẫn đến cái chết của ba cháu bé. Nghĩa vụ chứng minh lỗi không thuộc về gia đình của các cháu bé mà việc chứng minh lỗi thuộc về ai, sai ở khâu nào là việc của cơ quan nhà nước.
Như vậy, ngay cả khi không tìm ra được người có lỗi cụ thể thì nhà nước cũng phải đứng ra nhận trách nhiệm và bồi thường. Sau khi xác định được người có lỗi cụ thể, thì tùy tính chất, mức độ mà người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại một khoản tiền cho nhà nước. Làm được như vậy chính là thực hiện tinh thần cốt lõi của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện đại, đồng thời thể hiện rõ quan điểm: quan hệ giữa nhà nước và công dân là bình đẳng, bên nào gây thiệt hại, bên đó phải bồi thường. 
Ảnh Vietnamnet
Vụ việc ba cháu bé tử vong khi vừa chào đời đã làm chấn động dư luận, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo về lương tri và trách nhiệm của những người lấy y đức làm đầu. Đặt vào hoàn cảnh gia đình các cháu bé, nhìn cảnh bố cháu bé ôm thi thể cháu ra xe, bà nội cháu thì khóc nức nở, không ai có thể cầm được nước mắt.
Ảnh Vietnamnet

Tóm lại, không thể chỉ bằng một kết luận „không rõ nguyên nhân“, rồi để mọi việc rơi vào im lặng. Làm như vậy vừa thất đức, vừa trái luật, vừa đi ngược lại tuyên bố xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nhà nước minh bạch, của dân, do dân và vì dân.
Ảnh: xalo.vn
Xin các nhà chức trách thôi dùng những mỹ từ sáo rỗng, đao to búa lớn! 
Hãy đến chia buồn, công khai nhận lỗi và bồi thường thỏa đáng cho gia đình nạn nhân đúng với lương tâm và trách nhiệm, đồng thời rút ra bài học, kiểm tra kĩ tất cả các qui trình, công đoạn, để không còn có trường hợp đáng tiếc đau lòng tương tự nào xảy ra nữa!




[2] Hiện nay cách tiếp cận nhà nước là chủ thể duy nhất và cuối cùng phải chịu trách nhiệm chưa được làm rõ trong Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009.