Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

VẤN ĐỀ “XE KHÔNG CHÍNH CHỦ” VÀ NHỮNG HỆ LỤY


Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, đăng ngày 12/11/2012, truy cập đường link gốc tại đây
Về quy định xử phạt đối với chủ sở hữu phương tiện “không chuyển quyền sở hữu theo quy định” mới đây, tác giả Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, trừng phạt thật nặng, tăng mức phạt thật cao đối với người vi phạm là đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của một nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh, hiện đại. Luật pháp muốn được thực hiện nghiêm minh trước hết phải thấu tình, đạt lý, người dân phải thấy được lợi ích cho bản thân, cho cộng đồng mà qua đó tự nguyện chấp hành.
Ngày 19/9/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP1 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP2 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Có rất nhiều ý kiến khác nhau của người dân về vấn đề này, trong đó có không ít ý kiến tỏ ra bức xúc. Vậy bản chất của qui định này là gì, xung quanh qui định này phát sinh những vấn đề pháp lý nào, cần phải làm gì để giải quyết? Bài viết ngắn dưới đây xin được góp bàn về chủ đề này.


-    Chỉ xử phạt đối với chủ sở hữu phương tiện mà “không chuyển quyền sở hữu theo quy định”


Trước hết cần khẳng định rằng Nghị định 71/2012/NĐ-CP về căn bản không khác nhiều so với Nghị định 34/2010/NĐ-CP. So với Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ thì không có sự thay đổi về việc xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, mà chỉ có sự thay đổi về mức phạt, cụ thể là 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô; 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô3. Hay nói cách khác, về bản chất qui định xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” là không mới. Nội dung của qui định này là người nào sở hữu xe do mua bán, trao đổi nhưng không thực hiện nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu phương tiện với cơ quan có thẩm quyền theo qui định của pháp luật mới bị xử phạt.

Điểm mấu chốt mà cả Nghị định 34/2010/NĐ-CP và 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ đều quy định là chỉ xử phạt đối với "chủ xe". Ở đây “chủ xe" cần được hiểu là “người chủ sở hữu phương tiện giao thông” – người có đầy đủ ba quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với phương tiện giao thông. Hay nói cách khác, những trường hợp như người có tên trong giấy đăng ký ô-tô, xe máy, nhưng đã chuyển giao quyền sở hữu; người mua lại xe rồi bán cho người khác; người mượn xe và đang chiếm hữu, sử dụng, lái chiếc xe đó trên đường…đều không phải là “người chủ sở hữu phương tiện giao thông”.

Nghị định 71/2012/NĐ-CP không hề có qui định bắt buộc phải mang Giấy đăng ký xe đúng tên. Chẳng hạn, nếu bạn mượn xe của người khác, có đủ giấy tờ và tham gia giao thông, thì bạn sẽ trở thành “người điều khiển phương tiện giao thông”, mà không phải là người chủ sở hữu phương tiện hay “chủ xe” theo cách dùng từ của Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Căn cứ vào qui định này, cảnh sát giao thông cũng không có thẩm quyền để xử phạt bạn. Hay nói cách khác, những trường hợp như vợ đi xe của chồng, con đi xe của bố mẹ, tài xế lái xe theo hợp đồng cho hãng, mượn xe của một người bạn...sẽ không bị xử phạt theo qui định của Nghị định 71/2012/NĐ-CP này.

-    Vấn đề pháp lý đặt ra

Văn bản pháp luật được ban hành sau không hẳn luôn tiến bộ hơn văn bản ra đời trước đó và cũng chưa nói lên được liệu bất cập của văn bản pháp luật trước đã được giải quyết thấu đáo hay chưa. Cụ thể hơn: Việc không có thay đổi về qui định xử phạt đối với hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP so với Nghị định 34/2010/NĐ-CP không có nghĩa rằng qui định này không còn bất cập và không đáng để bàn thảo tiếp.

Còn khá nhiều những vấn đề bỏ ngỏ,bất cập tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP, chẳng hạn như:

1) Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ nêu qui định xử phạt đối với trường hợp “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, nhưng lại không qui định rõ căn cứ nào để xác định chiếc xe mà một người đang sử dụng là xe mượn hay là xe mà họ là người sở hữu nhưng không làm thủ tục sang tên đổi chủ?

2) Trong trường hợp một chiếc xe đã được mua bán nhiều lần, không chuyển quyền sở hữu,việc xử lý sẽ được tiến hành như thế nào? Không phải chỉ riêng người mua xe trốn thuế trước bạ, mà cả người bán cũng trốn thuế thu nhập cá nhân. Việc chỉ xử lý người mua liệu có phù hợp? Phải chăng với qui định này thì tất cả trách nhiệm sẽ bị đổ dồn vào người mua xe nhưng không chuyển quyền sở hữu, không nộp thuế trước bạ, còn trách nhiệm người có tên trong giấy đăng ký xe máy, ô-tô nhưng đã bán xe, người mua lại xe rồi bán cho người khác, không nộp thuế thu nhập cá nhân thì không xử lý? Nếu muốn xử lý thì làm thế nào để truy tìm được người có tên trong giấy đăng ký xe máy, ô-tô nhưng đã chuyển giao quyền sở hữu hay người mua lại xe rồi bán cho người khác?

3) Vì qui định này mà người đi mượn xe chắc chắn sẽ bị gây phiền hà (vì lý do sử dụng xe “không chính chủ”). Làm thế nào để tránh được những rắc rối, phiền nhiễu này cho người dân?

4) Việc xác minh chính xác“người chủ sở hữu phương tiện giao thông”hiện nay là rất khó khăn. Người điều khiển phương tiện cần phải có thêm những loại giấy tờ gì để chứng minh rằng một chiếc xe là xe đi mượn? Làm thế nào để vừa thực hiện nghiêm minh, không gây phiền hà cho người dân, mà vẫn ngăn chặn được cả trường hợp người sở hữu không làm thủ tục sang tên đổi chủ giả mạo giấy tờ để khỏi bị xử lý theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP?

5) Số lượng xe chưa sang tên đổi chủ hiện nay ước tính phải lên tới 40% lượng xe lưu thông.Nếu phải xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm, thì ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ ra thêm bao nhiêu tiền và cần phải có thêm bao nhiêu cảnh sát giao thông để làm nhiệm vụ này? Qui định gấp gáp như vậy liệu có khiến cảnh sát giao thông vừa thêm nhiều việc, vừa gây khó cho dân, vừa dễ khiến tình trạng tham nhũng, mãi lộ thêm trầm trọng hơn không?

-    Một vài đề xuất cụ thể


Việc chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông như mô tô, xe máy là một việc làm rất bình thường, được thực hiện ở hầu hết các quốc gia hiện nay.

Muốn người dân tự nguyện thực hiện các qui định pháp luật thì cần phải làm nhiều việc, nhưng trước tiên cần phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu được ý nghĩa tích cực của qui định đó. Tôi cho rằng:

-    Ý nghĩa tích cực trước tiên của qui định này là bảo vệ quyền sở hữu tài sản của chính người có quyền sở hữu tài sản là phương tiện giao thông;

-    Ý nghĩa tích cực thứ hai là đảm bảo cho công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong trường hợp xử lý các vụ án hình sự hoặc tai nạn giao thông được thuận lợi, nhanh chóng. Đảm bảo tốt công tác quản lý nhà nước cũng là vì lợi ích của nhân dân. Việc đẩy lùi tình trạng ách tắc giao thông như hiện nay là mong muốn của Chính phủ và toàn dân. Thông qua việc đăng ký này, việc quản lý thông tin của người tham gia giao thông chắc chắn sẽ tốt hơn. Có quản lý được thông tin của người tham gia giao thông mới có thể xử lý được vi phạm giao thông. Sắp tới tại các tuyến đường sẽ gắn camera để xác định người vi phạm, việc làm này cá nhân tôi cho rằng rất văn minh, rất nên làm, bởi lẽ nó sẽ vừa góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân, vừa góp phần xử lý chính xác người vi phạm, vừa góp phần giảm thiểu lực lượng cảnh sát giao thông và vừa góp phần giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông hiện nay. Khi người dân đã hiểu, thấy được ý nghĩa, hiệu quả thiết thực, thì chắc chắn việc thực thi sẽ dễ dàng hơn.

Việc đăng ký sở hữu đối với những tài sản đặc biệt trong đó có mô tô, ô tô là đúng, phù hợp, nhưng áp dụng một cách đột ngột, trong khi chưa có Thông tư hướng dẫn, chưa rõ phải xử lý như thế nào rõ ràng là không phù hợp và thiếu đồng bộ. Tình trạng không chuyển quyền sở hữu phương tiện giao thông lan tràn như hiện nay đó là hệ quả của một thời gian dài buông lỏng công tác quản lý. Muốn luật pháp được thực hiện nghiêm minh, tôi nghĩ không thể vội vã, mà cần có sự chuẩn bị, lên các phương án và lộ trình thực hiện kĩ càng hơn.

Mục đích xử phạt đối với trường hợp “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” là để ngăn chặn việc trốn thuế khi sang tên đổi chủ. Ngăn chặn trốn thuế thì cũng nên đặt ngược lại vấn đề là liệu chính sách thuế đã phù hợp chưa, bất cập ở chỗ nào, ở qui định hay ở khâu thực hiện để tháo gỡ. Tôi cho rằng lệ phí trước bạ hiện nay theo qui định tại Nghị định số 45/2011/ND-CP  hiện hành là quá cao. Việc cần làm hiện nay là phải giảm lệ phí trước bạ, đồng thời cải cách thủ tục, giấy tờ sao cho đơn giản, thông thoáng, thuận tiện đối với người dân. Giảm lệ phí, thủ tục đơn giản, người dân chấp nhận, tuân thủ, nhà nước thu được thuế, chắc sẽ là cách làm khôn ngoan hơn việc qui định một mức thuế trên trời, còn người dân thì tìm cách trốn thuế, hệ quả là nhà nước vẫn thất thu và người dân thì vẫn tìm đủ mọi cách để “lách luật”.

Trừng phạt thật nặng, tăng mức phạt thật cao đối với người vi phạm là đi ngược lại những nguyên tắc căn bản của một nhà nước pháp quyền, một xã hội văn minh, hiện đại. Luật pháp muốn được thực hiện nghiêm minh trước hết phải thấu tình, đạt lý, người dân phải thấy được lợi ích cho bản thân, cho cộng đồng mà qua đó tự nguyện chấp hành. Khi xây dựng các văn bản pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông, một lĩnh vực liên quan mật thiết đến lợi ích của người dân, nhà làm luật cần tham khảo kĩ cách làm của những nước văn minh hiện nay, tính toán lộ trình thực hiện phù hợp và quan trọng nhất là cần tham khảo ý kiến của người dân. Nhà làm luật có đặt mình vào vị trí người dân, hiểu, cảm thông và chia sẻ với những bức xúc của người dân, mới có thể đưa ra được những qui định gần gũi, thiết thực và vì thế qui định ấy mới có khả năng được thực thi đầy đủ trên thực tế.

---

1 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/ 4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ban hành ngày 19/9/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2012.

2 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ban hành ngày 2/4/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2010.

3 So sánh hai qui phạm này ta thấy: Nghị định 34/2010/NĐ-CP, tại Điều 33 Khoản 1 mục a và Khoản 4 mục đ có qui định: “1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: […] a) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định; 4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: đ) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.” Sửa đổi, bổ sung Điều khoản này, Điều 1 Khoản 8 Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ qui định: “[…] 3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy; các loại xe tương tự mô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: […] e) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.”; “ […] 6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: […] c) Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.”

4 Nghị định số 45/2011/ND-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ, ban hành ngày 17/6/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2011.
Bài viết cùng tác giả: 
- Vì sao cần phải có tự do ngôn luận 
- Khi Hiến pháp là công cụ bảo vệ dân quyền
- Ván hiến pháp nổi tiếng về biểu tình Đức năm 1986

- Trường phái pháp luật lịch sĐức 
- Trao đổi về bài viết: "Tội giết người không có người chết?"
- Hiến pháp 1946: Thể hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước 
- Cấm chơi golf ngày nghỉ và những nhầm lẫn về pháp luật
- Tiếp cận pháp luật từ góc nhìn văn hóa
- Phân định ranh giới giữa luật công và luật tư Đức: Lịch sử, tranh luận và gợi m 
- Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam