Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

PHƯƠNG PHÁP SOKRATES VÀ TRANH LUẬN VỀ PHÁP LUẬT CỦA CÁC NHÀ TRIẾT HỌC CỔ ĐẠI


Ảnh: Carsten Sann
Nguyễn Minh Tuấn

Sokrates là nhà triết học nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đại, đồng thời cha đẻ của thuật hùng biện.
Sokrates tin rằng nếu được thức tỉnh, mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải.
Ông cho rằng đối thoại phải dựa trên cơ sở trung thực, minh bạch và tin cậy. Muốn giải quyết vấn đề, theo Sokrates người ta cần chia nhỏ vấn đề đó thành một hệ thống các câu hỏi, các câu trả lời có tư duy sẽ tự kết nối thành lời giải. Hay nói cách khác, căn cốt của phương pháp Sokrates là đi từ việc đặt ra giả thuyết đến loại bỏ các giả thuyết và tìm lời giải. Hỏi là cách giúp người được hỏi có dịp suy nghĩ và tự trả lời. Thực ra câu trả lời và giải pháp do chính người được hỏi tìm thấy hoặc rút ra đó mới chính là mục đích của phương pháp Socrates.
Nghệ thuật đối thoại của Sokrates là đi từ việc lắng nghe. Sau đó bằng những câu hỏi, chứng minh ngược lại rằng người đối thoại chưa hiểu rõ vấn đề. Bước tiếp theo là quy nạp vấn đề, từng bước xây dựng sao cho lập luận thật vững chắc, thông qua những ví dụ cụ thể, thực tế, để từ đó rút ra nhận thức mới.
Trong lịch sử nhân loại, Socrates được coi là một trong những nhà nhân quyền đầu tiên, bởi lẽ ông là người đặt ra vấn đề con người có quyền được tự do tư duy, tự do phát biểu, tự do sống cuộc đời mình chọn lựa. Vào năm 399 TCN, Sokrates bị tố cáo là đã “dụ dỗ thanh niên” và “báng bổ thánh thần”. Bằng những lập luận thuyết phục, ông đã phản bác lại cáo buộc của Hội đồng xét xử. Ông đã đưa ra một kết luận: “Quả là sai lầm nếu quý vị nghĩ rằng chỉ cần giết người là trốn thoát lời chê trách sống không suy xét. [...] Thay vì tìm cách bịt miệng kẻ khác, hãy tự mà tu thân sửa tính.” Câu này ý muốn nói rằng không ai, không một thế lực nào có thể ngăn cản được quyền tự do ngôn luận, nếu những gì được nói ra là sự thật, được dựa trên cơ sở sự suy xét có căn cứ.
Phương pháp Sokrates có một ý nghĩa quan trọng đối với khoa học pháp lý. Sokrates đã phát hiện ra một vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là đối với luật học: Chính câu hỏi tạo nguồn cảm hứng, chính câu hỏi dẫn dắt ta đến việc tiếp cận chân lý.
Ở thời cổ đại, người ta đã dùng phương pháp đặt câu hỏi của Sokrates để tranh luận về luật pháp, về tự do. Chính những tranh luận này đã là điểm khởi đầu cho một trường phái pháp luật tự nhiên phát triển rực rỡ ở miền trung Châu Âu thế kỷ 17, 18 sau này. 
Thasymachos khi nói về luật pháp đã khẳng định: „Luật pháp là gì? Luật pháp chẳng qua chỉ là thứ phục vụ cho lợi ích của kẻ mạnh.“ 
Đồng tình với quan điểm này, Hippias đưa ra quan điểm rằng: „Tự nhiên cho chúng ta anh em, bằng hữu và đồng loại. Tự nhiên đâu có cho chúng ta các Bộ luật đồ sộ. Trong trạng thái tự nhiên tất cả chúng ta đều giống nhau. Chính các Bộ luật kì quái mới làm cho chúng ta khác nhau. Vậy nên, luật pháp là kẻ thù của loài người.“ 
Alkidamas cho rằng: „Tự nhiên tạo ra chúng ta là tự do. Tự nhiên không bắt ai phải làm nô lệ cả. Chính luật pháp tạo ra điều bất công này.
Ngược lại, Arixtot cho rằng: "Con người sinh ra đã là không bình đẳng, có những điểm mạnh và điểm yếu. Sự bất bình đẳng này có tính tự nhiên" Từ đó ông đưa ra quan điểm "pháp luật, nhà nước gắn với con người cũng là điều tự nhiên (Anthropos physei politikon zoon esti). Chpháp luật mới có khả năng giảm thiểu những sự bất công có tính tự nhiên đó."
Platon Arixtot cũng bàn về những vấn đề như công bằng là gì và thống nhất ở luận điểm: "Công bằng (Gerechtigkeit) trước hết là dựa trên yêu cầu về sự bình đẳng (Gleichheit)." Platon còn phân biệt bình đẳng không có nghĩa là tất cả bằng nhau, bình đẳng có hai loại đó là dựa trên số lượng (iustitia distributiva) và công bằng dựa trên tỉ lệ (commutativa). Tỉ lệ đó nhiều ít ra sao cần có luật pháp minh định. 
Như vậy có thể thấy những tranh luận của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại là dựa trên lý tính, mới mẻ và hoàn toàn khác biệt so với Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại. Tư duy lý tính ở Hy Lạp rất nổi trội. Tòa án ở đây có tới hàng trăm thẩm phán, họ tranh luận đúng sai dựa trên lý lẽ. Có nhiều nhà khoa học cho rằng chính tư duy lý tính, tranh luận dựa trên lý lẽ là đặc trưng nổi trội của luật pháp Hy Lạp. Mặc dù không có những Bộ luật đồ sộ như Luật Hammurabi ở Lưỡng Hà cổ đại hay Luật 12 bảng và Bộ pháp điển của Justinian ở Rom, nhưng ở một chừng mực nhất định, Hy Lạp có những thứ mà Lưỡng Hà, Ấn Độ, Ai Cập hay La mã cổ đại không có được đó là thuật hùng biện (Rhetorik) và một khoa học triết học pháp luật đã phát triển đến đỉnh cao.

- “Hãy tự biết lấy chính mình. [...] Tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả” - Sokrates



Tham khảo thêm: Uwe Wesel, Geschichte des Rechts – von den Frühformen bis zur Gegenwart, 3. Aufl., 2006.