Nguyễn Minh Tuấn
Lâu nay trong hệ thống giáo trình, sách báo
khoa học pháp lý về lịch sử pháp luật vẫn thừa nhận Bộ luật Hammurabi ra đời
dưới triều đại vua Hammurabi (1728–1686 TCN), ở Lưỡng Hà cổ đại là Bộ luật thành
văn đầu tiên cổ xưa nhất của nhân loại. Vấn đề này ít được lật ngược lại bàn
thảo và mặc nhiên được thừa nhận chung trong khoa học pháp lý Việt Nam đến nay.
Tuy nhiên có một thực tế là khoa học không bao giờ dừng lại, mà luôn phát triển
theo thời gian. Vấn đề lịch sử pháp luật cũng không phải là ngoại lệ vì nhiều
kết quả nghiên cứu khoa học mới có thể làm thay đổi hoàn toàn một cách nhìn cũ,
thậm chí cách nhìn ấy có lúc đã trở thành kinh điển. Vấn đề về Bộ luật cổ xưa
nhất của nhân loại có lẽ cũng là một vấn đề như vậy.
Câu hỏi đặt ra là liệu Bộ luật Hammurabi có
thực sự là Bộ luật cổ xưa nhất hay không? Thời gian gần đây các nhà khảo cổ học và khoa học lịch sử pháp
luật thế giới đã chứng minh rằng khẳng định này không còn đúng nữa. Họ đã có đủ
bằng chứng để chứng minh được rằng có một Bộ luật khác ra đời sớm
hơn – “Bộ luật Urnammu, được ban hành
vào khoảng năm 2100 TCN dưới thời trị vì của vua Urnammu, xứ Ur, ở Lưỡng Hà
cổ đại” Những
gì ta biết về Bộ luật này ngày nay là kết quả của năm công trình khảo cổ học lớn
được tiến hành ở các thành phố Nippur, Ur và Sippa. Kết quả của năm cuộc khảo
cứu toàn diện này cho phép các nhà khoa học phục dựng lại một phần nội dung của
Bộ luật. Theo các nhà khoa học, Bộ luật này
có khoảng 40 Điều. Đến nay đã dịch được khoảng 30 Điều trong số đó.
Nội dung và ý nghĩa của Bộ luật này vẫn tiếp tục được nghiên cứu bởi nhiều nhà
khoa học thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, đặc biệt là chuyên ngành sử học,
luật học, ngôn ngữ học.
Cơ sở nào để khẳng định rằng đây là "một Bộ
luật thành văn”? dựa trên cơ sở nào đánh giá giá trị của Bộ luật này trong sự
so sánh với Bộ luật Hammurabi – một Bộ luật đã trở thành kinh điển? Hay nói cách khác Bộ luật Urnammu có những giá trị gì, có những điểm
tương đồng và khác biệt gì về mặt nội dung so với Bộ luật Hammurabi?
1. Về kĩ thuật lập pháp, phạm vi điều chỉnh,
mức độ điều chỉnh
Về bố cục, Bộ luật Urnammu được
chia khá rõ ràng thành nhóm các điều khoản có nội dung khác nhau, trong đó có 4 lĩnh vực chính là hình
sự, dân sự, hôn nhân gia đình và tố tụng. Về mặt hình thức pháp lý, đây
là một Bộ luật tổng hợp được xây dựng dưới dạng luật hình.
Các qui phạm của Bộ luật Urnammu
cũng giống như các Bộ luật khác ở Phương Đông thời kỳ cổ đại đều mang tính hàm
hỗn, các qui phạm đều kèm theo chế tài. Hình thức qui phạm của Bộ luật là dưới dạng giả định, nhưng được thể
hiện dưới dạng qui định ẩn.
Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật là những quan hệ xã hội rộng, bao
quát lên toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội như hôn nhân gia đình, ruộng
đất, thừa kế tài sản, hợp đồng dân sự, hình sự, tố tụng.
Về mức độ điều chỉnh, thông thường người ta phân biệt thành hai mức
độ điều chỉnh pháp luật: cụ thể – chi tiết và khái quát hoá. Bộ luật này về cơ
bản áp dụng mức độ điều chỉnh cụ thể, chi tiết.
Giống như Bộ luật Hammurabi, lời nói đầu của Bộ
luật này vua Urnammu cũng tuyên bố trách nhiệm của mình với đất nước: “Thần Anu [chúa trời, sáng tạo ra muôn loài]
và thần Enil [vị thần tượng trưng cho sự cao thượng, đem đến ấm no, hạnh phúc]
đã giao trách nhiệm cho ta - vua Urnammu phải đem đến sự công bằng, ấm no, hạnh
phúc cho vùng đất Sume này.”
Ông tuyên bố rằng: “…Tôi không thể biến một đứa trẻ mồ côi thành người giàu có, không thể
biến một schekel bạc thành 60 schekel, không thể biến một con cừu thành một con
bò kéo…nhưng tôi có thể thiết lập sự công bằng cho vùng đất của người Sume này.” Như vậy có thể thấy rằng mặc dù chỉ
là những tuyên bố, nhưng những Bộ luật đầu tiên, sơ khai nhất của nhân loại này
đều đã chứa đựng trong đó ít nhiều tính
xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là tính giai cấp. Điều này càng được
thể hiện rõ ở phần nội dung của Bộ luật với một phạm vi điều chỉnh rất rộng,
bao gồm cả bốn lĩnh vực chủ yếu đó là hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình và tố
tụng, mà có không ít các qui định trong đó chứa đựng các nội dung rất tiến bộ,
nhân đạo nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ.
2. Về lĩnh vực luật hình sự
Về hình sự, qui định về tội phạm trong Bộ luật
khá đa dạng. Bộ luật qui định các hành vi phạm tội như giết người, cướp, đưa ra
bằng chứng giả mạo, ngoại tình…Các hành vi này mặc dù tính chất, mức độ nguy
hiểm cho xã hội là khác nhau, nhưng chủ thể vi phạm đều chịu một hình phạt hà
khắc như nhau đó là hình phạt tử hình. Bên cạnh hình phạt tử hình, Bộ luật cũng
có qui định đến những hình phạt khác như tù giam (Điều 3) hoặc phạt tiền (Điều
8, 9, 10).
Một điểm đặc biệt tiến bộ của Bộ luật này, thậm
chí tiến bộ hơn cả Bộ luật Hammurabi sau này đó là thay vì hình thức trả thù ngang bằng (lex talionis), người Sume áp dụng hình thức phạt tiền đối với trường hợp cố ý gây thương tích.
Trong Bộ luật Hammurabi nguyên
tắc trả thù ngang bằng được áp dụng
rất triệt để. Nguyên tắc này chỉ căn cứ vào hậu quả xảy ra trên thực tế để áp
dụng trách nhiệm pháp lí, chứ không xét trên phương diện mức độ lỗi và chủ thể
thực hiện hành vi vi phạm. Thí dụ, Điều 38 Bộ luật Hammurabi qui định: "Nếu
thợ xây nhà mà xây không đảm bảo, nhà đổ, chủ nhà chết thì người thợ xây bị
giết." hoặc Điều 39: "Nếu nhà đổ, con của người chủ nhà chết
thì con của người thợ xây cũng phải chết theo". Ở Bộ luật Urnammu, đối với những trường hợp gây thương tích (ở Điều 18,
19, 20, 21, 22) thì chỉ áp dụng hình phạt tiền. Thí dụ, Điều 18 Bộ luật
Urnammu qui định: “Nếu một người làm mù
mắt người khác, anh ta sẽ phải chịu phạt 30 schekel (đơn vị tiền tệ bấy giờ).”
hoặc qui định ở Điều 19: “Nếu một người
làm gẫy chân người khác, anh ta sẽ phải chịu phạt 10 schekel.”; Điều 20: “Nếu trong khi ẩu đả, một người làm người kia
tàn phế, không thể lao động được nữa, người đó sẽ phải chịu phạt 60 schekel.”
3. Về lĩnh vực luật dân sự
Về dân sự, Bộ luật
này cũng đã bước đầu đặt ra vấn đề bồi thường tài sản (Điều 31, Điều 32), vấn
đề về quyền sở hữu tài sản (Điều 30), hợp đồng thuê mướn (Điều 32). Thí dụ, Điều
30 Bộ luật Urnammu qui định: “Người lén
lút trồng cây trên thửa đất của người khác thì hoa lợi trên đất đó sẽ không
thuộc về anh ta.” hay Điều 31 qui định: “Người làm ngập úng đồng lúa mạch của người khác, người đó sẽ bị phạt
phải bồi thường.”; Điều 32: “Nếu một
người đã thuê người khác cày cấy, nhưng người này đã không thực hiện đúng nghĩa
vụ cam kết mà bỏ hoang cánh đồng ấy, anh ta sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng và bị
phạt.”
Nếu so sánh với Bộ luật Hammurabi ra đời sau
này về các chế định dân sự thì có thể thấy Bộ luật Urnammu chưa có nhiều qui
định cụ thể, chặt chẽ về hợp đồng, điều kiện của hợp đồng, các điều khoản lĩnh
canh ruộng đất hay hợp đồng vay nợ như Bộ luật Hammurabi.
Điều này là dễ hiểu vì tại thời điểm ban hành Bộ luật Hammurabi nền kinh tế
hàng hóa của Babylon đã rất phát triển, ngược lại kinh tế dưới thời trị vì của
vua Urnammu vẫn chỉ chủ yếu là kinh tế nông nghiệp.
4. Về lĩnh vực luật hôn nhân và gia
đình
Về hôn nhân và gia đình, Bộ luật Urnammu cũng đã có những qui định nhân đạo bảo vệ quyền lợi của người
phụ nữ. Chẳng hạn như Bộ luật này đã đặt ra qui định cho phép người
chồng được quyền ly hôn, nhưng người chồng đó phải nộp cho người vợ một khoản
tiền rất lớn. Thí dụ, Điều
9 qui định: “Nếu một người đàn ông mà
muốn ly dị người vợ đầu tiên của mình, anh ta phải trả cho người vợ đó 60
schekel” hay Điều 10 qui định: “Nếu
một người đàn ông mà muốn cưới lại người vợ mà mình đã ly dị, anh ta sẽ phải
trả người phụ nữ đó 30 schekel.”
Tuy nhiên cũng giống như Bộ
luật Hammurabi, Bộ luật Urnammu này cũng có nhiều qui định bảo vệ quyền lợi của
người đàn ông, người gia trưởng. Thí dụ, Điều 11 Bộ luật qui định: “Nếu một người đàn ông mà ngủ với một người
phụ nữ góa bụa, anh ta sẽ không bị nộp phạt.” ngược lại “nếu một người phụ nữ đã kết hôn mà ngoại
tình đi theo một người đàn ông khác thì người phụ nữ đó sẽ bị giết và người đàn
ông được trả tự do” (Điều 7).
Luật Urnammu có qui định về vật dẫn cưới (Brautpreise/ purchase-price).
Đây là khoản tiền hoặc quà tặng bắt buộc mà gia đình chú rể phải đưa cho gia
đình cô dâu trước khi cưới.
Điều 15. Bộ luật Urnammu qui định: “Nếu
một người đàn ông đã đem sính lễ đến cưới một cô gái và ông bố vợ tương lai này
đã nhận sính lễ, nhưng sau đó lại nuốt lời và gả người con gái đó cho một người
đàn ông khác thì ông bố này sẽ phải trả cho người đàn ông đó tài sản bằng 2 lần
giá trị đồ sính lễ”.
Bộ luật Hammurabi sau này tại Điều 163
cũng có qui định về vấn đề này: “Trong
trường hợp người vợ chết mà không có con thì bố vợ phải trả lại «quà đính hôn» (Brautpreise/ purchase-price) cho gia đình nhà
chồng. Người chồng không có quyền với tài sản thừa kế của vợ. Tài sản này khi
người phụ nữ qua đời sẽ thuộc về gia đình người vợ.”
Có nhiều quan điểm khác nhau về ý nghĩa của
vật dẫn cưới. Có quan điểm cho rằng đây là khoản tiền để hợp pháp hóa hôn nhân
và ràng buộc gia đình nhà gái, đảm bảo cho việc hôn nhân được diễn ra. Có quan
điểm lại cho rằng đây là khoản tiền để bồi thường cho gia đình nhà gái vì đã
nuôi cô gái đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là vì sao
trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại có tập quán người vợ chết không có con thì phải
trả lại vật dẫn cưới cho gia đình nhà chồng, còn tài sản thừa kế lại vẫn thuộc
về gia đình người vợ? Nếu
căn cứ vào những điều luật kể trên, đặc biệt là qui định ở Điều 163 Bộ luật
Hammurabi (“Trong
trường hợp người vợ chết mà không có con thì bố vợ phải trả lại «quà đính hôn» (Brautpreise/ purchase-price) cho gia đình nhà
chồng.") có thể thấy rằng vật dẫn cưới thực chất không phải là quà để
mua người vợ, cũng không phải là tiền hợp pháp hôn nhân, mà là tiền của gia đình người chồng cho gia đình người vợ vì đứa trẻ do
người vợ đẻ ra sau này sẽ trở thành người thuộc dòng họ
của người đàn ông.
Do vậy vật dẫn cưới thực chất có mục đích là vì đứa trẻ, chứ không phải là vì
người phụ nữ. Tập quán này nói như tác giả Uwe
Wesel là có từ thời kỳ công xã nguyên thủy.
5. Về lĩnh vực tố tụng và thực tiễn
xét xử
Bộ luật Urnammu có hai điều khoản qui định về
vấn đề thử tội (ordeal).
Điều 13 qui định: “Nếu một người bị cáo buộc là dùng tà đạo ma thuật, anh ta phải chịu thử
tội bằng hình thức ném xuống sông. Nếu anh ta vô tội (không bị chết), anh ta sẽ được tha.” Điều 14 qui định: “Nếu một người đàn ông bị cáo buộc là đã
thông dâm với vợ của người đàn ông khác, anh ta sẽ phải chịu thử tội bằng hình
thức ném xuống sông. Nếu qua thử tội cho thấy anh này vô tội thì người đã cáo
buộc anh ta thông dâm phải trả anh ta 20 schekel.”
Điều 2 Bộ luật Hammurabi cũng có qui định
tương tự về vấn đề này: “Nếu một người
kiện một người khác, bị đơn sẽ phải đi đến một dòng sông và nhảy xuống, nếu anh
ta chìm, bị dòng nước cuốn đi, nguyên đơn sẽ được sở hữu nhà của bị đơn. Nhưng
ngược lại, nếu anh ta không bị chết chìm, tức là anh ta còn sống sót, thì anh
ta được coi là vô tội, nguyên đơn sẽ bị giết chết, và bị đơn sẽ sở hữu nhà của
nguyên đơn”.
Ngày nay ta hiểu rằng "Thử tội" (Ordeal) không phải là cách làm khoa học để chứng minh hành vi phạm tội hay chứng minh ai có lỗi. Nhưng nghiên cứu lịch sử cần phải đặt vào hoàn cảnh, thời điểm cụ thể để giải thích. Thực tế, người cổ đại bất lực trước việc giải thích các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Giai cấp thống trị, bằng những cách mị dân khác nhau đã khiến người cổ đại tin rằng đấng tối cao đã sáng tạo muôn loài, sáng
tạo ra cả nhà nước và luật pháp, nên cũng chỉ có thần thánh mới là người công minh
nhất, thần thánh mới là người cho họ biết thế nào nào là đúng, thế nào là sai,
thế nào là công bằng hay không công bằng. "Thử tội" bởi thế phản ánh trạng thái thụ động, phản ánh sự bất lực của con người trong việc tìm kiếm sự thật vụ án, cũng như phản ánh sự phó thác của con người cho "thánh thần" định liệu các vụ việc pháp lý.
Về xét xử, những vị tăng lữ thời kỳ này cũng
đồng thời là những thẩm phán. Họ chính là những chuyên gia luật đầu tiên trong
lịch sử nhân loại. Về địa điểm xét xử, các phiên xét xử được diễn
ra công khai ở cổng vào các thành thị, mục đích là để tất cả mọi người đều có
thể chứng kiến và tiếp cận với công lý.
Các nhà khảo cổ đã tìm được hai di chỉ khảo cổ
học thời kỳ này cho thấy những bằng chứng liên quan đến việc xét xử một vụ án.
Nội dung vụ việc như sau: “Có ba người đàn ông và một người phụ nữ bị
kiện. Ba người đàn ông, một người làm nghề cắt tóc, một người làm vườn, một
người không có nghề nghiệp cụ thể đã giết một tăng lữ. Sau đó ba người này đã
thông báo cho vợ của người bị giết, nhưng người phụ nữ này đã che giấu, không tố
giác hành vi giết người của họ.
Khi xét hỏi, người
phụ nữ này khai rằng chồng của bà ta (tức là người bị giết) là một người độc
ác, thường xuyên đánh đập dã man, đối xử tệ bạc với người vợ này.
Một vị tăng lữ đã
đứng ra bào chữa cho chị ta và nói: 'Nếu chồng chị ta đối xử với chị như vậy thì
họ không còn là vợ chồng nữa mà là kẻ thù. Nếu là kẻ thù thì tại sao người phụ
nữ phải khai người đã giết kẻ thù của mình. Hãy xét xử ba kẻ giết người là đủ
rồi, đừng làm oan người vô tội.'
Thẩm phán xét xử cho
rằng lập luận của vị tăng lữ kia là có lý. Cuối cùng ba người đàn ông bị kết án
xử tử, còn người phụ nữ được tha vì được coi là không có tội.”
Vụ án này cho thấy giữa những gì Bộ
luật qui định và thực tiễn xét xử thời kỳ này đã là một khoảng cách rất xa. Bộ
luật Urnammu có phạm vi điều chỉnh rộng, nhưng cũng chỉ qui định được những
trường hợp có tính điển hình chứ không lường tính hết được các tình huống đa
dạng, phức tạp của cuộc sống. Đây cũng là một ví dụ rất rõ cho thấy thẩm phán
khi xét xử tha tội cho người phụ nữ không tố giác những kẻ đã giết chồng mình
đã không dựa vào Bộ luật, mà dựa trên thực tế, lý lẽ và cả góc nhìn có tính chủ
quan của mình.
Một câu hỏi khác đặt ra là cách thức tiến hành,
trình tự thủ tục xét xử, cách thức thi hành hình phạt tử hình thực sự đã diễn
ra như thế nào, số tiền phạt sẽ được xung công hay để bồi thường cho người bị
hại đến nay vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ. Nếu
không đồng ý với phán quyết, liệu đương sự có quyền kháng cáo lại phán quyết
của vị thẩm phán này và kiến nghị lên thị trưởng thành phố để xử phúc thẩm
hay không? Đây vẫn là vấn đề chưa được khoa học lịch sử pháp luật làm sáng tỏ.
Các qui phạm của Bộ luật Urnammu cũng cho thấy
một điều khá thú vị là vị trí của “nô lệ” (slave) trong xã hội lúc này khác cơ
bản so với nô lệ ở La Mã. Số lượng nô lệ cũng kém xa so với các nhà nước La Mã
thời cổ đại sau này. Nếu như trong xã hội La Mã cổ đại, nô lệ không được coi là
"người", thì ở Lưỡng Hà cổ đại thời kỳ này nô lệ vẫn có tư do, họ có tài sản
riêng, được giao kết hợp đồng (Điều 32), được quyền kết hôn, thậm chí được
quyền kết hôn với người tự do (Điều 5). Những điều này là không thể
có ở xã hội La Mã cổ đại, đặc biệt là từ thế kỷ thứ 2 SCN trở đi.
Theo kết quả nghiên
cứu của khoa học đến nay, Bộ luật Urnamu có thể được coi là Bộ luật cổ xưa nhất của nhân loại. Nội dung và giá
trị của Bộ luật này đến nay vẫn tiếp tục được nhiều ngành khoa học tập trung
nghiên cứu. Bộ luật này, cùng với Bộ luật Hammurabi không chỉ có giá trị nghiên
cứu khoa học pháp lý, mà còn là nguồn cứ liệu lịch sử quí giá để tìm hiểu về
nền văn hóa Lưỡng Hà cổ đại – một trong sáu nền văn hóa lớn nhất, phát triển
rực rỡ nhất thời kỳ cổ đại của loài người cùng với Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp và
La Mã.
BẢN DỊCH THAM KHẢO TIẾNG VIỆT
MỘT VÀI ĐIỀU
KHOẢN CỦA BỘ LUẬT URNAMMU
Dưới đây là bản dịch
tham khảo Tiếng Việt nội dung một vài điều trong Bộ luật này. Nguồn bản gốc tác giả bản dịch tham khảo
từ các tài liệu sau: Samuel Noah Kramer, Geschichte
beginnt mit Sumer, 1959, S. 105 f.; Uwe Wesel, Geschichte des Rechts – von
den Frühformen bis zur Gegenwart, 3. Aufl., 2006, S. 75 f; Martha Tobi Roth, Law Collections from Mesopotamia and Asia
Minor, in: Writings from the Ancient World, Vol 6, Society of
Biblical Literature, 1995, pp. 13; Claus
Wilcke, Der Kodex Urnamma: Versuch
einer Rekonstruktion, in: Zvi Abusch (Hrsg.), Riches hidden in secret places: ancient Near Eastern studies in memory
of Thorkild Jacobson, Winona Lake 2002, S. 291–333.
Điều 1. Nếu ai phạm tội giết người, người đó sẽ
bị xử tử.
Điều 2. Nếu ai phạm tội cướp, người đó cũng sẽ
bị xử tử.
Điều 3. Nếu ai phạm tội bắt cóc, người đó sẽ bị
tống giam và phải chịu nộp phạt 15 schekel.
[…]
Điều 5. Nếu nô lệ cưới người tự
do, nô lệ đó phải trao người con đầu lòng của mình cho người chủ.
Điều 6. Nếu một người phá hoại
trinh tiết vợ chưa cưới của người khác thì người đó sẽ bị giết.
Điều 7. Nếu một người phụ nữ đã
kết hôn mà ngoại tình đi theo một người đàn ông khác thì người phụ nữ đó sẽ bị
giết chết và người đàn ông được trả tự do.
Điều 8. Nếu một người đàn ông
tự do mà phá hoại trinh tiết người vợ chưa cưới của một người nô lệ khác thì
người đó phải nộp phạt 5 schekel.
Điều 9. Nếu một người đàn ông
mà muốn ly dị người vợ đầu tiên của mình, anh ta phải trả cho người vợ đó 60
schekel.
Điều 10. Nếu một người đàn ông
mà muốn cưới lại người vợ mà mình đã ly dị, anh ta sẽ phải trả người phụ nữ đó
30 schekel.
Điều 11. Nếu một người đàn ông
mà ngủ với một người phụ nữ góa bụa, anh ta sẽ không bị nộp phạt.
[…]
Điều 13. Nếu một người bị cáo
buộc là dùng tà đạo ma thuật, anh ta phải chịu thử tội bằng hình thức ném xuống
sông.
Nếu anh ta không bị chết, anh ta sẽ được coi là vô tội và được tha bổng.
Điều 14. Nếu một người đàn ông
bị cáo buộc là đã thông dâm với vợ của người đàn ông khác, anh ta sẽ phải chịu
thử tội bằng hình thức ném xuống sông. Nếu qua thử tội cho thấy anh này vô tội
thì người đã cáo buộc anh ta thông dâm phải trả anh ta 20 schekel.
Điều 15. Nếu một người đàn ông
đã đem sính lễ đến cưới một cô gái và ông bố vợ tương lai này đã nhận sính lễ,
nhưng sau đó lại nuốt lời và gả người con gái đó cho một người đàn ông khác thì
ông bố này sẽ phải trả cho người đàn ông đó tài sản bằng 2 lần giá trị đồ sính
lễ.
Điều 17. Nếu nô lệ trốn thoát
khỏi thành phố, một người khác đã tìm thấy nô lệ chạy trốn đó trả lại cho chủ
cũ thì người chủ đó phải trả cho người này 2 schekel.
Điều 18. Nếu một người làm mù
mắt người khác, anh ta sẽ phải chịu phạt 30 schekel.
Điều 19. Nếu một người làm gẫy
chân người khác, anh ta sẽ phải chịu phạt 10 schekel.
Điều 20. Nếu trong khi ẩu đả,
một người làm người kia tàn phế, không thể lao động được nữa, người đó sẽ phải chịu
phạt 60 schekel.
Điều 21. Nếu một người dùng dao
cắt mũi người khác, anh ta phải chịu phạt 10 schekel.
Điều 22. Nếu một người làm gẫy
răng người khác, người đó sẽ phải trả 2 schekel.
[…]
Điều 24. […] Nếu người đó không
có nô lệ, anh ta sẽ phải trả 10 schekel. Nếu không có bạc, anh ta phải trả bằng
những tài sản có giá khác của mình.
Điều 25. Nếu vợ nô lệ của một
người đàn ông tự do mà so sánh mình với bà chủ, nói lớn tiếng hỗn xược với bà
chủ, cô ta sẽ bị đổ một chai muối vào miệng.
[…]
Điều 28. Nếu người làm chứng mà
khai man trước tòa sẽ phải trả 15 schekel.
Điều 29. Nếu người làm chứng mà
rút lại lời thề thì phải trả tiền bằng giá trị vụ việc đang tranh chấp.
Điều 30.Người lén lút trồng cây
trên thửa đất của người khác thì hoa lợi trên đất đó có được sẽ không thuộc về
anh ta.
Điều 31. Người làm ngập úng
đồng lúa mạch của người khác, người đó sẽ bị phạt bồi thường tài sản.
Điều 32. Nếu một người đã thuê
người khác cày cấy, nhưng người này đã không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết mà
bỏ hoang cánh đồng ấy, anh ta sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng và bị phạt.
Đọc thêm: Claus Wilcke, Der Kodex Urnammu: Versuch einer Rekonstruktion. In: Zvi Abusch (Hrsg.): Riches hidden in secret places: ancient Near Eastern studies in memory
of Thorkild Jacobson, Winona Lake 2002, S. 291–333; Martha Tobi Roth, Law Collections from Mesopotamia and Asia
Minor. Writings from the Ancient World. vol 6. Society of Biblical
Literature, 1995, pp. 13; Samuel Noah Kramer, Geschichte
beginnt mit Sumer, München,
1959, 105 f.; Gurney and Kramer,
Two Fragments of Sumerian Laws, 16 Assyriological
Studies, pp. 13–19; Uwe Wesel,
Geschichte des Rechts – von den Frühformen bis zur Gegenwart, 3. Aufl., 2006, S. 75.
Qui định ẩn ở đây được
hiểu là qui phạm của Bộ luật này về trực quan chỉ bao gồm hai bộ phận là bộ
phận giả định và chế tài, bộ phận qui định đã bị ẩn đi. Ví dụ Điều 1của Bộ luật
này qui định: “Nếu ai phạm tội giết người, người đó sẽ bị xử tử”, thì bộ phận “Nếu ai phạm tội giết người” là bộ phận
giả định, còn “người đó sẽ bị xử tử”
là bộ phận chế tài.
Falkenstein, Die neusumerischen
Gerichtsurkunden, 3. Band, 1956, S. 10 f.