Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

GÓP BÀN VỀ TỘI DANH GIẾT NGƯỜI VÀ VỤ VIỆC ĐOÀN VĂN VƯƠN

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Báo NguoiViet.de,
đăng ngày 7/3/2012,
truy cập đường link gốc tại đây

Liên quan đến tội giết người, TS. Nguyễn Sỹ Phương đã có loạt bài viết đăng trên Tia sáng phân tích các khía cạnh khác nhau của tội phạm này theo Luật hình sự Việt nam và Luật hình sự Đức. Tiếp tục góp bàn về chủ đề này, trong phần trình bày dưới đây tôi xin chia sẻ hai vấn đề: So sánh qui định về vấn đề tội phạm, tội giết người đã hoàn thành và tội giết người chưa đạt căn cứ theo Bộ luật hình sự (BLHS) Đức và Bộ luật hình sự Việt nam và đưa ra quan điểm riêng về việc có hay không hành vi phòng vệ chính đáng của Đoàn Văn Vươn theo pháp luật hình sự Việt Nam.
1. So sánh vấn đề tội phạm, tội giết người và phạm tội chưa đạt theo Bộ luật hình sự Đức và Bộ luật hình sự Việt nam
a. Vấn đề tội phạm
TS. Nguyễn Sỹ Phương trong bài viết “Bàn định tội danh giết người”[1] đã cho rằng: "Ở Đức, những tội hình sự liên quan tới tính mạng con người, nếu chia theo dấu hiệu hậu qủa tội phạm, có thể phân loại thành 2 nhóm tội danh, nhóm tội danh chấm dứt sự sống của nạn nhân, tức phải có dấu hiệu người chết, và nhóm tội danh không chấm dứt sự sống nạn nhân, không có dấu hiệu người chết. Nhóm tội danh có động cơ chấm dứt sự sống con người nhưng không có dấu hiệu chết người, gồm tội danh, như: – Tội mưu sát (khi chưa hành động). – Tìm cách giết người, hay còn gọi giết người bất thành (hành vi giống tội giết người, nhưng nạn nhân may mắn không chết)."
Tôi không rõ cần căn cứ vào Điều khoản nào để khẳng định rằng ở Đức có tội mưu sát (khi chưa hành động). Về nguyên tắc khi chủ thể chưa thể hiện ra bên ngoài bằng hành vi cụ thể, nếu mới chỉ là dạng âm mưu, tư tưởng, ý nghĩ trong đầu như tác giả gọi là “mưu sát” (chưa thuộc giai đoạn chuẩn bị phạm tội [Vorbereitungs-stadium] hay phạm tội chưa đạt [Versuchsstadium]) thì không thể bị coi là tội phạm. Ở Đức, theo Điều 12 BLHS Đức, dấu hiệu để nhận biết tội phạm trước hết phải là hành vi trái pháp luật (rechtswidrige Taten/ unlawful acts), tức là hành vi đó phải được thể hiện ra bên ngoài dưới dạng hành động (Tun) hoặc không hành động (Unterlassen). Pháp luật Việt Nam cũng qui định tương tự như vậy, Điều 8 Khoản 1 BLHS Việt Nam qui định dấu hiệu cơ bản của tội phạm là "hành vi nguy hiểm cho xã hội được qui định trong Bộ luật hình sự". Còn với tội “giết người bất thành” (theo cách gọi của tác giả) hay “giết người chưa đạt” (theo pháp luật Việt Nam) thì theo tôi chỉ là sự khác nhau về tên gọi, bản chất mặt khách quan của tội phạm là giống nhau. 

Mời bạn đọc xem lại các bài viết có liên quan đến chủ đề trao đổi này:
1. Tội giết người không có người chết?
2. Trao đổi về bài viết: Tội giết người không có người chết
3. Bàn định tội danh giết người
4. Sự kiện Đoàn Văn Vươn và nan đề luật hình sự 
b. Tội giết người, tội giết người đã hoàn thành và tội giết người chưa đạt
Trong bài Sự kiện Đoàn Văn Vươn và nan đề luật hình sự[2], TS. Nguyễn Sỹ Phương cho rằng: “Như đã  phân tích trong bài “Tội giết người không có người chết?“, cáo buộc Đoàn Văn Vươn tội Giết người có thể xuất phát từ tư tưởng, quan niệm tư pháp phổ biến ở ta hiện nay “hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người”, “có khả năng gây ra”, chứ không phải đã gây ra, mang thì tương lai, tức hành vi phạm tội chưa hoàn thành, nhưng vẫn bị khép tội, hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên lý, chỉ được phép khép tội khi hành vi tội phạm đã hoàn thành, chẳng hạn không thể cáo buộc tội danh hay hành vi ăn cắp, khi không nạn nhân nào mất gì cả.
Khi phân tích luật, không thể chỉ căn cứ vào duy nhất Từ điển Tiếng Việt như TS. Phương đã làm để giải thích mà cần phải đặt qui phạm đó trong tổng thể Bộ luật, các văn bản pháp luật khác có liên quan, Từ điển chuyên ngành giải thích thuật ngữ luật học, các giáo trình Luật hình sự cũng như thực tiễn xét xử để lý giải.
Tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật.[3] Đây là quan điểm chung được nhiều người thừa nhận trong khoa học pháp lý ở Việt Nam lâu nay. Cả luật thực định và lý luận đều không thừa nhận định nghĩa mơ hồ “hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người” như tác giả đã đưa ra.[4] Về mặt luật thực định, nhà làm luật Việt Nam đã thiết kế Điều 93 BLHS tương đối đặc biệt hơn so với các Điều luật khác trong phần tội phạm, đó là cấu thành cơ bản của tội phạm ở khoản 1 điều này là các tình tiết định khung tăng nặng và khoản 2 của điều luật này là cấu thành giảm nhẹ. Nội hàm của Điều luật này, trong liên hệ với các điều luật khác của Bộ luật hình sự cũng thể hiện rõ điều kiện bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm là phải có hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Thực tế cách diễn đạt qui phạm này về mặt kĩ thuật lập pháp theo tôi là phù hợp và chặt chẽ.
TS. Nguyễn Sỹ Phương lập luận: “Mỗi tội danh, bao gồm một hoặc nhiều hành vi phạm tội đã thực hiện cấu thành. Nghĩa là không đủ hành vi phạm tội cấu thành không được phép khép tội danh đó. Trong trường hợp tội danh đó chưa đạt, nghiã là chưa đủ hành vi phạm tội cấu thành, [...] tức đồng nghĩa với tội danh khác, tên gọi của một tội trạng khác, khung hình phạt cũng khác.”[5]
Hiểu thực chất vấn đề tội phạm hoàn thành và tội phạm chưa đạt rất đơn giản.
Như  tôi đã phân tích trong bài viết “Trao đổi về bài viết:  Tội giết người không có người chết?”, Bộ luật hình sự của Đức có qui định về phạm tội chưa đạt. Cụ thể phạm tội chưa đạt được qui định ở phần chung (Allgemeiner Teil)  tại Điều 22, 23 BLHS Đức, còn tội giết người được qui định ở phần riêng (Besonderer Teil)  tại Điều 211, 212 BLHS Đức...[6]
Cũng tương tự như vậy, Điều 18 BLHS Việt Nam qui định về phạm tội chưa đạt ở phần chung và Điều 93 BLHS Tội giết người ở phần riêng.
Cách kết cấu Bộ luật hình sự thành phần chungphần riêng có liên quan đến vấn đề kĩ thuật lập pháp, điều này những người không chuyên về luật khi đọc luật thường hay bỏ qua. Phần chung là phần qui định các khái niệm, nguyên tắc được áp dụng chung cho toàn Bộ luật, còn phần riêng là phần qui định về các tội phạm cụ thể và về nguyên tắc các tội phạm cụ thể này phải tuân thủ các qui định có tính nguyên tắc đã được qui định ở phần chung. Do vậy dễ hiểu rằng khi áp dụng Bộ luật hình sự, chủ thể áp dụng khi xem xét tội giết người chẳng hạn không phải giản đơn chỉ căn cứ vào Điều 93 BLHS Việt Nam, mà phải đặt điều luật này trong mối liên hệ với các Điều luật khác thuộc cả phần chung và phần riêng để xử lý, cụ thể trong trường hợp này là Điều 18 và Điều 93 BLHS Việt nam để xử lý cho trường hợp giết người chưa đạt.  Ở Đức cũng tương tự như vậy, căn cứ vào qui định ở Điều 22, 23 BLHS Đức về phạm tội chưa đạt ở phần chung và Điều 211, 212 BLHS Đức về tội giết người ở phần riêng và thực tiễn xét xử[7] có thể khẳng định rằng ở Đức có tội “giết người chưa đạt” (Tiếng Đức: Mordversuch [versuchter Mord], Totschlagsversuch [versuchter Totschlag]).[8]
Về điều kiện của phạm tội chưa đạt, ở Đức theo Điều 22 BLHS, hành vi phạm tội chưa đạt phải thỏa mãn hai điều kiện: người thực hiện hành vi có lỗi cố ý trực tiếp (ein unmittelbares Ansetzen zur Verwirklichung des Tatbestands) và hậu quả không xảy ra là do nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người thực hiện hành vi đó (einen vorbehaltlosen Entschluss zur Verwirklichung des Tatbestandes).
Tương tự như vậy, Điều 18 Câu 1 BLHS Việt Nam cũng qui định về hành vi phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Căn cứ vào Điều luật này có thể rút ra ba dấu hiệu xác định trường hợp "phạm tội chưa đạt":
- Một là, người phạm tội đã bắt đầu thực hiện tội phạm. Người phạm tội đã bắt đầu thực hiện hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm. Ví dụ, kẻ giết người đã bắt đầu thực hiện hành vi tước đoạt sinh mạng người khác như đã đâm, chém, bắn... là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự).
- Hai là, người phạm tội chưa thực hiện tội phạm đến cùng. Hành vi của họ chưa thoả mãn hết các dấu hiệu thuộc mặt khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm, cụ thể là hậu quả chết người.
- Ba là, người phạm tội không thực hiện được tội phạm đến cùng là do những nguyên nhân ngoài ý muốn của họ. Bản thân người phạm tội vẫn muốn tội phạm hoàn thành nhưng tội phạm không hoàn thành là có thể do người khác đã ngăn chặn được; có những trở ngại khách quan khác như thuốc độc dùng để đầu độc không đủ liều lượng hoặc thuốc giả; nạn nhân hoặc người bị hại đã chống lại được hoặc đã tránh được...
Về mặt lý luận, căn cứ vào mục đích thực hiện của hành vi phạm tội, phạm tội chưa đạt có thể được phân chia thành hai trường hợp chưa đạt chưa hoàn thành và chưa đạt đã hoàn thành:
- Chưa đạt chưa hoàn thành (về hành vi) là trường hợp người phạm tội chưa thực hiện hết các hành vi phạm tội cần thiết để gây hậu quả. Ví dụ, đối với tội hiếp dâm (Điều 111 BLHS) nếu người phạm tội chỉ mới dùng một trong những hành vi như dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực…nhưng chưa giao cấu được với nạn nhân thì được xem là phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành.
- Chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã thực hiện được những hành vi cần thiết cho rằng để đạt được mục đích (hậu quả), nhưng hậu quả không xảy ra do những nguyên nhân ngoài ý muốn. Ví dụ, đối với tội giết người (Điều 93 Bộ luật hình sự), mặt khách quan đòi hỏi phải có hành vi tước đoạt sinh mạng của người khác một cách trái pháp luật và hậu quả là phải có người chết từ hành vi đó. Tuy nhiên nếu chỉ có hành vi tước đoạt sinh mạng một cách trái pháp luật (đầu độc, bắn, đâm, chém…vào những vùng trên cơ thể có thể dẫn đến chết người…) nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra thì được xem là phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.
c. Trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội chưa đạt
Điều 23 Khoản 2 BLHS Đức qui định tội phạm chưa đạt có thể được xử phạt nhẹ hơn (milder) tội phạm đã hoàn thành. Điều 18 Câu 2 BLHS Việt Nam cũng nêu rõ: “Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.” Như vậy, mọi trường hợp phạm tội chưa đạt ở cả hai nước Việt Nam và Đức đều phải chịu trách nhiệm hình sự vì người phạm tội đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến khách thể được luật hình sự hai nước bảo vệ.
Về trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, ở Đức Điều 49 khoản 1 BLHS[9] qui định: “Nếu có qui định về xử phạt nhẹ hơn (Milderung) trong Bộ luật này thì việc giảm nhẹ được tiến hành theo các qui tắc sau đây: 1. Nếu thuộc trường hợp tù chung thân thì áp dụng mức giảm nhẹ là hình phạt tù không dưới 3 năm. 2. Nếu thuộc trường hợp tù có thời hạn thì áp dụng mức tối đa là bằng ba phần tư mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn. Trong trường hợp phạt tiền thì cũng áp dụng tương tự qui định này đối với mức cao nhất của thu nhập một người sau thuế trung bình tính theo đơn vị ngày (Tagessätze).[10] 3. Đối với phạt tù tương ứng với trường hợp 10 hoặc 5 năm thì mức giảm nhẹ nhất là xuống còn 2 năm, nếu là phạt tù 3 hoặc 2 năm thì mức giảm nhẹ nhất xuống còn 6 tháng, nếu là phạt tù 1 năm thì mức giảm nhẹ nhất xuống còn 3 tháng, ngoài ra còn phải căn cứ vào mức giảm nhẹ cụ thể khác qui định trong Bộ luật này.”[11]
Ở Việt Nam, Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4/8/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ Luật Hình sự năm 1999 tại mục 2 điểm c qui định: Khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, ngoài việc phải áp dụng điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng Điều 18[12] và các khoản 1 và 3 Điều 52 BLHS[13]. Theo qui định Điều 52 Khoản 3 BLHS Việt Nam nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Trên thực tế ở Việt Nam không phải lúc nào người phạm tội chưa đạt cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Chẳng hạn, hành vi trộm cắp tài sản theo Điều 138 Khoản 1 BLHS Việt Nam nhưng giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng mà chỉ là lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản ở giai đoạn chưa đạt mà chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi này.
d. Việc áp dụng tội danh giết người chưa đạt trên thực tế
Khi áp dụng pháp luật hình sự quan trọng nhất là phải qui tội một cách khách quan. Nếu sử dụng các vũ khí nguy hiểm mà người phạm tội ý thức rõ được rằng hành vi của mình chắc chắn sẽ gây chết người hoặc việc sống sót của nạn nhân là ngoài mong muốn của người phạm tội, thì tội giết người vẫn đủ điều kiện cấu thành. Tuy nhiên khi áp dụng qui định này quan trọng là phải chứng minh được hành vi khách quan không phải là chỉ cố ý gây thương tích mà là cố ý tước đoạt sinh mạng của người khác và ý thức chủ quan là cố ý trực tiếp giết người. Ví dụ việc dùng hung khí nguy hiểm như mã tấu, dao, súng nhằm đúng vào những bộ phận quan trọng của cơ thể người khác ví dụ như vào chính giữa đỉnh đầu để chém thì cho dù hậu quả chết người không xảy ra thì theo pháp luật Việt Nam vẫn phạm tội giết người, vì khi sử dụng các hung khí, phương tiện nguy hiểm đó bị cáo buộc phải nhận thức rõ được hành vi của mình là nguy hiểm và có thể dẫn tới tước đoạt tính mạng của người khác.
Ngoài ra còn phải xem xét thái độ chủ quan của người phạm tội có mong muốn hậu quả chết người xảy ra hay không. Bởi lẽ không thể nói họ chưa đạt cái mà họ không mong muốn. Nếu người phạm tội không mong muốn hậu quả chết người xảy ra và “bỏ mặc” hậu quả xảy ra, hậu quả chỉ là thương tích, mà kết luận họ giết người chưa đạt thì rõ ràng là không hợp lí. Như vậy, khi kết luận về trường hợp giết người chưa đạt phải có căn cứ chứng minh được mặt chủ quan của người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp (Điều 9 Khoản 1 BLHS Việt Nam), tức là ý chí của người phạm tội mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng hậu quả đã không xảy ra do các nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Điều này hoàn toàn khác với trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích, vì với trường hợp cố ý gây thương tích thì người phạm tội chỉ mong muốn hậu quả thương tích xảy ra và thái độ chủ quan của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp tức là tuy không mong muốn nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra (Điều 9 Khoản 2 BLHS Việt nam).[14] Tóm lại, hậu quả nạn nhân chết hay chỉ bị thương, theo pháp luật hình sự Việt Nam không phải là căn cứ duy nhất để phân biệt nhóm tội giết người với các loại tội xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người khác ở Chương XII Bộ luật hình sự.
e. Nhận xét
Trong bài viết Bàn định tội danh giết người[15], tác giả TS. Nguyễn Sỹ Phương nhận định:  "Như vậy, chiểu theo các tội danh liệt kê trên, đối chiếu với tường thuật vụ án, bị can Đoàn Văn Vươn chỉ có thể bị cáo buộc 1 trong 3 tội danh: 1- Mưu sát, nếu có bằng chứng bị can lên kế hoạch tỷ mỷ giết những ai. 2- Tìm cách giết người, nếu chứng minh được hoặc ông Vươn trực tiếp nổ súng giật mìn, hoặc tổ chức nổ súng giật mìn; nạn nhân lẽ ra đã phải chết, nhưng thoát được, hoàn toàn nhờ yếu tố tự nhiên may mắn. 3- Tự vệ gây thương tích, nếu 2 tội danh trên không được thành lập, và chứng minh được hành vi công vụ cưỡng chế là hợp pháp." Đọc nhận định này, tôi không rõ ý mục đích bài viết là gì, không rõ tác giả muốn phê phán Bộ luật Hình sự Việt nam hay muốn phê phán việc qui tội danh đối với anh Vươn? Theo tôi, nếu phê phán việc định tội danh đối với anh Vươn thì cần dựa vào quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để xem xét, không thể lấy luật Đức để áp dụng cho trường hợp của anh Vươn. Còn nếu phê phán Bộ luật Hình sự Việt Nam trên cơ sở tham chiếu Bộ luật hình sự của Đức, tác giả phải chỉ ra được hạn chế cụ thể của Bộ luật hình sự Việt Nam về tội giết người và ưu điểm nổi bật của Bộ luật hình sự Đức về vấn đề này.
Nếu xem xét dưới góc độ luật thực định thì Bộ luật hình sự Việt Nam năm 2009 không dùng từ “khả năng” đối với cấu thành tội giết người tại Điều 93 BLHS Việt Nam (từ "khả năng" chỉ xuất hiện ở Khoản 1, điểm l với tính chất là tình tiết định khung tăng nặng). Bộ luật hình sự Việt Nam và Bộ luật hình sự Đức đều qui định về tội phạm hoàn thành và tội phạm chưa hoàn thành, đều có qui định cụ thể về hình phạt áp dụng đối với trường hợp phạm tội chưa đạt.
Tuy nhiên, nếu xem xét dưới góc độ thực tiễn áp dụng pháp luật thì hiện ở Việt Nam nhiều nơi có tồn tại tình trạng chủ thể khi áp dụng pháp luật không qui tội khách quan tức là không căn cứ vào những yếu tố khách quan và căn cứ vào đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm để định tội danh mà qui tội một cách chủ quan theo hướng suy nghĩ của họ. Điều này TS. Phương phê phán tôi nghĩ là đúng. Cá nhân tôi cho rằng nguyên nhân có thực trạng áp dụng pháp luật một cách tùy tiện mà TS. Phương đã phân tích không hẳn là do Bộ luật hình sự Việt Nam 2009 “quá lạc hậu” hay “không hội nhập thế giới” mà thực chất nằm ở một vấn đề khác rộng và lớn hơn đó chính là do cơ chế, thủ tục tố tụng và con người áp dụng pháp luật. Vấn đề này thực tế quá lớn, vượt ngoài khuôn khổ, phạm vi bài viết có tính chất trao đổi này.
2. Tiếp tục làm rõ vấn đề có hay không hành vi phòng vệ chính đáng trong vụ việc Đoàn Văn Vươn theo pháp luật hình sự Việt Nam
Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (Điều 72 Câu 1 Hiến pháp 1992). Hiện nay chưa có cơ quan nào kết luận hay tuyên bố cuối cùng rằng Đoàn Văn Vươn đã phạm tội giết người. Đây mới là quyết định khởi tố bị can. Để có một bản án chính thức cuối cùng phải trải qua một quá trình tố tụng gồm nhiều giai đoạn khác như điều tra, truy tố và xét xử.
Căn cứ vào Điều 15 BLHS 2009,[16] căn cứ vào chỉ thị số 07/TATC ngày 22/12/1983 của Toà án nhân dân tối cao, Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật cho trường hợp phòng vệ chính đáng và xem xét nội dung vụ án, theo tôi hành vi của anh em Đoàn Văn Vươn thỏa mãn các điều kiện của phòng vệ chính đáng vì:
Thứ nhất, hành vi tấn công của lực lượng cưỡng chế là hành vi bất hợp pháp, xâm hại lợi ích hợp pháp của gia đình Đoàn Văn Vươn
Hành vi tấn công bất hợp pháp của lực lượng cưỡng chế chính là cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng của anh em Đoàn Văn Vươn. Những hành vi này xậm hại trực tiếp đến lợi ích về tài sản và lợi ích về nhân thân của gia đình Đoàn Văn Vươn.
Thứ hai, hành vi tấn công của lực lượng cưỡng chế là có thật và đang diễn ra chứ không phải do suy đoán hay tưởng tượng
Hành vi tấn công của lực lượng cưỡng chế rõ ràng là đang hiện hữu, đang xảy ra, hành vi đó đã bắt đầu và chưa kết thúc nên cho phép người phòng vệ chống trả lại để ngăn chặn hành vi tấn công.
Hành vi dùng hung khí nguy hiểm của lực lượng cưỡng chế tấn công, cho dù hậu quả chưa xảy ra cũng cần phải được xem là hành vi nguy hiểm đáng kể đang diễn ra đối với gia đình Đoàn Văn Vươn tại thời điểm đó.
Thứ ba, về mặt lý thuyết phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công
Việc gây thiệt hại cho người đang tấn công trong trường hợp này là trong phạm vi được pháp luật cho phép. Anh Vươn gây thiệt hại cho chính những đối tượng đang tấn công, mục đích là nhằm đẩy lùi sự tấn công bất hợp pháp của chính quyền và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của gia đình mình.
Thứ tư, hành vi phòng vệ của gia đình Đoàn Văn Vươn là hành vi chống trả cần thiết và tương xứng.
Sở dĩ có thể coi anh em Đoàn Văn Vươn có chống trả cần thiếttương xứng vì:
Hành vi phòng vệ của anh em Đoàn Văn Vươn là hoàn toàn cần thiết vì địa điểm thực hiện hành vi là chỗ ở riêng của họ, hoàn toàn không nằm trong diện tích đất bị cưỡng chế. Hành vi dùng súng và đưa công an, quân đội tấn công chỗ ở của gia đình Đoàn Văn Vươn bất hợp pháp rõ ràng là hành vi xâm phạm chỗ ở, một hành động vi phạm nghiêm trọng một trong những quyền tự do thiêng liêng nhất của con người – quyền bất khả xâm phạm chỗ ở đã được Hiến pháp qui định tại Điều 73 Hiến pháp 1992 (Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép).[17]
Anh em Đoàn Văn Vươn không có động cơ giết người, điều này là rất rõ ràng, vì căn cứ vào hoàn cảnh thực tế và diễn tiến sự việc, họ chỉ có một động cơ duy nhất là bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Họ không hề có mối thâm thù gì trước đó với những chiến sĩ công an hay bộ đội tham gia cưỡng chế do vậy không thể khẳng định là họ có động cơ giết người.
Gia đình Đoàn Văn Vươn đã tiến hành các thủ tục theo đúng qui định pháp luật, gia đình anh đã khởi kiện lên Tòa án huyện, khởi kiện tiếp lên Tòa án tỉnh thì không được giải quyết, điều này cho thấy anh đã bị đẩy đến bước đường cùng, bị đẩy vào thế đối nghịch với chính quyền, không còn cách nào khác, tất cả các biện pháp có tính chất ôn hòa, đúng luật anh đã sử dụng nhưng đều không hiệu quả nên buộc họ phải chống trả để tự vệ.
Về trạng thái tâm lý thời điểm đó gia đình anh Đoàn Văn Vươn không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là khi họ bị tấn công bất ngờ và với một lực lượng cưỡng chế đông như vậy.
Việc chống trả của anh em Đoàn Văn Vươn gây ra cho lực lượng cưỡng chế là tương xứng. Tương xứng ở đây không có nghĩa là phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra (điều này chỉ thị số 07/TATC ngày 22/12/1983 của Toà án nhân dân tối cao, Nghị quyết số 02/HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã nêu rõ). Súng hoa cải thực tế mức độ sát thương không lớn, việc dùng súng hoa cải tấn công chỉ là hành động có tính chất cảnh cáo đối với hành vi trái pháp luật của lực lượng cưỡng chế, hành vi đó không thể gây chết người và thực tế đã không dẫn đến chết người.
Tóm lại, với nguyên lý nhà nước sinh ra là để phục vụ, bảo vệ tối đa quyền tự do cá nhân, phù hợp với xu hướng hội nhập, nhân đạo của pháp luật hình sự thế giới nói chung, theo tôi hành vi của anh em Đoàn Văn Vươn cần phải được coi là phòng vệ chính đáng và không phạm tội. Khẳng định như vậy mới thực sự phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, đảm bảo đúng chính sách là xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và tránh làm oan người vô tội và đúng với mong mỏi của nhân dân cả nước.

[1] Xem: Nguyễn Sỹ Phương, Bàn định tội danh giết người, Tia sáng, đăng ngày 24/2/2012, truy cập tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4933.
[2] Xem: Nguyễn Sỹ Phương, Sự kiện Đoàn Văn Vươn và nan đề luật hình sự, Tia sáng, đăng ngày 5/3/2012, truy cập tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4955.
[3] Xem thêm: Trường Đại học Luật Hà Nội, Từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 1999; Lê Cảm (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001 (tái bản năm 2003, 2007); Lê Cảm (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001 (tái bản năm 2003, 2007).
[4] Xem thêm: Lê Cảm (chủ biên), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần các tội phạm), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001 (tái bản năm 2003, 2007); Lê Cảm, Sách chuyên khảo Sau đại học: Những vấn đề cơ bản trong khoa học Luật hình sự (Phần chung), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005; Lê Cảm, Trịnh Quốc Toản, Định tội danh: Lý luận, hướng dẫn mẫu và hệ thống 350 bài tập thực hành, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
[5] Xem: Nguyễn Sỹ Phương, Sự kiện Đoàn Văn Vươn và nan đề luật hình sự đăng ngày 5/3/2012, truy cập tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4955. Trong bài viết này tác giả cũng viện dẫn vụ án xét xử bị cáo Hồ Minh Thừa, 19 tuổi, Vĩnh Long,  8 năm tù giam, tội danh Giết người, chỉ vì đâm bạn thương tật mức 4% (chứ không phải chết), do bạn đùa muốn hôn vợ mình. Không được đọc đầy đủ bản án, nhưng nếu đúng như báo chí mô tả rằng: “Thừa cầm dao đi đến phía sau lưng Cường, chém thẳng vào đầu của Cường hướng từ trên xuống. Bị chém bất ngờ, theo phản xạ tự nhiên, Cường đưa tay lên đỡ lấy lưỡi dao nhưng đỡ không được nên bị trúng vào đầu. Sau đó, Nam nhảy vào ôm Thừa và nắm lấy lưỡi dao bị Thừa giật mạnh nên lưỡi dao trúng vào tay Nam chảy máu. Nam buông dao ra thì Thừa xông tới chém trúng lưng Cường. Những người đang ngồi đánh bài đứng lên cùng Nam ôm giữ lấy Thừa, Nam giật lấy con dao trên tay của Thừa đưa cho vợ chủ quán mang đi cất giấu ở phía sau quán” (Xem cụ thể: http://www.anninhthudo.vn/Phap-luat/Doi-hon-vo-ban-bi-chem-suyt-chet/425092.antd) thì tôi cho rằng việc áp dụng điều 93, Khoản 1, với điểm n, “giết ngườicó tính chất côn đồ“ là đúng người, đúng tội. Việc dùng hung khí nguy hiểm là dao tấn công sau lưng, chém thẳng vào chính giữa đỉnh đầu thì cho dù hậu quả chết người không xảy ra thì theo pháp luật Việt Nam vẫn phạm tội giết người, vì khi sử dụng các hung khí, phương tiện nguy hiểm đó buộc bị cáo phải nhận thức rõ được hành vi đó có thể dẫn tới tước đoạt tính mạng của người khác.
[6] Nguyễn Minh Tuấn, Trao đổi về bài viết: Tội giết người không có người chết?, Tạp chí Tia sáng, đăng ngày 22/2/2012, truy cập tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&News=4925&CategoryID=42.
[7] Xem cụ thể các bản án có hiệu lực pháp luật ở Đức, ví dụ: BGH, Urteil vom 23/1/1958 – 4 StR 613/57; BGH, Urteilvom 1/12/2011 – 3 StR 337/11; BGH, Urteil vom 16/3/2006 – 4 StR 594/05.
[8] Peter Kasiske, Strafrecht I: Grundlagen und Allgemeiner Teil, Stuttgart, 2011, Rn. 239 f.
[9] Nguyên văn Điều 49 BLHS Đức: „§ 49 Besondere gesetzliche Milderungsgründe (1) Ist eine Milderung nach dieser Vorschrift vorgeschrieben oder zugelassen, so gilt für die Milderung folgendes: 1. An die Stelle von lebenslanger Freiheitsstrafe tritt Freiheitsstrafe nicht unter drei Jahren. 2. Bei zeitiger Freiheitsstrafe darf höchstens auf drei Viertel des angedrohten Höchstmaßes erkannt werden. Bei Geldstrafe gilt dasselbe für die Höchstzahl der Tagessätze. 3. Das erhöhte Mindestmaß einer Freiheitsstrafe ermäßigt sich im Falle eines Mindestmaßes von zehn oder fünf Jahren auf zwei Jahre, im Falle eines Mindestmaßes von drei oder zwei Jahren auf sechs Monate, im Falle eines Mindestmaßes von einem Jahr auf drei Monate, im übrigen auf das gesetzliche Mindestmaß.
[10] Theo thống kê thực tế có khoảng 80% tội phạm của Đức hiện nay được xử lý bằng hình thức phạt tiền (Geldstrafe). Phạt tiền theo luật hình sự của Đức không tính bằng tổng số tiền áp dụng chung cho một tội cụ thể (Geldbetraegen), mà căn cứ theo thu nhập sau thuế trung bình tính theo đơn vị ngày (Tagessätze). Mục đích của qui định này là tạo ra sự công bằng trong xã hội. Ví dụ một người thất nghiệp A và một ông chủ doanh nghiệp B cùng phạm tội theo Điều 231 BLHS Đức với mức phạt tiền là 100 lần thu nhập trung bình tính theo đơn vị ngày (Tagessätze). Theo Luật Đức mức thấp nhất phạt tiền tính theo đơn vị ngày là 5 Euro và mức cao nhất là 360 Euro. Vậy mỗi ngày A thu nhập 5 Euro, B thu nhập 100 Euro thì mức phạt sẽ là 500 Euro với A và 10.000 Euro đối với B (Xem: Peter Kasiske, Strafrecht I: Grundlagen und Allgemeiner Teil, Stuttgart, 2011, Rn. 331 f.).
[11] Ở Đức, tội phạm (Straftaten) được phân chia thành tội nặng (Tiếng Đức: Verbrechen/Tiếng Anh: Felonies) và tội nhẹ (Tiếng Đức: Vergehen/ Tiếng Anh: Misdemeanours) theo qui định tại Điều 12 BLHS Đức. Việc phân chia này rất có ý nghĩa đối với trường hợp phạm tội chưa đạt (Versuch), vì theo qui định của Điều 23 khoản 1 BLHS Đức thì đối với tội nặng (Verbrechen), việc phạm tội chưa đạt luôn luôn là phạm tội (strafbare), trong khi đó thì việc phạm tội chưa đạt đối với tội nhẹ (Vergehen) chỉ coi là phạm tội, khi trong Bộ luật minh thị rõ điều đó.
[12] Điều 18. Phạm tội chưa đạt: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.”
[13] Điều 52. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt: “1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt đựơc quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng. 2. [...] 3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
[14] Điều 9 BLHS Việt Nam. Cố ý phạm tội: „Cố ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây: 1. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; 2. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
[15] Xem: Nguyễn Sỹ Phương, Bàn định tội danh giết người, Tia sáng, đăng ngày 24/2/2012, truy cập tại địa chỉ: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=4933.
[16] Điều 15 BLHS 2009 quy định: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm".
[17] Tham khảo: Ở nhiều nước trong trường hợp này, ví dụ như ở Mỹ, tu chính thứ hai, Hiến pháp Hoa Kỳ qui định: "Một tập hợp dân quân được trang bị tốt là việc làm cần thiết cho an ninh của một tiểu bang tự do, quyền của người dân được giữ và mang theo vũ khí sẽ không thể bị xâm phạm." (A well regulated militia being necessary to the security of a free State, the right of the People to keep and bear arms shall not be infringed). Như vậy công dân được quyền giữ và mang súng để tự vệ. Việc chủ nhà dùng súng tấn công vào kẻ đột nhập bất hợp pháp sẽ được coi là phòng vệ chính đáng, được pháp luật bảo vệ, cho dù chủ nhà có bắn chết kẻ đó đi nữa. Mục đích của việc cho phép người dân sử dụng súng ở Mỹ là để tự vệ, để bảo vệ tối đa quyền tự do cá nhân, khi mà các biện pháp khác, kể cả sự tác động từ phía nhà nước nếu chậm đều không còn ý nghĩa và tác dụng.
Bài viết cùng tác giả: 
- Vì sao cần phải có tự do ngôn luận 
- Khi Hiến pháp là công cụ bảo vệ dân quyền
- Ván hiến pháp nổi tiếng về biểu tình Đức năm 1986

- Trường phái pháp luật lịch sĐức 
- Trao đổi về bài viết: "Tội giết người không có người chết?"
- Hiến pháp 1946: Thể hiện cơ chế phân công và kiểm soát quyền lực nhà nước 
- Cấm chơi golf ngày nghỉ và những nhầm lẫn về pháp luật
- Tiếp cận pháp luật từ góc nhìn văn hóa
- Phân định ranh giới giữa luật công và luật tư Đức: Lịch sử, tranh luận và gợi m 
- Lập hiến hướng đến pháp quyền ở Việt Nam