TS. Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tạp chí Tia sáng,
đăng ngày 31/5/2013,
Vấn
đề giới hạn bằng cách thức nào và đến đâu đối với các quyền cơ bản là
vấn đề phức tạp bậc nhất của khoa học Luật hiến pháp. Ở Việt Nam, chủ
đề này dường như vẫn còn bỏ ngỏ, ít được bàn thảo, quan tâm. Bài viết
dưới đây chia sẻ một số thông tin căn bản về phương thức giới hạn các
quyền cơ bản ở CHLB Đức.
Điều
15 Khoản 2 dự thảo sửa đổi Hiến pháp Việt Nam năm 1992 qui định: “Quyền
con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp cần
thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội,
đạo đức, sức khỏe của cộng đồng.” Đây là một qui định rất mới, một bước
tiến mới của dự thảo Hiến pháp, vì lần đầu tiên trong Hiến pháp có một
qui định về giới hạn các quyền cơ bản. Tuy nhiên có thể dễ dàng thấy
ngay hạn chế của qui định này là không định lượng rõ mức độ giới hạn ra
sao đối với các quyền cơ bản và bỏ mặc cho công quyền tự đo lường và
quyết định.
Từ
nội dung của Luật cơ bản (Hiến pháp) và thực tiễn xét xử ở CHLB Đức,
các phương thức giới hạn quyền cơ bản có thể được tóm lược như sau:
1. Giới hạn hiến định
Giới hạn hiến định là việc giới hạn trực tiếp bởi những câu chữ trong Hiến pháp.
Ví
dụ Điều 8 Khoản 2 Hiến pháp Đức cho phép công dân Đức có “quyền biểu
tình một cách ôn hòa và không vũ khí.” Như vậy qui định này loại trừ
việc biểu tình có vũ trang hoặc không ôn hòa.
Hoặc
Điều 2 khoản 1 Hiến pháp Đức đã giới hạn quyền phát triển tính cách của
mỗi người bằng qui định: “Mỗi người ai cũng có quyền phát triển tính
cách riêng của mình trong phạm vi mà người đó không xâm phạm đến quyền
tự do của những người khác, không vi phạm trật tự hợp hiến hay luân lý
đạo đức.”
2. Giới hạn bởi luật
Không
phải với tất cả các quyền con người, quyền công dân đều áp dụng một
nguyên tắc chung trong Hiến pháp là những quyền này “chỉ có thể bị giới
hạn bằng luật”. Trong Hiến pháp Đức, giới hạn bởi luật chỉ được áp dụng
đối với một số quyền cơ bản.
Chẳng
hạn, Điều 8 Hiến pháp Đức qui định: “Đối với những trường hợp biểu tình
ở ngoài trời quyền này có thể bị hạn chế bởi một đạo luật.” Trên cơ sở
này, Nghị viện Đức có quyền ban hành một đạo luật về biểu tình để xác
lập một số giới hạn hợp hiến về biểu tình ở ngoài trời. Hay về các quyền
tự do của con người tại Điều 2 Khoản 2 Câu 3, Hiến pháp Đức qui định:
“Chỉ dựa trên cơ sở của một đạo luật (Gesetz), nhà nước mới có thể hạn
chế những quyền này.”
Ngoài
ra, cũng có trường hợp Hiến pháp xác định rõ điều kiện cụ thể giới hạn
bởi luật. Ví dụ về các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do báo
chí, tự do nghệ thuật và tự do khoa học, Điều 5 Khoản 2 Hiến pháp Đức
qui định những quyền này chỉ có thể bị hạn chế bởi một đạo luật vì mục
đích bảo vệ thanh thiếu niên hoặc bảo vệ danh dự cá nhân. Hoặc Điều 6
Khoản 3 cũng có qui định những điều kiện tương tự: “Chỉ dựa trên cơ sở
căn cứ của một đạo luật cụ thể, trẻ em được tách khỏi gia đình mà không
theo nguyện vọng của cha mẹ hoặc người giám hộ, nếu cha mẹ hay người
giám hộ không thực hiện trách nhiệm của họ hoặc khi trẻ em bị ngược
đãi.”
3. Giới hạn gắn với trật tự hiến pháp
Hiến
pháp trong nhiều trường hợp có thể không qui định cụ thể giới hạn đối
với một số quyền cơ bản. Hay nói cách khác, tại những điều khoản này,
Hiến pháp không trực tiếp đưa ra một giới hạn cụ thể nào. Ví dụ, Điều 4
Khoản 1 Hiến pháp qui định ngắn gọn rằng: “Tự do về tín ngưỡng, nhận
thức và tự do theo một tôn giáo hoặc tự do theo một thế giới quan nào đó
là bất khả xâm phạm.” hay Điều 5 khoản 3 qui định: “Nghệ thuật và khoa
học, nghiên cứu và giảng dạy đều được tự do.” Không đưa ra giới hạn trực
tiếp tại điều luật đó, nhưng hoàn toàn sai lầm nếu hiểu rằng những
quyền này là vô hạn và bất cứ ai cũng có thể lợi dụng những quyền này để
xâm hại lợi ích chung hay lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác.
Từ đây cũng phát sinh một câu hỏi: Vậy khi các quyền này xung đột nhau thì ở Đức họ giải quyết như thế nào?
Trong
một vụ việc thực tế khi có xung đột giữa các quyền cơ bản, Tòa án hiến
pháp liên bang Đức thường dựa trên sự cân nhắc giữa các lợi ích, thứ bậc
ưu tiên giữa các quyền cơ bản để đưa ra phán quyết.
Vụ án hiến pháp Mephisto nổi tiếng ở Đức là một ví dụ. Diễn biến vụ án như sau: Trong cuốn tiểu thuyết Mephisto, tác giả Klaus Mann đã mô tả nhân vật Hoefgen (một nhân vật làm nghề diễn viên trong thời kỳ đế chế thứ ba do Gustaf Gründgens1
thủ vai), với ý ám chỉ những người làm nghề này (như Gustaf Gründgens)
là kẻ cơ hội, thấp kém, hèn hạ. Giải quyết trường hợp này Tòa án hiến
pháp liên bang đã khẳng định: Ở đây có sự xung đột giữa quyền tự do ngôn
luận, tự do thể hiện các ý tưởng nghệ thuật được qui định ở Điều 5
khoản 1, khoản 3 xung đột với phẩm giá và tự do phát triển cá tính được
bảo vệ ở Điều 1 và Điều 2 Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp đã đồng ý rằng
quyền lợi của Gustaf Gründgens phải được ưu tiên bảo vệ vì nó liên quan
đến nhân phẩm của con người – giá trị cao nhất của Hiến pháp. Hệ quả là
cuốn tiểu thuyết Mephisto đã bị cấm xuất bản.2
Hay
một ví dụ khác: Vào năm 1969, một nhóm người đã dùng vũ lực tấn công
bất ngờ vào căn cứ quân sự ở làng Lebach. Nhóm này đã giết chết bốn
người lính và lấy đi nhiều vũ khí ở đây. Sau đó, những kẻ phạm tội này
đã bị bắt và bị xét xử. Một đồng phạm trong số họ tên là B bị kết án 6
năm tù giam. Ngay trước thời điểm B chuẩn bị ra tù năm 1975, kênh truyền
hình quốc gia ZDF đã cho phát một bộ phim tài liệu về vụ việc này và
nêu tên tất cả những người có liên quan trong đó có B. B đã phát đơn
kiện kênh truyền hình ZDF vì cho rằng việc nêu đích danh tên của B trên
truyền hình là đã xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm của B, được bảo vệ tại
Điều 1 khoản 1 Hiến pháp.3 Kênh truyền hình ZDF phản bác lại và cũng viện dẫn Điều 5 Khoản 1 Hiến pháp về quyền tự do thông tin4
để bảo vệ mình. Thẩm phán Tòa án hiến pháp đã dựa trên nguyên tắc cân
nhắc lợi ích các bên và phán xét rằng: Vấn đề đặt ra là B chuẩn bị ra tù
và khi phát sóng chương trình này kênh ZDF đã nêu đích danh tên của B.
Việc làm này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với việc tái hòa nhập cộng
đồng của B. Vì vậy, việc làm của kênh ZDF đã xâm phạm đến nhân phẩm của
B, một giá trị cao nhất của Hiến pháp được qui định tại Điều 1 Khoản 1
Câu 1 của Hiến pháp. Theo Tòa án hiến pháp liên bang, trường hợp này
nhân phẩm con người phải được coi trọng hơn quyền tự do thông tin. Hệ
quả là kênh truyền hình ZDF phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt
hại cho B.5
4. Các nguyên tắc giới hạn cụ thể khác
Để
đảm bảo nguyên tắc công bằng và bảo vệ tối đa những quyền con người,
quyền công dân, Hiến pháp Đức đã qui định các nguyên tắc cơ bản sau:
- Nguyên tắc nghiêm cấm lập pháp cá biệt
Xuất
phát từ nguyên tắc nghiêm cấm hành xử không công bằng, Hiến pháp Đức
tại Điều 19 Khoản 1 Câu 1 qui định: “Nếu một quyền cơ bản nào trong Hiến
pháp này bị giới hạn bởi một đạo luật hoặc trên cơ sở một đạo luật nào
cụ thể, thì đạo luật đó phải được áp dụng chung và không là ngoại lệ
dành riêng cho một trường hợp cá biệt nào.”Như vậy, với qui định này thì
một đạo luật do Quốc hội ban hành không được giới hạn quyền của một
nhóm người cụ thể. Đạo luật phải được áp dụng chung, có hiệu lực đối với
tất cả mọi người, không phải đối với một cá nhân hay một nhóm người để
cưỡng bức họ hoặc tạo đặc quyền cho nhóm này, loại bỏ nhóm khác.
- Nguyên tắc nghiêm cấm việc giới hạn làm mất đi bản chất của quyền
Điều
19 khoản 2 Hiến pháp Đức qui định: “Trong mọi trường hợp, việc giới hạn
một quyền cơ bản nào đó không được làm mất đi bản chất của quyền đó.”
Khi ban hành một đạo luật nhằm hạn chế quyền của công dân, Quốc hội buộc
phải tuân thủ đúng những qui định về thẩm quyền, trình tự thủ tục, hình
thức. Chính những ràng buộc phức tạp, khắt khe về mặt thủ tục, cùng với
việc Hiến pháp trao cho Tòa án hiến pháp liên bang quyền tuyên bố một
đạo luật là vi hiến nếu đạo luật đó trái với Luật cơ bản tại Điều 100
khoản 1 sẽ góp phần hạn chế những đạo luật vi hiến hoặc làm mất đi bản
chất của các quyền cơ bản.
- Nguyên tắc nghiêm cấm công quyền can thiệp vượt quá giới hạn
Bất
cứ sự can thiệp nào từ phía nhà nước cũng phải đảm bảo tính phù hợp
giữa mục đích và phương tiện lựa chọn để đạt được mục đích có phù hợp,
có cần thiếtvà có tương xứng không.
Chẳng
hạn một cậu bé X ăn trộm một quả táo trong siêu thị và đang chuẩn bị bỏ
chạy. Một cảnh sát quan sát được hành vi ăn trộm đó của X và đã dùng
súng để bắn vào chân của cậu bé. Việc bắn thẳng vào cậu bé là một hành
vi không tương xứng với mức độ phạm tội của cậu bé. Ở đây phải cân nhắc
giữa hai lợi ích: quyền được sống của cậu bé (Điều 2 khoản 2 Hiến pháp)
và ngăn chặn việc ăn trộm một quả táo.
Một
ví dụ khác: Điều 15 Khoản 7 Câu 1 Luật săn bắn ở Đức (BjagdG) yêu cầu
tất cả những người săn bắn chim ưng (falconer) phải chứng minh kiến thức
về vũ khí để được cấp bằng săn bắn. Những người đi săn cho rằng qui
định này là vô lý, tạo ra một giới hạn đi ngược lại quyền được tự do
hành động theo Điều 2 Khoản 1 Hiến pháp. Tòa án hiến pháp liên bang phán
quyết rằng: Mục đích yêu cầu cấp bằng cho những người săn chim ưng thì
phải yêu cầu họ có hiểu biết về loài chim ưng và nghề săn bắn chim ưng,
chứ không phải là kiến thức về vũ khí. Qui định phải chứng minh kiến
thức về vũ khí không phù hợp với mục đích của đạo luật. Do vậy, Tòa án
đã kết luận qui định này là vi hiến và cần phải bãi bỏ. (Xem: Phán quyết
BverfGE 55, 159 Falknerjagdschein).
Từ
những qui định về hạn chế của quyền cơ bản ở Hiến pháp Đức đã cho thấy:
các quyền cơ bản không phải là vô hạn, chúng cần phải được giới hạn,
một mặt để những quyền này không phải là “bánh vẽ” hay những lời hứa
suông, mặt khác chúng có tác dụng,hiệu lực trực tiếp, xác lập ranh giới
ràng buộc trách nhiệm của cơ quan công quyền.
Tóm
lại, cấu trúc các quyền cơ bản và các giới hạn các quyền cơ bản ở Đức
cho ta thấy lô-gích rất rõ rằng: Thứ nhất, Hiến pháp sinh ra có chức
năng để hạn chế quyền lực nhà nước và ràng buộc trách nhiệm của nhà
nước. Do vậy không thể tồn tại cách qui định theo kiểu nhà nước ban ơn,
hoặc cách qui định trao quyền quá lớn, phạm vi quyết định quá rộng cho
nhà nước. Thứ hai, đối với người dân, các quyền cơ bản cần được mở rộng
tới mức được áp dụng trực tiếp, ràng buộc công quyền và tất cả những gì
mà luật không cấm, không xâm phạm đến quyền lợi của các chủ thể khác,
thì bất cứ cứ ai cũng đều được phép làm.
---
1 Gustaf Gründgens (1899-1963) là một trong những diễn viên tài ba và có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ thứ 20 của Đức.
2 Xem phán quyết: BverfGE 30, 173 (Mephisto-Urteil).
3 Điều 1 Khoản 1 Hiến pháp Đức qui định rằng nhân phẩm của con người là bất khả xâm phạm (unantastbar).
4
Điều 5 Khoản 1 Hiến pháp Đức qui định rằng mọi công dân đều có quyền tự
do thể hiện suy nghĩ của mình bằng lời nói, chữ viết, hình ảnh, có
quyền mở rộng và phổ biến nó từ các nguồn có thể truy cập phổ thông
không bị hạn chế hay ngăn cấm (ungehindert).
5 Xem phán quyết: BverfGE 35, 202 (Lebach)
------
Summary
Limitation of basic
rights in the German Constitution
The basic rights are of course not absolute and
do have a number of limitations. There are some forms of limitations in the German
Constitution.
Constitutional limits (verfassungsunmittelbare Schranken) mean that some rights are
restricted directly by the words used in the Constitution. Saying another way,
these rights contain a direct limitation. Article 8 II GG allows a peaceful
assembly without weapons. That means it excludes automatically from the
protection of the armed or not peaceful assembly.
The Limitations by law
(Schranken mit Gesetzesvorbehalt) are allowed in
several basic rights in the German Constitution. For example, Article 8 reads
as follows: “All Germans shall have the right to assemble peacefully and
unarmed without prior notification or permission. In the case of outdoor assemblies this right
may be restricted by or pursuant to law.” This article means that with regard
to open air meetings “the right to assemble peacefully” may be restricted by
laws, which would be defined by the legislature. In Germany there is also a law
on assemblies, so called Versammlungsgesetz, which deals with the limitations
of outdoor assemblies.
Limitations inherent
to the order of the Constitution (Schranken ohne Gesetzesvorbehalt):
No limitation is provided in some basic rights at all, for example, the right
to freedom of religion (Article 4 GG) or the right to free artistic expression
(Article 5 III GG). But it doesn’t mean that each person can enjoy them and
there is not any limit. Any basic right without express limitations must find
them in a conflicting constitutional law, i.e. other basic rights or values of
constitutional rank.
Article 19 I 1 GG demands that a basic right
restriction by law or pursuant to law must be of general application and not
only applicable to one individual case (Verbot der Einzelfallgesetzgebung). Otherwise according to Article 19 II GG
no basic right may be affected in its essence (Wesengehaltsgarantie). Especially the principle of
proportionality (Verhältnis-mäßigkeitsprinzip/Übermaßverbot) has been acknowledged as one of the cornerstones of the Rule of law. It requires that all measures of public
organs do not go beyond that strictly demanded to achieve the legal purpose. In
German constitutional and administrative law it has been developped into a
three part test. Such actions have to: a) be suitable to
achieve the aim they are used for (Geeignetheit); b) be necessary to achieve this aim (Erforderlichkeit), and c) outweigh
the individual’s interest, i.e. basic right on a balance (Angemessenheit).