|
Lorenz von Stein (1815–1890) |
Nguyễn Minh Tuấn
Bắt đầu từ việc tìm đọc các giáo trình
“Lý luận về pháp luật” (Rechtstheorie) và triết học pháp luật (Rechtsphilosophie)
ở Đức, tôi đã biết đến học giả Lorenz von Stein (1815–1890) và quan tâm, tìm đọc các tác phẩm
của ông. Có thể nói rằng càng đọc, tôi càng thấy hứng thú với cách tiếp cận và
cách giải quyết nhiều vấn đề chính trị - pháp lý của Lorenz von Stein.
Cùng là học giả người Đức, cùng thời với Karl Marx
(1818–1883), tuy nhiên Lorenz von Stein lại có những quan điểm và cách tiếp cận khác, thậm chí trái ngược với
Karl Marx. Những tư tưởng được thể hiện ở trong nhiều tác phẩm của ông, đặc biệt
là tư tưởng về nhà nước và pháp luật,
được nhiều học giả ở Đức hiện nay đánh giá rất cao, được xem là những tư tưởng
phản ánh chân thực hiện thực xã hội, có tầm nhìn và mang tính thời đại.
Tư tưởng về xây dựng một “nhà nước xã hội”
Lorenz
von Stein là người ủng hộ học thuyết phân quyền. Theo ông, không phải “tập quyền”
mà “phân quyền” mới có thể kiểm soát và giới hạn quyền lực nhà nước và là điều
kiện tiên quyết để xây dựng một nhà nước xã hội.
Ông cùng với Robert von Mohl (1799- 1875) và Otto Bähr (1817–1895) là những học
giả đầu tiên sau thời kỳ khai sáng đã nghiên cứu, tổng hợp lại các
khái niệm của Hobbes, Locke, Rousseau và Montesquieu để hình thành nên nội hàm
của khái niệm Rechtsstaat (nhà nước pháp quyền) ở Đức.
Nếu như Karl Mark ủng hộ một cuộc “cách
mạng xã hội” và cho rằng chỉ có thông qua một cách mạng xã hội mới có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội,
thì Lorenz von Stein lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác. Ông cho rằng: “Cuộc cách mạng xã hội chỉ có thể là cách xoa dịu
mâu thuẫn, chứ không phải là cách giải quyết mâu thuẫn xã hội. Nó chẳng khác
nào việc thay đổi người lãnh đạo này bằng một người lãnh đạo khác cả.”
Từ đó, ông đề xuất phải xây dựng “một nhà
nước xã hội, một nhà nước chịu trách nhiệm.”
Theo ông, nhà nước xã hội là nhà
nước không phải dùng nhà tù, cảnh sát, quân đội để trấn áp, mà là nhà nước
thông qua các công cụ tài chính, lấy phát triển phúc lợi xã hội là mục tiêu và
động lực để bảo vệ con người và phát huy mọi năng lực của con người.
Muốn xây dựng một nhà nước xã hội thì trước tiên nhà nước đó phải có trách nhiệm
đảm bảo điều kiện sống tối thiểu của mỗi một con người.
Không coi trọng phẩm giá con người, không có cơ chế kiểm soát tài chính nghiêm
ngặt và minh bạch thì không thể thực hiện được tốt các chính sách phúc lợi xã hội.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai,
trải qua đêm trường ác mộng của chủ nghĩa phát xít, nơi mà nhân phẩm của con
người bị trà đạp, bị xâm phạm một cách thô bạo, những nhà lập hiến Đức lại một
lần nữa khẳng định lại tính đúng đắn trong tư tưởng của Lorenz von Stein rằng: “muốn
bảo vệ phẩm giá của con người thì không có cách nào khác hơn là nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo
điều kiện sống tối thiểu của mỗi một con người.”
Ngày nay, nguyên tắc nhà nước xã hội (Sozialstaatsprinzip) đã được vĩnh viễn
hóa, trở thành một trong năm nguyên tắc trường tồn của Hiến pháp Đức được qui định
ở Điều 20 Khoản 1.
Tư tưởng về bảo vệ sở hữu tư nhân
Ngược với quan điểm của Karl Marx,
Lorenz von Stein cho rằng: “không phải sở hữu tư nhân, mà chính công hữu thiếu sự
kiểm soát chặt chẽ mới là nguồn gốc nảy sinh ra tham nhũng (Korruption).”
Ông cho rằng không nên bãi bỏ sở hữu tư nhân, vì tài sản là một hình thức biểu hiện của tự do được
vật chất hóa (eine Erscheinungsform materialisierter Freiheit) và là động lực
(Anreiz) cho hành động của con người. Trách nhiệm của nhà nước vì thế không phải
là hạn chế sở hữu tư nhân mà là “phát triển và bảo vệ sở hữu tư nhân.”
Bảo vệ sở hữu tư nhân và xây dựng nhà nước xã hội không mâu thuẫn nhau, mà
tương hỗ lẫn nhau, vì mục đích bảo vệ những giá trị cao nhất của con người.
Bảo vệ sở hữu tư nhân sau này đã
trở thành động lực và mục tiêu nền tảng cho sự ra đời của nhiều bản hiến pháp
hiện đại trên thế giới. Điều 14 Hiến pháp Đức cũng qui định và ràng buộc trách
nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm, bảo vệ sở hữu tư nhân.
Luật pháp và việc bảo vệ quyền lợi của người lao động
Quan điểm về luật pháp của Lorenz
von Stein rất tiến bộ. Ông cho rằng luật pháp luôn động, không bất biến. Luật
pháp có sức mạnh thi hành hay không là do tính phù hợp và tính thuyết phục của
qui định.
Không nên né tránh tranh luận, chỉ có sự tranh luận và phê phán, mới có thể xây
dựng được những chính sách, pháp luật đúng đắn, phù hợp nhất.
Ông cũng cho rằng không có một hệ thống pháp luật chung thống nhất cho tất cả
các quốc gia. Mỗi một nhà nước, mỗi một hệ thống pháp luật đều có những nguyên
tắc riêng, những nguyên tắc ấy do điều kiện về chính trị, lịch sử, văn hóa qui
định.
Về việc bảo vệ quyền lợi của người
lao động, cũng như những tác giả khác cùng thời, Stein nhận thấy sự bất công
trong xã hội, cũng như những nỗi thống khổ của những người lao động. Tuy nhiên,
Lorenz von Stein đã không ủng hộ khái niệm „giai cấp“ mà Karl Mark đưa ra và hoài
nghi về tính thực tiễn, đồng thời cảnh báo về mối hiểm nguy của một xã hội mà do giai cấp
vô sản lãnh đạo.Theo ông, người lao động, tức người lãnh đạo, không thể là những
người mù chữ và không có tay nghề.
Luật lao động phải bảo vệ quyền lợi của họ, phải đưa việc đào tạo nghề
(Arbeitsbildung) thành một chế định trong luật, trong đó cần có sự phân loại
thành người học việc (Lehrlinge), người đã qua đào tạo (Gesellen) và người thợ
lành nghề (Meister).
Theo ông, để bảo vệ quyền lợi của người lao động thì cần phải hoàn thiện pháp
luật lao động. Cần phải xây dựng tổ chức công đoàn mạnh, độc lập với giới chủ,
đứng về phía người lao động và bảo vệ họ. Mâu thuẫn lợi ích giữa người lao động
và giới chủ sẽ được giải quyết, thông qua việc thương lượng, để tìm ra những điểm
chung về lợi ích (Interessengemeinsamkeiten). Ông ủng hộ việc xây dựng một nhà
nước, mà thông qua những cải cách xã hội bền vững sẽ cân bằng lợi ích giữa các
thành viên trong xã hội và giữ cho những quan hệ này trong miền chừng mực (in
Grenzen).
Tư tưởng của Lorenz von Stein và Hiến pháp Minh Trị của Nhật
Bản
Thực tế từ thế kỷ XIX, những tư tưởng của Lorenz von Stein đã xuất khẩu, đã vượt ra khuôn khổ biên giới của
nước Đức, trở thành cơ sở lý luận để xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên ở Châu Á, đó là Hiến pháp Nhật bản.
Năm
1882, Thủ tướng Nhật bản Itô Hirobumi đã dẫn đầu
một phái đoàn sang Châu Âu để khảo cứu hiến pháp và hệ thống chính quyền của Phương Tây.
Phái đoàn này đã đến gặp hai học giả nổi tiếng nhất của
trường phái luật Đức-Phổ là H. Rudolf von
Gneist (1816-1895, Đại học Berlin) và Lorenz
von Stein (1815-1890, Đại học Wien). Ở đây, phái đoàn này đã triệt để học hỏi lý luận về Hiến pháp, về xây dựng một nhà
nước xã hội của hai học giả này. Lorenz von Stein đã nhắn gửi với phái
đoàn của Nhật rằng: “Cải cách cần phải chú trọng đến cải cách về xã hội, mở rộng
các quyền tự do, dân chủ của người dân, đó chính là nguồn gốc tạo nên sự công bằng
xã hội (soziale Gerechtigkeit) và vững bền của nhà nước (Stabilität des
Staates).”
Một năm sau đó (năm 1883), phái đoàn này trở về nước
và đã vận dụng những tư tưởng của hai học giả này để xây dựng một bản Hiến pháp
đầu tiên cho Nhật Bản. Theo bản Hiến pháp này, quyền lực của
Thiên Hoàng không còn là tuyệt đối, mà đã có những giới hạn nhất định. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Nhật bản
đã có được một bản Hiến pháp, mà bản Hiến pháp ấy bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do tôn giáo, ngôn luận, xuất bản và quyền lập hội
của họ.
Người Đức vốn kỉ luật và khắt khe. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà tư tưởng của Lorenz von Stein lại được người Đức đề cập nhiều và đánh giá cao đến thế. Phải chăng đó là do tư tưởng của Lorenz von Stein chứa đựng những giá trị nhân văn, nhân
đạo, mang tính cách mạng và tính thời đại hay còn có những lý do nào khác? Chỉ riêng giải đáp cho thấu tỏ điều đó thôi, có lẽ đã đủ làm cho việc tiếp tục khảo cứu những tư tưởng chính trị - pháp lý của ông trở nên đặc biệt hấp dẫn rồi.
“Die übrigen Kernthesen der marxistischen Rechtslehren haben sich
als Hilfsinstrumente einer totalitären Ideologie erwiesen, die von einer
irrigen transzendentalen Geschichtsdeutung ausgeht. Die marxistischen
Rechtslehren dienten zur Rechtsfertigung der Ewigkeitsherrschaft der
herrschenden Monopolpartei.” (Rüthers/Fischer/Birk,
Rechtstheorie mit Juristischer Methodenlehre, 6. Aufl., München, 2011, Rn.
509).
“Lorenz
von Stein hat die Vorstellung eines sozialen, d.h. für die Gesellschaftsordnung
verantwortlichen Staates. Eine proletarische Revolution lehnt er ab, weil jede
Revolution nur eine neue, umgekehrte und scharf ausgeprägte Klassenstruktur
schaffe und so das Problem fortschreibe, nicht aber lösen könne.” (Rüthers/Fischer/Birk,
Rechtstheorie mit Juristischer Methodenlehre, 6. Aufl., München, 2011, Rn.
513).
“In den meisten
Standardwerken zur Privatrechtsgeschichte und zur Methodenlehre kommt die
marxistische Rechtstheorie kaum vor. In gleicher Weise, eher noch gründlicher,
wird Lorenz von Stein in seiner Bedeutung für die Rechtswissenschaft bis heute
verkannt.” (Rüthers/Fischer/Birk, Rechtstheorie mit Juristischer Methodenlehre,
6. Aufl., München, 2011, Rn. 517).