Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

QUYỀN BIỂU TÌNH: NÊN QUI ĐỊNH THẾ NÀO?

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, 
đăng ngày 14/3/2013, 
truy cập đường link tại đây (Dưới đây là bản gốc gửi Tia sáng)
Hiến pháp là nền tảng tạo nên sự an toàn pháp lý cho cả một hệ thống pháp luật. An toàn pháp lý trong Hiến pháp chỉ tồn tại khi người dân thấy được mình ở trong đó, thấy mình được bảo vệ thông qua sự minh bạch, rạch ròi, và có thể tiên liệu trước ở ngay chính trong từng Điều luật. Biểu tình là môt quyền căn bản trong số rất nhiều những quyền khác cần thiết phải có một sự an toàn pháp lý như thế.

Biểu tình không xa lạ ở Việt Nam. Xét từ góc độ thực tế lịch sử, không phải đến giờ Việt Nam mới có biểu tình. Lịch sử Việt nam chứng kiến rất nhiều cuộc biểu tình của những người dân yêu nước. Trong lịch sử giữ nước, chống ngoại xâm, chúng ta có những cuộc biểu tình lớn, điển hình như biểu tình Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930, biểu tình ngày 19/8/1945 và rất nhiều cuộc biểu tình những năm chống M v.v...
Điều 69 Hiến pháp 1992 qui định: “Công dân […] có quyền […] biểu tình theo quy định của pháp luật.” Như vậy, theo pháp luật hiện hành, biểu tình là một quyền hợp hiến ở Việt Nam. Cụm từ „theo quy định của pháp luật“ có nghĩa là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật khi đã có hiệu lực, chứ không phải tuân theo những gì chưa có. Bởi thế cho nên đương nhiên công dân có quyền biểu tình ngay cả khi chưa có luật hay không có luật về biểu tình. 
Hiến pháp không có bất kì một qui định nào trao cho Chính phủ quyền ban hành Nghị định hay một Bộ trưởng nào đó ban hành Thông tư để hạn chế quyền công dân. Hơn nữa, vì Hiến pháp “là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp.“ (Điều 146, Hiến pháp 1992), do vậy, tôi cho rằng việc viện dẫn bất kì văn bản dưới luật nào như Nghị định, Thông tư để ngăn cản quyền biểu tình ôn hòa của dân đều là vi phạm Hiến pháp.
Điều 26 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 69 nêu trên) qui định: Công dân […] được […] biểu tình theo quy định của pháp luật.” Dự thảo đã bỏ hai từ “có quyền” trong Điều 69 Hiến pháp 1992 và thay vào đó bằng chữ “được”. Cách qui định này có thể dễ dàng dẫn đến cách hiểu rằng: Biểu tình là do nhà nước ban phát (lưu ý từ “được”) và nếu như chưa có “quy định của pháp luật”, tức là nhà nước “chưa cho”, thì người dân không được biểu tình. Nếu hiểu như vậy, thì rõ ràng cách qui định trong dự thảo là không phù hợp, đi ngược với tư duy tiến bộ về nhân quyền và dân quyền trên thế giới hiện nay.
Thay vì qui định như trong dự thảo, tôi đề xuất Điều 26 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên tách riêng các quyền, trong đó có quyền biểu tình, thành những Điều riêng. Hiến pháp Việt Nam nên qui định quyền biểu tình cụ thể như sau:“1. Công dân có quyền biểu tình ôn hòa và không vũ khí, không phụ thuộc vào sự đồng ý hay không của chính quyền. 2. Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được thực hiện quyền biểu tình. Mọi hành vi đe dọa, chia rẽ, gây cản trở hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp sẽ bị xử lý hình sự hoặc xử phạt hành chính tùy theo tính chất, mức độ. 3. Quyền biểu tình của công dân chỉ có thể bị giới hạn bởi một đạo luật của Quốc hội. Việc giới hạn cũng không làm mất đi bản chất của quyền này.” Nếu qui định như vậy theo tôi sẽ có hai ưu điểm: Thứ nhất, điều khoản này xác định rõ công dân biểu tình không có nghĩa vụ phải xin phép, mà chỉ cần thông báo cho chính quyền. Đây là cách qui định phổ biến của các bản Hiến pháp trên thế giới hiện nay; Thứ hai, qui định người tham gia biểu tình không được sử dụng vũ khí hay công cụ có tính bạo lực sẽ làm rõ cơ sở đảm bảo cho một cuộc biểu tình ôn hòa. Tất cả những vấn đề cụ thể, có tính kĩ thuật khác như cần phải thông báo trước trong thời gian bao lâu, những dụng cụ nào được hiểu là vũ khí, trách nhiệm của người trưởng đoàn biểu tình, những người tham gia biểu tình thế nào, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ra sao…nên được qui định ở trong một đạo luật do Quốc hội ban hành.
Cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân từ phía công quyền phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp.

Trên cơ sở hiến định quyền biểu tình như trên, Luật biểu tình trong tương lai nếu có nên tiếp tục làm rõ những vấn đề pháp lý căn bản sau:
Thứ nhất, cần làm rõ trách nhiệm của Trưởng đoàn tổ chức biểu tình. Khi thông báo về việc biểu tình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần khai báo rõ ai là Trưởng đoàn, nội dung, mục đích của biểu tình là gì. Tôi cho rằng nên qui định rõ: Trưởng đoàn biểu tình sẽ chịu trách nhiệm theo dõi diễn tiến của việc biểu tình, chịu trách nhiệm về việc biểu tình phải diễn ra một cách ôn hòa, không vũ khí, có quyền dừng hoặc chấm dứt biểu tình bất cứ lúc nào. Trong quá trình biểu tình, cả trưởng đoàn và cảnh sát có thể tước quyền biểu tình của bất cứ ai sử dụng vũ khí hay có hành động gây rối, vi phạm pháp luật hoặc không tuân theo chỉ đạo của trưởng đoàn. Việc sử dụng các biểu ngữ nội dung gì phải được thông báo trước cho cảnh sát khi tiến hành thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc biểu tình.
Thứ hai, làm rõ hàng loạt các khái niệm pháp lý căn bản về biểu tình, chẳng hạn như vấn đề “không vũ khí”, “nghĩa vụ thông báo”, “mục đích biểu tình” là như thế nào. Việc mang theo các dụng cụ như trống, kèn, đuốc, vợt đánh bóng… có được coi là “vũ khí” hay không? Cần phải thông báo trước về việc biểu tình với chính quyền trong thời gian bao lâu? Thế nào là có chung một mục đích trong một cuộc biểu tình? Chính quyền có thể cấm biểu tình khi cho rằng nội dung biểu tình là không phù hợp hoặc lo ngại rằng người biểu tình sẽ tham gia với số lượng quá lớn hoặc lo ngại rằng sẽ có một đoàn biểu tình khác chống đối lại không?...
Thứ ba, nên xác định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc đảm bảo cho việc biểu tình được diễn ra một cách an toàn, đúng luật, chẳng hạn như trách nhiệm phải tổ chức các phương tiện giao thông ra sao, rồi trong trường hợp nào thì cảnh sát có thể yêu cầu người không tuân thủ các qui định về luật biểu tình ra khỏi đoàn biểu tình, trường hợp nào thì có thể yêu cầu chấm dứt biểu tình v.v…
Thứ tư, cần qui định cụ thể trách nhiệm pháp lý đối với hành vi đe dọa, chia rẽ, gây trở ngại hoặc ngăn cản cuộc biểu tình hợp pháp bằng các hành động bạo lực. Chế tài này nên được áp dụng chung, cho bất kỳ ai, kể cả người thi hành công vụ nếu xâm phạm quyền tự do biểu tình hiến định của người dân.
Thứ năm, để hoạt động biểu tình được đi vào nề nếp, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong Luật biểu tình cũng nên qui định rõ hình thức biểu tình nào thì được chấp nhận? việc xếp hàng dài và ngồi án ngữ trước cửa ra vào một địa điểm nào đó có phải là hành vi biểu tình một cách ôn hòa hay không? Việc biểu tình ở bên ngoài trụ sở Quốc hội có bị ngăn cấm không? Người biểu tình có được mặc đồng phục, sử dụng cờ hoặc biểu tượng không? Nếu có, thì có hạn chế gì không?
------------
Thiết nghĩ, cách ứng xử với quyền biểu tình của công dân từ phía công quyền phản ánh mức độ tôn trọng nhân dân, tôn trọng Hiến pháp. Trong khi cả thế giới đều tôn trọng, công nhận và đảm bảo thực hiện nó, thì cũng không có lý do gì để ta lại ngăn cấm hay hạn chế quyền cơ bản này. Thực chất, biểu tình không có gì đáng sợ, quan trọng là cách tư duy về quyền này như thế nào, tiếp đó là kế hoạch, cách thức quản lý, tổ chức biểu tình ra sao. Chính quyền nên tận dụng hoạt động biểu tình, nên coi đó như một cầu nối, một kênh đối thoại quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, từ đó một mặt kiểm soát và đưa hoạt động này trở nên có nề nếp, trật tự, mặt khác thông qua việc lắng nghe dân, cân nhắc, điều chỉnh và hoạch định các chính sách liên quan sao cho hợp với lòng dân hơn.