|
Nhà báo Hoàng Khương. Nguồn ảnh: Báo GDVN |
Nguyễn Minh Tuấn
Vụ việc liên quan đến nhà báo Hoàng Khương đang trong quá trình điều tra. Khi không phải người trong cuộc, chưa có phán quyết chính thức của Tòa, mới chỉ dựa vào những thông tin sơ bộ mà cảnh sát điều tra đưa ra,
cũng như qua bản tường trình của Hoàng Khương, tôi nghĩ để tránh cảm tính có lẽ cũng không nên vội vàng kết luận bất cứ điều gì về vụ việc này.
Tôi xin đưa ra một số giả thiết (câu hỏi trao đổi) để bạn đọc quan tâm tiếp tục bàn thảo, suy ngẫm. Cùng nhau nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau, càng có nhiều ý kiến, chắc chắn vấn đề sẽ rõ ràng, sáng tỏ hơn:
1. Theo luật có cần thiết phải tiến hành bắt giam phóng viên Hoàng Khương không? Bắt phóng viên Hoàng Khương là về việc "tham gia đưa hối lộ" hay việc "gài
bẫy"? hay cả hai?
2. Xem xét toàn diện hành vi vi phạm (nếu có):
- Xem xét động cơ thực hiện hành vi (nếu có) của nhà báo Hoàng Khương là gì?
- Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đến đâu?
- Có đủ yếu tố cấu thành tội phạm không hay chỉ dừng lại ở việc vi phạm pháp luật hành chính với hành vi “đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành
công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, nhưng chưa đến mức
truy cứu trách nhiệm hình sự” (Điều 26 Nghị định số
73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ) hay hoàn toàn không vi phạm pháp luật?
3. "Gài bẫy":- "Gài bẫy" được hiểu như thế nào?
- Hành vi đó có vi phạm luật pháp không?
- Nghiệp vụ báo chí có cho phép không?
- Đạo đức nhà nghề có cho phép không? (Đạo đức là một khái niệm trừu tượng, trong trường hợp này theo tôi nên hiểu, phân tích đối tượng tác động là đạo đức nhà nghề trước công luận, trước xã hội, chứ không phải là đạo đức với một cá nhân cụ thể nào.)
4. Bàn luận về xu hướng pháp luật:
- Luật pháp trong tương lai có nên qui định trực tiếp vấn đề "miễn trừ báo chí" với các phóng viên không? Phạm vi cho phép với tất cả các phóng viên hay chỉ nên giới hạn đối với những phóng viên được cấp thẻ thực hiện những bài phóng sự có tính chất điều tra?
- Luật
pháp có nên cho phép một phóng viên chuyên viết về các phóng sự điều
tra thực hiện những biện pháp như cài người, tạo hiện trường giả, giả dạng, thu thập chứng cứ v.v... giống như một trinh sát hay một
cán bộ điều tra không? Tại sao? Nếu có thì cần có thêm những đảm bảo về pháp lý nào để vừa bảo vệ được nhà báo, vừa đấu tranh, phòng ngừa tội phạm hiệu quả?
5. Có cần thiết phải phân biệt trong luật việc "gài bẫy" đối với người
dân thường (ví dụ đóng giả là người chơi bạc để thu thập chứng cứ trong một vụ tổ chức đánh bạc), với việc gài bẫy một cán bộ nhà nước (ví dụ đóng giả đưa tiền để có bằng chứng cảnh sát giao thông nhận hối lộ) không? Qui định thế nào để báo chí thực hiện được quyền giám sát từ bên ngoài với tất cả các cơ quan nhà nước, làm trong sạch bộ máy nhà nước?
6. Một phóng viên vi phạm pháp luật khi viết bài. Vậy trách nhiệm liên đới của tờ báo đến đâu với tư cách là một cơ quan chủ quản cho đăng bài viết? Cụ thể trong trường hợp này là thuộc dạng trách nhiệm pháp lý nào?
7. Xét dưới góc độ tâm lý học hành vi, vụ việc này cần nhìn nhận thế nào khi "nạn nhân" là một nhà báo, có công phanh phui nhiều vấn đề
bức xúc, những tệ nạn trong xã hội có liên quan đến công an và đối tượng trực tiếp có quyền và nghĩa vụ liên quan, có thẩm quyền điều tra cũng lại là những người trong ngành công an?
8. Suy xét rộng hơn: Làm thế nào để pháp luật báo chí thực sự là vũ khí bảo vệ quyền tự do báo chí của những nhà báo và những người tham gia hoạt động báo chí, chứ không phải thuần túy là công cụ của nhà nước quản lý hoạt động báo chí? Nên sửa đổi luật theo hướng nào, cụ thể là những vấn đề gì để bảo vệ quyền lợi của những nhà báo dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng và cải thiện tình hình báo chí hiện nay?
...
Những vấn đề mở sẽ luôn tồn tại mãi. Hoạt động báo chí tự do trong tương lai cũng sẽ mở, buộc phải mở để phù hợp với xu hướng hội nhập thế giới. Lĩnh vực pháp luật báo chí sẽ là một lĩnh vực pháp luật sôi động, đặc biệt quan trọng trong tương lai ở Việt Nam. Tôi luôn có một niềm tin như vậy!
NMT