Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

SỨC MẠNH CỦA BÁO CHÍ Ở ĐỨC

Tổng thống CHLB Đức Christian Wulff,
 Nguồn ảnh (Quelle): http://www.bundespraesident.de/
Nguyễn Minh Tuấn

Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng Đức có nhiều bài viết bàn về vụ việc liên quan đến Tổng thống đương nhiệm Christian Wulff.
Nội dung vụ việc có thể được tóm lược như sau:
Trung tuần tháng 12, báo Bild đã đưa tin Tổng thống Wulff vào năm 2008 đã vay 520.000 Euro từ vợ của một doanh nhân với mức lãi suất thấp hơn thị trường. Sau đó ông đã dùng khoản tiền này để xây nhà.
Trước khi Wulff trở thành Tổng thống, ông đã không công bố khoản vay này. Người ta cũng đặt ra những nghi vấn liệu có vấn về mờ ám giữa ông và người đã cho vay hay không khi mức lãi suất thấp như vậy?
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn khi Tổng thống Wulff đã trực tiếp gọi điện cho Tổng biên tập báo Bild. Không nói chuyện được trực tiếp, ông đã để lại tin nhắn trong hộp thư trên điện thoại di động với những lời lẽ tức giận, yêu cầu tờ báo phải rút lại bài viết về khoản vay của ông.
Sau đó ông Wulff đã liên lạc với Chủ tịch hãng xuất bản tờ Bild là ông Doepfner yêu cầu Bild rút lại bài báo. Ông Doepfner đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Tổng thống Wulff.
Câu chuyện ngay lập tức sau đó đã trở thành tâm điểm chú ý của công luận, ông Wulff hôm qua ngày 4/1/2012 đã phải lên truyền hình trả lời công luận, xin lỗi Tổng biên tập tờ báo Bild. Rất nhiều tờ báo ngày hôm nay đã công khai đề nghị Tổng thống phải từ chức.

Qua vụ việc này cho thấy, báo chí ở Đức có một sức mạnh thực sự. Sức mạnh ấy có được bởi nước Đức là một nhà nước dân chủ. Các nhà báo khi thực thi nghiệp vụ họ làm đúng theo pháp luật, đúng theo chức phận của mình, không ai có thể dọa được báo chí, dọa được công luận kể cả Tổng thống.
Vụ việc này rõ ràng cho thấy sức mạnh của báo chí. Cú điện thoại từ Tổng thống (một dạng "luật" thời hiện đại) không những không thể buộc báo chí đổi đen thành trắng, mà thực tế đã phản tác dụng ngược lại khiến cho uy tín của Tổng thống Đức xuống thấp chưa từng thấy, Tổng thống phải công khai xin lỗi Tổng biên tập tờ báo Bild và nguy cơ phải từ chức là rất có thể xảy ra.
Không một ai, một cá nhân nào kể cả Tổng thống, thủ tướng có thể đứng trên hay đứng ngoài pháp luật. Luật pháp ở Đức là vậy.
Các chính khách ở Đức có nghĩa vụ thường xuyên phải tiếp xúc, trả lời báo chí. Khi có bất cứ vấn đề gì phát sinh liên quan đến nhiệm vụ của bất cứ quan chức nào, họ phải có trách nhiệm giải trình trước công luận. Báo chí có quyền chỉ trích Tổng thống, thủ tướng hay bất cứ chính khách nào trên cơ sở những lập luận có căn cứ. Qua phản ánh của báo chí, nhiều sự việc được làm sáng tỏ. Ở Đức, cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực là cách giám sát, hạn chế quyền lực từ bên trong, báo chí, truyền thông là công cụ giám sát, hạn chế quyền lực từ bên ngoài. Với tầm quan trọng như vậy, báo chí ở Đức được coi là một nhánh quyền lực thứ tư, xếp ngang hàng với các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước. Một mô hình đáng để nhiều quốc gia học tập!


-----------
Nguồn tin:
http://www.spiegel.de/politik/deutschland/0,1518,807406,00.html
http://www.spiegel.de/politik/deutschland/0,1518,807332,00.html
http://www.spiegel.de/politik/deutschland/0,1518,807250,00.html
http://www.spiegel.de/politik/deutschland/0,1518,807226,00.html
http://www.spiegel.de/politik/deutschland/0,1518,807275,00.html