Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

SỰ KIỆN TIÊN LÃNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN

Nguyễn Minh Tuấn

Liên quan đến vụ việc thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trả lời phóng viên báo Người lao động rằng: Ông không theo dõi vụ việc này.

Với câu trả lời này, có thể có hai khả năng xảy ra: 

- Khả năng thứ nhất: vị Phó chủ nhiệm này không đọc báo, không nghe đài, không xem truyền hình nên hoàn toàn không có thông tin gì để trả lời; 

- Khả năng thứ hai: có nghe, có biết về vụ việc, nhưng vì sợ trách nhiệm, sợ rằng nếu trả lời không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến cái ghế Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của ông, vì thế ông đã trả lời là "không theo dõi vụ việc này".

Dù với bất cứ khả năng nào thì cách trả lời như đã nêu ở trên cũng thật đáng trách, đáng phê phán.


Về luật, nếu là khả năng thứ nhất, tức là việc thuộc trách nhiệm nhẽ ra buộc phải biết, nhưng đã không biết, thì ông đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của một người Đại biểu Quốc hội - người đại diện cho lợi ích của nhân dân cả nước (Điều 97 Câu 1 Hiến pháp 1992).


Về đạo đức, nếu là khả năng thứ hai, tức là biết, nhưng vì sợ trách nhiệm nên chọn giải pháp "im lặng là vàng", thì ngoài vi phạm Điều 97 Câu 1 Hiến pháp 1992, ông còn vi phạm đạo đức của một người Đại biểu Quốc hội. Những ngày qua, bất cứ ai theo dõi vụ việc, đặt mình vào hoàn cảnh bị đẩy vào "bước đường cùng" như gia đình ông Vươn, đặt mình vào hoàn cảnh sau bao năm đổ mồ hôi sôi nước mắt, kết cục là gần như mất trắng tài sản, vướng vào tù tội, nhất là thời điểm khi Tết nguyên đán cận kề thế này, cũng đều thấy không khỏi quặn lòng đau xót. Vậy thì tại sao một người trên danh nghĩa được dân bầu ra, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân cả nước lại có thể trả lời ráo hoảnh và vô cảm trước nỗi đau đến cùng cực của người dân như thế? Đấy có thuộc về đạo đức của người Đại biểu nhân dân không?

Vụ việc này vẫn đang tiếp tục được làm sáng tỏ. Đã có ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Thước, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ...lên tiếng chỉ ra những sai phạm của chính quyền Tiên Lãng. Điều rất đáng tiếc là đa phần trong số những người lên tiếng lại là những người đã nghỉ hưu, những người hiện không còn nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Từ đây cũng đặt ra một câu hỏi lớn khác khiến ta không khỏi day dứt là tại sao những người thực sự có trách nhiệm, những người có khả năng quyết định lại gần như không có động thái, tiếng nói gì trước vụ việc này? Những Đại biểu Quốc hội - những người thực sự đại diện cho nhân dân, những người mà ta cần thật nhiều tiếng nói của họ, họ đang đứng ở đâu và họ đang bảo vệ lợi ích cho ai? 

Nếu như ai cũng "im lặng" và hiểu "im lặng là vàng", thu mình lại, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, thì có lẽ đất nước này sẽ khó lòng mà phát triển được. Đất nước muốn phát triển, muốn tiến tới dân chủ, trước hết phải là một đất nước mà ở đó mọi người "không im lặng" trước những bất công, áp bức hay bạo quyền.

Mong rằng sẽ không còn Đại biểu Quốc hội nào khi được hỏi sẽ trả lời những câu "Tôi không theo dõi vụ việc này" như vị Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội nữa. Mong lắm sẽ có nhiều, thật nhiều Đại biểu của dân, sẵn sàng gạt bỏ những lợi ích khác, thậm chí kể cả lợi ích cá nhân mình, mạnh mẽ nói lên tiếng nói, khát vọng của người dân, bảo vệ nhân dân chống lại cái xấu, cái ác.

NMT
 ------------------


Xin mời bạn đọc, đọc nguyên văn bài viết:

Phải bồi thường nhà cho ông Đoàn Văn Vươn

Nguồn: Thế Dũng, Báo Người lao động, Chủ nhật, ngày 15/01/2012 06:49


TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã khẳng định như trên về việc cơ quan chức năng san bằng nhà ông Vươn.

* Phóng viên: Là nhà nghiên cứu luật pháp, đồng thời có nhiều năm xây dựng pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, ông nhìn nhận như thế nào đối với quan điểm của chính quyền huyện Tiên Lãng trong vụ cưỡng chế đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn?
- Ông Đinh Xuân Thảo: Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác đã quy định rất rõ về trường hợp đất đai của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Tôi chỉ nói thêm Luật Thủy sản năm 2003 đã quy định đối với đất nuôi trồng thủy sản, bao gồm cả đất và mặt nước được giao thời hạn 20 năm như đối với đất trồng cây ngắn ngày. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn đối xử thiếu công bằng, như đất nuôi trồng thủy sản chỉ cho đấu thầu vài năm rồi thu hồi…

Cũng theo quy định của các luật hiện hành, quyền sử dụng của người đầu tư khai khẩn đất, được giao đất sau khi hết 20 năm thì họ tiếp tục được cho thuê. Hoặc người trả tiền thuê một lần còn được thêm nhiều ưu đãi khác như quyền sử dụng giấy chứng nhận để thế chấp ngân hàng…


Chính sự nhận thức không đầy đủ về  luật pháp hoặc chính quyền nghĩ dân không nắm được luật nên đã làm ẩu, dẫn đến những vụ thu hồi đất sai luật nhằm cho người khác thuê với giá có lợi hơn.
Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn đã bị san bằng sau vụ cưỡng chế. 


* Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn không nằm trong phạm vi bị cưỡng chế nhưng đã bị san bằng thì có vi phạm luật?


- Về luật pháp, phải tách bạch rõ ràng 2 việc: Ngôi nhà là nơi trú ngụ của người phạm tội và là nơi ẩn náu của người phạm tội. Ngay trong trường hợp để bắt tội phạm trong các vụ án lớn như bắt giữ con tin tại một trụ sở cơ quan Nhà nước hay nhà của người khác thì cũng không được phép phá nhà nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu.


Trường hợp ở đây là ngôi nhà của người phạm pháp (ông Đoàn Văn Vươn – PV), đó là tài sản của bản thân họ và người thân thì càng không thể dùng biện pháp san bằng và chẳng pháp luật nào cho phép làm việc này. Vì thế, huyện Tiên Lãng phải bồi thường ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn bị phá hủy. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm người ra quyết định này.


Việc san ủi nhà chỉ được thực thi trong trường hợp ngôi nhà lấn chiếm phải tiến hành giải tỏa khi chủ nhân không chịu tự nguyện tháo dỡ. Ngoài ra, việc san ủi nhà chỉ được tiến hành trong trường hợp xảy ra cháy lớn, cần giải tỏa một ngôi nhà để cho xe cứu hỏa vào cứu nhiều ngôi nhà khác thì mới không cần sự cho phép của chủ sở hữu. Tuy nhiên, Nhà nước phải bồi thường nhà và tài sản bị thiệt hại từ sự giải tỏa này.


Tôi cho rằng vụ việc cưỡng chế ở Tiên Lãng đang gây xôn xao dư luận, nếu TP Hải Phòng không có hướng xử lý thỏa đáng có thể bị khiếu kiện.


* Công sức khai khẩn, tiên phong lấp biển của ông Đoàn Văn Vươn có được xem xét để được ưu tiên trong việc tiếp tục được cho thuê đất, thưa ông?


- Việc khai khẩn và thu hồi phải căn cứ việc đất được khai khẩn có phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung, hạ tầng của địa phương hay không. Nếu trong trường hợp không vi phạm quy hoạch thì chính quyền phải có trách nhiệm xem xét để hợp thức hóa quyền sử dụng cho người có công, cũng như xem xét việc tiếp tục cho thuê dài hạn khi họ có nguyện vọng.


* Đối với một vụ việc cưỡng chế hành chính thông thường có được phép sử dụng lực lượng vũ trang, thưa ông?


- Tôi cũng xin nói thêm về việc huyện Tiên Lãng sử dụng lực lượng vũ trang (quân đội - PV) trong quá trình cưỡng chế cần được xem xét để làm rõ tại sao lại có quyết định này. Quy định của pháp luật không cho phép dễ dãi trong việc sử dụng lực lượng vũ trang trong việc tiến hành cưỡng chế. 


Việc sử dụng lực lượng vũ trang, có trang bị vũ khí chỉ được áp dụng trong trường hợp phía bị cưỡng chế đã chuẩn bị một lực lượng đối kháng mạnh để chống lại người thi hành công vụ và được phát hiện ngay từ đầu. Nếu chỉ đơn thuần là giữ gìn trật tự thì không được sử dụng lực lượng vũ trang. Việc này phải làm rõ xem huyện Tiên Lãng có làm đúng không.


Đại biểu Quốc hội phải theo dõi vụ việc


Chiều 14-1, bà Lê Thị Thu Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết qua báo chí bà đã nắm vụ việc cưỡng chế ở huyện Tiên Lãng nhưng hiện chưa có đủ hồ sơ về vụ việc này. “Là một đại biểu Quốc hội, người đại diện cho dân thì những vấn đề, sự kiện như vụ việc ở Tiên Lãng vừa qua rất cần phải nắm bắt tình hình. Việc này thuộc chuyên ngành của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vì đây là vụ việc cưỡng chế hành chính. Hiện nay, Ủy ban Pháp luật đang thẩm tra dự thảo Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính, trong đó có quy định về cưỡng chế hành chính”.
Chiều cùng ngày, phóng viên trao đổi về vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng được báo chí thông tin trong nhiều ngày qua, ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói: “Tôi không theo dõi vụ việc này...”.


Thế Dũng/Người lao động