Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

TRIẾT LÝ CỦA TỰ DO

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, Số 3/2005, tr.12-13.

Montesquieu trong cuốn Tinh thần pháp luật đã định nghĩa “Tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật cho phép”. Vậy tự do là gì? Đối với mỗi cá nhân, tự do là sự nhận thức được qui luật và thực hiện theo qui luật. Không thể và không bao giờ con người có tự do tuyệt đối bởi lẽ về mặt khách quan, con người không thể sống không phụ thuộc vào tự nhiên và không trong mối liên hệ với cá nhân khác, về mặt chủ quan, con người cũng không ai có khả năng nhận thức được tất cả, và cũng không ai sống mà tuyệt đối không phụ thuộc vê vật chất hoặc tinh thần với người khác. 

Triết lý của tự do nằm ngay ở chỗ tự do bị giới hạn bởi luật. Luật ở đây cần phải được hiểu theo nghĩa rộng - đó là "qui luật"' của cuộc sống: bao gồm luật của tự nhiên, luật của các tổ chức xã hội, luật do nhà nước qui định, luật chơi v.v.. 

Bạn thử nghĩ xem bạn làm sao có được tự do (tự do lựa chọn hành động) khi động đất và sóng thần bất ngờ ập đến và cướp đi mạng sống. Hay bạn là một gia đình nông dân, quanh năm chắt chiu, chờ đợi vào đàn gà năm nay. Bạn sẽ thấy mất mát biết nhường nào trong giây phút cuối năm đứng nhìn những chiếc chuồng gà trống không, lạnh lẽo khi dịch cúm gà (H5N1) ập tới. [Giới hạn bởi luật tự nhiên]. 

Dù muốn hay không thì việc đốt pháo trong đêm giao thừa có lẽ cũng chỉ còn là hoài niệm trong kí ức của bạn và nhiều người vì nhà nước từ lâu đã có các qui định cụ thể về cấm đốt pháo. [Giới hạn bởi luật của nhà nước]. 

Bạn làm sao có được tự do (tự do làm theo những điều mình muốn) khi bạn đã có gia đình, và một ngày đẹp trời bạn gặp một người khác giới, bạn thấy yêu thương người này vô cùng. Liệu bạn có đám từ bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi của tình cảm riêng không? Bạn có dám dẫm đạp lên dư luận xã hội để sống theo cách riêng của mình không? [Giới hạn bởi các qui phạm xã hội khác] .

Chưa hết, nếu tham gia đá bóng, bạn sẽ bị đuổi ra khỏi sân ngay lập tức nếu như bạn không nắm được các qui định và làm theo các qui định của luật bóng đá. Điều còn tệ hại hơn và bạn xứng đáng chịu sự la ó của đám đông nếu như vô tình hay cố ý bạn đá vào khung thành của chính đội nhà. [Giới hạn bởi các qui định của luật chơi]  

Bạn có dám cãi lại, chọc tức, hay khiêu khích một kẻ côn đồ không còn gì để mất khi hắn đang cầm vũ khí trong tay không? Nếu có bạn quả là người dũng cảm, nhưng coi chừng bạn sẽ là nạn nhân của một thứ "luật rừng", "luật giang hồ" nào đó lúc nào không biết. [Giới hạn bởi những luật lệ quanh ta] . 

Tự do luôn thể hiện khuynh hướng muốn vượt ra mọi ràng buộc, tự do luôn là khát vọng là mong ước của con người bất luận con người đó là ai, làm gì và ở đâu. Pháp luật do nhà nước ban hành thực chất cũng chỉ là một dạng đại lượng của tự do. Pháp luật cũng chẳng giúp ích được gì đâu khi một ngày kia vô phúc sóng thần lại ập đến và sức công phá gấp nhiều lần trận ngày 26/12/2004. Pháp luật cũng chưa chắc đã có.ý nghĩa nhiều lắm khi một kẻ xấu lén lút hãm hại bạn. Và khi bạn không còn tồn tại trên cõi đời này thì pháp luật đối với bạn cũng bỗng trở thành vô nghĩa.

Cicéron, nhà tư tưởng vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại đã nhận định: "Trong một nước có luật pháp,tự do chỉ có thể là được làm những cái nên làm và không bị ép buộc làm điều không nên làm." Luật pháp sở dĩ được coi là một dạng đại lượng của tự do vì luật pháp của nhà nước có nhiệm vụ qui phạm hoá tự do của con người bằng những điều luật. Chỉ khi nào những qui phạm ấy là hiện thân của công bằng, tạo ra bình đẳng về cơ hội, về điều kiện, khả năng lựa chọn và quan trọng hơn chỉ khi nào luật pháp hoàn thành sứ mệnh bảo vệ con người trước sự tác động trái chiều của những luật tự nhiên hay luật xã hội khác, chỉ khi đó luật pháp mới đạt đến tầm là thước đo cửa tự do. 

Tự do đối với một người chỉ có được khi hành vi của người đó không xâm hại đến lợi ích của người khác, và thực tế tự do của một người sẽ bị giới hạn bới tự do của người khác. 

Thí dụ như khi nói đến việc uống rượu, ai cũng biết uống rượu nhiều có hại cho sức khoẻ, nhà nước không khuyến khích, nhưng chẳng có một điều luật vô lý nào cấm bạn uống rượu sau đó đi ngủ cả. Nhưng hãy coi chừng, luật pháp sẽ can thiệp ngay lập tức nếu bạn say rượu và vi phạm pháp luật. 

Một thí dụ khác, ta hãy nghĩ đến một đoạn đường đang xảy ra ách tắc giao thông. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai cũng tự do đi theo cách mình muốn, không có đèn giao thông, không có cảnh sát giao thông? Tự do liệu có tồn tại trong trạng thái vô luật này không? Rõ ràng triết lý sâu xa nằm ở chỗ nếu không có một thiết chế công quyền (nhà nước) tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc thì dù có qui định hay đến mấy luật pháp ấy cũng chỉ nằm lặng lẽ, trang nghiêm trên giấy tờ. Và ngay cả khi đã có luật qui định khá đầy đủ, ngay cả khi có sự hiện diện của cơ quan công quyền, việc vi phạm vẫn xảy ra. Tại sao vậy? Lúc ấy lại có những thứ không nằm ở luật, cũng chẳng phải ở việc tổ chức thực hiện của cơ quan công quyền, mà phần nhiều phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Luật pháp suy cho cùng chẳng qua cũng chỉ là sự phản ứng của con người trước những thay đối của tự nhiên và xã hội, tự thân nó không phải là tự do mà là tiền đề, là sự giới hạn và đảm bảo để có tự do. 

Trước xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập nguyên tắc "công dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép" đã và đang dần được thay thế bằng nguyên tắc "công dân được làm tất cả trừ những điều pháp luật cấm". Nguyên tắc này tồn tại như một xu hướng, vừa như sự khẳng định, nhưng cũng là một thách thức lớn đối với pháp luật mỗi quốc gia trong việc tôn trọng và bảo vệ tối đa tự do của con người.

-----------------------
Chú thích
1 Montesquieu, tinh thần pháp luật (L'esprit des lois), Hoàng Thanh Đạm dịch, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội, tr.99.