Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Ủy ban dân nguyện của Cộng hòa Liên bang Đức: một mô hình độc đáo


Ủy ban dân nguyện của Cộng hòa Liên bang Đức: một mô hình độc đáo

PGS.TS. NGUYỄN MINH TUẤN

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Tạp chí nghiên cứu lập pháp, Số chuyên đề 20 năm thành lập Ban dân nguyện, xây dựng, phát triển và đổi mới, Số chuyên đề 24, năm 2023, tr. 54-60. 


Tóm tắt: Ủy ban Dân nguyện ở Cộng hoà liên bang Đức là một mô hình điển hình trên thế giới với tính chất là một ủy ban Hiến định, một ủy ban chuyên môn về dân nguyện. Sự độc đáo của mô hình này chính là ở việc tạo ra một cơ chế vừa bảo đảm quyền thỉnh nguyện của người dân, vừa giám sát thi hành pháp luật và giám sát văn bản pháp luật thống nhất, vừa giúp Hạ viện thực hiện được tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa tránh được việc mâu thuẫn, chồng chéo về chức năng, thẩm quyền với các cơ quan nhà nước khác. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, làm rõ vị trí pháp lý, thẩm quyền, quy trình hoạt động của Ủy ban dân nguyện ở Cộng hoà liên bang Đức, từ đó đưa ra một số so sánh và gợi mở ở Việt Nam.

QUỐC-HỘI-ĐỨC.jpg

Từ khoá: Uỷ ban dân nguyện, Ban dân nguyện, quyền thỉnh cầu.
Abstract: The Petition Committee in the Federal Republic of Germany is a typical modality in the world as a Constitutional committee, a specialized committee on civil petition. The uniqueness of this modality is that it establishes a mechanism that both ensures the people's right to petition, supervises law enforcement and supervises unified legal documents, and helps the House of Representatives to enforce the law with their functions and tasks, while it is to avoid the conflicts and overlaps in functions and authority with other state agencies. Within this article, the author provides an analysis and clarification of the legal position, authority, and operation mechanism of the Petition Committee in the Federal Republic of Germany, thereby also make comparisons and suggestions for Vietnam.
Keywords: The Petitions Committee (Der Petitionsausschuss); the Committee on People’s Aspiration; right to petition.
1. Ủy ban dân nguyện là một Ủy ban bắt buộc, khác với các Ủy ban tuỳ chọn
Ở CHLB Đức, các ủy ban bắt buộc là các cơ quan của Hạ viện (Untergliederungen des Bundestags) chịu trách nhiệm về một lĩnh vực hoặc hoạt động cụ thể thuộc thẩm quyền của Hạ nghị viện. Trong những Ủy ban này, những công việc thực sự của Hạ nghị viện diễn ra. Chẳng hạn, mục 54, đoạn 1, khoản 1 của Nội quy tổ chức, hoạt động của Hạ viện liên bang Đức (GeschO BT - dưới đây viết tắt là LTCHV) quy định rằng, Hạ viện chỉ định các ủy ban thường trực để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán. Các ủy ban này đưa luật đến trạng thái “sẵn sàng để biểu quyết” (Abstimmungsreife)[1].
Theo truyền thống nghị viện ở Đức, công việc của các ủy ban có tầm quan trọng đặc biệt. Một phần đáng kể các nhiệm vụ thông tin, kiểm soát và điều tra của Hạ viện được thực hiện bởi các ủy ban.[2] Điều này đặc trưng cho toàn bộ lĩnh vực ra quyết định của nghị viện, đó là lý do tại sao mọi ủy ban phải là hình ảnh thu nhỏ của phiên hội nghị toàn thể [ein verkleinertes Abbild des Plenums][3]. Nguyên tắc này được chuẩn hóa trong Điều 12 câu 1 LTCHV.
Cần phải phân biệt giữa các ủy ban bắt buộc (ủy ban hiến định), tức là những ủy ban phải được thành lập trong mọi thời kỳ lập pháp và các ủy ban tùy chọn. Các ủy ban bắt buộc là những ủy ban cố định ở CHLB Đức. Ủy ban tùy chọn về nguyên tắc bao gồm ủy ban tương ứng với từng Bộ Liên bang. Các ủy ban bắt buộc ở CHLB Đức gồm có:
Tên của Ủy ban
Cơ sở Hiến định
Ủy ban về các vấn đề của EU (Ausschuss für Angelegenheiten der EU)
Điều 45 Luật Cơ bản Đức năm 1949 (viết tắt là LCB)
Ủy ban đối ngoại (Ausschuss für auswärtige Angelegenheiten)
Điều 45a LCB
 
Ủy ban quốc phòng (Verteidigungsausschuss)
Điều 45a LCB
Ủy ban dân nguyện (Petitionsausschuss)
Điều  45c LCB
Cơ quan kiểm soát của Quốc hội
(Parlamentarisches Kontrollgremium)
Điều 45d LCB
Ủy ban Ngân sách (Haushaltsausschuss)
Điều 10a Luật Ngân sách
(BHO)
Ủy ban duyệt xét bầu cử (Wahlprüfungsausschuss)
Điều 3 Luật Kiểm tra bầu cử (WahlprüfG)
Ủy ban bầu chọn thẩm phán của Toà án Hiến pháp
liên bang của BVerfG (Wahlausschuss für die Richter des BVerfG
Điều 6 Luật Toà án hiến pháp liên bang
 
Ủy ban Dân nguyện (Der Petitionsausschuss, viết tắt là UBDN) là cơ quan bắt buộc, một cơ quan Hiến định của Hạ viện theo Điều 45c LCB, chịu trách nhiệm tìm hiểu cách luật pháp ảnh hưởng đến công dân (wie sich Gesetze auf den Bürger auswirken).
Ủy ban này có chức năng nghiêng về tính chất dân nguyện, tức chuyên xử lý các thỉnh cầu và khiếu nại của người dân, từ đó đưa ra những đề nghị, sửa đổi chính sách, pháp luật phù hợp.
Bởi vì những lá thư yêu cầu hoặc khiếu nại gửi tới Hạ viện đều được chuyển đến UBDN, nơi xem xét và tư vấn về các kiến ​​nghị. Điều này làm cho UBDN trở thành một địa chỉ ghi nhận mọi thắc mắc, kiến nghị của người dân. Cho dù luật có đạt được mục tiêu đã định hay dẫn đến những vấn đề mới phát sinh và do đó cần được xem xét lại một cách nghiêm túc, hoặc liệu Hạ viện có nên hoạt động tích cực trong một vấn đề cụ thể hay không, tất cả những vấn đề đó UBDN phải là cơ quan nắm bắt và có giải thích rõ nhất.
Ủy ban này có thể làm rõ các sự kiện liên quan đến công việc của mình, ví dụ như quyền gửi hồ sơ, quyền đưa thông tin và quyền được tiếp cận với các cơ quan chức năng có liên quan. Điều này chỉ có thể bị từ chối nếu quy trình phải được giữ bí mật do luật hoặc nếu có những lý do thuyết phục khác để giữ bí mật. Tòa án và cơ quan hành chính có nghĩa vụ cung cấp hỗ trợ hành chính (Amtshilfe).
2. Những cơ sở pháp lý về thẩm quyền của Ủy ban Dân nguyện
Điều 17 LCB quy định: “Mọi người đều có quyền, với tư cách cá nhân hoặc cùng với những người khác, gửi yêu cầu hoặc khiếu nại bằng văn bản đến các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan đại diện.[4]
Về địa vị pháp lý của UBDN tại Điều 45c Khoản 1 LCB quy định: “Hạ viện thành lập ra một UBDN, Ủy ban này chịu trách nhiệm giải quyết các yêu cầu và khiếu nại gửi đến Hạ viện theo Điều 17 LCB này.” [5]
LTCHV quy định rõ thẩm quyền của UBDN.
Điều 108 LTCHV quy định UBDN, do Hạ viện thành lập theo Điều 45c của LCB, chịu trách nhiệm giải quyết các yêu cầu và khiếu nại gửi đến Hạ viện theo Điều 17 của LCB.
Điều 110 LTCHV quy định chi tiết hơn về quyền của UBDN:
“(1) UBDN sẽ xây dựng các nguyên tắc giải quyết các yêu cầu và khiếu nại (Grundsätze über die Behandlung von Bitten und Beschwerden) và lấy các nguyên tắc này làm điểm khởi đầu cho các quyết định của mình trong từng trường hợp cụ thể.
(2) Nếu các yêu cầu về gửi hồ sơ, yêu cầu trao đổi thông tin hoặc yêu cầu gặp mặt trực tiếp đại diện của các cơ quan chức năng được gửi trực tiếp tới các cơ quan liên bang, các tập đoàn liên bang, các tổ chức và quỹ theo luật công, thành viên chịu trách nhiệm của Chính phủ Liên bang phải được thông báo.
(3) Thành viên chịu trách nhiệm của Chính phủ Liên bang sẽ được thông báo kịp thời về các kiến nghị của người khởi kiện, nhân chứng hoặc chuyên gia (Anhörungen des Petenten, Zeugen oder Sachverständigen).”
Các nguyên tắc của Ban Dân nguyện giải quyết các yêu cầu và khiếu nại (Grundsätze des Petitionsausschusses über die Behandlung von Bitten und Beschwerden [gọi tắt là các nguyên tắc thủ tục CNTTT - Verfahrensgrundsätze]) được thông qua ngày 8/3/1989 và sửa đổi, bổ sung gần nhất ngày 11/11/2021. Các nguyên tắc này do chính Ban Dân nguyện xây dựng nên.
3. Các loại đơn và chủ thể có quyền thỉnh cầu
Việc thỉnh cầu được chia thành 3 loại đơn khác nhau, bao gồm: đơn kiến nghị (Petitionen), đơn yêu cầu (Bitten) và đơn khiếu nại (Beschwerden).
Đơn kiến nghị là đệ trình mà các yêu cầu hoặc khiếu nại được đệ trình với tư cách cá nhân, cho người khác hoặc vì lợi ích chung. Đơn yêu cầu là đề xuất phải hành động hoặc không được hành động của cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức khác khi thực hiện nhiệm vụ công. Điều này bao gồm cả các các đề xuất lập pháp (Vorschläge zur Gesetzgebung).
Đơn khiếu nại là việc đòi hỏi xem xét về hành động hoặc không hành động mà gây ra thiếu sót của cơ quan nhà nước, chính quyền hoặc tổ chức khác thực thi công vụ (Mục 1 CNTTT).
Về người tiến hành kiến nghị, yêu cầu hay khiếu nại, mục 3 CNTTT quy định: Mọi thể nhân và mọi pháp nhân trong nước theo luật tư đều được hưởng các quyền cơ bản theo Điều 17 của LCB. Thậm chí khoản 2 mục 3 còn mở rộng phạm vi người tiến hành kiến nghị, yêu cầu hay khiếu nại không bắt buộc phải có đầy đủ năng lực chủ thể, miễn sao người đó có thể nói lên mối quan tâm của mình một cách dễ hiểu là đạt yêu cầu. Quyền yêu cầu, kiến nghị hay khiếu nại này không phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của người khởi kiện, chẳng hạn như nơi cư trú hoặc quốc tịch.
4. Hình thức nộp đơn và quy trình thủ tục
Về đơn kiến nghị, khoản 1 mục 4 CNTTT quy định: “Các kiến ​​nghị phải được nộp bằng văn bản. Hình thức văn bản được giữ nguyên khi ký tên. Trong trường hợp các kiến ​​​​nghị được gửi đi bằng điện tử, hình thức bằng văn bản cũng vẫn được giữ nguyên, người khởi tạo và địa chỉ bưu điện của người đó phải rõ ràng có thể thấy được và có chữ ký điện tử thay thế cho chữ ký khi nộp bằng văn bản thông thường”.
Khoản 2 mục 4 CNTTT cũng quy định rất rõ việc không chấp nhận kiến nghị mà chỉ được trình bày bằng lời nói. Lưu ý rằng từ ngày 1/9/2005, người dân có thể gửi đơn bằng hình thức trực tuyến, điền đơn theo mẫu trên mạng Internet để gửi tới UBDN.
Sau khi nhận đơn, UBDN Đức bắt đầu quá trình xem xét. Việc xem xét có thể được tiến hành bằng hình thức điều tra, nghiên cứu của Ủy ban. Người nộp đơn có thể được mời đến để nghe ý kiến với tư cách là người làm chứng. Kết luận cuối cùng của UBDN được gửi tới người nộp đơn và đăng tải trên Internet. Điều 112 Khoản 3 LTCHV quy định: “Những người gửi đơn kiến nghị sẽ được thông báo về cách thức mà đơn của họ đã được xử lý như thế nào. Lý do cần được đưa ra cụ thể cho thông báo này.” Kết luận của UBDN này không thể được khiếu nại.
Về nguyên tắc, những đơn kiến nghị dưới đây sẽ bị từ chối:
“+ Có nội dung bị nhầm lẫn;
+ Không đọc được;
+ Nếu địa chỉ hoặc chữ ký của người khởi kiện là sai hoặc giả mạo;
+ Địa chỉ hoặc chữ ký của người khởi kiện bị thiếu toàn bộ hoặc một phần, hoặc nếu các trường bắt buộc không được điền chính xác khi sử dụng biểu mẫu web điện tử;
+ Yêu cầu một điều gì đó thực sự không thể thực hiện được, một tội hình sự, một hành vi vi phạm hành chính hoặc một biện pháp vi phạm trật tự hiến pháp hoặc quy tắc đạo đức;
+ Yêu cầu có nội dung xúc phạm, tống tiền hoặc ép buộc.
Nếu thiếu sót không được người kiến nghị khắc phục trong một khoảng thời gian hợp lý theo yêu cầu thì đơn kiến nghị sẽ bị hủy bỏ.”
Về việc ủy quyền cho từng thành viên của UBDN, Điều 111 LTCHV quy định như sau: UBDN phải quyết định trên cơ sở từng trường hợp liệu có nên ủy quyền theo Điều 45c của LCB cho một hoặc nhiều thành viên của mình hay không. Nội dung và phạm vi chuyển giao sẽ được xác định trong nghị quyết.
Điều 112 LTCHV quy định rõ về kiến nghị giải quyết và báo cáo của UBDN
“(1) Báo cáo về các kiến ​​nghị do UBDN xử lý được đệ trình lên Hạ viện dưới dạng tổng quan chung cùng với khuyến nghị về quyết định. Báo cáo phải được nộp hàng tháng. Ngoài ra, UBDN đệ trình một báo cáo bằng văn bản hàng năm cho Hạ viện về các hoạt động của mình.
(2) Các báo cáo sẽ được in, phân phát và đưa vào chương trình nghị sự trong vòng ba tuần kể từ khi phân phát; chúng có thể được bổ sung bằng miệng bởi báo cáo viên. Tuy nhiên, một cuộc tranh luận chỉ diễn ra nếu được yêu cầu bởi một nhóm nghị sĩ hoặc năm phần trăm thành viên của Bundestag có mặt.
(3) Những người gửi đơn kiến nghị sẽ được thông báo về cách thức mà đơn của họ đã được xử lý như thế nào. Lý do cần được đưa ra cụ thể cho thông báo này.
Trách nhiệm của UBDN cũng được nêu rõ ở Điều 125 trong việc xử lý các kiến nghị: “Vào cuối nhiệm kỳ của Hạ viện, tất cả các kiến nghị phải được giải quyết xong”[6].
Làm rõ thẩm quyền của UBDN, mục 5 CNTTT quy định: “UBDN giải quyết các kiến ​​nghị thuộc phạm vi trách nhiệm của Hạ viện, đặc biệt những vấn đề liên quan đến việc làm luật của Hạ viện. UBDN giải quyết các kiến ​​nghị mà liên quan đến phạm vi trách nhiệm của Chính phủ Liên bang, cơ quan chức năng liên bang hoặc các cơ quan khác thực hiện nhiệm vụ công của Liên bang. Điều này áp dụng bất kể mức độ mà các cơ quan liên bang và các tổ chức khác phải chịu sự giám sát của Chính phủ liên bang. Trong giới hạn do LCB quy định, UBDN cũng giải quyết các kiến ​​nghị ảnh hưởng đến các cơ quan hiến định khác của Liên bang (bao gồm Tổng thống liên bang, Thượng viện liên bang, Chính phủ liên bang, Ủy ban Hỗn hợp hay Tòa án Hiến pháp liên bang)”.
Một trong những vấn đề rất được lưu tâm đó là làm thế nào để vừa phát huy được quyền làm chủ của người dân, nhưng cũng không thể làm xáo trộn hoạt động của các cơ quan khác[7]. Để tránh xung đột với thẩm quyền cũng như tính độc lập của Tòa án, khoản 5 Mục 5 CNTTT quy định rõ: “Ủy ban chỉ giải quyết các kiến ​​nghị liên quan đến thủ tục tố tụng của tòa án ở cấp độ liên bang trong trường hợp:
+ một hành vi nhất định được yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền với tư cách là một bên trong tranh chấp pháp lý (von den zuständigen Stellen ein bestimmtes Verhalten als Verfahrensbeteiligte in einem Rechtsstreit verlangt wird);
+ một quy định pháp lý được yêu cầu xem xét, mà quy định đó sẽ khiến cho quy định về quyền tài phán trong tương lai không thể thực hiện được với các đơn thỉnh cầu (eine gesetzliche Regelung gefordert wird, die eine mit den Petitionen angegriffene Rechtsprechung für die Zukunft unmöglich machen würde);
+ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền không thi hành bản án có lợi cho mình (die zuständigen Stellen aufgefordert werden, ein ihnen günstiges Urteil nicht zu vollstrecken).
Trong chừng mực nếu sự can thiệp ảnh hưởng đến tính độc lập tư pháp, thì việc đó phải bị dừng lại.”
Theo số liệu các yêu cầu kiến nghị từ năm 1980 đến nay và số liệu tính trung bình theo ngày, số lượng đơn thỉnh cầu thấp nhất trong giai đoạn này là vào năm 1980 với 10.735 đơn, cao nhất vào năm 1992 với 23.960 đơn tính trong một năm[8].
UBDN khác với các Ủy ban Điều tra của Hạ viện Đức. Nếu như UBDN là một cơ quan bắt buộc của Hạ viện thì Ủy ban Điều tra của Hạ viện Đức chỉ được thành lập khi có những vấn đề phát sinh. Theo khoản 1 câu 1 Điều 44 LCB, Hạ viện có quyền và theo yêu cầu của một phần tư số thành viên của Hạ viện có nghĩa vụ chỉ định một ủy ban điều tra để thu thập bằng chứng cần thiết phục vụ trong các phiên điều trần công khai[9].
Ủy ban điều tra không phải là ủy ban thường trực, mà là cơ quan kiểm soát liên quan đến sự kiện cần điều tra. Cơ sở hiến định là quyền điều tra của nghị viện. Đặc biệt, nó mở ra khả năng cho Nghị viện thành lập các ủy ban điều tra để điều tra và làm rõ các sự việc, khiếu nại. Điều này cung cấp cho Hạ viện một công cụ vô cùng hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát của mình, đặc biệt là đối với Chính phủ và các cơ quan hành chính.
Theo Điều 1 Khoản 3 PUAG, thủ tục điều tra chỉ được cho phép tiến hành trong khuôn khổ thẩm quyền hiến định của Hạ viện.[10] Không ủy ban điều tra nào được xâm phạm thẩm quyền độc quyền của các cơ quan hiến pháp khác (Kompetenzen anderer Verfassungsorgane). Cụ thể, việc điều tra các lĩnh vực sáng kiến, hành động và tư vấn của Chính phủ liên bang (Initiativ‑, Handlungs- und Beratungsbereich der Bundesregierung) là vi hiến. Điều này cũng áp dụng cho các quy trình ra quyết định trong Chính phủ chưa được hoàn thành. Ủy ban điều tra cũng không được can thiệp vào các thủ tục tố tụng hành chính hoặc thủ tục của tòa án đang diễn ra.[11] Hơn nữa, phải có lợi ích công cộng đủ quan trọng đối với đối tượng điều tra.[12] […].
5. So sánh với Việt Nam
So sánh giữa UBDN của CHLB Đức và Ban Dân nguyện của Việt Nam có thể thấy một số điểm khác biệt như sau:
5.1. Xét về tính chất, UBDN ở CHLB Đức trước tiên là một Ủy ban hiến định. Ở Việt Nam đến nay chưa có một Ủy ban hiến định độc lập như vậy. Ban Dân nguyện ở Việt Nam hiện tại là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác Dân nguyện.
UBDN ở Đức là cơ quan duy nhất tiếp nhận thỉnh cầu của người dân, kết nối cơ quan lập pháp với dân. Thành viên của UBDN này là thành viên của Hạ viện, thuộc các đảng phái chính trị khác nhau[13].
5.2. Về mặt thẩm quyền, Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XII ngày 15/10/2008 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 về việc thành lập Ban Dân nguyện, thì Ban Dân nguyện cũng có một số thẩm quyền như quyền tiếp công dân và tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khi cần thiết, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp công dân. Đồng thời cơ quan này cũng có quyền tiếp nhận, phân loại đơn, thư của công dân gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện chuyển đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu theo lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, UBDN ở Đức xét về thẩm quyền thì phạm vi thẩm quyền rộng hơn và phạm vi gửi kiến nghị hay khiếu nại cũng rộng hơn.
5.3. Về các loại thỉnh cầu thì ở Đức có 3 loại: đơn kiến nghị (Petitionen), đơn yêu cầu (Bitten) và đơn khiếu nại (Beschwerden). Đơn kiến nghị là đệ trình mà các yêu cầu hoặc khiếu nại được đệ trình với tư cách cá nhân, cho người khác hoặc vì lợi ích chung. Đơn yêu cầu là đề xuất phải hành động hoặc không được hành động của cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức khác khi thực hiện nhiệm vụ công.
5.4. UBDN của Đức tiếp nhận cả đề xuất lập pháp hay sáng quyền lập pháp (Vorschläge zur Gesetzgebung)[14]. Đề xuất lập pháp là một dạng của dân chủ trực tiếp được phát huy rất mạnh ở Đức. Ở Việt Nam, Ban Dân nguyện chưa có thẩm quyền tiếp nhận loại sáng quyền lập pháp này.
5.5. Về phạm vi chủ thể tiến hành thỉnh cầu, ở Đức không chỉ mọi thể nhân và mọi pháp nhân trong nước được hưởng các quyền này mà thậm chí khoản 2 mục 3 CNTTT còn mở rộng phạm vi người tiến hành thỉnh cầu không bắt buộc phải có đầy đủ năng lực chủ thể, miễn sao người đó có thể nói lên mối quan tâm của mình một cách dễ hiểu là đạt yêu cầu. Quyền thỉnh cầu này không phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của người khởi kiện, chẳng hạn như nơi cư trú hoặc quốc tịch, kể cả người nước ngoài cũng có quyền tiến hành thỉnh cầu.
5.6. UBDN ở Đức có trách nhiệm gửi Báo cáo về các kiến ​​nghị do UBDN xử lý được đệ trình lên Hạ viện dưới dạng tổng quan chung cùng với khuyến nghị về quyết định. Các báo cáo sẽ được in, phân phát và đưa vào chương trình nghị sự. Như vậy, UBDN ở Đức tiếp nhận thỉnh nguyện của dân, nhưng không đi vào xử lý sự vụ, mà xem xét trên bình diện vĩ mô, đánh giá tác động của pháp luật ra sao, có cần phải trình Hạ viện xem xét sửa đổi, bổ sung hay ban hành văn bản mới không.
5.7. UBDN ở Đức còn giữ vai trò là một Ủy ban giám sát thi hành pháp luật và giám sát văn bản pháp luật, bởi lẽ LCB Đức và LTCHV đã trao cho cơ quan này quyền xem xét đơn thư dân nguyện và khiếu kiện của cá nhân, tổ chức để từ đó đề xuất thảo luận tại Hạ viện nếu như nội dung thỉnh nguyện đó liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp luật mới.
Tóm lại, qua nghiên cứu có thể thấy rằng, UBDN của Đức là một cơ quan Hiến định thuộc Hạ viện, có vị trí, vai trò độc lập, có phạm vi thẩm quyền rộng, với mục đích tiếp nhận thỉnh nguyện của người dân. Từ những thỉnh nguyện này, UBDN tiếp tục đưa ra báo cáo trước Hạ viện để qua đó hoàn thiện pháp luật. Cách tổ chức UBDN ở Đức vừa phát huy được quyền làm chủ của người dân, vừa không can thiệp vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác, nhưng đồng thời phản ánh đầy đủ nhất, trực tiếp nhất nguyện vọng của người dân qua đó Hạ viện có thể tiếp nhận và hoàn thiện, chính sách, pháp luật. Ưu điểm của mô hình này đó là tạo ra một thiết chế tiếp nhận rộng rãi nhất ý nguyện của người dân, đồng thời giám sát thi hành pháp luật và giám sát văn bản pháp luật của Hạ viện rất hiệu quả. Đây quả là một mô hình có nhiều giá trị tích cực để tham khảo, học tập./. 

 


[1] Friedrich Schäfer (auth.), Der Bundestag, Eine Darstellung seiner Aufgaben und seiner Arbeitsweise-VS Verlag für Sozialwissenschaften, 1982.
[2] BVerfGE 84, 304 [323] – Fraktionstatus - tình trạng nhóm nghị viện.
[3] BVerfGE 80, 188 [221 f.] – Wüppesahl.
[4] Nguyên văn: Jedermann hat das Recht, sich einzeln oder in Gemeinschaft mit anderen schriftlich mit Bitten oder Beschwerden an die zuständigen Stellen und an die Volksvertretung zu wenden.
[5] Nguyên văn: Der Bundestag bestellt einen Petitionsausschuss, dem die Behandlung der nach Artikel 17 an den Bundestag gerichteten Bitten und Beschwerden obliegt.
[6] Nguyên văn: Am Ende der Wahlperiode des Bundestages gelten alle Vorlagen als erledigt.
[7] Xem thêm: Wolfgang Ismayr (auth.), Der Deutsche Bundestag im politischen System der Bundesrepublik Deutschland, VS Verlag für Sozialwissenschaften, 2001.
[8] Báo cáo Thường niên của Ủy ban Kiến nghị 2014 (https://web.archive.org/web/20141030121435/https://www.btg-bestellservice.de/pdf/20463100.pdf), xem từ trang.; Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2021.
[9] Xem: Wolfgang Ismayr (auth.), Der Deutsche Bundestag: Funktionen, Willensbildung, Reformansätze, VS Verlag für Sozialwissenschaften, 1992.
[10] Xem BVerfGE 77, 1 [44] – Neue Heimat.
[11] Xem BVerfGE 67, 100 [139] – Flick.
[12] xem BVerfGE 77, 1 [44] – Neue Heimat.
[13] Về cơ cấu tổ chức, các yếu tố chính trị chi phối, xem thêm: Friedhelm Schwarz, Das gekaufte Parlament - Die Lobby und ihr Bundestag-Piper, 1999.
[14] Về sáng quyền lập pháp, xem thêm: Klaus von Beyme (auth.), Der Gesetzgeber - Der Bundestag als Entscheidungszentrum, VS Verlag für Sozialwissenschaften, 1997.
 

(Nguồn tin: Số Chuyên đề "20 năm thành lập Ban dân nguyện - Xây dựng, phát triển và đổi mới" - TC NCLP. 2023)