Thứ Hai, 22 tháng 11, 2021

NHỮNG BẤT CẬP CỦA CHẾ ĐỊNH HỘI ĐỒNG BẦU CỬ QUỐC GIA VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN

Nguyễn Minh Tuấn

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14 (438), Tháng 7/2021


Tóm tắt: Sự ra đời của Hội đồng Bầu cử quốc gia  cho thấy các nhà lập hiến Việt Nam mong muốn khắc phục những hạn chế của công tác bầu cử, chuyên nghiệp hoá hoạt động tổ chức bầu cử thời gian tới. Hội đồng Bầu cử quốc gia ra đời cũng nhằm góp phần bảo đảm được tính khách quan trong chỉ đạo, điều hành, phần nào đảm bảo được tính chuyên nghiệp trong tổ chức công tác bầu cử. Tuy nhiên, chế định Hội đồng Bầu cử quốc gia theo pháp luật hiện hành còn có những khoảng trống, những bất cập xuất phát từ thực tế khách quan triển khai Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích, chỉ rõ những bất cập của chế định Hội đồng Bầu cử quốc gia và đưa ra quan điểm về phương hướng hoàn thiện chế định này. 
Từ khóa: Hội đồng Bầu cử quốc gia; Quốc hội; Hội đồng nhân dân.
Abstract: The establishment of the National Election Council shows that constitutional agency of Vietnam wish to overcome the shortcomings of election activity and professionalize the election arrangement activity in the coming time. The establishment of the National Election Council also aims to ensure objectivity in direction and administration, and to also ensure professionalism in the election activity. However, the National Election Council’s regulations under current law still have gaps and shortcomings stemming from the objective reality of enforcement of the Law on Election of deputies to the National Assembly and and deputies of People's Council of 2015. Within the scope of this article, the author focuses on analysis of and findings of shortcomings of the regulations on National Election Council and recommendations for further improvements of these provisions.
Keywords: National Election Council; National Assembly; People’s Council.
hdbcqg.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.Về địa vị pháp lý của Hội đồng Bầu cử quốc gia 
Ở Việt Nam, Hội đồng bầu cử quốc gia (HĐBCQG) được thành lập với nhiệm vụ chính là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu hội đồng nhân (HĐND) các cấp, nhằm mục đích bảo đảm cho việc bầu cử được diễn ra một cách công khai, minh bạch, dân chủ. Việc ra đời thiết chế này đã góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập của công tác bầu cử, đảm bảo sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và trách nhiệm cũng rõ ràng trong hoạt động bầu cử.
HĐBCQG trong chế độ bầu cử là một thiết chế quan trọng, bởi lẽ bầu cử là nền tảng của các nhà nước dân chủ pháp quyền. Việc thiết kế, thực thi chế độ bầu cử tiến bộ, phù hợp là công việc quan trọng hàng đầu của bất kỳ nhà nước dân chủ pháp quyền nào, trong đó Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ[1]. Tuy nhiên, liệu HĐBCQG đã có được vị trí pháp lý phù hợp hay chưa?
Theo Mạng lưới nghiên cứu về bầu cử ACE, một mạng lưới nghiên cứu về bầu cử hàng đầu thế giới[2], một cơ quan quản lý bầu cử (Electoral Management Body – EMB) là cơ quan được tổ chức, được lập ra nhằm mục đích và có trách nhiệm pháp lý trong việc quản lý một hoặc nhiều công việc cốt yếu trong các cuộc bầu cử (elections) và những hình thức dân chủ khác được pháp luật quy định như trưng cầu ý dân, lấy ý kiến công dân[3].
Nhiệm vụ của EMB bao gồm nhiều hoạt động, tuỳ thuộc vào mô hình khác nhau như mô hình độc lập (independent model), mô hình trực thuộc hành pháp (governmental model) hoặc mô hình hỗn hợp (mixed model)[4]. Tuy nhiên, dù là mô hình nào thì việc tổ chức, quản lý bầu cử cũng bao gồm các giai đoạn như thiết lập khuôn khổ pháp lý, lập kế hoạch và thực thi, giáo dục và đào tạo về bầu cử, lập danh sách ứng cử viên, tổ chức tranh cử, bỏ phiếu, xác nhận kế hoạch bầu cử và giai đoạn hậu bầu cử (Xem sơ đồ vòng tròn quy trình quản lý bầu cử dưới đây). Giai đoạn hậu bầu cử là giai đoạn không thể thiếu trong quy trình quản lý bầu cử. Ở giai đoạn này có nhiều việc phải làm bao gồm hoạt đồng bầu bổ sung đại biểu trong trường hợp khuyết đại biểu, xử lý tranh chấp bầu cử, theo dõi hoạt động của đại biểu, bãi miễn đại biểu, tổ chức nghiên cứu về bầu cử, hoàn thiện pháp luật về bầu cử v.v..
Untitled.NMTUAN_1.png
 
Ở Việt Nam, Điều 20 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) hiện hành quy định: “Hội đồng bầu cử quốc gia kết thúc nhiệm vụ sau khi đã trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu, bàn giao biên bản tổng kết và hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa mới”. Như vậy, nhiệm vụ của HĐBCQG chỉ giới hạn trong hoạt động trước và trong khi diễn ra bầu cử, không có giai đoạn hậu bầu cử.
Nếu hiểu đúng theo nghĩa là một Cơ quan quản lý bầu cử (EMB) theo tiêu chí ACE đưa ra, HĐBCQG phải được trao nhiều thẩm quyền hơn so với những quy định trong Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND hiện hành[5].
HĐBCQG phải là cơ quan hoạt động thường xuyên, vì việc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp không chỉ theo định kỳ mà còn tổ chức bầu cử cả trong trường hợp khuyết đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc bị bãi miễn. Hơn nữa, đây còn là cơ quan chuyên môn trong việc thúc đẩy, bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử và thực hiện luật bầu cử, với công việc lớn, cần tiến hành thường xuyên, liên tục[6].
Nếu xác định HĐBCQG là một cơ quan hiến định độc lập thì không thể coi đây là một thiết chế có tính chất vụ việc, khi hoàn thành xong việc bầu cử là chấm dứt nhiệm vụ. Việc sau bầu cử là việc rất quan trọng bao gồm giải quyết các công việc phát sinh liên quan đến các đại biểu trong suốt nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND các cấp.
Hơn nữa, mỗi đại biểu khi tham gia ứng cử đều phải có “chương trình, kế hoạch hành động rõ ràng”; do vậy phải làm rõ chế độ trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri sau bầu cử, giám sát chính sách đưa ra và việc thực thi chính sách đó ra sao sau khi được bầu. HĐBCQG cần phải là cơ quan tiến hành việc theo dõi người được bầu có thực hiện tốt lời hứa với cử tri hay không. Nếu hiểu bầu cử là sự lựa chọn, thì bất kỳ sự lựa chọn nào cũng có thể đúng hoặc không đúng. Bởi vậy, việc giám sát sau bầu cử là việc rất quan trọng. HĐBCQG cần phải được trao quyền giám sát trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri sau bầu cử. Muốn vậy, trước tiên cơ chế cử tri bãi nhiệm đại biểu khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân phải được xác lập rõ ràng[7].
2. Hội đồng Bầu cử quốc gia cần phải là cơ quan có trách nhiệm trong việc hạn chế những tiêu cưc, bất cập, thiếu thống nhất của hoạt động bầu cử hiện nay 
Về mối quan hệ công tác của HĐBCQG, khoản 2 Điều 18 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND quy định: “Hội đồng bầu cử quốc gia phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, hướng dẫn việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và vận động bầu cử”. Quy định này chưa thực sự làm rõ vị trí pháp lý cần thiết của HĐBCQG. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, HĐBCQG ra đời cần phải là một thiết chế có vai trò hạn chế tối đa những mặt tiêu cực của công tác bầu cử lâu nay.
Thực tế hiện nay, người tự ứng cử không biết khả năng mình có thể trở thành ứng cử viên chính thức hay không, vì kết quả của Hội nghị hiệp thương do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì mới có tính chất quyết định. Bản chất của hiệp thương là cơ cấu. Việc tiếp xúc giữa các ứng viên với cử tri nhìn chung còn nặng tính hình thức, có nơi khi mời cử tri tiếp xúc đại biểu, chỉ mời những người ăn ý với mình[8]. Trên thực tế, có người tự ứng cử sau khi lấy ý kiến tại nơi cư trú, tại nơi công tác nhận được tín nhiệm cao, nhưng khi Hội nghị hiệp thương lần thứ ba người đó lại không được lựa chọn, giới thiệu ứng cử[9]. Điều đó cho thấy người đủ tiêu chuẩn thì chưa chắc đã được cơ cấu, mà người được cơ cấu lại chưa chắc đã đủ tiêu chuẩn cao hơn. Từ đó có thể thấy “ý chí của hiệp thương” chưa chắc đã phản ánh ý chí của nhân dân. Trong trường hợp qua hiệp thương mà một danh sách bầu cử được lựa chọn ra không thể hiện ý chí thực sự của nhân dân, thì việc bầu cử tiếp theo sẽ không có nhiều ý nghĩa.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân, vì dân thì HĐBCQG cần phải có một vị thế độc lập, được trao quyền quyết định số lượng người ứng cử sau khi đã tổ chức hiệp thương. Trong trường hợp danh sách có nhiều ứng cử viên hoặc khi cần phải cân nhắc giữa vấn đề cơ cấu và tiêu chuẩn, thì HĐBCQG dựa trên những nguyên tắc chung của pháp luật bầu cử, sẽ quyết định số lượng phù hợp, để đảm bảo tính cạnh tranh, tính công bằng, tính khách quan và không bỏ sót những người xứng đáng do không được “cơ cấu” nên không được đưa vào danh sách bầu cử.
Về vấn đề cơ cấu, cần thay đổi tư duy, xoá bỏ cách hiểu cơ cấu một cách cứng nhắc. Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm cho rằng cần “cơ cấu” theo hướng tỷ lệ tối thiểu và tối đa số đại biểu, miễn sao có đại biểu đại diện là đạt yêu cầu[10].
3.Cơ cấu thành viên Hội đồng Bầu cử quốc giavà điều kiện, tiêu chuẩn thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia
Cơ cấu thành viên của HĐBCQG cần có sự đại diện đa dạng để tránh sự phụ thuộc của HĐBCQG vào một cơ quan nhà nước nào.Khoản 1 Điều 12 Luật bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm 2015 quy định: “Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập, có từ mười lăm đến hai mươi mốt thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên là đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số cơ quan, tổ chức hữu quan”.
Quy định trên chưa thể hiện rõ thành phần Hội đồng này có các chuyên gia, những nhà khoa học, người ngoài Đảng hay không? Tác giả bài viết cho rằng quy định cụ thể có sự tham gia của những chủ thể này sẽ đảm bảo tiêu chí trung lập, dân chủ, công bằng của một cuộc bầu cử, đồng thời cũng thể hiện rõ hơn tính chất dân chủ của Nhà nước ta.
Hơn nữa, với quy định hiện hành tại khoản 1 Điều 12 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm 2015, tiêu chuẩn của thành viên HĐBCQG chưa thực sự rõ ràng. Cần có quy định cụ thể về độ tuổi, trình độ, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm công tác, trình độ, có nghiệp vụ về bầu cử, có thực tiễn thời gian công tác thực tiễn liên quan đến pháp luật. Ngoài ra, để đảm bảo tính vô tư, khách quan, thành viên HĐBCQG không được là ứng viên trong bất kỳ cuộc bầu cử nào trước và sau đó[11].
Về chức danh Chủ tịch HĐBCQG, vì HĐBCQG là do Quốc hội thành lập, do đó UBTVQH cần giữ quyền đề nghị Quốc hội bầu Chủ tịch HĐBCQG. Đây là thẩm quyền thuộc về Quốc hội, không phải là quyền của Nguyên thủ quốc gia. Hơn nữa, Điều 13 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND cũng quy định “Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”. Như vậy, HĐBCQG không phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước. Do đó, HĐBCQG do Quốc hội thành lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội, UBTVQH, thì quyền đề nghị Quốc hội bầu phải thuộc về Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đảm bảo tính nhất quán[12].
4. Về các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Bầu cử quốc gia
Điều 14 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm 2015 quy định những nhiệm vụ, quyền hạn chung của Hội đồng Bầu cử quốc gia như sau: “1. Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; 2. Chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; 3. Chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; 4. Chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; 5. Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử; 6. Quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử”.
Như vậy, có thể thấy một số hướng dẫn về quy trình, cách thức tổ chức vận động bầu cử, quy trình xử lý đối với việc vi phạm về vận động bầu cử, về khiếu nại, tố cáo vẫn chưa được quy định rõ ràng[13].
Một trong những yếu tố quan trọng gia tăng chất lượng ĐBQH và ĐBHĐND là tính cạnh tranh trong vận động bầu cử và bảo đảm thực sự công bằng, khách quan, giám sát chặt chẽ để tránh tình gian lận trong bầu cử. HĐBCQG phải là thiết chế quan trọng được trao quyền, được tạo mọi điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền giám sát này.
Thực tế cho thấy, hiện nay số lượng người tự ứng cử rất thấp và số lượng người tự ứng cử được bầu thì còn thấp hơn rất nhiều. Sự vắng bóng của những người tự ứng cử có chất lượng có thể làm cho quá trình bầu cử không tạo ra sự cạnh tranh đúng đắn. Tác giả Nguyễn Đăng Dung cho rằng, quyền ứng cử trước hết phải được hiểu ở nghĩa tự ứng cử, sau mới có thể đến quyền đề cử. Quy trình tự ứng cử hiện nay đang tạo nên sự bất bình đẳng giữa người được đề cử và người tự ứng cử[14]. Chính vì sự bất cập này, cho nên cần phải mở rộng phạm vi lựa chọn cho cử tri bằng việc tăng số người tự ứng cử cho một đơn vị bầu cử, ngoài ra cần quy định cụ thể, chi tiết trình tự, thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự ứng cử, hướng tới tranh cử. HĐBCQG phải là cơ quan đóng góp quan trọng vào tiến trình này. Một cuộc bầu cử chân chính thì cử tri bỏ phiếu là bỏ phiếu cho “chính sách”, không phải giản đơn cho một con người cụ thể. Vì vậy, người ra tranh cử phải có chương trình hành động cụ thể để tranh cử. Chương trình hành động đó phải khả thi, phải đáp ứng được nhưng mong mỏi người dân và được cử tri giám sát thực hiện. Có như vậy mới tăng cường sự phụ thuộc của người được bầu với cử tri. Pháp luật bầu cử phải quy định rõ các hình thức vận động tranh cử, trên cơ sở đó HĐBCQG sẽ giám sát và xử lý những vi phạm trong quá trình vận động tranh cử này[15].
Chất lượng ĐBQH và ĐBHĐND cũng là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn ở giai đoạn hậu bầu cử. Thực tế hoạt động thời gian qua cho thấy một số Uỷ ban của Quốc hội, Ban của HĐND khi triệu tập rất khó khăn vì nhiều thành viên giữ các vị trí chủ chốt ở các tỉnh, thành phố không bố trí được thời gian[16]. Muốn có những ĐBQH và ĐBHĐND chuyên nghiệp thì họ trước tiên phải là những người không kiêm nhiệm quá nhiều vị trí, phải là những người thạo nghề (thạo giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, nắm vững các quy trình và thủ tục làm việc của Quốc hội...) và có điều kiện làm việc chuyên nghiệp (thu nhập cao, bộ máy giúp việc chuyên nghiệp, có nhiều đặc quyền của ĐBQH...)[17]. Tác giả cho rằng HĐBCQG sẽ là thiết chế giám sát hoạt động của các ĐBQH và ĐBHĐND để góp phần nâng cao chất lượng thực sự của đội ngũ này và cũng là chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.
5. Về tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia 
Về bộ máy giúp việc của HĐBCQG, Điều 19 Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm 2015 quy định rất chung chung như sau: 1. Hội đồng bầu cử quốc gia có bộ máy giúp việc do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định; 2. Hội đồng bầu cử quốc gia có quyền trưng tập cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để giúp việc cho Hội đồng bầu cử quốc gia”.
Thực tế, thời gian qua cho thấy, trong quá trình thực thi các nhiệm vụ và quyền hạn của mình, HĐBCQG còn có những hạn chế như: có trường hợp sau khi trúng cử phát hiện không đủ tư cách ĐBQH, vẫn xảy ra sai sót khi in ấn phiếu bầu dẫn đến phải huỷ bỏ kết quả bầu cử và phải tiến hành bầu cử lại; sơ suất trong việc kiểm soát số lượng phiếu phát ra, số phiếu thu vào, việc đóng dấu đã bỏ phiếu, vẫn còn có trường hợp bầu hộ, bầu thay. Việc hướng dẫn công tác bầu cử ĐBHĐND các cấp vẫn còn chậm trễ, biểu hiện như một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan trung ương chậm được ban hành, thiếu thống nhất; một số biểu mẫu thống kê có sự điều chỉnh, bổ sung chậm gây khó khăn, ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai, thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương[18]. Những hạn chế này cho thấy, còn có sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức, hoạt động của HĐBCQG, mà nguyên nhân có thể là do chưa chú trọng đúng mức công tác tập huấn bầu cử, nhất là đối với cán bộ, nhân viên tổ bầu cử về nghiệp vụ bầu cử[19].
Tác giả bài viết này cho rằng Bộ máy giúp việc của HĐBCQG phải được thiết lập với sự chú trọng đặc biệt về tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Việc tổ chức bầu cử là hoạt động chuyên môn, khác với hoạt động xác lập chính sách bầu cử là hoạt động mang tính chất chính trị. Trong bộ máy giúp việc hoàn toàn mang tính chuyên môn đó, người đứng đầu Ban thư ký và đứng đầu các bộ phận chức năng có vai trò rất quan trọng. Những vị trí này cần phải được lựa chọn và bổ nhiệm theo chế độ chuyên trách thì họ mới có thể gắn bó lâu dài với công việc[20].
HĐBCQG phải là thiết chế có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ các ĐBQHvà ĐBHĐND trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để gia tăng tính chuyên nghiệp trong hoạt động.
Tóm lại, việc hoàn thiện chế định HĐBCQG thực chất cũng là hướng tới bảo đảm tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo nguyên tắc bầu cử, đảm bảo kết quả bầu cử đúng đắn và trung thực, thể hiện ý chí của cử tri[21]. Đúng như điểm 3 Điều 21 Tuyên ngôn thế giới nhân quyền năm 1948 nêu rõ: “Ý chí của cử tri phải là cơ sở của quyền lực của nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương đương”. Dân chủ là xu thế của thời đại và bầu cử là công đoạn đầu tiên cho cả quá trình dân chủ này. Bầu cử tạo ra sự chính danh, tạo nên sự thay đổi chính quyền trong xã hội dân chủ[22]. Đổi mới chế định HĐBCQG theo hướng gia tăng vị thế độc lập của chế định này, trao quyền nhiều hơn để hạn chế những bất cập, thiếu thống nhất, đổi mới cơ cấu, cơ quan giúp việc của HĐBCQG là một bước quan trọng trong tiến trình tạo nên chế độ bầu cử công bằng, chân thực, quyết định vận mệnh, tương lai của một đất nước, cũng như toàn bộ hoạt động xã hội./.
 

 


[1] Vũ Văn Nhiêm, Vai trò của bầu cử trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 2/2012, tr.11-25.
[2] The ACE Electoral Knowledge Network (gọi tắt là ACE) là một dự án thông tin về bầu cử lớn trên thế giới được thành lập năm 1998, https://aceproject.org/about-en/.
[3] Theo định nghĩa của ACE Electoral Knowledge Network, https://aceproject.org/ace-en/topics/em/ema/ema01, truy cập gần nhất ngày 14/5/2021.
[4] Tìm hiểu thêm về các mô hình này: Vũ Công Giao, Cơ quan bầu cử quốc gia trên thế giới và việc hiến định cơ quan này trong Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 của Việt Nam, trong cuốn sách “Các thiết chế Hiến định độc lập kinh nghiệm quốc tế và triển vọng ở Việt Nam”, Viện chính sách công và pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr.102.
[5] Vũ Công Giao, Cơ quan bầu cử quốc gia trên thế giới và việc hiến định cơ quan này trong Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 của Việt Nam, Tlđd, tr.102.
[6] Ngô Đức Mạnh, Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia và việc sửa đổi Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 18 (274), T9/2014, tr. 27.
[7] Thái Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Cơ quan hiến định độc lập theo Hiến pháp năm 2013 và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 5 (338)/2020, tr. 58.
[8] Phan Xuân Sơn (Chủ biên), Các đoàn thể nhân dân với việc bảo đảm dân chủ ở cơ sở hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2003, tr. 238.
[9] Chẳng hạn, trường hợp ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam bị loại khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV của Tp. Hà Nội dù được tín nhiệm cao trong nhân dân.
[10] Mai Thị Minh Ngọc, Tác động của hiệp thương tới các cuộc bầu cử ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2017, tr.12-17.
[11] Xem thêm: Thái Doãn Thành, Hội đồng bầu cử quốc gia – thiết chế góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, Tạp chí Nghề luật, số 4/2019, tr.5.
[12] Thái Doãn Thành, Hội đồng bầu cử quốc gia – thiết chế góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, Tlđd, tr.6.
[13] Nguyễn Thị Kim Anh, Hội đồng bầu cử quốc gia theo pháp luật Việt Nam, Tlđd, tr. 42.
[14] Nguyễn Đăng Dung, Bầu cử và tự ứng cử, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 08 (312), T4/2016, tr.3-7.
[15] Nguyễn Minh Tuấn, Đi ngược lợi ích của dân phải quyết bãi nhiệmhttps://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/di-nguoc-loi-ich-cua-dan-phai-quyet-bai-nhiem-231132.html, truy cập gần nhất ngày 11/5/2021.
[16] Tạ Thị Yên, Cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22 (396), T11/2019, tr.19.
[17] Nguyễn Minh Tuấn, Một Quốc hội lập pháp, Tạp chí Tia sáng, https://tiasang.com.vn/-dien-dan/mot-quoc-hoi-lap-phap-7434, truy cập gần nhất ngày 11/5/2021.
[18] Nguyễn Thị Kim Anh, Hội đồng bầu cử quốc gia theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 260 (92017), tr. 42.
[19] Nguyễn Thị Kim Anh, Hội đồng bầu cử quốc gia theo pháp luật Việt Nam, Tlđd, tr. 42-43.
[20] Vũ Công Giao, Thiết kế bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử Quốc gia theo Hiến pháp năm 2013, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 11/2014, tr. 15-21.
[21] Thái Vĩnh Thắng, Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Tap chí Tổ chức nhà nước, số 4/2016, tr. 5.
[22] Nguyễn Đăng Dung, Vai trò của bầu cử, Tạp chí khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Luật học, Tập 34, số 1 (2018), tr.13-30.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14 (438), tháng 7/2021.)