Thứ Tư, 9 tháng 3, 2022

 

BÀN VỀ ÁN LỆ VÀ VIỆC ÁP DỤNG ÁN LỆ Ở VIỆT NAM   

Nguyễn Minh Tuấn

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, Số 1 (449), tháng 1/2022

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình chuyển đổi số, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề tư duy, nhận thức trong xây dựng và phát triển án lệ. Mặc dù thời gian vừa qua, nhiều án lệ đã được công bố, nhưng việc nhận thức về án lệ, cũng như việc áp dụng án lệ trên thực tế ở nước ta còn rất nhiều bất cập. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích, làm rõ án lệ và vai trò của án lệ trên thực tếở Việt Nam; những bất cập trong thực tiễn áp dụng án lệ ở Việt Nam và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng án lệ ở Việt Nam.
Từ khóa: Án lệ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam, tòa án, nguồn pháp luật.

1. Án lệ và vai trò của án lệ trên thực tế ở Việt Nam
Theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam, trong trường hợp không có văn bản quy phạm pháp luật, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng. Cụ thể, Điều 6 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định:
 “1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.
Điều 1 Nghị quyết số 03/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ quy định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
Như vậy, ở Việt Nam, án lệ được vận dụng để giải quyết vụ việc dân sự khi không có văn bản pháp luật cũng như các loại nguồn khác điều chỉnh. Bên cạnh đó, án lệ ở Việt Nam không phải là toàn bộ bản án, quyết định của Toà án mà chỉ là “những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Đó là những nội dung trong bản án quyết định của Toà án chứa đựng những lập luận để giải thích những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể. Theo tiếng La Tinh tương ứng mỗi án lệ có hai phần là “Ratio decidendi” (phần lý do để đưa ra quyết định, phần có ý nghĩa bắt buộc) và “Obiter dicta” (phần giải thích thêm, phần có ý nghĩa tham khảo). Điều này có nghĩa là, khi áp dụng án lệ, thẩm phán cần tuân thủ trước hết là phần “Ratio decidendi” và sau đó là là phần “Obiter dicta”, chứ không phải là toàn bộ bản án, quyết định[1].
Ở Việt Nam, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết để hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC là một văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ như Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng Thẩm phán TANDTC ngày 18/6/2019 (Nghị quyết số 04).
Theo quy định của Điều 2 Nghị quyết số 04, án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây: Một là, có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể. Hai là, có tính chuẩn mực. Ba là, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Việc thừa nhận án lệ, đưa ra các tiêu chí lựa chọn án lệ là phù hợp với quy định của Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 về việc Toà án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Theo quy định của Điều 8 Nghị quyết số 04, án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố; khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau; trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án; trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.
Ở Việt Nam, bản án, quyết định của bất kỳ Toà án nào cũng có thể trở thành án lệ khi nó thoả mãn được tất cả những tiêu chí cũng như được lựa chọn, công bố theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Sự phát triển án lệ đóng vai trò bổ trợ chứ không xâm phạm hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật.
Việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự trong thời gian vừa qua cho thấy những ưu điểm cơ bản như sau:
   Thứ nhất, án lệ chứa đựng quy tắc pháp lý mới, giải pháp pháp lý mới, giải thích những điểm chưa rõ trong các quy phạm pháp luật giúp khắc phục những nhược điểm trong quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Thực tế cho thấy, luật thành văn dù được xây dựng cẩn thận và kỹ lưỡng đến đâu cũng không thể dự đoán được hết những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai và luôn có những khoảng trống, lỗ hổng, đặc biệt trong lĩnh vực dân sự. Vì vậy, án lệ góp phần bổ sung giúp cho luật thành văn gắn liền với thực tiễn.
Thứ hai, vai trò của án lệ trong hoạt động phát triển pháp luật. Án lệ là sản phẩm của hoạt động xét xử, do toà án tạo lập trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể, được Nhà nước thừa nhận như khuôn mẫu để giải quyết những vụ việc tương tự về sau. Việc thừa nhận và áp dụng án lệ góp phần lấp “những lỗ hổng” của pháp luật và qua đó có sự phát triển của pháp luật.
Thứ ba,án lệ góp phần bảo đảm thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dânvà góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Qua hoạt động lấp “những lỗ hổng” của pháp luật, việc áp dụng án lệ trên thực tế góp phần bảo đảm thực hiện, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.Công dân sẽ không phải gánh chịu bất lợi hay lo sợ vì không có quy phạm pháp luật điều chỉnh khi tham gia vào quan hệ dân sự hợp pháp. Xây dựng án lệ còn là hoạt động nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, mà hoàn thiện hệ thống pháp luật đang là một trong những tiêu chí quan trọng cho việc hướng tới xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đây là đóng góp to lớn trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền với quan điểm tất cả vì con người và hướng tới con người.
2. Những bất cập trong thực tiễn áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay
Qua một thời gian thực hiện, hiện nay vẫn tồn tại những bất cập trong nhận thức về án lệ và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng án lệ ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, số lượng án lệ ở Việt Nam chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xét xử. Hiện nay, chúng ta chỉ có 43 án lệ đã được công bố[2], con số này còn quá khiêm tốn so với số lượng bản án, quyết định hàng năm của TAND các cấp đã công bố (763.343 bản án)[3]. Số lượng án lệ quá ít là khó khăn không nhỏ trong việc giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Không những vậy, số lượng án lệ được công bố cũng chỉ tập trung vào lĩnh vực luật dân sự và luật kinh doanh, thương mại chiếm đến 35 án lệ, các lĩnh vực pháp luật khác chiếm số lượng rất ít, cụ thể lĩnh vực luật hình sự chiếm 6 án lệ, lĩnh vực luật hành chính chỉ có 2 án lệ. Do là chế định mới, một số Tòa án chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ nên còn chậm trễ trong việc gửi báo cáo kết quả rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ về Tòa án nhân dân tối cao.
Thứ hai, cách thức viện dẫn án lệ trong các bản án, quyết định của Toà án chưa được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Đa số các thẩm phán viện dẫn án lệ trong phần nhận định của bản án, quyết định. Tuy nhiên, một số Thẩm phán còn viện dẫn án lệ trong phần quyết định của bản án, quyết định. Có tình trạng thẩm phán giải quyết vụ án theo đường lối xét xử trong án lệ nhưng không viện dẫn đến án lệ trong bản án, quyết định của mình[4].
Thứ ba, hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP vẫn còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc áp dụng. Khoản 2 Điều 8 hướng dẫn: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”. Điều khoản này không có hướng dẫn cụ thể thuật ngữ “tình huống pháp lý tương tự” được hiểu ra sao? Vì chưa có sự hướng dẫn rõ ràng nên các thẩm phán còn lúng túng khi vận dụng. Việc áp dụng “tình huống pháp lý tương tự” còn mang nhiều ý chí chủ quan của thẩm phán. Cũng tại khoản 2 Điều 8 quy định về “Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án” còn chung chung, chưa thể hiện rõ trường hợp nào thì phải áp dụng án lệ, trường hợp nào thì không áp dụng án lệ; trường hợp Thẩm phán đã viện dẫn cụ thể các quy định của pháp luật là căn cứ để giải quyết vụ án thì có nhất thiết phải áp dụng, viện dẫn án lệ không.
Thứ tư, hiệu lực pháp lý của án lệ còn thấp so với các loại nguồn pháp luật khác gây ra khó khăn trong áp dụng án lệ. Về nguyên tắc, án lệ được áp dụng khi không có văn bản quy phạm pháp luật, không có tập quán và không thể áp dụng tương tự pháp luật. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự. Trường hợp không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, trường hợp vụ án vừa có tập quán, vừa có án lệ thì Hội đồng xét xử có bắt buộc phải viện dẫn án lệ hay không? Mặt khác, xét thứ tự thì án lệ được xếp sau áp dụng tương tự pháp luật nhưng khi một vụ việc đã có án lệ nghĩa là đã có giải pháp pháp lý rõ ràng thì có cần thiết phải áp dụng tương tự pháp luật hay không? Nếu áp dụng tương tự pháp luật thì án lệ sẽ mất đi vai trò và giá trị của nó. Đây cũng là khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật[5].
Thứ năm, Toà án hiện nay vẫn chưa có thẩm quyền giải thích pháp luật một cách chính thức. Hiến pháp chưa trao quyền chính thức cho Tòa án quyền giải thích pháp luật. Thực tế, khi áp dụng pháp luật, sau khi lựa chọn được quy phạm pháp luật, Tòa án với tính chất là chủ thể tiến hành áp dụng pháp luật phải phân tích, giải thích nội dung, ý nghĩa của chúng để chứng tỏ rằng quy phạm được lựa chọn là phù hợp nhất, đồng thời nội dung quyết định áp dụng pháp luật do mình ban hành là hoàn toàn phù hợp với nội dung, tư tưởng, tinh thần của quy phạm pháp luật được lựa chọn. Đây chính là sự giải thích chính thức. Tuy nhiên, lời giải thích này chỉ mang tính cụ thể, nghĩa là lời giải thích chỉ có ý nghĩa trong chính vụ việc đó, nó không được áp dụng để giải quyết cho vụ việc khác.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng án lệ ở Việt Nam
Xuất phát từ những bất cập trong nhận thức về án lệ và vướng mắc trong thực tiễn áp dụng về án lệ trong thời gian vừa qua, để nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng án lệ ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam và hội nhập quốc tế, chúng ta cần thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Thứ nhất, trao quyền nhiều hơn cho Tòa án.
Tư pháp trong Nhà nước pháp quyền phải mạnh, phải độc lập. Muốn vậy, Tòa án phải được trao quyền nhiều hơn. Chúng tôi cho rằng trong tương lai cần cụ thể hóa Điều 119 về cơ chế bảo hiến, trao thẩm quyền này cho Tòa án, đồng thời trao quyền giải thích Hiến pháp và pháp luật chính thức cho Tòa án. Tòa án có mạnh, có độc lập thì mới có thể bảo vệ đươc quyền con người, quyền công dân. Tiếp đó, cần cụ thể hóa những điều kiện, cách thức, quy trình, thủ tục giải thích Hiến pháp và pháp luật của Tòa án. Những thẩm quyền này được trao cho Tòa án, cùng với thẩm quyền xây dựng và áp dụng án lệ sẽ thành thế kiềng ba chân, tạo ra một nền tư pháp vững mạnh.
Thứ hai, án lệ cần có hiệu lực pháp lý cao hơn tập quán.
Những án lệ thời gian qua được công bố cho thấy, nhiều giá trị tích cực, trong đó quan trọng nhất là tính cụ thể, rõ ràng, dễ áp dụng. Án lệ có nhiều ưu điểm hơn so với tập quán. Tập quán thường thiếu cụ thể và khó xác định hơn so với án lệ, ngoài ra khi áp dụng tập quán chủ thể áp dụng phải có nghĩa vụ chứng minh sự tồn tại thực sự của tập quán đó. Việc chứng minh này thực tế không dễ dàng. Do vậy, chúng tôi đề xuất cần sửa đổi Điều 5, Điều 6 của Bộ luật Dân sự năm 2015 theo hướng án lệ được ưu tiên áp dụng trước các loại nguồn khác như tập quán và áp dụng pháp luật tương tự.
Thứ ba, cần thống nhất cách hiểu về “tình huống pháp lý tương tự”.
Việc xác định tình huống pháp lý tương tự cần được áp dụng một cách cụ thể, chặt chẽ và có sự hướng dẫn cần thiết. Về điều này, chúng ta có thể học hỏi theo việc áp dụng án lệ của Anh. Nguyên tắc xương sống cho sự tồn tại và phát triển của án lệ ở Anh là Nguyên tắc tiền lệ pháp (stare decisis), có nghĩa là: Hai vụ việc với các tình tiết chính tương tự như nhau sẽ được xét xử như nhau. Đê áp dụng được nguyên tắc này, thẩm phán phải xác định được đâu là tình tiết chính và thế nào là “tương tự”. Để giải quyết được vấn đề này, Tòa án cần có sự giải thích hợp lý bằng những văn bản có giá trị nguyên tắc, là kim chỉ nam cho hoạt động áp dụng chung của thẩm phán.
Thứ tư, việc xây dựng án lệ cần đảm bảo có tính hệ thống.
Trong những năm gần đây, án lệ nhận được sự quan tâm không nhỏ, do vậy số lượng án lệ cũng được tăng lên nhanh. Qua quá trình xét xử, số lượng án lệ sẽ ngày càng gia tăng, để dễ dàng cho việc tìm kiếm thì ngay từ đầu phải có sự sắp xếp và lưu trữ một cách khoa học các bản án. Có rất nhiều cách để hệ thống lại các bản án lệ lưu trữ theo thời gian xét xử, theo cấp toà, theo loại vụ việc. Tuy nhiên, tác giả đề xuất việc xây dựng án lệ nên phát triển theo giá trị của án lệ thành: Án lệ để áp dụng, án lệ để giải thích luật; ngoài ra còn có thể xây dựng các bản án mẫu để thẩm phán có thể tham khảo.
Giá trị đầu tiên của án lệ là, để áp dụng, lẽ dĩ nhiên, án lệ bổ sung những khiếm khuyết của pháp luật, án lệ có đóng góp rất lớn vào việc tạo nguồn quy phạm cho pháp luật. Trong thực tiễn xét xử hàng ngày, Thẩm phán “gợi ý” cho nhà làm luật về những khiếm khuyết hay những điểm chưa phù hợp của pháp luật, từ đó đề suất các quy phạm mới cần ban hành. Trong xây dựng hệ thống án lệ để áp dụng, án lệ đáp ứng được vai trò tất yếu của mình, đảm bảo đường lối của TANDTC theo Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ: khi xét xử thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.
Giá trị thứ hai của án lệ là dùng để giải thích pháp luật. Pháp luật được sinh ra để điều chỉnh hoạt động của con người trong mọi mặt của đời sống, nhưng sự phát triển của kinh tế - chính trị - xã hội hết sức đa dạng và pháp luật luôn lỗi thời hơn sự phát triển này một bậc. Do đó, những trường hợp pháp luật quy định không rõ ràng, pháp luật quy định một cách vô lý hay đã bị lạc hậu so với tình hình thực tế mà nhà lập pháp chưa có điều kiện hay vì một lý do nào đó chưa thay thế bằng một quy định mới thì cần có những cách giải thích luật một cách hợp lý. Đây là vai trò giải thích luật của Tòa án thông qua việc xây dựng án lệ.
Ngoài ra, chúng ta có thể xây dựng các bản án mẫu. Án mẫu là những bản án được xây dựng trên những cơ sở pháp luật hết sức chặt chẽ mà trong những tình huống như vậy, khó có thể đưa ra phán quyết khác được. Do đó, khi có những tình huống tương tự bắt buộc tòa án phải đưa ra các phán quyết tương tự như án mẫu. Một điểm cần lưu ý là, khi bản án được coi là án mẫu thì Toà án tối cao sẽ chuyển tải đến các Toà án cấp dưới để làm nguồn tham khảo và các Toà án cấp dưới coi đó là những “khuôn mẫu” để xét xử những vụ án tương tự.
Thứ năm, nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án thông qua việc tích cực công bố các kết quả nghiên cứu về án lệ và đào tạo thẩm phán.
Lâu nay ta chỉ quan tâm một chiều đến việc đưa án lệ vào giảng dạy trong các cơ sở đào tạo. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Chúng tôi cho rằng, ngoài việc đưa án lệ vào giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, thì chính những cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu cần tích cực đưa các kết quả nghiên cứu của mình về án lệ để phục vụ cho ngành Tòa án. Những nghiên cứu về kinh nghiệm nước ngoài, những bình luận về các án lệ đã công bố, những nghiên cứu về định hướng, chiến lược phát triển ngành Tòa án v.v… sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, giúp hoạt động xét xử đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, cũng như giúp hoạt động đào tạo không xa rời thực tiễn, thoát ly thực tiễn.
Thẩm phán giữ vai trò hết sức quan trọng, đòi hỏi các thẩm phán phải là những người có năng lực chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm với khả năng sáng tạo, độc lập, dám chịu trách nhiệm. Để có được những án lệ có giá trị thì đòi hỏi các thẩm phán phải thực sự có trình độ cao, có khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra các phán quyết có chất lượng tốt, từ đó mới có thể xây dựng nên các án lệ có chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế đội ngũ thẩm phán ở Việt Nam hiện nay còn mỏng, chưa thực sự đồng bộ về năng lực và trình độ chuyên môn, vẫn còn một bộ phận cán bộ, Thẩm phán còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác chưa cao, nên ảnh hưởng tới hiệu quả công tác; cá biệt còn có những cán bộ, Thẩm phán có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm trí bị truy cứu trách nhiệm hình sự[6]. Trong năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được tổng số 58 đơn tố cáo đối với cán bộ, công chức. Ngoài ra, còn có một số đơn nặc danh hoặc mạo danh và theo quy định của pháp luật không phải xem xét, giải quyết. Qua phân loại, xử lý có 42 đơn đủ điều kiện thụ lý để xem xét, giải quyết 16 đơn không đủ điều kiện thụ lý gồm: 05 đơn tố cáo trùng lặp, 05 đơn là đơn tố cáo nhưng có nội dung khiếu nại về tố tụng, 04 đơn nặc danh, 02 đơn lưu theo dõi[7]. Để áp dụng án lệ một cách linh hoạt và đúng quy chế, chúng ta cần xây dựng một mô hình đào tạo Thẩm phán thích hợp, bảo đảm các Thẩm phán có đủ tâm, đủ tầm. Bên cạnh đó, từng bước kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán nhằm bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử.
 Tóm lại, xây dựng án lệ và áp dụng án lệ là nhu cầu tất yếu trong hoạt động áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Tuy đã có những văn bản hướng dẫn sơ khai từ Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010, nhưng đến năm 2016, nước ta mới có những án lệ đầu tiên. Do thời gian áp dụng án lệ còn ngắn, nên việc áp dụng án lệ vẫn còn nhiều mới mẻ và gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục những hạn chế, bất cập, cần trao quyền nhiều hơn cho Tòa án, quan niệm lại về nguồn án lệ trong hệ thống các loại nguồn pháp luật, cụ thể hóa và đồng bộ hóa những quy định còn chưa rõ về án lệ và tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án thông qua việc đào tạo thẩm phán, tích cực công bố các kết quả nghiên cứu về án lệ, phục vụ cho ngành Tòa án./. 
 
[1] Nguyễn Bá Bình (Chủ biên), Án lệ và sử dụng án lệ trong đào tạo luật ở Việt Nam hiện nay (Sách chuyên khảo), Nxb. Tư pháp, Hà nội, 2019, tr. 14-19.
[2] Theo số liệu cập nhật tháng 11/2021 có 43 án lệ đã được công bố trên website: http://anle.toaan.gov.vn, truy cập gần nhất ngày 9/11/2021.
[3] Theo số liệu cập nhật tháng 11/2021 có 763.343 bản án đã được công bố trên website: http://congbobanan.toaan.gov.vn, truy cập gần nhất ngày 9/11/2021.
[4] Học viện Toà án (2018), Giáo trình Những vấn đề chung về nghề thẩm phán, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.352.
[5] Áp dụng án lệ trong xét xử các vụ án dân sự từ thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, https://tapchitoaan.vn, truy cập ngày 19/11/2020.
[6] Trích Báo cáo số 11/BC-TA của Tòa án nhân dân tối cao ngày 20/3/2013 về việc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
[7] Trích Báo cáo số 45/BC-TA của Chánh án tòa án nhân dân tối cao ngày 09/10/2020 về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của tòa án nhân dân năm 2020.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (449), tháng 01/2022.)