Nguyễn Minh Tuấn
Hiện
nay, ở Việt Nam có rất nhiều tài liệu khác nhau giới thiệu về vấn đề "hình thức nhà nước".
Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau nên nhiều cuốn sách, kể cả giáo trình Lý luận về nhà nước hiện nay cũng chưa thể hiện hoặc thể hiện nhưng chưa thực sự đầy đủ, toàn diện những tiêu chí phân chia, cũng như những biểu hiện đa dạng về hình
thức nhà nước đương đại. Có thể nói hình thức nhà nước là một nội dung quan trọng trong hệ thống các kiến thức cơ bản về lý luận nhà nước. Hình thức nhà nước trên thế giới rất đa dạng, phức tạp và liên tục có sự biến đổi không ngừng. Để giúp học viên có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn, trong bài viết dưới đây, tác giả chia sẻ những thông tin về các cách quan niệm, cũng như sự đa dạng của những hình thức nhà nước đương đại trên thế giới.
Theo cách hiểu
chung nhất, hình thức nhà nước (Forms of state/Staatsformen) là cách thức tổ chức
quyền lực nhà nước, qua đó khai báo thông tin, ai là chủ thể nắm quyền lực
trong nhà nước và quyền lực đó được tổ chức thực thi như thế nào.
Cách phân chia hình thức nhà nước hiện nay thường dựa trên ba cách:
“1. Theo tiêu chí chủ
thể nắm quyền lực nhà nước;
2. Theo cách thức mà người đứng đầu nhà nước
(Staatsoberhaupt) được thành lập bằng cách nào;
3. Theo cấu trúc bên trong và liên kết bên
ngoài nhà nước.
I. Theo tiêu chí chủ thể nắm quyền lực nhà nước (Träger der Staatsgewalt)
Nhà tư tưởng Aristoteles (384–322 TCN) cho rằng tương
ứng với văn hóa truyền thống, hoàn cảnh lịch sử và mức độ cần thiết của từng dân tộc,
mà mỗi nơi sẽ lựa chọn hình thức nhà nước phù hợp. Từ lý do này, Aristoteles đã
căn cứ vào tiêu chí chủ thể nắm quyền lực nhà nước mà phân chia thành ba hình
thức: Độc tài (Monarchie), quí tộc (Aristokratie) và dân chủ (Demokratie). Theo đó hình thức độc tài (Monokratie)
là hình thức mà quyền lực nằm trong tay một người (Herrschaft eines Einzelnen).
Quí tộc (Aristokratie) là hình thức mà quyền
lực thực chất nằm trong tay một nhóm những người quý tộc (Herrschaft der Besten als Elite). Dân chủ
(Demokratie) là hình thức mà quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ có thể được
thực hiện bằng hai hình thức: Dân chủ trực tiếp (Trưng cầu dân ý
[Volksabstimmung], Lấy ý kiến nhân dân [Volksbefragung]…) và Dân chủ gián tiếp
(chế độ nghị viện hay tổng thống [palamentarische und präsidiale).
II. Theo cách thức mà người đứng đầu nhà nước
(Staatsoberhaupt) được lập ra
Nhà tư tưởng Machiavelli (1469-1527) phân chia
hình thức nhà nước theo cách thức mà người đứng đầu nhà nước (president of the state/ Staatsoberhaupt)
được lập nên. Ông phân chia thành: Nhà nước Cộng hòa (Republik),
tức người đứng đầu nhà nước qua bầu cử và Nhà nước quân chủ (Monarchie), tức người
đứng đầu nhà nước qua cha truyền con nối.
Trong hình thức quân chủ, ông cũng
phân chia thành 2 dạng là: Quân chủ tuyệt đối (absolute Monarchie) và Quân chủ hạn
chế (konstitutionelle Monarchie). Như vậy căn cứ vào tiêu chí người đứng đầu nhà nước được thành lập bằng cách thức nào, có thể xác định được hình thức chính thể của nhà nước đó thuộc loại nào.
Chính
thể quân chủ tuyệt đối là mô hình tổ chức
Nhà nước tiêu biểu của xã hội phong kiến. Quyền lực về cơ bản là nằm trong tay một người là nhà vua. Thí dụ: Trung Quốc, Việt nam, Nhật Bản thời trung đại.
Quân chủ hạn chế là mô hình tiến
bộ hơn. Quyền lực của nhà Vua bị hạn chế, nhường quyền lực
cho các thiết chế khác của Nhà nước (Quốc hội, Nghị viện, Chính phủ). Hiến pháp
là văn bản thể hiện sự hạn chế này. Một trong những mô
hình phổ biến hiện nay của quân chủ hạn chế là quân chủ đại nghị.
Thí dụ: Anh, Bỉ, Đan Mạch,
Canada, Tây Ban Nha, Luxemburg, Nhật Bản, New Zealand... Nhiều nước như Na-uy,
Thụy điển, Đan Mạch...còn cho phép truyền ngôi cho cả con gái.
Đặc biệt, hiện nay
còn xuất hiện nhiều nhà nước quân chủ hạn chế mà nhà vua được hình thành bằng
phương thức bầu cử (elective monarchy/Wahlmonarchie).
Thí dụ: Malaysia, Campuchia,
Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và nhà nước Vatican. Campuchia từ khi có Hiến pháp mới năm
1993, thiết lập trở lại chế độ Quân chủ lập hiến, nhà vua được bầu. Malaysia cũng
vậy, nhà vua hình thành do bầu cử, 5 năm một nhiệm kỳ. Ở các Tiểu vương quốc Ả-rập
thống nhất, Quốc vương được bầu từ 7 Tiểu vương quốc. Tương tự, ở nhà nước Vatican, giáo hoàng đồng thời là
nguyên thủ quốc gia. Giáo hoàng được hình thành bằng phương thức bầu cử. Giáo
hoàng trị vị suốt đời và vị trí này chấm dứt khi Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức.
Hình thức nhà nước Vatican hiện nay có thể tạm gọi là hình thức "quân chủ bầu cử" (Wahlmonarchie).
Trong chính thể cộng hoà, nguyên
thủ quốc gia là do bầu cử. Mô thức tổ chức Nhà nước theo chính thể cộng hoà
thường chia làm ba loại: Cộng hoà đại nghị, Cộng hoà Tổng thống và Cộng hòa lưỡng
tính.
Chính thể cộng hoà đại nghị
là chính thể được tổ chức ở những nhà nước có
nguyên thủ quốc gia do Nghị viện bầu ra, Chính phủ do thủ tướng đứng đầu không
chịu trách nhiệm trước nguyên thủ quốc gia, mà chịu trách nhiệm trước Nghị viện.
Nguyên thủ quốc gia được Hiến pháp quy định rất nhiều quyền hạn, nhưng trên thực
tế không trực tiếp tham gia vào việc giải quyết các công việc của nhà nước.
Đa số các chính thể cộng hoà ở Châu Âu là cộng hoà đại nghị.
Thí dụ: CHLB Đức (từ 1949), Áo (từ 1955), Cộng
hòa Séc (từ 1993), Đông Timor (1999), Hungary (1990), Ấn Độ (1950), Italia (từ
1948), Ba Lan (1990), Bồ Đào Nha (1976), Singapore (1965), Thổ Nhĩ Kỳ (từ
1923), Cộng hòa Nam Phi (từ 1961)…
|
Chính thể Cộng hòa đại nghị |
Cộng
hoà tổng thống là một loại mô
hình chính thể Nhà nước phổ biến thứ hai, mà ở đó hành pháp và lập pháp không
chịu trách nhiệm lẫn nhau. Lập pháp cũng do dân bầu và hành pháp cũng do dân bầu.
Với cách thức tổ chức này, Nguyên thủ quốc gia không những là người đứng đầu
Nhà nước mà còn đứng đầu hành pháp. Trên thực tế quyền lực của Tổng thống
(Nguyên thủ quốc gia) giống như một ông Vua, nhưng không do thế tập truyền ngôi
mà do bầu cử. Thí dụ: Nhiều
nước hiện nay theo chế độ Cộng hòa Tổng thống như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Uruguay, Brazil,
Afghanistan, Colombia, Indonesia, Iran, Chile, Paraguay, Venezuela, Mexico,
Nigeria, Philippines… Chính thể của Mỹ là điển hình cho loại hình chính thể này.
|
Chính thể Cộng hòa Tổng thống |
Ngoài ra, có một mô hình chính thể kết hợp những
đặc điểm của cộng hoà Tổng thống và cộng hoà đại nghị, được gọi là Cộng hoà lưỡng tính. Chính thể này có những
đặc điểm như: Tổng thống do dân bầu (trực tiếp hoặc gián tiếp); Tổng thống vừa
là nguyên thủ quốc gia vừa là người lãnh đạo nội các; Nội các do Thủ tướng đứng
đầu, do Nghị viện thành lập, vừa chịu trách nhiệm trước Nghị viện vừa chịu
trách nhiệm trước Tổng thống; Tổng thống có quyền giải tán Nghị viện. Chính thể ở
Pháp, và Nga là điển hình cho loại hình cộng hoà lưỡng tính.
|
Chính thể Cộng hòa lưỡng tính (Cộng hòa hỗn hợp) |
Ở Việt Nam, theo Hiến pháp năm 1946 và Hiến
pháp 1959, chính thể của Nhà nước ta là Việt nam Dân chủ Cộng hoà. Tuy nhiên, đến Hiến pháp 1959, Nguyên thủ quốc gia (Chủ tịch nước) không còn trực tiếp là
người đứng đầu nhà nước và là người trực tiếp điều hành bộ máy hành pháp nữa,
mà nghiêng về chức năng tượng trưng cho sự bền vững, thống nhất của dân tộc. Chính
thể của Nhà nước Việt Nam của Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 là Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa, được
xây dựng, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
III. Theo cấu trúc bên trong và liên kết bên ngoài nhà
nước
Các nhà luật học
hiện đại hiện nay còn căn cứ vào cấu trúc bên trong của nhà nước và liên kết
bên ngoài nhà nước, mà phân chia thành:
- Bên trong nhà nước theo luật hiến
pháp gồm:
+ Nhà nước đơn nhất (unitary state/ Einheitstaat) và
+ Nhà nước liên bang (federal state/ Bundesstaat);
- Bên ngoài nhà nước (Theo luật quốc tế) gồm:
+ Liên minh nhà nước (Confederation/ Staatenbund),
+ Các tổ chức quốc tế (international Organizations/ Internationale Organisationen)
+ Các tổ chức siêu quốc gia
(supranational Organisations/ Supranationale Organisationen)
+ Liên minh giữa các cá nhân (personal union/ Personalunion)
+ Liên
minh thực tế (real union/ Realunion) và
+ Chế độ bảo hộ (protectorate/Protektorat).
1. Bên
trong nhà nước (theo Luật hiến pháp)
Hiến pháp của mỗi
quốc gia sẽ xác định rõ nhà nước đó là nhà nước đơn nhất hay nhà nước liên
bang.
a. Nhà nước đơn nhất (unitary state/Einheitsstaat)
Nhà nước đơn nhất
(unitary state) là nhà nước có lãnh
thổ toàn vẹn, thống nhất, có hệ thống các cơ quan thống nhất từ trung ương xuống địa
phương (einheitliche Organisation). Các bộ phận hợp
thành Nhà nước là các đơn vị hành chính - lãnh thổ không có chủ quyền. Nhà nước
đơn nhất thường có quyền lực tập trung, có một Hiến pháp, pháp luật, một hệ
thống (einheitliche Rechtsordnung).
Như vậy, khác với nhà nước liên bang, nhà nước đơn nhất
không được cấu thành bởi các nhà nước thành viên mà có sự phân chia thành các
đơn vị hành chính lãnh thổ.
|
Bản đồ nhà nước đơn nhất hiện nay trên thế giới. Nguồn: Wikipedia. |
Nhà
nước đơn nhất là nhà nước nếu nhìn theo chiều dọc thì chỉ có một hệ thống quyền
lực nhà nước, hệ thống này trong nhà nước pháp quyền dân chủ được phân chia
thành lập pháp, hành pháp và tư pháp. Những nhiệm vụ của trung ương được chuyển
giao cho các đơn vị ở địa phương (Cơ chế tản quyền – Dezentralisation). Sự khác
biệt với nhà nước liên bang ở chỗ: Những đơn vị tản quyền này (ví dụ như tỉnh,
quận, huyện, xã…) không có quyền lực nhà nước nguyên gốc. Hay nói cách khác, các đơn vị hành chính – lãnh thổ cấu thành nhà nước đơn nhất chỉ thực hiện quyền lực giới hạn mà chính quyền trung ương trao cho.
Trong
một nhà nước đơn nhất, các đơn vị hành chính lãnh thổ cấu thành nhà nước có thể
được chính quyền trung ương thành lập hoặc bãi bỏ. Quyền lực của các đơn vị
hành chính lãnh thổ cấu thành này có thể được mở rộng hay thu hẹp lại do chính
quyền trung ương quyết định. Chính quyền trung ương vẫn giữ quyền lực tối cao.
Chính quyền trung ương vẫn có thể hủy bỏ những quyết định của địa phương hoặc
hạn chế quyền lực của địa phương.
Phần lớn các quốc gia trên
thế giới là nhà nước đơn nhất. Thí dụ những nhà nước đơn nhất: Ở Châu Âu như Pháp, Anh, Italia, Hà Lan, Đanh Mạch, Na uy, Thụy điển…, ở
Châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Lào...
Xét về lịch sử, nước Đức từ
năm 1934 đến 1945 là một nhà nước đơn nhất. Nhà nước cộng hòa dân chủ Đức (DDR) sau khi giải tán
các bang năm 1952 cũng là một nhà nước đơn nhất. Thông
qua đạo luật ngày 22/7/1990 (có hiệu lực từ ngày 3/10/1990), các
bang Mecklenburg-Vorpommern, Brandenburg, Sachen-Anhalt, Sachen và Thueringen hợp
nhất với nhà nước Cộng hòa liên bang Đức thành Nhà nước Cộng hòa liên bang Đức ngày nay.
b. Nhà
nước liên bang (federal state/Bundesstaat)
Theo định nghĩa cổ điển của Gerhard Anschuetz (1867-1948), nhà nước
liên bang là một nhà nước chung được cấu thành từ những nhà nước thành viên,
những nhà nước mà một mặt hình thành nên, một mặt tham gia vào việc tổ chức hoạt động của nhà nước chung”.
Như vậy, trong Nhà nước liên
bang có hai hệ thống nhà nước và hai hệ thống pháp luật: của chung liên bang và
của từng nước thành viên. Cả nhà nước liên bang và nhà nước thành viên đều có
quyền lực nhà nước nguyên gốc (originäre Staatsgewalt). Dấu hiệu để nhận biết
một nhà nước liên bang là không chỉ nhà nước chung mà ngay cả những nhà nước
thành viên tương ứng đều có những đặc trưng điển hình của nhà nước. Nhà nước liên bang và nhà
nước tiểu bang đều độc lập tham gia và chịu trách nhiệm trong các giao dịch
quốc tế. Những nhà nước liên bang này thông thường đều có hệ thống Nghị viện
hai viện bao gồm Thượng nghị viện và Hạ nghị viện.
Quan hệ bên trong nhà nước
liên bang hướng tới cả trong quan hệ của những nhà nước chung và nhà nước thành
viên cũng như những nhà nước thành viên với nhau căn cứ trên một bản hiến
pháp liên bang. Điều này đỏi hỏi có một sự thống nhất chung của những nước
thành viên về việc phân định thẩm quyền rất rõ ràng về lập pháp, hành pháp, tư pháp, ngân sách.
Có hai khả năng xảy ra đối
với nhà nước liên bang: Có những nhà nước liên bang, quyền lực nhà nước nghiêng
về nhà nước chung (Gesamtstaat), người ta gọi đó là nhà nước liên bang mang đặc tính đơn nhất (unitarischer Bundesstaat), Thí dụ: Nhà nước CHLB Đức hiện nay
đang thể hiện tính chất này;
có những nhà nước liên bang, quyền lực nhà nước nghiêng về nhà nước thành viên
(Gliedstaat), người ta gọi đó là nhà nước liên bang mang đặc tính liên bang (föderativer Bundesstaat), Thí dụ: Nhà nước Mỹ hiện nay đang thể
hiện tính chất này.
|
Bản đồ những nhà nước liên bang trên thế giới hiện nay. Nguồn: Wikipedia. |
Thí
dụ về các Nhà nước liên bang: Hiện nay trên thế giới có khoảng 28 nhà nước liên bang, điển hình như: Mỹ, Đức, Áo, Ấn Độ, Brazin, Argentina, Mê-hi-cô, I-rắc, Ê-ti-ô-pi-a, Liên hiệp Thụy sĩ v. v... Nhà
nước liên bang cũng có thể tan rã thành các quốc gia độc lập như Nam Tư (1945-1992), Tiệp Khắc (1969-1992) và Liên
Xô cũ (1922-1991).
2. Sự liên kết giữa các nhà nước theo luật quốc tế
(alliance of states/ Staatenverbindung)
Dưới góc độ pháp
luật quốc tế, sự liên kết giữa các nhà nước (Staatenverbindung) thông thường được
thành lập trên cơ sở các điều ước quốc tế. Các điều ước quốc tế này thường
không thành lập nên một nhà nước mới có chủ quyền quốc gia. Sự liên kết giữa
các nhà nước này thường nhằm một mục đích, nhiệm vụ cụ thể, mà thông thường nhiệm
vụ đó một nhà nước không thể tự giải quyết được.
Luật pháp quốc tế
hiện đại cũng không ngăn cản việc một nhà nước tham gia vào nhiều tổ chức quốc
tế. Tuy nhiên, nhà nước với tính chất là một thành viên của một liên kết quốc tế
nào đó phải chịu sự ràng buộc vào những cam kết đã tham gia kí kết.
Sự liên kết giữa
các nhà nước theo luật quốc tế rất đa dạng, bao gồm: liên minh nhà nước
(Staatenbund), Các tổ chức quốc tế (internationale Organisationen), Các tổ chức
siêu nhà nước (Supranationaler Organisationen), Liên minh cá nhân
(Personalunion) và Liên minh thực tế (Realunion) giữa các nhà nước; Chế độ bảo
hộ (Protektorat).
a. Liên minh nhà nước (Confederation/Staatenbund)
Trong lịch sử,
hình thức liên minh nhà nước là hình thức điển hình của sự liên kết giữa các
nhà nước. Jellinek đưa ra định nghĩa liên minh nhà nước là sự liên kết tạm thời
giữa các quốc gia vì những mục đích nhất định như bảo vệ biên giới chung, gìn
giữ hòa bình chung hoặc mục đích kinh tế. Liên minh nhà nước không có quyền lực nhà nước nguyên gốc.
Không hình thành nên một nhà nước mới có chủ quyền riêng (keine
Staatsqualität).Công dân của liên minh nhà nước không có một quốc tịch chung. Sau
khi hoàn thành nhiệm vụ và đạt được mục tiêu rồi thì Nhà nước liên minh tự giải
tán. Cũng có trường hợp nó phát triển thành Nhà nước liên bang (thí dụ, từ năm
1776 đến 1787 Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là Nhà nước liên minh, sau đó trở thành Nhà
nước liên bang).
Như
vậy, liên minh nhà nước (Staatenbund) cũng tương tự như nhà nước liên bang, là
tập hợp của nhiều nhà nước. Tuy nhiên sự tập hợp đó không hình thành nên một
nhà nước chung. Các nhà nước hợp thành liên minh nhà nước vẫn là những nhà nước
có chủ quyền riêng, độc lập
về chính trị, pháp lý và kinh tế.
Giữa nhà nước
liên bang và liên minh còn có sự khác nhau căn bản nữa đó là: Trong nhà nước
liên bang (Bundesstaat), việc quyết định các vấn đề quan trọng, dựa trên nguyên tắc đa số (Mehrheitsprinzip). Quyết định có thể đi ngược lại mong
muốn của nhà nước thành viên. Ngược lại, trong liên minh nhà nước việc quyết định
dựa trên nguyên tắc cùng đồng thuận (Einstimmigkeitsprinzip).
Các nhà nước thành viên có quyền phủ
quyết.
Thí
dụ về liên minh nhà nước:
Liên
minh nhà nước Đức (1815-1866); Liên minh nhà nước Serbia và Montenegro (2003-2006); Liên minh nhà nước Thụy Sĩ (1815 cho đến năm 1848, sau đó Nhà nước); Liên hiệp Pháp (1946-1958)
và Cộng đồng Pháp
(1958-1960); Liên minh nhà nước Ả rập thống nhất (1958-1961); Liên minh nhà nước Mỹ (1778 cho đến năm 1787, sau đó thành Nhà nước liên bang).
Liên minh nhà nước về chính trị hiện nay ví dụ như liên minh giữa các nước GUAM (Georgien, Ukraine, Aserbeidschan và Moldawien. Liên minh nhà nước về mục tiêu kinh tế, ví dụ như liên minh nhà nước về kinh tế Benelux (gồm Belgien, Nederland und Luxembourg - Bỉ, Hà Lan, Luxemburg).
Các nhà nước đơn nhất, nhà nước liên bang và liên minh nhà nước có thể được so sánh và biểu thị bằng hình vẽ dưới đây:
|
So sánh nhà nước đơn nhất, nhà nước liên bang và liên minh nhà nước |
b. Các tổ chức liên kết giữa các nhà nước (Zwischenstaatliche
Organisationen)
- Các tổ chức quốc tế (international Organizations/ Internationale Organisationen)
Trên cơ sở luật
pháp quốc tế, những tổ chức quốc tế được hình thành mang tính toàn cầu, khu vực
hoặc nhằm những mục đích quốc tế đặc biệt (Ví dụ: Liên hiệp quốc, ASEAN, NATO,
WTO…). Những tổ chức quốc tế này được
hình thành trên cơ sở luật pháp quốc tế, với tính chất là chủ thể hạn chế của
luật quốc tế.
|
Bản đồ các tổ chức quốc tế hiện nay theo khu vực địa lý. Nguồn: Wikipedia. |
Đặc điểm chung của những tổ
chức này là: 1) được thành lập trên cơ sở điều ước quốc tế, phù hợp với luật
pháp quốc tế hiện đại; 2) có điều lệ qui định quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó
cũng như các quốc gia thành viên. Quyền năng chủ thể của tổ chức quốc tế bị giới
hạn trong khuôn khổ điều lệ; , 3) có mục đích riêng, mục đích đó được ghi nhận ở
trong điều lệ của tổ chức; 4) có cơ cấu tổ chức chặt chẽ: các tổ chức này thường
có một hệ thống các cơ quan thường trực để duy trì hoạt động.
Các quốc gia trong tổ chức
quốc tế thường bình đẳng về mặt chủ quyền và có quyền rút ra khỏi tổ chức quốc
tê. Nhìn chung, những tổ chức quốc tế ngày nay có mục tiêu, nhiệm vụ rất đa dạng.
- Các tổ chức siêu quốc gia
(supranational Organisations/ Supranational Organisationen)
EU là ví dụ điển hình về một
liên kết nhà nước siêu quốc gia. Đến nay, EU chưa mang đầy đủ những đặc tính của
một nhà nước mới (một nhà nước liên bang). Tuy nhiên, với sự ra đời của EU, quyền
lực của những nhà nước thành viên cũng bị giới hạn (begrenzte
Hoheitsbefugnisse). Những thỏa thuận của EU có hiệu lực trực tiếp đối với các
nhà nước thành viên.
Nước Đức hiện nay tại Điều 23 Luật cơ bản thừa nhận tính
chất nhà nước mở (offene Staatlichkeit) khi tham gia vào tổ chức siêu quốc gia
như EU. Ngày nay, ở Đức xuất hiện
thuật ngữ "Staatenverbund" (những tổ chức siêu quốc gia). Thuật ngữ này được sử dụng để
mô tả Đức trong Liên minh châu Âu và không có tương đương trong ngôn ngữ khác. (Xem: BVerfGE 89, 155 [190]; BVerfGE 123, 267 [348, 350, 379])
|
Bản đồ các nước thuộc liên minh châu Âu. Nguồn: Wikipedia. |
|
Hiện nay EU có 28 quốc gia thành viên. Theo lịch sử gia nhập, năm 1951: Bỉ, Đức, Ý, Luxembourg, Pháp, Hà Lan; Năm 1973: Đan Mạch, Ireland, Anh; Năm 1981: Hy Lạp; Năm 1986: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha; Năm 1995: Áo, Phần Lan, Thụy Điển; Ngày 1/5/2004: Séc, Hungary, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Litva, Latvia, Estonia, Malta, Cộng hòa Síp; Ngày 1/1/2007: Romania, Bungary; Ngày 1/7/2013: Croatia. |
c. Liên minh có tính cá nhân và Liên minh thực tế
(Personalunion und Realunion)
- Liên minh có tính cá nhân (personal union/ Personalunion)
Liên minh có tính cá nhân là sự liên kết giữa các nhà nước mà có một người đứng
đầu cả hai hay nhiều nhà nước (Personalunion). Hình thức này gắn bó
mật thiết với nhà nước quân chủ trong lịch sử.
Thí dụ: Đế chế Đức dưới thời
Karl V. (1500-1588), vùng Sachen và Ba Lan (1697-1763), Anh và vùng Hanover
(1714-1837), Đan Mạch và Schleswig-Holstein (1773-1864).
Ngày nay hình thức này còn tồn tại ở 16 trên tổng số 53 nhà nước thuộc Khối Thịnh vượng
chung (Commonwealth), theo đó nguyên thủ quốc gia chỉ duy nhất một người là Nữ
hoàng Anh.
- Liên minh thực tế (real union/ Realunion)
Liên minh thực tế ngoài có
đặc điểm là các quốc gia thành viên có chung vị nguyên thủ quốc gia, thì những
nhà nước thành viên này còn có chung cả một số cơ quan nhà nước và cơ quan hành
chính.
Liên minh thực tế thể hiện
tính chất liên kết mạnh hơn so với Liên minh có tính chất cá nhân. Khác với nhà
nước liên bang, các đơn vị cấu thành của liên minh thực tế này không hình thành
nên một nhà nước chung với tư cách là chủ thể pháp luật độc lập có chủ quyền
với những nhà nước thành viên.
Thí dụ: Liên minh thực tế đã từng tồn
tại trong lịch sử là Liên minh Áo – Hung từ năm 1867 đến năm 1918. Thụy Điển và
Na- Uy từ năm 1814 đến năm 1905. Italia và Abessinien (ngày nay là Etiopia) từ
năm 1936 đến năm 1941.
d. Các nhà nước theo chế
độ bảo hộ (protectorate/Protektorat)
Chế độ bảo hộ ra đời trên cơ
sở một cam kết quốc tế giữa các nhà nước. Theo đó, nhà nước được bảo hộ
(Unterstaat) được bảo vệ về mặt ngoại giao hoặc quân sự chống lại một nhà nước
thứ ba mạnh hơn bởi nhà nước đứng ra nhận bảo hộ (Oberstaat). Ngược lại, nhà
nước được bảo hộ thường chấp nhận những nghĩa vụ cụ thể, những nghĩa vụ này
khác nhau rất rõ phụ thuộc vào bản chất thực của quan hệ. Quyền tự quyết của nhà nước
được bảo hộ trong quan hệ quốc tế sẽ bị hạn chế. Theo đó, nhà nước được bảo hộ
sẽ không còn chủ quyền quốc gia theo đúng nguyên nghĩa.
Thí dụ: Pháp là nhà nước bảo hộ của đế chế Monaco từ năm 1861; với vùng đất Beylik Tunesien năm 1881-1956; Campuchia
1863-1945/46 (giành độc lập từ tháng 11/1953); Tahiti (1842-1880), bây giờ là
một phần của Pháp – Polynesien; An Nam (1883-1945); Vương quốc Lào (1893-1945);
bảo hộ vùng đất Saar (1946-1957), nay vùng đất này là một bang của Đức.
Italia là nhà
nước bảo hộ của vùng đất Abessinien (1935-1941). Nhật Bản là nhà nước bảo hộ
của Triều Tiên (1905-1910) và đế chế Mandschukuo (1932-1945).
Mỹ là nhà nước
bảo hộ của Cuba (1906-1909) và Cộng hòa Dominica (1916-1924).
Hiện
nay vẫn còn tồn tại hình thức bảo hộ theo nghĩa luật quốc tế là vùng đất Greenland, dưới sự bảo hộ của vương
quốc Đan mạch. Hiện nay, Đan Mạch vẫn giữ lại quyền kiểm
soát trên các lĩnh vực tài chính, đối ngoại, quốc phòng nhưng xu hướng là giảm
dần trợ cấp hàng năm và từ bỏ quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên trên đảo
Greenland. Monaco, tên chính thức là Công quốc Monaco là một quốc gia có chủ
quyền, nhưng nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Pháp. Theo những công ước quốc
tế mà Monaco kí kết, nước này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ về chính trị cả đối nội và
đối ngoại của Pháp.
Bản quyền (Copyright): Nguyễn Minh Tuấn, 2013