Tôi còn nhớ trong một bài giảng môn Triết học pháp luật
(Rechtsphilosophie) về sự công bằng. Khi bắt đầu bài giảng, Giáo sư trường tôi theo học đã đưa cho các bạn sinh
viên giải một bài tập. Bài tập đó như sau:
Một gia đình có ba người con trai A, B và C. A
và B là những người thợ thủ công. C không có nghề nghiệp gì. Để giúp C trong
công việc chăn nuôi ngựa, A đã tặng cho C 5 con ngựa từ tổng số 30 con mà A có.
B đã cho C 1 con ngựa từ tổng số 3 con mà B có. Trong suốt 8 năm chăn nuôi, trong
khi A và B liên tục gặp thất bại thì C đã liên tục thành công và đến thời điểm C
qua đời đột ngột không để lại di chúc, C có tất cả là 132 con ngựa.
Giáo sư đặt câu hỏi: Theo anh/chị, chia như thế nào để đảm bảo sự công bằng?
Điều thú vị là sau một hồi suy nghĩ, các bạn sinh viên đã đưa ra nhiều cách giải khác nhau và có vẻ như mỗi cách giải đều có tính hợp lý riêng.
Cụ thể như sau:
Cách 1: Mỗi người sẽ nhận một nửa số di sản của C để lại (132 con ngựa), tức là
mỗi người sẽ được nhận 66 con ngựa.
Cách 2: Mỗi người sẽ nhận lại những gì mà người đó đã đem tặng cho C, cụ thể A 5
con ngựa và B một con ngựa. Số còn lại (132-6 =) 126 con ngựa sẽ được chia đôi.
Kết quả là A được nhận 5 + 63 = 68 con ngựa, B được nhận 1+ 63 = 64 con ngựa.
Cách 3: Mỗi người nhận theo tỉ lệ đã tặng cho C trên tổng số tài sản mà người
đó có. Theo đó B đã tặng C 1/3 tài sản (1 con ngựa trong tổng số 3 con mà B
có), còn A chỉ tặng 1/6 tài sản (5 con ngựa trong tổng số 30 con mà A có). Như
vậy tỉ lệ sẽ là 1/3 : 1/6 = 2 : 1. B sẽ được nhận 88 con ngựa, A được nhận 44
ccon ngựa.
Cách 4: B đã đưa cho C
1/3 số tài sản. Bây giờ B sẽ nhận lại 1/3 số ngựa của C, cụ thể 132 : 3 = 44
con ngựa. A đã đưa cho C 1/6 tài sản. Bây giờ C sẽ nhận lại 1/6 số ngựa của C,
cụ thể 132: 6 = 22 con ngựa. Số còn lại là 66 con ngựa sẽ chia đều. Tóm lại, A
sẽ được nhận 22 + 33 = 55 con ngựa, B được nhận 44 + 33 = 77 con ngựa.
Cách 5: A cho rằng cần phải dựa vào số ngựa thực tế mà A và B đã tặng cho C.
Theo đó tỉ lệ phân chia sẽ là 5 (A) : 1 (B). Như vậy theo tỉ lệ 5/1, A sẽ được
nhận 110 con ngựa và B sẽ được nhận 22 con ngựa.
Cách 6: B cho rằng ở đây cần giải quyết việc phân chia một nửa theo quan hệ thừa
kế và một nửa là theo tỉ lệ đóng góp 5 (A) : 1 (B) hoặc theo tỉ lệ đóng góp
trên tổng số tài sản 1/6 (A) : 1/3 (B) = 1 : 2. Theo đó mỗi người sẽ được nhận
như sau:
a) Một nửa chia
theo pháp luật thừa kế (132 : 2 = 66).
Theo đó A và B mỗi người được nhận 33 con ngựa.
b) Một nửa chia
theo tỉ lệ:
- Phương án 6.1. Tỉ lệ đóng góp theo số lượng thực tế:
A = (66 : 6) x 5 = 55 con ngựa; B = (66 : 6) x 1 = 11 con ngựa.
-
Phương án 6.2. Tỉ lệ đóng góp trên tổng số tài sản:
A = 66 : 3 = 22 con ngựa; B = (66 x 2) : 3 = 44 con ngựa.
Nếu theo phương
án 6.1, A sẽ được nhận 88 con ngựa và B được nhận 44 con ngựa.
Nếu theo phương
án 6.2, A sẽ được nhận 55 con ngựa và B sẽ được nhận 77 con ngựa.
--------------------
Mọi người ai cũng cho rằng cách giải quyết của mình là công bằng và cố gắng thuyết phục mọi người về cách chia của mình.
Từ tình huống và những cách chia khác nhau
của sinh viên, Giáo sư không kết luận rằng cách chia nào là đúng, cách chia nào là
sai, mà chỉ đưa ra nhận định riêng của mình đại ý như sau:
Thứ nhất, có nhiều cách phân chia khác nhau, mỗi cách phân chia đều cho ta một
cách nhìn nhận khác nhau về sự công bằng. Không
có một đáp án duy nhất, không có lời giải nào là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn
sai. Công bằng phụ thuộc nhiều vào cảm nhận, đánh giá, phán xét của chính chúng ta.
Thứ
hai, ông cho rằng: mỗi một cách phân chia khác nhau của sinh viên đều đã ẩn chứa trong đó những lợi
ích khác nhau rồi. Chẳng hạn cách phân chia thứ ba chắc chắn có lợi cho B, còn cách
phân chia thứ 5 chắc chắn có lợi cho A. Do vậy, quan niệm về công bằng đối với người này có thể là sự bất công với
người khác.
Thứ ba, Bạn và tôi là khác nhau. Ngay từ khi con người sinh ra đã tồn tại sự không công
bằng rồi, ví dụ sinh ra có người
này khỏe hơn, người kia yếu hơn, người này sinh ra trong gia đình giàu có, người
kia sinh ra trong gia đình nghèo, người này tài năng hơn, người kia kém tài
hơn, người này thông minh hơn, người kia kém thông minh hơn, người này xinh đẹp
hơn, người kia kém xinh đẹp hơn….Như vậy, công bằng tuyệt đối là điều khó đạt được. Không có công bằng tuyệt đối cho tất cả mọi người, nhưng vẫn có công bằng một cách tương đối. Trong cuộc sống có muôn vàn những cách thức khác nhau để tìm ra sự "công bằng tương đối". Chẳng hạn trong tình huống trên, công bằng tương đối sẽ tồn tại nếu hai bên tự
nguyện thỏa thuận, thương lượng và thống nhất lựa chọn một cách phân chia nào đó không trái luật.
...
Bài viết dưới đây là quan điểm của tôi về vấn đề này.
NMT
-------------
Sự công bằng luôn gây tranh cãi
TS. Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tuần Việt Nam, Vietnamnet,
đăng ngày 12/9/2013,
xem thêm bài viết cùng chủ đề, cùng bình luận của tác giả tại đây
Bình đẳng là yếu tố cơ bản hợp
thành sự công bằng. Không ở đâu luật pháp qui định “mọi người đều bình đẳng”, vì
điều đó không thể có, nhưng gần như pháp luật của quốc gia nào cũng qui định
“mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.
Công bằng (Tiếng La tinh:
iustitia; Tiếng Anh và Tiếng Pháp: justice) là một khái niệm luôn gây ra sự
tranh cãi, vì tính trừu tượng của nó.
Công bằng cũng có thể hiểu một cách khái quát nhất là trạng thái lý tưởng của xã
hội loài người, trong đó vấn đề tài sản, lợi ích, cơ hội giữa các thành viên
trong xã hội được phân chia một cách phù hợp, không thiên vị.(1) Công bằng cũng
có thể được hiểu theo hai nghĩa khác nhau là nghĩa khách quan (objective
justice) hoặc nghĩa chủ quan (subjective justice).(2)
Theo nghĩa khách quan, công bằng được hiểu là những giá trị đúng đắn, những qui
tắc, chuẩn mực chung hoặc cách thức hành động phù hợp, được cộng đồng thừa
nhận.(3) Chẳng hạn: Cái thiện luôn thắng cái ác, Cô Tấm hiền thảo, chịu khó hay
Thạch Sanh nghĩa hiệp cuối cùng được hưởng vinh hoa phú quí, còn mẹ con Cám độc
ác hay Lý Thông gian ác, xảo quyệt cuối cùng phải bị trừng trị. Đó là sự công
bằng; Hay qui định người nào làm nhiều sẽ được hưởng nhiều, người nào làm ít sẽ
được hưởng ít, người có công được thưởng, người có tội phải bị trừng phạt; người
có công càng lớn thì mức thưởng càng lớn, người có tội càng nặng, mức phạt sẽ
càng nặng. Đó là công bằng.
Công bằng không có nghĩa là cào
bằng từ trên xuống, đánh đồng, bắt mọi người ai cũng giống nhau. Tiếp tục nhìn
vào thực tế, trong nền kinh tế thị trường thời mở cửa, sự phân hoá giàu nghèo
không hoàn toàn là biểu hiện của sự không công bằng.
Trong kinh tế học, người ta phân
biệt hai khái niệm khác nhau về công bằng xã hội đó là: công bằng xã hội theo
chiều ngang (horizontal justice) nghĩa là đối xử như nhau đối với những người có
đóng góp như nhau và công bằng xã hội theo chiều dọc (vertical justice) theo
nghĩa là đối xử khác nhau với những người có những khác biệt bẩm sinh, trình độ,
năng lực hoặc có các điều kiện sống khác nhau.
Chẳng hạn trong việc xây dựng
chính sách thuế: Những người có khả năng ngang nhau cần phải đóng một khoản thuế
ngang nhau (công bằng theo chiều ngang), và những người có khả năng hay thu nhập
không ngang nhau cần phải áp dụng những khoản thuế khác nhau (công bằng theo
chiều dọc). Chẳng hạn, những bác sĩ có cùng trình độ, cùng năm cống hiến phải
được hưởng lương như nhau, nhưng không thể đòi hỏi lương một người bác sĩ lâu
năm đã bỏ bao công lao động, học hỏi, phải ngang bằng với lương một người y tá
mới ra trường.
Công bằng theo chiều dọc còn thể hiện ở việc nhà nước tạo điều kiện, mở rộng khả
năng tiếp cận cho người nghèo, những nhóm người dễ bị tổn thương đến với các
dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, công ăn việc làm, nguồn vốn, mạng lưới an
sinh. Chẳng hạn chính sách cộng thêm điểm thi đại học theo vùng hiện nay, chính
sách hỗ trợ cho những người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa cũng
là biểu hiện của sự công bằng nếu hiểu công bằng theo chiều dọc. Những chính
sách này góp phần kiến tạo sự công bằng về điều kiện sống và công bằng về cơ hội
phát triển trong xã hội.(4)
Công bằng còn được hiểu là sự tìm
kiếm một môi trường mà trong đó các cơ hội là ngang bằng nhau. Chẳng hạn, trong
một xã hội đa dạng, đa chiều, sự cạnh tranh giữa các ý tưởng sẽ tạo điều kiện
cho các sáng kiến của cá nhân phát triển. Chính sự cạnh tranh giữa các ý tưởng
là bước khởi đầu, là cơ sở quan trọng để góp phần tạo nên sự công bằng xã hội.
Điều này cũng phản ánh một qui luật tất yếu: sự thống nhất và đấu tranh của các
mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự phát triển.
Bình đẳng là yếu tố cơ bản hợp thành sự công bằng. Không ở đâu luật pháp qui
định “mọi người đều bình đẳng”, vì điều đó không thể có, nhưng gần như pháp luật
của quốc gia nào cũng qui định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Bình
đẳng trước pháp luật là điều kiện cơ bản để đạt đến sự công bằng.(5)
Tuyên ngôn độc lập của Mỹ
năm 1776, Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 đều đề cao giá
trị bình đẳng, công bằng, mục đích là chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên sự
khác biệt về nguồn gốc xuất thân, chủng tộc, màu da, giới tính, xu hướng tình
dục, ngôn ngữ, tôn giáo, thế giới quan chính trị, nguồn gốc xuất thân, tài sản
hay các điều kiện khác. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật bị vi phạm khi công
quyền hành xử tùy tiện, đối xử bất công hơn đối với một nhóm người này so với
một nhóm người khác, không dựa trên căn cứ pháp lý nào cả, mặc dù giữa hai nhóm
này không có bất cứ một sự khác biệt nào về mặt địa vị pháp lý. Những đạo luật
vi phạm nguyên tắc bình đẳng phải bị tuyên bố vô hiệu. Những quyết định hành
chính hay phán quyết của Tòa án vi phạm nguyên tắc bình đẳng phải bị hủy bỏ.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, để đảm bảo cho sự công bằng, cơ quan lập pháp có
vai trò rất quan trọng. Lập pháp có nhiệm vụ phải tối ưu hóa mọi lợi ích của mọi
thành phần xã hội (welfare maximization). Muốn vậy, phải có cơ chế giải trình,
kiểm tra, giám sát và đảm bảo minh bạch thông tin. Người dân phải được quyền
biết và đóng góp ý kiến vào việc hình thành, cũng như giám sát việc thực thi
pháp luật. Hoạt động hành pháp và tư pháp cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật và
đảm bảo sự vô tư (fairness), đồng thời phù hợp với tính chất, mức độ của từng
quan hệ pháp lý cụ thể.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng.” Công bằng ngày nay không chỉ là
xu hướng chung trong thế giới đương đại mà còn là điều kiện cho tăng trưởng kinh
tế, là tiêu chí, thước đo đánh giá mức độ phát triển bền vững của một xã hội.
Mặc dù có nhiều cách quan niệm cũng như lý thuyết về sự công bằng, tuy nhiên
những lý thuyết này vẫn chưa đủ để tạo ra một cách hiểu thống nhất về sự công
bằng, bởi lẽ mỗi một nền văn hóa, ở không gian và thời gian khác nhau, lại xuất
hiện những cách hiểu, cách đánh giá khác nhau về sự công bằng. Ngày nay trước xu
thế toàn cầu hóa, hội nhập, công bằng dần được nhìn nhận trong một phạm vi rộng
lớn hơn, không chỉ được hiểu là công bằng trong phạm vi quốc gia, mà hơn thế,
công bằng còn được hiểu ở phạm vi quốc tế.
Việc thực thi hiệu quả các vấn đề
như công bằng trong việc tiếp cận các cơ hội, công bằng trong việc gánh vác
trách nhiệm chung, công bằng trong việc hưởng các quyền tự do, công bằng dựa
trên chủ nghĩa cộng đồng và công bằng giữa các thế hệ sẽ góp phần kiến tạo nên
một sự phát triển bền vững về nhiều phương diện ở phạm vi toàn cầu.
---------------
Xem chú thích:
1. Xem: Oswald Schwemmer,
Gerechtigkeit, in: Jürgen Mittelstraß (Hrsg.): Enzyklopädie Philosophie und
Wissenschaftstheorie. Band 1. Metzler, Stuttgart 1995, S. 746
2. Rüthers/Fischer/Birk, Rechtstheorie mit juristischer Methodenlehre, 6. Aufl.,
2011, Rn. 347.
3. Rüthers/Fischer/Birk, Sách đã dẫn, Rn. 348.
4. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Development Report 2006 –
Equity
and Development) ở những nước nào mà các yếu tố về công bằng, đặc biệt
là công
bằng về mặt cơ hội (equality of opportunity) được quan tâm, bảo vệ thì ở
những
nước đó có sự tăng trưởng tốt về kinh tế. (Xem báo cáo của ngân hàng thế
giới
(World Bank) về sự công bằng và phát triển (Equity and Development) năm
2006 tại
địa chỉ:
http://econ.worldbank.org/external/default/main?pagePK=64165259&theSitePK=478060&piPK=64165421&menuPK=64166093&entityID=000112742_20050920110826).
5. Nguyên tắc này đóng vai trò như là nền tảng của nhà nước pháp quyền hiện đại
và là một nguyên tắc quan trọng của nhiều bản Hiến pháp dân chủ. Trong tuyên
ngôn nhân quyền của Liên hiệp quốc năm 1948 (The Universal Declaration of Human
Rights) có ghi nhận là: “Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân
phẩm và quyền lợi.” Điều 52 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 cũng qui định: “Mọi công
dân đều bình đẳng trước pháp luật”.