Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

SÁCH CHUYÊN KHẢO: GIỚI HẠN CHÍNH ĐÁNG ĐỐI VỚI CÁC QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

 
TS. Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên)
Nhóm tác giả: PGS.TS. Vũ Công Giao, TS. Nguyễn Minh Tuấn,
TS. Phạm Duyên Thảo, TS. Mai Văn Thắng, ThS NCS. Bùi Tiến Đạt, ThS NCS. Đỗ Giang Nam, SV chất lượng cao Đặng Duy Anh
(Sách chuyên khảo này là công trình khoa học của Khoa Luật, ĐHQGHN, được tài trợ bởi Đại sứ quán Đan Mạch)


Ngay khi Hiến pháp 2013 được ban hành và có hiệu lực, chúng tôi - một nhóm giảng viên Khoa Luật - ĐHQGHN đã chú ý và bàn thảo nhiều về một điểm mới rất quan trọng của bản Hiến pháp này là vấn đề „giới hạn quyền con người, quyền công dân“ ở Điều 14 Khoản 2: „Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.“ 
Chúng tôi cho rằng: Hiến pháp sinh ra là để giới hạn quyền lực nhà nước và ràng buộc trách nhiệm của nhà nước. Do vậy một bản Hiến pháp tốt không thể trao quyền quá rộng hoặc bỏ mặc cho công quyền tự đo lường và quyết định việc giới hạn các quyền cơ bản của công dân một cách tùy tiện. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là giới hạn đến đâu thì vừa, giới hạn đến đâu để không làm mất đi bản chất của những quyền cơ bản hiến định này? Cơ chế giải quyết xung đột, tranh chấp về việc giới hạn quyền con người, quyền công dân ở các nước khác họ xử lý ra sao? Cách thức nào để người dân có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước sự xâm phạm vượt quá giới hạn cho phép của cơ quan công quyền...
Xuất phát từ những lý do, những trăn trở kể trên, chúng tôi cho rằng việc lựa chọn và tiến hành đề biên soạn cuốn sách chuyên khảo „Giới hạn chính đáng đối với các quyền con người, quyền công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam” là việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Vì đây là vấn đề rất mới và có ý nghĩa ở Việt Nam, do vậy nhóm tác giả xác định mục đích quan trọng nhất của của cuốn sách sách này là thông qua việc khảo cứu, so sánh kinh nghiệm thế giới đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này. Để làm sáng tỏ mục đích đó, nhóm tác giả nghiên cứu vấn đề giới hạn và cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền cơ bản trong sự so sánh, đối chiếu Hiến pháp Việt Nam với các văn bản pháp luật quốc tế quan trọng và các bản Hiến pháp tiêu biểu ở các khu vực điển hình trên thế giới như Hiến pháp của Mỹ, Đức, Nga và một số nước Châu Á, qua đó đưa ra những cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật về giới hạn quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, trong phạm vi một cuốn sách, không phải tất cả các nội dung rộng lớn của việc giới hạn quyền con người, quyền công dân đều đã được đề cập và phân tích đầy đủ. Chúng tôi hy vọng những vấn đề còn thiếu hoặc chưa có điều kiện phân tích sâu sẽ được làm rõ trong những cuốn bình luận khác, hoặc trong những lần tái bản của cuốn sách này.

Do hạn chế về thời gian và nguồn lực, cuốn sách này chắc chắn còn những hạn chế và thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến góp ý chân thành của bạn đọc để có thể biên soạn và tái bản cuốn sách này. Hy vọng đây sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, nhà lập pháp, các giảng viên, sinh viên và những ai quan tâm đến đề tài giới hạn quyền con người, quyền công dân trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam.