Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

QUỐC TRIỀU KHÁM TỤNG ĐIỀU LỆ VỚI VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA CON NGƯỜI

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 
Số 1 (281), Tháng 1/2015, tr. 25-30.
Một trong những điểm tiến bộ của pháp luật triều Lê (1428-1788) nói riêng và pháp luật Việt Nam thời trung đại nói chung là đã có "một bộ luật tố tụng riêng biệt" - Bộ Quốc triều khám tụng điều lệ. Nếu như ở Phương Đông thời trung đại nói chung thường có những Bộ tổng luật - tức những Bộ luật tổng hợp chứa đựng những quy định thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, thì sự tồn tại của Quốc triều khám tụng điều lệ với tính chất là Bộ luật riêng, độc lập về phương diện tố tụng cũng nói lên tính chất độc đáo, hiếm có của Bộ luật này. Nội dung của Bộ luật này thể hiện rõ nét tinh thần vì con người, tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của con người. Tinh thần ấy được thể hiện thường trực ở hầu hết các quy định trong các thông lệ. Tất cả các giai đoạn từ nộp đơn kiện, đơn tố cáo, bước khám nghiệm hiện trường, xét xử, thi hành án, cho đến quy định về thời hiệu đều được thiết kế kèm theo những quy định nhằm ngăn chặn sự vi phạm từ phía quan lại, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con người.