Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

KHẾ ƯỚC XÃ HỘI


Khế ước xã hội là học thuyết lý giải về nguồn gốc ra đời của nhà nước, với những đại diện tiêu biểu là John Locke (1632-1704), Charles Louis Montesquieu (1689-1775), Jean Jacques Rousseau (1712-1778)...
John Locke (1632–1704), nhà triết học người Anh, đã chỉ ra rằng nhà nước ra đời là mong muốn của những con người có lý trí. Điểm khởi đầu trong quan điểm của Locke là "mọi người đều tự do, bình đẳng". Thông qua một khế ước xã hội (Gesellschaftsvertrag) người dân ủy quyền một phần những quyền tự do của mình cho nhà nước để có thể sống một cách an toàn, hòa thuận và được bảo vệ. Vì vậy, nhà nước ra đời là sự thể hiện và phản ánh lợi ích của các thành viên trong xã hội. Nếu nhà nước không thực hiện đúng các cam kết, khiến cho các quyền tự nhiên bị vi phạm thì khế ước sẽ trở nên mất hiệu lực và nhân dân có quyền lật đổ nhà nước, đồng thời ký kết một bản khế ước mới.
Như vậy, điểm tích cực nổi bật của thuyết khế ước xã hội là đã giải thích được nguồn gốc của quyền lực nhà nước dựa trên cơ sở duy lý. Bản chất của khế ước là sự liên kết của các thành viên trong cộng đồng, với mục đích bảo vệ con người, hướng con người tới một cuộc sống nhân bản, tốt đẹp hơn.
Nhà nước ra đời là do được người dân ủy quyền, chứ không tự nhiên mà có. Người dân ủy quyền cho nhà nước, nhưng đồng thời người dân cũng có quyền giới hạn, khống chế, giám sát nhà nước. 
Có thể nói thuyết khế ước xã hội là học thuyết có tính cách mạng và giá trị to lớn trong lịch sử. Đây là học thuyết lý giải nguồn gốc ra đời của nhà nước dựa trên lý tính, mới mẻ và đầy tính nhân bản. Về mặt lịch sử, đây cũng là bệ đỡ tư tưởng cho cách mạng tư sản lật đổ ách thống trị phong kiến trong thời kì cận đại.
Bài viết dưới đây của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, đăng trên Tạp chí Tia sáng góp bàn về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, gợi nhắc trlại thuyết khế ước xã hội, vmột vấn đề có tính nguyên lý rằng khi xây dựng Hiến pháp cần trở về đúng với cội nguồn của Hiến pháp là bản Hiến pháp của dân, một bản "khế ước xã hội" nhằm giới hạn, ràng buộc trách nhiệm của nhà nước và bảo vệ dân quyền. Đây là vấn đề theo tôi nghĩ là rất đáng bàn trong đợt sửa đổi Hiến pháp tới đây. Nếu ta không chú tâm vào những vấn đề gốc rễ, thuộc về bản chất này thì sản phẩm mà chúng ta mất công, mất sức, mất tiền làm ra sẽ không phải là Hiến pháp, mà chỉ có thể là một thứ "na ná giống", mà người ta ngộ nhận gọi đó là "Hiến pháp" mà thôi. 
Nguyễn Minh Tuấn

KHẾ ƯỚC XÃ HỘI

Nguyễn Sĩ Dũng

Nguồn: Tạp chí Tia sáng,

đăng ngày 3/1/2013, truy cập đường link gốc tại đây 


Về mặt kỹ thuật, nói Hiến pháp là một khế ước xã hội, thì không có nghĩa là cả xã hội phải tham gia soạn thảo văn bản này. Việc soạn thảo Hiến pháp vẫn phải do giới tinh hoa của dân tộc đảm nhận.
Hiến pháp trước hết cần được nhìn nhận như một bản khế ước xã hội. Dưới đây là những lý do cơ bản vì sao.Trước hết, nếu tất cả chúng ta đều sinh ra tự do, nhưng đều phải phối hợp hành động để tồn tại, thì những nguyên tắc, những khuôn khổ hành xử chung là bắt buộc phải có. Vấn đề là chúng ta bắt buộc phải có những nguyên tắc, những khuôn khổ chung này bằng cách nào. Cách thứ nhất là chúng ta tự thỏa thuận về chúng. Cách thứ hai là chúng ta bị áp đặt về chúng.
Theo cách thứ nhất, chúng ta vẫn tiếp tục là những con người tự do. Theo cách thứ hai chúng ta không còn là những con người tự do nữa. Hiến pháp là đạo luật cơ bản với những nguyên tắc, những khuôn khổ hành xử chung nhất (kể cả những nguyên tắc, khuôn khổ hạn chế quyền tự do của cá nhân). Vì vậy, chúng ta chỉ có thể vẫn là những con người tự do nếu chúng ta được tự thỏa thuận về Hiến pháp.

Thứ hai, một bản Hiến pháp chỉ thực sự hiệu năng khi nó trở thành một thứ “kinh thánh” thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Muốn được như vậy thì nó không thể bị áp đặt. Bạn yêu tha thiết đứa con của mình nhiều khi không hẳn chỉ vì nó xinh đẹp, mà chủ yếu là vì nó do bạn sinh ra. Thế thì Hiến pháp cũng vậy. Bản Hiến văn phải là đứa con tinh thần của chúng ta, là sự kết tinh của trí tuệ, đạo đức và văn hóa tâm linh của tất cả những công dân sống trên đất nước Việt Nam. Chúng ta sản sinh ra Hiến pháp, thỏa thuận với nhau về các quy định của Hiến pháp, về các quyền và nghĩa vụ của mình, thì chúng ta tuân thủ và đấu tranh đến cùng để bảo vệ Hiến pháp.
Ba là, chúng ta là gần 90 triệu người, 54 dân tộc, nhiều tôn giáo và thành phần xã hội khác nhau. Chúng ta rất chung, mà cũng rất riêng. Lợi ích của chúng ta cũng có nhiều điểm rất chung và có những điểm rất riêng. Chỉ một bản khế ước xã hội với sự tham gia xây dựng và thỏa thuận của tất cả mọi người và giữa tất cả mọi người, cái chung và cái riêng của tất cả chúng ta mới được cân nhắc đủ thận trọng, đủ cân bằng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới củng cố được khối đại đoàn kết của mình và có được sự phát triển bền vững, hài hòa. Không có Hiến pháp tốt một cách chung chung, chỉ có Hiến pháp tốt theo nghĩa được tuyệt đại đa số người Việt chúng ta chấp nhận.
Bốn là, với tư cách là một bản khế ước xã hội, Hiến pháp mới có thể tạo cho tất cả người Việt chúng ta một vị thế bình đẳng - bình đẳng với nhau và bình đẳng với Nhà nước. Tất cả chúng ta đều có những quyền và nghĩa vụ như nhau. Nhà nước được chúng ta phân chia quyền lực chỉ ở mức độ và trong phạm vi cần thiết để phụng sự cho công chúng. Nhà nước được chúng ta phân chia cho quyền lực và phải chịu trách nhiệm trước chúng ta, chứ không phải Nhà nước ban phát quyền cho chúng ta và chúng ta phải phục vụ Nhà nước. Đây cũng là lý do tại sao Hiến pháp thường quy định cụ thể hơn chế tài đối với các cơ quan Nhà nước hơn là các công dân.
Về mặt kỹ thuật, nói Hiến pháp là một khế ước xã hội, thì không có nghĩa là cả xã hội phải tham gia soạn thảo văn bản này. Việc soạn thảo Hiến pháp vẫn phải do giới tinh hoa của dân tộc đảm nhận. Vấn đề là những người này phải thể hiện bản hiến văn như một khế ước xã hội, và người dân phải được tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến và phê chuẩn bản hiến văn đó.