(Bài viết đã đăng trên Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, số 11 và số 12 năm 2004)
(I) Cơ sở hình thành và những hệ quả
của xã hội làng xã từ cổ truyền đến hiện tại------
Nguồn gốc sâu xa của mọi sự khác biệt về văn hoá chính là do những khác biệt về điều kiện tự nhiên (địa lý - khí hậu) và xã hội (lịch sử - kinh tế) qui định (Xem thêm Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt nam, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, năm 2001, tr.36.).
Xét về vị trí địa lý và khí hậu, Việt Nam nằm ở phía Đông Nam Châu Á, diện tích 312.000 km2, có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, đặc thù nắng nóng và mưa nhiều (lượng mưa hàng năm hàng khoảng 1000 mm), với hệ thống sông nước dày đặc, rất thuận lợi cho thực vật phát triển, đặc biệt là lúa nước (Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003, tr.12-13.).
Xuất phát từ nền văn hoá nông nghiệp vốn dĩ phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết, người nông dân có xu hướng chú trọng tới các mối quan hệ hoà đồng, hình thành lối tư duy cầu an, ưa ổn định, ngại thay đổi.
Từ thời Hùng Vương đến thời Bắc thuộc chúng ta không có chế độ tư hữu về ruộng đất và cũng chưa hề tồn tại trong lịch sử Việt Nam một chế độ xã hội hoàn chỉnh được đặt định trên nguyên lý sở hữu tư nhân về đất đai thực thụ và triệt để.Chính vì không có sở hữu tư nhân thực sự về ruộng đất trong một thời gian dài dẫn đến tư duy “tiểu nông”, “SX nhỏ” và lối kinh doanh "phường hội". Trong cá tính của người Việt, từ yếu tố lịch sử cũng hình thành nên rất nhiều đức tính quí báu rất đáng trân trọng, nhưng cũng hình thành nên những tính cách rất “khác thường”.
Do phải sống chung với kẻ thù quá lâu, ban đầu là thói quen phản kháng ách cai trị của người Hán, ban đầu là chống, chống lâu thành quen, từ đó hình thành nên truyền thống trọng lệ hơn luật, truyền thống chống lại pháp luật “Phép vua thua lệ làng”.
Bên cạnh những ưu điểm của tính linh hoạt, đôi khi thuộc tính này còn bị biến dạng theo chiều hướng tiêu cực dưới những dạng thức như:
- Lối ứng xử linh hoạt trong xã hội làng xã dẫn đến căn bệnh tuỳ tiện, dễ thay đổi ý kiến. (Thí dụ, tật co giãn giờ giấc, giờ "cao su")
- Người làm nông nghiệp sống trong một không gian làng xã khép kín theo một nhịp sống tĩnh tại, ổn định, không vội vã hình thành nên một tác phong đủng đỉnh trong công việc;
- Trong kinh doanh đó là thói quen xấu như chèn ép, nói dối, thất hứa v.v... thói chụp giật, cò con, gian lận...(cạnh tranh không lành mạnh);
- Ngại tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài cũng hình thành nên tâm lý bài ngoại, hoài nghi…
Về tổ chức quản lý và sinh hoạt của làng xã, xã có thể cùng là làng hoặc một xã có thể gồm vài làng, xóm cũng có thể cùng là thôn hoặc một thôn cũng có thể có vài xóm (nông thôn Nam bộ còn có ấp [ấp là xã thôn lập ra ở nơi mới khai khẩn hoặc thôn ở biệt lập]).
Làng xã muốn duy trì sự ổn định của mình nên đã hạn chế việc người nông dân bỏ làng đi ra ngoài, cũng như không cho người ngoài vào làng sống.
Dân chính cư trong xã chia thành 5 hạng: Chức sắc gồm những người đỗ đạt hoặc có phẩm hàm; chức dịch gồm những người đang làm việc trong xã; Lão gồm những người thuộc hạng lão trong các giáp; Đinh gồm trai đinh trong các giáp; Ti ấu là hạng trẻ con của các giáp.
Lí dịch quản lý chủ yếu ba hạng dân Lão, Đinh, Ti ấu, dựa vào giáp nên việc tổ chức quản lý hoàn toàn tự nguyện và khá ổn định; đứng đầu ban lý dịch là lý trưởng; dưới đó là phó lí (giúp việc), hương trưởng (công ích) và trương tuần hay xã tuần (lo việc an ninh, tuần phòng). Phương tiện quản lý chủ yếu của lí dịch có hai loại sổ - sổ đinh và sổ điền: một tay nắm nhân lực (trai đinh), và một tay nắm kinh tế ruộng đất.
Từ việc tổ chức như vậy, nên đã tạo ra tính cộng đồng và tính tự trị.
Tính cộng đồng là sự liên kết các thành viên trong làng lại với nhau, mỗi người đều hướng tới những người khác.
Tính tự trị là sự tồn tại biệt lập giữa các làng, và độc lập cả với trung ương. Mỗi làng là một vương quốc nhỏ khép kín với luật pháp riêng (mà các làng gọi là hương ước); có hội đồng kì mục (ở miền Bắc và miền Trung do tiên chỉ và lý chỉ đứng đầu và ở các thôn ấp miền Nam sau này gọi là Hội tề do hương cả đứng đầu- cơ quan lập pháp); lí dịch (cơ quan hành pháp).
Nếu như tính cộng đồng có chức năng liên kết các thành viên trong làng xã (hướng ngoại), thì tính tự trị lại xác định sự độc lập của làng (hướng nội).
Chính từ tính cộng đồng nên ai bỏ làng đi bị coi là biến chất, dẫn đến hệ quả là không khuyến khích việc làm giàu, làng xã đã hình thành nên một vách ngăn vô hình khiến người dân quê rất khó “mở mày mở mặt với thiên hạ”.
Chính từ những cơ sở của lịch sử, kinh tế và xã hội đã phân tích cho thấy yếu tố dân chủ trong truyền thống Việt Nam chưa thực sự được quan tâm chú trọng. Dân chủ trong lịch sử Việt Nam chủ yếu tồn tại ở hai dạng là dân chủ nông dân mà mục tiêu cao nhất của nó là hướng đến bình quân chủ nghĩa, và dân chủ làng xã lấy quan hệ cộng đồng để trói buộc con người, từ đó dẫn đến thủ tiêu vai trò cá nhân.
Người Việt luôn coi trọng tình cảm hơn lý trí, tinh thần hơn vật chất, ưa sự tế nhị kín đáo hơn sự rành mạch mà thô bạo (làm gì cũng sợ rút dây động rừng, nên có việc gì thường chủ trương đóng cửa bảo nhau, chín bỏ làm mười...).
Tính tự trị tạo ra óc gia trưởng, tôn ti, tính ích kỉ, óc bè phái, địa phương. Đồng thời tính cục bộ làng xoá nhoà sự cạnh tranh giữa từng làng lẫn từng cá nhân trong cộng đồng làng (hình thành truyền thống xấu đều hơn tốt lỏi; khôn độc không bằng ngốc đàn; Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình em đâu).
Dưới góc độ tâm thức, tâm thức của người Việt dù đi đâu làm gì cũng đều hướng về làng quê, bản quán, sức mạnh của tâm thức bắt nguồn từ những níu kéo của những giá trị đạo đức, của mạch nguồn gốc rễ, dòng họ, chẳng vậy mà đi đâu xa người ta vẫn luôn hướng về dòng họ, mục đích cuối cùng của người dân quê thành đạt cũng đều nhằm làm vẻ vang cho dòng họ của mình. Chẳng vậy mà trong những dòng hồi tưởng của mình người Việt luôn sống bằng những hoài niệm, kí ức, từ đây trong tâm thức của người Việt cũng hình thành thói dựa dẫm, ỷ lại, ngại khó. Thí dụ, tệ đi cửa sau trong giải quyết công việc: nhất thân, nhì quen, tam thần, tứ thế... Từ đó tạo cơ sở cho việc hình thành óc bè phái địa phương, thói ích kỉ, lối sống dựa dẫm, ỷ lại, căn bệnh bằng cấp, háo danh, ham mê bổng lộc, chạy theo dục vọng...
Cho đến nay, mặc dù xã hội đã thay đổi nhưng những thói quen cũ đó nó vô hình nhưng vẫn hiện hữu, tự thân nó đã ngấm sâu, bám rễ vào trong từng cử chỉ, hành vi khiến cho việc cư xử như vậy trở nên bình thường, và được chấp nhận như một lẽ tự nhiên, nó tồn tại trong cách nghĩ, cách làm của rất nhiều người và vấn đề là ở chỗ khi là một thành viên trong xã hội như thế người ta "khó có thể xử xự khác được".
(II). Xây dựng một xã hội công dân, một xã hội pháp quyền từ xã hội làng xã - liên hệ vào điều kiện Việt Nam-------
Thuật ngữ xã hội công dân ra đời từ thế kỷ IV-III, TCN, gắn liền với triết thuyết chính trị của hai nhà triết học cổ đại Platon (427-347 TCN) và Arixtốt (384 - 322 TCN) từ thời Hy Lạp cổ đại.
Mặc dù vậy thuật ngữ này chỉ sự thịnh hành trong ngôn ngữ chính trị - pháp lý qua các tác phẩm của T. Hốp xơ; G. Lốc-cơ (chủ nghĩa duy vật Anh); của các nhà triết học khai sáng Pháp và đặc biệt là triết học cổ điển Đức như I. Cantơ và G. Hêghen.
Nếu như theo thông lệ, con đường tuần tự mà lịch sử đã đi qua là muốn xây dựng nhà nước pháp quyền, phải bắt đầu từ xã hội công dân. Ở Việt nam, một xã hội công dân không thể được hình thành một cách tự phát, mà đòi hỏi tính tự giác, đặc biệt khi mà những ảnh hưởng của đặc thù xã hội truyền thống như đã phân tích còn khá nặng nề, việc chuyển mình từ xã hội hiện tại - xã hội làng xã lên xã hội công dân càng trở thành một vấn đề lớn đáng được quan tâm.
Ngược với xã hội làng xã, xã hội công dân là xã hội được xây dựng trên cơ sở mối quan hệ bình đẳng giữa nhà nước và công dân, và giữa các công dân với nhau trên cơ sở pháp luật, là một hệ quả tất yếu của quá trình toàn cầu hoá (Xem Charles R.Beitz. Social and cosmopolitan liberalism. International Affairs, page 75, 1999., xã hội công dân trước hết phải là một xã hội dân sự). Xã hội dân sự (Civil society) là những tổ chức phi nhà nước, phi lợi nhuận, được thành lập một cách tự nguyện có mục tiêu giảm nghèo và hướng tới dân chủ thực chất., thừa nhận, bảo vệ và coi trọng quyền tự định đoạt của công dân.
Đi lên từ một xã hội làng xã, để xây dựng một xã hội công dân cần phải giải quyết được các mâu thuẫn căn bản và được thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể. Trong giai đoạn trước mắt hiện nay, tôi cho rằng cần phải tập trung vào việc thực hiện các biện pháp sau:
Thứ nhất, cần ưu tiên phát triển một nền kinh tế năng động, xây dựng những chính sách hợp lý, phù hợp với quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội
Muốn xây dựng xã hội công dân không còn cách nào khác hơn nếu không phải là phải đặt việc thúc đẩy quan hệ kinh tế - thị trường lên hàng đầu, vì chính điều này là cội nguồn hiện thực của xã hội công dân.
Khi đã là một thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO, Nhà nước cần tạo ra cơ chế nhằm đảm bảo tự do kinh tế, tự do thương mại, lao động; đổi mới cơ cấu tổ chức, cũng như phương thức hoạt động của nhà nước một cách kịp thời; xác lập môi trường, khuôn khổ pháp lý thích hợp; đồng thời nhà nước cũng cần giảm việc can thiệp quá sâu vào quyền điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, mà tập trung vào quản lý ở tầm vĩ mô, hạn chế tác động tiêu cực, mặt trái của kinh tế thị trường...
Tất cả sẽ hiện thực hoá một chân lý rất giản dị một khi đô thị hoá, công nghiệp phát triển ắt thoát khỏi sự khống chế của nông thôn, đời sống vật chất cao, đầy đủ ắt sẽ thoát khỏi sự nghèo nàn, thiếu thốn; một tốc độ đô thị hoá nhanh, thái độ làm việc khẩn trương, nền nếp sẽ làm cho hàng loạt các tính cách xấu không có lý do để tồn tại.
Thứ hai, bằng nhiều các biện pháp đồng bộ tác động nhằm tăng cường công tác xây dựng lối sống, ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật. Ta lâu nay vẫn nghĩ cứ làm luật là dân theo, thực tế không phải như vậy. Chúng ta đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng, ban hành ra các đạo luật, nhưng thực tế sự chấp hành pháp luật của người dân chưa được cải thiện là bao; hay nói cách khác sự đầu tư còn có sự chênh lệch giữa đầu tư cho công tác xây dựng luật và đầu tư cho công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật. Đề cao pháp luật, tăng cường pháp chế phải đi liền với mối quan tâm làm sao để đưa cuộc sống vào pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo thói quen và nếp sống tôn trọng pháp luật trong cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân. Do đó không thể tách rời việc đưa cuộc sống vào pháp luật trong xây dựng pháp luật và đưa pháp luật vào cuộc sống trong thực tiễn áp dụng pháp luật - đây là hai mặt của một nhiệm vụ.
Như vậy, tựu trung lại, cần phải có sự kết hợp tổng hợp nhiều yếu tố:
Thứ nhất, Luật pháp đạt tới tiêu chí khách quan công bằng, nhân đạo;
Thứ hai là mỗi công dân trong xã hội đều tôn trọng và hiểu rõ giá trị, ích lợi đích thực của luật pháp. Một khi lối sống tôn trọng luật pháp trở thành lẽ tự nhiên, như con người sống cần phải thở, thì khi đó lối hành xử theo cảm tính, hoặc do nể nang sẽ không còn.
Thứ ba, xây dựng một xã hội bình đẳng trước hết là trong mối quan hệ giữa công dân với nhà nước vì lợi ích đa phương. Nhà nước không thể vì bất cứ lý do gì, dựa vào đó mà vi phạm những quyền cơ bản của công dân.
Muốn xây dựng một xã hội công dân không thể còn tồn tại trường hợp một công dân làm thiệt hại đến lợi ích của nhà nước mà không phải gánh chịu hậu quả pháp lý tương xứng, cũng không còn trường hợp nhà nước có thể ban hành văn bản pháp luật vi hiến, gây thiệt hại cho lợi ích của công dân và xã hội, lại không có chế tài hay bất cứ một cơ chế kiểm soát nào. Tôn trọng sự bình đẳng, thoả thuận, tự do khế ước, nhà nước cũng là một chủ thể bình đẳng trong giao lưu dân sự, và là và chỉ là một chủ thể, một đối thủ quan trọng trong giao lưu kinh tế.
Một nhà nước hiệu năng là một nhà nước không ngừng lắng nghe, suy tư và hành động nhanh nhậy, muốn vậy cần phải tăng cường cơ chế phản biện xã hội, nhà nước không lấy cái đa số để đè bẹp cái thiểu số mà phải tìm trong các nhóm lợi ích đó tiếng nói chung, đưa ra những giải pháp đạt được lợi ích đa phương, vì sự phát triển bền vững.
Vẫn biết rằng xây dựng một xã hội công dân là một quá trình, song nếu quyết tâm đổi mới, dám so mình với thế giới để biết mình đang đứng ở đâu mà nhìn thẳng vào những yếu kém, mặt trái, những tác động nghịch (tuy vô hình nhưng hiện hữu), một xã hội biết suy tư, trăn trở như thế, xã hội đó có quyền để hi vọng về sự phát triển.
NMT
-------------
Tham khảo thêm: Nguyễn Minh Tuấn, Dân chủ hóa nông thôn vì sự phát triển bền vững, Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, Số tháng 9 (259), ra ngày 20/9/2005, tr. 19-21.