Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

VÌ SAO SINH VIÊN LUẬT CẦN HỌC LỊCH SỬ PHÁP LUẬT?


Lịch sử pháp luật là những gì đã xảy ra rồi nên kém hấp dẫn? Không. Lịch sử pháp luật không đứt đoạn với hiện tại. Quá khứ là một kho kinh nghiệm. Muốn tìm những lời giải cho những vấn đề pháp lý hiện tại đang diễn ra, nhất thiết phải tìm hiểu những bài học kinh nghiệm, cách xử lý, giá trị kế thừa từ trong quá khứ.

Học lịch sử pháp luật chỉ là học thuộc? Không. Cách giết chết lịch sử nhanh nhất là chép và học thuộc, không cần tư duy, suy nghĩ. Thực tế, học lịch sử không phải là sự khổ sai về trí nhớ, bạn không cần phải ghi nhớ vô số những chi tiết nhỏ, nhất là trong thời đại công nghệ ngày nay.

Học lịch sử pháp luật là học nhiều? Không. Bạn chỉ cần nắm chắc những sự kiện tiêu biểu, quan trọng, những sự kiện mà không biết hoặc biết không chính xác thì không thể hiểu được những vấn đề khác, hoặc làm hỏng những tri thức khác. Thà ít mà tốt, biến những kiến thức đó thành của mình, phát triển theo cách hiểu của mình, tốt hơn là nhiều nhưng của người khác, sau đó cũng quên nhanh.
Học lịch sử pháp luật giống với hoc sử ở phổ thông hoặc thông sử? Không. Chúng ta kế thừa những kết quả nghiên cứu của khoa học lịch sử, nhưng không vội đi sâu vào những vấn đề thông sử. Lịch sử pháp luật không phải là “chiếc bóng mờ của thông sử”. Trọng tâm, điểm nhấn, chỗ đứng - điều làm nên bản sắc của môn học, khoa học này trong khoa học pháp lý và khoa học xã hội  nhân văn - là giảng dạy, học tập, nghiên cứu về “lịch sử pháp luật”.

Học lịch sử pháp luật giống như “học bơi”? Đúng. Giáo viên sẽ dạy bạn giống như “dạy bạn cách tập bơi”. Giáo viên sẽ làm nhiệm vụ kích thích sự tò mò, sự ham thích, năng lực phản biện, đánh giá của bạn. Khi đã có tư duy lịch sử pháp luật, bạn có thể đối phó, giải quyết được nhiều vấn đề của hiện tại một cách có chiều sâu. Bạn muốn “không bị chết đuối”, muốn “bơi giỏi”, thì phải ngày ngày xuống nước tập bơi.

Học lịch sử pháp luật là tiếp thu một cách thụ động những gì thầy/cô giảng? Không. Quan trọng nhất trong học lịch sử pháp luật là tính trung thực và công bằng. Điều thú vị khi học môn này là bạn có quyền hoài nghi, có quyền phản biện, quyền “lật lại vấn đề” với những gì mình được học.

Học lịch sử pháp luật chỉ cần học theo một giáo trình duy nhất? Không. Cần những giáo trình chuẩn, đầy đủ, hệ thống, nhưng không duy nhất. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo hiện nay, khi thiết kế chương trình hoặc khi giảng dạy, giảng viên sẽ lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cần thiết nhất để giới thiệu với người học.

Học lịch sử pháp luật là chỉ nghiên cứu về quá khứ, về các điều luật trong quá khứ? Không. Điểm thú vị nhất khi học lịch sử pháp luật là việc liên hệ hiện tại. Nhưng muốn liên hệ được với hiện tại thì không chỉ cần nắm chắc nội dung những điều luật, mà cần hiểu cơ sở tư tưởng nào, bối cảnh xã hội nào tạo nên những qui định ấy cũng như sự tác động, ảnh hưởng của những điều luật đó ra sao và tìm ra được qui luật của lịch sử pháp luật

Nguyễn Minh Tuấn