Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2013

ÁN OAN 10 NĂM VÀ LỜI NHẮC "CÔNG BỘC"

    TS. Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tuần Việt Nam,
đăng ngày 8/11/2013,
truy cập đường link gốc tại đây

Thượng tôn pháp luật là không có ai ở trên pháp luật và cũng không có ai không được pháp luật bảo vệ.
Ngày nào cũng cần là Ngày pháp luật
Bắt đầu từ năm nay, ngày 9/11 được chọn là Ngày pháp luật VN [1]. Khi ngày kỷ niệm đang đến gần cũng là lúc trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập hình ảnh người tù oan 10 năm vừa được trở về nhà. Sự việc này càng khiến chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của Ngày pháp luật.
Một trong nhiều khẩu hiệu của Ngày pháp luậtnăm nay là "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" [2]. Thiết nghĩ, đây đã là điều đương nhiên, tại sao lại cần khẩu hiệu? Phải chăng, nêu khẩu hiệu như vậy có nghĩa rằng "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" vẫn còn là mục tiêu xa, phải phấn đấu?
Trong một nhà nước pháp quyền, bất kỳ ngày nào cũng cần phải trở thành Ngày pháp luật. Vì pháp luật hiện diện trong cuộc sống của mỗi người hàng ngày, hàng giờ, trong rất nhiều mối quan hệ.
Giây phút ông Nguyễn Thanh Chấn được thả sau 10 năm tù oan. Ảnh: Minh Quang
Thượng tôn pháp luật
Mục đích của Ngày pháp luật năm nay là nhằm "[...] giáo dục ý thức Thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội" [3]. Vậy thượng tôn pháp luật là thượng tôn điều gì? Vì sao cần phải tuyên truyền, giáo dục?
Thượng tôn pháp luật là thượng tôn lẽ phải, lẽ công bằng, cái nhân văn cao cả, hợp lẽ sống ở đời ngay trong chính pháp luật. Bình đẳng hay không, dân chủ hay không, nhân đạo hay không cũng là ở trong chính nội dung của pháp luật.
Thượng tôn pháp luật không phải là điều gì gò bó, áp đặt. Nếu pháp luật hợp lẽ phải, hợp quy luật, đem lại lợi ích thiết thực cho con người, thì không cần hô khẩu hiệu, tốn quá nhiều tiền tuyên truyền, cổ động, hay giáo dục, người dân cũng sẽ tự nhận thấy tính thiết thực, tự tìm đến, tự bảo vệ nó như "chốn nương thân" của mình.
Thượng tôn pháp luật hoàn toàn trái ngược với việc cổ súy cho lối tuyên truyền, áp đặt một chiều: vĩnh viễn phải tuân thủ pháp luật vô điều kiện, không cần biết, không quan tâm quy trình thủ tục làm ra luật, nội dung pháp luật đó ra sao.Bởi thế, điều quan trọng là làm sao để người dân thấy được chỗ đứng của mình trong pháp luật, thấy được lợi ích của pháp luật mà tự nguyện, tự giác thực thi, hơn là sự "giáo dục mang tính ép buộc".
Để đảm bảo việc thượng tôn pháp luật, cần quan tâm đến hoạt động xét xử, vì Tòa án chính là nơi cuối cùng người dân có thể tìm đến để cầu viện công lý. Do vậy, một ngạch tư pháp độc lập, quyền lực được phân công rành mạch, phán quyết dựa trên những căn cứ pháp lý, đảm bảo tinh thần duy lý, không thiên vị là những yêu cầu thiết yếu để đảm bảo pháp luật được thực thi.
Thượng tôn pháp luật là không có ai ở trên pháp luật và cũng không có ai không được pháp luật bảo vệ. Những biểu hiện đi ngược với tinh thần này là: Nội dung của pháp luật không từ con người và vì con người; những người là công bộc của dân nhưng hành xử tùy tiện, lấy quyền lực lấn át tính pháp lý, lý lẽ và chuyên môn; bắt giữ, giam cầm và tra tấn người trái pháp luật, cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, xâm phạm một cách thô bạo các quyền con người, v.v...
Ngày Hiến pháp thay cho Ngày pháp luật?
Hiến pháp là đạo luật gốc của một quốc gia, là nền tảng để từ đó xây dựng pháp luật. "Cái nền" có toàn diện, bền vững, khách quan, hợp quy luật, lòng dân thì pháp luật dựng trên đó mới thực sự do dân, vì dân, bảo vệ công lý, đảm bảo sự công bằng.
Vì vậy, bất cứ nhà nước pháp quyền nào cũng cần đề cao tính tối thượng của Hiến pháp, mà chủ thể phải tuân thủ trước tiên chính là nhà nước. Công bộc của dân phải đi đầu trong việc thực thi Hiến pháp để bảo vệ những quyền con người, quyền công dân.
Nhiều nước trên thế giới có Ngày Hiến pháp, để nhắc nhở công quyền tôn trọng Hiến pháp, nhắc nhở công bộc của dân thực thi trách nhiệm của mình theo đúng Hiến pháp [4].
Do đó, thay vì Ngày pháp luật, nên chăng chúng ta chọn ngày 9/11 làm Ngày hiến pháp. Điều này cũng rất phù hợp, bởi đây chính là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam - Hiến pháp năm 1946. Để ngày đó trở thành một cái mốc nhắc nhở chúng ta cùng dựng xây một Chủ nghĩa Hiến pháp ở Việt Nam và nhắc nhở những công bộc của dân phải nghiêm chỉnh thực thi Hiến pháp [5].
------
Chú thích
[1] Theo quy định tại Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, ngày 09/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam. Chủ đề của Ngày Pháp luật năm nay được xác định là "Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
[2] Xem Công văn số 6902/BTP-PBGDPL ngày 25/9/2013 của Bộ Tư pháp về việc tổ chức thực hiện "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" năm 2013.
[3] Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.
[4] Không phải riêng Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới cũng có "Ngày Hiến pháp" hoặc "Ngày Pháp luật". Chẳng hạn, ở Đức thì từ năm 1860 họ đã tổ chức diễn đàn của các nhà luật học thường niên (Juristentag) và vẫn duy trì đến ngày nay. Mỹ từ năm 1961 cũng vậy, họ lấy ngày 1/5 hàng năm là ngày pháp luật (Law Day). Nhiều nước có Ngày hiến pháp, chẳng hạn từ năm 1947, Nhật Bản chọn ngày mồng 3/5 là Ngày hiến pháp hay từ năm 1949, Hàn Quốc cũng chọn ngày 17/7 là Ngày hiến pháp.
[5] Xét dưới góc độ lịch sử, ngày 9/11 là ngày ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp đầu tiên của một nước Việt nam độc lập. Cho nên việc lấy ngày này là Ngày hiến pháp là rất hợp lý.