Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

LUẬT PHÁP: CẦN, RẤT CẦN NHƯNG CHƯA ĐỦ

 

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Chuyên mục Thư Hà nội, Báo điện tử Vietnamnet
Đăng ngày 2/11/2006
 Sự cần thiết, tối cần thiết của luật pháp là điều hiển nhiên. Nhưng còn những yếu tố hỗ trợ khác nữa cũng không kém phần hữu hiệu trong việc điều chỉnh hành vi con người, cộng đồng và quản lý đất nước.
Quốc hội đang giành phần lớn thời gian để xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật pháp của Việt Nam. Đó là quá trình tất yếu của một đất nước đang tiến lên văn minh và hiện đại, đang vươn tới một trình độ cao hơn trong lịch sử phát triển của dân tộc. Nhưng sẽ là không đầy đủ, nếu quên đi sự hỗ trợ của những yếu tố khác. Những yếu tố này cũng không kém phần quan trọng.

Pháp luật - Ba điểm mạnh

Có lẽ sẽ không cần bàn cãi nữa về tầm quan trọng của pháp luật đối với sự duy trì và phát triển của một xã hội, một đất nước. Vai trò đó dựa vào ba điểm mạnh sau đây của bản thân pháp luật:
Đó là tính bắt buộc chung. Bất kì ai khi đặt vào tình huống, hoàn cảnh pháp luật qui định không thể xử sự khác được.

Đó là tính minh bạch. Pháp luật được xác định chặt chẽ, ổn định, có thể tiên liệu, dự đoán trước.

Đó là tính được đảm bảo thực hiện bởi nhà nước. Nhờ có cơ quan công quyền tiến hành tổ chức đưa pháp luật vào cuộc sống và xử lí vi phạm, nên pháp luật đã xứng đáng xếp vào vị trí là công cụ hiệu năng nhất để nhà nước quản lí xã hội.
 
Song lâu nay có lẽ cũng vì quá đề cao, nhấn mạnh, thậm chí tuyệt đối hoá pháp luật, đôi khi người ta quên mất rằng pháp luật tự thân nó cũng hàm chứa không ít những điểm yếu và cần thiết phải được bổ khuyết.

Pháp luật – Ba điểm yếu

Chúng tôi muốn đi sâu hơn những điểm yếu cố hữu của pháp luật, đó là tính chủ quan, sự khái quát hoá quá cao, và tính dễ bị lạc hậu so với sự đổi thay nhanh chóng của cuộc sống.

Tính chủ quan. Ai cũng thấy các quy định của pháp luật rất đa dạng và khác nhau. Chẳng hạn, ở nước ta quy định cho mọi phương tiện giao thông đi phía tay phải, trong khi ở Ấn độ lại đi bên tay trái. Hay việc ăn thịt lợn là chuyện hàng ngày và rất bình thường ở nhiều quốc gia, thì có một số nước theo đạo Hồi lại có qui định cấm ăn thịt lợn.
Một dẫn chứng nữa: cùng là vấn đề độ tuổi kết hôn, nhưng mỗi nước có qui định độ tuổi khác nhau. Chẳng hạn như ở Việt Nam độ tuổi kết hôn ở nữ là từ 18 tuổi, nam từ 20 tuổi trở lên. Trong quá trình thực hiện, lại xuất hiện sự khác biệt: ở những đô thị lớn nơi có trình độ dân trí cao, nếu vi phạm việc xử lí sẽ khác, còn ở những vùng sâu, vùng xa xử lí cũng sẽ khác.
Cũng dễ hiểu thôi. Bản thân con người, xã hội loài người là một thực thể đầy mâu thuẫn và không hoàn thiện, thì làm sao luật pháp, sản phẩm do con người làm ra, có thể tuyệt đối hoàn thiện được, do vậy pháp luật không phải bao giờ cũng đúng, cũng là chân lí.
Hơn nữa, pháp luật phần nào thể hiện ý chí, mang trong nó những toan tính và lợi ích trước hết của chủ thể ban hành, và vì thế, ai cũng hiểu, không phải lúc nào pháp luật cũng đáp ứng mong mỏi của tất cả các thành viên của toàn xã hội.

Sự khái quát hoá quá cao. Ai cũng biết pháp luật là những qui tắc xử sự phổ biến do vậy nó cần phải mang tính khái quát hoá cao, sự khái quát hoá cao đó giữ cho luật pháp vừa ổn định lại vừa đảm bảo được một sự công bằng và thống nhất.
Song nếu sự khái quát hoá quá cao, lại có những qui định quá chung chung, pháp luật dễ dàng bộc lộ điểm yếu nhất - khó đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy mọi tình huống pháp luật xảy ra thường ở những không gian, thời gian và hoàn cảnh sống cụ thể cũng rất khác nhau. Bởi vậy nếu chỉ chú ý đến qui định của điều luật mà không quan tâm đến hoàn cảnh kinh tế, trình độ nhận thức, khả năng giáo dục và nhiều yếu tố khác, việc áp dụng luật pháp không những có thể sai lầm mà còn dễ trở thành sự ám ảnh về tính trừng phạt, gây đau khổ hơn là giáo dục hay cần thiết để duy trì trật tự chung.
Tính dễ bị lạc hậu so với cuộc sống. Pháp luật suy cho cùng chỉ là sự phản ứng của con người trước những đổi thay của tự nhiên và xã hội, do vậy pháp luật luôn đi sau cuộc sống, dù có hoàn thiện đến đâu pháp luật cũng không thể điều chỉnh hết được các quan hệ xã hội.
Như vậy xem ra sự điều chỉnh của pháp luật thường là sự điều chỉnh sau, và sự trừng phạt của luật pháp đôi khi chỉ làm cho người ta sợ mà không vi phạm chứ chưa chắc đã phải là liệu pháp hoàn toàn hiệu năng trong mọi trường hợp.

Các yếu tố ngoài pháp luật

Chính những điểm yếu nói trên làm cho pháp luật, dù là cần thiết, thậm chí tối cần thiết, bản thân nó vẫn chưa hoàn toàn đủ để điều chỉnh toàn bộ hành vi con người, sự hài hoà của cộng đồng, để điều hành một xã hội, một đất nước. Trong hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật cần phải kết hợp và đặt pháp luật trong mối liên hệ với những qui phạm xã hội khác như đạo đức; phong tục, tập quán; điều lệ của các tổ chức xã hội…
Trong thực tế, những dạng qui phạm này đều ra đời trước pháp luật, tuy không có được tính minh bạch và rõ ràng như luật pháp, không có một cơ quan công quyền là nhà nước đứng ra đảm bảo thực hiện, và thường là những chuẩn mực định tính khó đo đếm, nhưng nó lại có nhiều ưu điểm và nhiều mặt tích cực mà luật pháp không thể có được.

Luật pháp có thể yêu cầu mọi người phải làm điều này không được làm điều kia nhưng khi kêu gọi hướng đến cái đẹp, cái thiện thì luật pháp bỗng trở nên bất lực. Chính đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp, điều lệ của các tổ chức xã hội...lại có khả năng làm được và làm tốt điều này. Ngay cả văn học nghệ thuật, đức tin v.v...cũng có vai trò không thể phủ nhận được. Chẳng hạn, trong thời chiến tranh, noi theo gương ông cha đi trước hoặc nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ, một cuốn sách, nhiều thanh niên sẵn sàng rời ghế nhà trường ra đi chẳng tiếc tuổi xanh, để quyết tử cho tổ quốc quyết sinh....

Lời kết

Nhà nước pháp quyền là nhà nước vị pháp luật, một nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật. Nước ta đang trong quá trình xây dựng và hoàn chỉnh một nhà nước như vậy. Nhưng điều chỉnh hành vi con người bằng pháp luật, dù đóng vai trò chủ yếu, vẫn là một sự điều chỉnh rất công phu. Trong khi đó các qui phạm xã hội và những hình thức không mang tính qui phạm khác nói ở trên cũng có khả năng điều chỉnh hành vi con người một cách nhẹ nhàng hơn mà vẫn hướng con người tới được những giá trị cao cả.
Tóm lại, luật pháp cần, rất cần thiết, nhưng chỉ dựa vào chỉ luật pháp là chưa đủ.