Nguyễn Minh Tuấn,
Nguồn: Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Bộ Tư Pháp,
truy cập tại đây
Hiện
nay, những vấn đề khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, sự cố bất thường, khủng
bố… diễn ra một cách đa dạng, phức tạp cả về quy mô và tính chất, mức độ. Mỗi
quốc gia tùy từng điều kiện, hoàn cảnh có thể đưa ra cách thức, biện pháp xử lý
khác nhau về vấn đề này, thậm chí có nhiều nước đã thể chế hóa thành quy tắc và
có hiện thực khá “sinh động” trong việc xử lý những trường hợp này.
1. Kinh nghiệm về phân định rõ chức năng, thẩm quyền của liên bang và tiểu bang đối với việc xử lý các trường hợp khẩn cấp
Từ rất sớm các nhà lập hiến Đức đã dự liệu trước các vấn đề mà Nhà nước phải ứng phó, xử lý khi xảy ra những trường hợp bất thường do thiên tai, thảm họa hoặc khủng bố. Luật Cơ bản (Hiến pháp) Đức năm 1949 đã quy định trực tiếp về vấn đề quản trị nhà nước trong những trường hợp khẩn cấp (bao gồm cả những trường hợp như thiên tai, dịch bệnh, sự cố bất thường, khủng bố…). Những điều khoản này hiện thực hóa khả năng ứng phó với những trường hợp khẩn cấp, bất thường xảy ra ở cả cấp liên bang và tiểu bang.
Luật Cơ bản quy định rõ việc xử lý các trường hợp khẩn cấp là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm phải xử lý các vấn đề khẩn cấp, kể cả những trường hợp thảm họa và khủng bố. Nhân dân là chủ thể được bảo vệ và có quyền yêu cầu Nhà nước phải đảm bảo tính mạng, tài sản cho người dân. Nhà nước có bộ máy chuyên nghiệp, có lực lượng cảnh sát và quân đội được trang bị đầy đủ thì trong những trường hợp khẩn cấp Nhà nước phải thực hiện nhiệm vụ của mình, phải ứng phó, xử lý một cách tốt nhất, nhanh nhất để giảm thiểu thiệt hại một cách tối đa.
Do áp dụng cơ chế tự quản nên khi xảy ra vấn đề thảm họa hay khủng bố trách nhiệm xử lý trước tiên là của tiểu bang. Tùy từng cấp độ của vấn đề mà liên bang hoặc các tiểu bang khác có trách nhiệm hỗ trợ xử lý hoặc cũng có trường hợp các tiểu bang khác tham gia tự nguyện khi có tiểu bang yêu cầu hỗ trợ. Mỗi tiểu bang của Đức chịu trách nhiệm gìn giữ trật tự, an toàn chung của tiểu bang đó. Lực lượng liên bang bao gồm cảnh sát liên bang và quân đội liên bang chỉ hỗ trợ trong một số trường hợp rất đặc biệt.
Theo quy định của Luật Cơ bản Đức, việc bảo vệ người dân trước hết là trách nhiệm của các tiểu bang (Điều 30, 70). Liên bang tham gia vào hoạt động này chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt. Điều 87a khoản 2 Luật Cơ bản (đã nêu rõ rằng lực lượng quân đội liên bang (Bundeswehr) sẽ chỉ được tham gia vào hoạt động gìn giữ trật tự của tiểu bang khi Luật Cơ bản rõ ràng cho phép điều đó[1].
Trên thực tế, nhà lập hiến Đức đã dự liệu trước 03 trường hợp/cấp độ thảm họa hoặc nguy cấp phải xử lý (theo tính chất khẩn cấp giảm dần).
Cấp độ 1: Điều 35 khoản 2 Câu 2 Luật Cơ bản[2] quy định về trường hợp thảm họa tự nhiên hoặc trường hợp nguy cấp đặc biệt. Đây là trường hợp mà một tiểu bang có thể huy động nhiều nhất nguồn lực có thể. Theo quy định của Luật Cơ bản, thì tùy tính chất và mức độ của từng vụ việc, tiểu bang có thể yêu cầu sự hỗ trợ trực tiếp của: Cảnh sát của tiểu bang khác; nguồn nhân lực hành chính tại chỗ; cảnh sát liên bang và quân đội liên bang. Ở cấp độ này một tiểu bang có thể huy động tất cả các nguồn lực cả tiểu bang và liên bang. Khi tiểu bang có yêu cầu thì sự tham gia của liên bang và các tiểu bang khác là bắt buộc. Đây là trường hợp duy nhất tiểu bang có thể huy động quân đội liên bang giải quyết.
Cấp độ 2: Điều 91 Khoản 1 Luật Cơ bản[3] dự liệu về trường hợp nguy hiểm khẩn cấp đối với trật tự dân chủ tự do (FDGO) của tiểu bang hoặc của liên bang. Trong trường hợp này, tiểu bang có thể yêu cầu sự hỗ trợ của: Cảnh sát của tiểu bang khác; nguồn nhân lực hành chính tại chỗ; cảnh sát liên bang. So với cấp độ 1 thì ở cấp độ 2 này tiểu bang không thể huy động quân đội liên bang.
Cấp độ 3: Điều 35 Khoản 2 Câu 1 Luật Cơ bản[4] quy định trường hợp hiểm nguy đặc biệt đối với an toàn và trật tự chung. Trường hợp này, tùy tính chất và mức độ của từng vụ việc, một tiểu bang bất kỳ có thể yêu cầu sư hỗ trợ của cảnh sát liên bang. Đây là trường hợp ít nghiêm trọng hơn trường hợp ở Điều 91 Khoản 1 Luật Cơ bản. Ngoài ra tiểu bang có thể thỉnh cầu sự hỗ trợ của cảnh sát các tiểu bang khác tham gia một cách tự nguyện. Như vậy, so với hai cấp độ trên thì ở cấp độ này tiểu bang chỉ có thể yêu cầu sự hỗ trợ của cảnh sát liên bang, sự tham gia của các tiểu bang khác không phải là nhiệm vụ có tính bắt buộc.
Nếu tiểu bang không hoàn thành nghĩa vụ đối với liên bang, thì Chính phủ liên bang có thể áp dụng những biện pháp cần thiết, ví dụ như áp dụng các chế tài về tài chính, trả lại tài sản hoặc tiền, biện pháp thay thế, tịch thu tài sản (Điều 37 Luật Cơ bản).
Trong
trường hợp khẩn cấp mang tính cấp khu vực (liên quan đến nhiều bang khác nhau)
thì theo Điều 35 Khoản 3 Luật Cơ bản, liên bang sẽ ủy quyền cho các chính quyền
tiểu bang tham gia vào đội ngũ cảnh sát chung của các tiểu bang. Tùy tính chất
mức độ mà cảnh sát liên bang và quân đội liên bang có thể cùng tham gia, nhưng
về cơ bản khi có vụ việc liên quan đến nhiều bang thì trách nhiệm trước tiên là
trách nhiệm của chính các tiểu bang đó. Luật Cơ bản để ngỏ vấn đề này với mục
đích trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tiểu bang, liên bang chỉ hỗ
trợ trong trường hợp thực sự cần thiết.
Nếu một tiểu bang tương ứng không có năng lực hoặc không đủ năng lực ứng phó với thảm họa hoặc trường hợp khẩn cấp thì theo Điều 91 Khoản 2 Luật Cơ bản liên bang có quyền can thiệp. Khi một tiểu bang ứng phó chậm chạp hoặc hậu quả đã xảy ra nhưng tiểu bang không có giải pháp xử lý rõ ràng thì liên bang có quyền can thiệp. Quyền can thiệp ở đây được hiểu là quyền hướng dẫn của Chính phủ liên bang đối với cảnh sát tiểu bang và chính phủ tiểu bang, đồng thời liên bang có quyền điều động cảnh sát liên bang và/hoặc quân đội liên bang tham gia.
Nếu một tiểu bang tương ứng không có năng lực hoặc không đủ năng lực ứng phó với thảm họa hoặc trường hợp khẩn cấp thì theo Điều 91 Khoản 2 Luật Cơ bản liên bang có quyền can thiệp. Khi một tiểu bang ứng phó chậm chạp hoặc hậu quả đã xảy ra nhưng tiểu bang không có giải pháp xử lý rõ ràng thì liên bang có quyền can thiệp. Quyền can thiệp ở đây được hiểu là quyền hướng dẫn của Chính phủ liên bang đối với cảnh sát tiểu bang và chính phủ tiểu bang, đồng thời liên bang có quyền điều động cảnh sát liên bang và/hoặc quân đội liên bang tham gia.
Các cơ quan công quyền ở Đức tham gia vào việc xử lý các vấn đề khẩn cấp gồm nhiều cơ quan như: Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật liên bang, Văn phòng Liên bang về bảo vệ dân sự và hỗ trợ thảm họa, Hệ thống thông tin chuẩn bị khẩn cấp của Đức, Đội cứu hỏa (phòng cháy chữa cháy), Các lực lượng vũ trang liên bang, Cơ quan gìn giữ an toàn liên bang. Từ năm 1950 Đức đã thành lập cơ quan có chức năng hỗ trợ về mặt kĩ thuật, cơ quan này dựa trên các phương tiện dự báo hiện đại có thể dự báo và chuẩn bị phương án ứng phó trước rất hiệu quả đối với sóng thần, động đất, lũ lụt, lở đất, thảm họa môi trường.
Bên cạnh những cơ quan này, ở Đức còn có các tổ chức xã hội và tổ chức tự quản ở địa phương bao gồm: Lực lượng cứu hộ chung, Hội chữ thập đỏ Đức, Hội cứu trợ tính mạng của Đức, Hội cứu trợ tai nạn, Hội cứu trợ về y tế trong các trường hợp thảm họa ở Đức và nhiều tổ chức khác. Đây chính là những tổ chức chuyên nghiệp, hỗ trợ rất đắc lực cùng với các cơ quan nhà nước trong việc xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Ở Đức cũng từng xảy ra nhiều trường hợp thiên tai. Chẳng hạn ngày 30/5/2016, ở Đức mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng tại bang Baden Wurtenberg. Các trận mưa lớn và tố lốc tiếp diễn suốt đêm 29/5 tại bang này khiến nước sông tràn bờ gây thiệt hại nghiêm trọng. Nước lũ đã phá hủy nhiều nhà cửa và thiệt hại lớn về tài sản. Có 7.000 lính cứu hỏa, cảnh sát và nhân viên cứu hộ đã được huy động tới vùng lũ, trong đó có cả lực lượng của liên bang, tiểu bang Baden Wurtenberg và một số vùng lân cận.
Trong xử lý các vấn đề khẩn cấp, đặc biệt là vấn đề thảm họa tự nhiên, nước Đức là quốc gia đi đầu trong việc phòng ngừa. Cụ thể, gần đây nhất, ngày 26/1/2019 vừa qua, Ủy ban Than Đức (GCC), bao gồm nhiều công ty sản xuất điện, các nhà khoa học, nhà môi trường đã tiến tới được thỏa thuận Đức sẽ chi hàng chục tỷ USD để đóng cửa tất cả nhà máy điện than cho đến năm 2038 nhằm bảo vệ môi trường. Việc đóng cửa tất cả nhà máy điện than sẽ giúp giảm tác động của con người đối với môi trường, đặc biệt về vấn đề biến đổi khí hậu. Chính phủ sẽ hỗ trợ tạo khoảng 5.000 việc làm mới tại các bang khai thác than nhiều như North Rhine-Westphalia, Brandenburg, Saxony-Anhalt và Saxony[5].
2. Kinh nghiệm về xử lý các vấn đề liên quan đến khủng bố
Đức là một nước đông dân, đặc biệt là số người nhập cư rất đông. Tuy nhiên, với sự phân quyền rất rõ ràng nên các tiểu bang có trách nhiệm rất cao trong việc phòng ngừa và xử lý khủng bố. Trên thực tế, nước Đức thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện và ngăn chặn, xử lý nhiều âm mưu khủng bố.
Ví dụ 1: Cảnh sát ở Leipzig ngày 10/10/2016 đã bắt giữ công dân Syria 22 tuổi, tên là Jaber al-Bakr sau 02 ngày truy lùng ráo riết, khi họ phát hiện ra 1,3kg chất nổ cực nguy hiểm và các thiết bị chế tạo bom khác của nghi phạm trong căn hộ ở Chemnitz, phía Đông nước Đức. Tên này đã đến Đức hồi tháng 2/2015 qua con đường nhập cư. Hắn bị nghi ngờ âm mưu tiến hành tấn công một sân bay ở Berlin. Các thiết bị và vật liệu chế tạo bom được tìm thấy tương tự như được sử dụng trong các cuộc tấn công ở Paris và Brussels trước đó[6] .
Ví dụ 2: Cảnh sát Đức đã tiết lộ chi tiết về hai kế hoạch tấn công khủng bố của một câu bé 12 tuổi người Đức gốc Iraq bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS xúi giục. Ngày 26/11, cậu bé này đã đặt một balo chứa bom đinh tại chợ giáng sinh ở thị trấn Ludwigshafen. Các chuyên gia có mặt tại hiện trường và vô hiệu hóa quả bom. Khai nhận với cảnh sát, cậu bé này còn tiết lộ một âm mưu đánh bom khác vào ngày 5/12 ở khu vực gần Tòa thị chính thành phố Ludwigshafen, nhưng không thực hiện được[7].
Ví dụ 3: Ngày 08/4/2018, trong một thông cáo, Viện kiểm sát thành phố Berlin cho biết, cảnh sát Đức đã bắt giữ 06 người bị tình nghi chuẩn bị tấn nhằm vào một cuộc chạy bộ được tổ chức cùng ngày tại thủ đô Berlin. Lực lượng này đã khám xét nhiều căn hộ trong thành phố và bắt giữ 06 thanh niên trong độ tuổi từ 18 tuổi đến 21 tuổi, sau khi nhận được các thông tin chính xác về việc những người này có thể có liên quan tới việc chuẩn bị tấn công nhằm vào cuộc chạy bộ thu hút tới 36.000 người tham gia. Việc bắt giữ 06 người này một phần vì lý do an ninh, trong bối cảnh nước Đức vừa xảy ra một vụ đâm xe làm 03 người chết và hàng chục người bị thương, trong đó nhiều người vẫn đang nguy kịch, tại thành phố Muenster, phía Tây Bắc nước Đức. Trước đó, báo chí Đức đưa tin, lực lượng cảnh sát đã phá được một âm mưu khủng bố bằng dao nhằm vào cuộc chạy bộ. Báo chí Đức cũng cho biết, khi bị bắt, nghi phạm chính sở hữu 02 dao nhọn, đồng thời đây là một người thân của Anis Amri, kẻ đã gây ra vụ khủng bố bằng xe tải tại khu chợ giáng sinh ở thủ đô Berlin hồi tháng 12/2016, làm 12 người chết[8].
Kể từ sau sự kiện ngày 11/9/2001 xảy ra tại trung tâm thương mại New York, Mỹ, ở Đức cũng xuất hiện một vấn đề gây tranh luận đó là liệu trong một trường hợp đang bị khủng bố thì máy bay chiến đấu của quân đội liên bang có được tham gia và tấn công vào máy bay dân sự thông thường hay không.
Điều 87a Khoản 2 Luật Cơ bản đã trao quyền cho quân đội liên bang được tham gia chống khủng bố, cụ thể là tham gia bằng máy bay chống lại các mục tiêu trên mặt đất (theo Điều 87a Khoản 2 Luật Cơ bản và Điều 115a Khoản 1 Câu 1 Luật Cơ bản)[9]. Tuy nhiên, Luật Cơ bản đã bỏ ngỏ vấn đề khủng bố xảy ra ở trên không phận của nước Đức. Năm 2012, Tòa án Hiến pháp liên bang đã quyết định rằng trong những trường hợp như vậy thì theo Điều 35 Khoản 2 Câu 2 và Khoản 3 Luật Cơ bản việc tham gia của quân đội liên bang từ ngay khi có dấu hiệu khủng bố và công cụ đấu tranh quân sự đặc biệt khác là được phép. Tất nhiên sự tham gia như vậy phải được đảm bảo khi đặt dưới những điều kiện rất chặt chẽ để không vi phạm Điều 87a Khoản 4 Luật Cơ bản[10]. Cụ thể, Tòa án Hiến pháp liên bang cho rằng sự tham gia của quân đội liên bang ở các tiểu bang trong những trường hợp chống khủng bố là được phép, khi xuất hiện thảm họa và thiệt hại trực tiếp từ thảm họa đó là có thể nhận biết được và chắc chắn trực tiếp sẽ xảy ra[11]. Như vậy có thể thấy sự tham gia của quân đội liên bang là không đương nhiên và phải có những căn cứ rất cụ thể lực lượng này mới được phép tham gia chống khủng bố[12].
Nhìn chung quan điểm của Tòa án Hiến pháp liên bang muốn hạn chế sự tham gia của quân đội và muốn giải quyết vấn đề khủng bố bằng con đường hòa bình. Việc huy động cả cảnh sát và quân đội liên bang tham gia chống khủng bố chỉ được tiến hành khi đó là giải pháp cuối cùng và không còn biện pháp nào khác[13].
Cho đến nay, việc dùng vũ khí bắn thẳng vào một chiếc máy bay dân sự có nhiều hành khách trên đó mà đang được kẻ khủng bố khống chế sử dụng vẫn là một điều bị cấm, mà thực tế chỉ cho phép đưa ra cảnh báo hoặc dùng các biện pháp gây áp lực tâm lý đối với kẻ khủng bố. Tòa án Hiến pháp liên bang cho rằng việc bắn thẳng vào một máy bay chỉ được phép khi xác định được rằng trên máy bay đó chỉ có những kẻ khủng bố[14]. Lý do không được bắn thẳng vào máy bay dân sự có hành khách là nhằm bảo vệ quyền sống của những người vô tội và đề cao việc bảo vệ nhân phẩm, coi con người là giá trị cao nhất cần được bảo vệ. Đồng thời, Tòa án Hiến pháp liên bang cũng đã tuyên bố rằng luật an toàn hàng không Đức là vô hiệu khi đã quy định cho phép công quyền được bắn vào máy bay có người dân ở trên đó[15].
Tòa án Hiến pháp liên bang Đức lập luận: Giải pháp bắn thẳng vào máy bay do kẻ khủng bố đang kiểm soát là đã không chú ý đến quyền lợi của những người liên quan với giá trị của họ và những quyền của họ. Việc giết hại được sử dụng như là biện pháp để cứu những người khác như vậy là đã đơn phương tước đi quyền sống của họ, giá trị của những người ngồi trên máy bay đang cần được bảo vệ cũng giống như những người khác mà việc khủng bố có thể gây ra.
Vào tháng 4/2013, Tòa án Hiến pháp liên bang đã quyết định rằng chỉ có Chính phủ liên bang chứ không phải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên bang được phép quyết định trong các vụ việc cụ thể. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không được tự mình quyết định về việc tham gia của quân đội liên bang trong các trường hợp chống khủng bố.
3. Một số bài học rút ra
Qua việc nghiên cứu vấn đề trách nhiệm của Nhà nước trong việc xử lý các trường hợp khẩn cấp và khủng bố ở Cộng hòa liên bang Đức có thể rút ra một vài nhận định sau đây:
3.1. “Quản trị công hiện đại” khác với “quản lý nhà nước” trước đây trước tiên chính là ở cơ chế phân quyền hiệu quả. Xác định đúng vị trí, chức năng, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan đã được xem là bước khởi đầu của quản trị tốt. Các nhà lập hiến Đức đã có sự phân định rõ chức năng, thẩm quyền của liên bang và tiểu bang đối với việc xử lý các vấn đề thảm họa và khủng bố. Nhà nước có trách nhiệm phải xử lý các vấn đề thảm họa và khủng bố, mà trách nhiệm trước tiên, cơ bản là của tiểu bang. Liên bang tham gia vào hoạt động này chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt theo quy định của Luật Cơ bản. Quân đội liên bang sẽ chỉ được tham gia vào hoạt động này khi Luật Cơ bản rõ ràng cho phép điều đó. Tác giả bài viết này cho rằng trao trách nhiệm cho chính quyền tiểu bang là phù hợp, phản ánh rõ tính chất của Nhà nước liên bang có sự phân quyền theo chiều dọc. Thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình rõ ràng dẫn đến việc xử lý các vấn đề khẩn cấp và khủng bố cũng vì thế mà có hiệu quả tốt.
3.2. Phi tập trung hóa và xã hội hóa là xu hướng mà ta có thể thấy rõ trong việc xử lý các vấn đề khẩn cấp ở Đức. Nhà lập hiến đã dự liệu trước 03 trường hợp/cấp độ thảm họa hoặc nguy cấp phải xử lý (theo tính chất khẩn cấp giảm dần). Mỗi một cấp độ, chủ thể nào chịu trách nhiệm chính, chủ thể nào tham gia và tham gia đến đâu đều được cụ thể hóa rất rõ ràng. Việc phân loại như vậy một mặt xác định cơ sở để đánh giá, mặt khác việc phân định đó cũng khiến cho khi có xung đột hoặc tranh chấp thẩm quyền xảy ra thì đã có cơ sở rõ ràng để xử lý.
Một trong những kinh nghiệm mà ta có thể thấy rất rõ là các nguồn lực xã hội được huy động rất tốt để tham gia vào việc xử lý các trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh các cơ quan công quyền còn có một bộ phận không nhỏ các tổ chức xã hội và tổ chức tự quản ở địa phương tham gia. Những tổ chức này được trang bị một cách đầy đủ và hoạt động rất chuyên nghiệp.
3.3. Cụ thể hóa vấn đề trách nhiệm, chế tài cũng là một bài học từ kinh nghiệm của Đức. Luật Cơ bản đã dự liệu cả trường hợp tiểu bang không hoàn thành nghĩa vụ thì phải chịu những chế tài gì (Điều 37 Luật Cơ bản). Đồng thời, cũng nêu rõ trường hợp khẩn cấp mang tính cấp khu vực (liên quan đến nhiều bang khác nhau) hoặc trong trường hợp một tiểu bang tương ứng không có năng lực hoặc không đủ năng lực ứng phó thì sẽ xử lý ra sao. Đây cũng là vấn đề mà trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật ở các quốc gia khác có thể tham khảo, học tập.
3.4. Về chống khủng bố, Điều 87a Khoản 2 Luật Cơ bản đã trao quyền cho quân đội liên bang được tham gia chống khủng bố. Năm 2012, Tòa án Hiến pháp liên bang giới hạn thẩm quyền của quân đội liên bang và quy định quân đội liên bang chỉ được tham gia trong những trường hợp chống khủng bố, khi xuất hiện thảm họa và thiệt hại trực tiếp từ thảm họa đó là có thể nhận biết được và chắc chắn sẽ xảy ra. Vào tháng 4/2013, Tòa án hiến pháp liên bang đã quyết định rằng chỉ có Chính phủ liên bang chứ không phải Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liên bang được phép quyết định trong các vụ việc cụ thể. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng không được tự mình quyết định về việc tham gia của quân đội liên bang trong các trường hợp chống khủng bố.
3.5. Cho đến nay thì việc bắn thẳng vào một chiếc máy bay dân sự mà đang được kẻ khủng bố khống chế sử dụng vẫn là một điều bị cấm. Tòa án Hiến pháp liên bang cho rằng việc bắn thẳng vào một máy bay chỉ được phép khi xác định được rằng trên máy bay đó chỉ có những kẻ khủng bố[16]. Lý do không được bắn thẳng vào máy bay dân sự có hành khách là nhằm bảo vệ quyền sống của những người vô tội và đề cao việc bảo vệ nhân phẩm, coi con người là giá trị cao nhất cần được bảo vệ. Điều này cũng cho thấy một góc nhìn, một cách lựa chọn giá trị riêng trong việc xử lý, giải quyết khủng bố ở Cộng hòa liên bang Đức.
PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[2] Nguyên văn Điều 35 Khoản 2 Luật Cơ bản
Đức quy định: Để giúp đỡ khi có thiên tai hoặc thảm họa đặc biệt nghiêm trọng,
một bang có thể yêu cầu các lực lượng cảnh sát của các bang khác, các lực lượng
hành chính tại chỗ, cảnh sát liên bang và quân đội liên bang.
[3] Nguyên văn Điều 91 Khoản 1 Luật Cơ bản
Đức: Để ngăn chặn mối nguy hại đe dọa đến sự tồn tại hoặc nền tự do dân chủ của
liên bang hoặc một bang thì một bang có thể yêu cầu các lực lượng công an của
các bang khác cũng như nguồn nhân lực hành chính tại chỗ và cảnh sát liên bang.
[4] Nguyên văn Điều 35 Khoản 2 Câu 1: Để duy
trì hoặc khôi phục lại an ninh công cộng, một bang trong các trường hợp đặc
biệt khẩn cấp có thể yêu cầu các lực lượng liên bang và các cơ sở bảo vệ biên
giới của liên bang hỗ trợ cảnh sát của bang, nếu cảnh sát bang không có sự hỗ
trợ này có thể không thực hiện được nhiệm vụ hoặc chỉ thực hiện nhiệm vụ một
cách hết sức khó khăn.
[5] Nguồn: 26. Januar 2019: Bis 2038 will
Deutschland aus der Kohle aussteigen,
https://klimalandschweiz.ch/2019/01/26/26-januar-2019-bis-2038-will-deutschland-aus-der-kohle-aussteigen/.
[6] Nguồn:
Syrischer-terrorist-al-abkr-bastelte-bomben-und-der-polizei-war-es-egal,
https://www.bz-berlin.de/berlin/syrischer-terrorist-al-abkr-bastelte-bomben-und-der-polizei-war-es-egal.
[7] Nguồn: 12 year-old planned two bomb
attacks in German city of Ludwigshafen
https://www.dw.com/en/report-12-year-old-planned-two-bomb-attacks-in-german-city-of-ludwigshafen/a-36791667.
https://www.dw.com/en/report-12-year-old-planned-two-bomb-attacks-in-german-city-of-ludwigshafen/a-36791667.
[8] Nguồn: International nach Berliner
halbmarathon polizei bestaetigt sechs festnahmen,
https://www.srf.ch/news/international/nach-berliner-halbmarathon-polizei-bestaetigt-sechs-festnahmen.
https://www.srf.ch/news/international/nach-berliner-halbmarathon-polizei-bestaetigt-sechs-festnahmen.
[9] Điều 115 a Luật Cơ bản Đức quy định:
Quốc hội liên bang với sự đồng ý của Hội đồng liên bang có quyền tuyên bố rằng
lãnh thổ liên bang bị tấn công bởi lực lượng vũ trang hoặc bị đe dọa trực tiếp
bởi một cuộc tấn công như vậy ; Nếu tình hình đòi hỏi phải hành động ngay lập
tức và việc triệu tập cuộc họp Quốc hội liên bang gặp phải những trở ngại không
thể vượt qua hoặc Quốc hội liên bang không đủ khả năng thông qua nghị quyết thì
Ủy ban chung đưa ra tuyên bố này với hai phần ba số phiếu, ít nhất là đa số các
thành viên của Ủy ban tán thành.
[10] Theo Điều 87a Khoản 4 Luật Cơ bản thì
Chính phủ liên bang có thẩm quyền điều động lực lượng cảnh sát và quân đội liên
bang chống lại các thế lực nổi loạn có tổ chức và được trang bị vũ khí quân sự.
Việc điều động này phải chấm dứt nếu Quốc hội liên bang hoặc Hội đồng chung
liên bang yêu cầu chấm dứt.
[11] Bundeswehreinsätze im Inland: Karlsruhe
fällt Katastrophen-Entscheidung. In: SZ Online, Süddeutsche Zeitung, 17. August
2012. Abgerufen im 21. Dezember 2016; Entscheidung des Bundesverfassungsgerichts:
Karlsruhe erlaubt Bundeswehreinsatz im Inland. In: Tagesschau.de,
Tagesschau.de, 17. August 2012. Abgerufen im 21. Dezember 2016.
[12] Manuel Bewarder, Thorsten Jungholt:
Paukenschlag in Karlsruhe. In: Welt Online, Die Welt, 18. August 2012.
Abgerufen im 21. Dezember 2016; Bundeswehr: Verfassungsgericht erlaubt
Waffeneinsatz im Inland. In: SPIEGEL ONLINE, Der Spiegel, 17. August 2012.
Abgerufen im 21. Dezember 2016.
[13] Christian Ludwig Geminn,
Rechtsverträglicher Einsatz von Sicherheitsmaßnahmen im öffentlichen Verkehr.
Springer Vieweg Verlag, Wiesbaden 2014, S. 265, S. 252-266.
[14] Robert Chr. van Ooyen: Bundesregierung,
Staatstheorie und Verfassungsgericht im Streit um die neue Sicherheit. In:
Bundesverfassungsgericht und politische Theorie: Ein Forschungsansatz zur
Politologie der Verfassungsgerichtsbarkeit. Springer-Verlag GmbH, Heidelberg
2015, S. 89-93, S. 59-93.
[15] Terrorabwehr: Nur Bundesregierung darf
Bundeswehr im Innern einsetzen. In: Süddeutsche Zeitung, Süddeutsche Zeitung,
18. April 2013. Abgerufen im 21. Dezember 2016.
[16] Robert Chr. van Ooyen, Bundesregierung,
Staatstheorie und Verfassungsgericht im Streit um die neue Sicherheit, in:
Bundesverfassungsgericht und politische Theorie: Ein Forschungsansatz zur
Politologie der Verfassungs-gerichtsbarkeit. Springer-Verlag GmbH, Heidelberg
2015, S. 89-93, S. 59-93.