Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

GIÁO TRÌNH LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM NĂM 2017

Giáo trình: Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam
Chủ biên: TS. Nguyễn Minh Tuấn, TS. Phạm Thị Duyên Thảo, TS. Mai Văn Thắng
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà nội, năm 2017

Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam là khoa học pháp lý cơ sở, là một nội dung quan trọng thuộc học phần bắt buộc Lịch sử nhà nước và pháp luật trong chương trình đào tạo cử nhân luật.
Từ những ngày đầu khi mới thành lập các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam, trong đó có Khoa Luật, Đại học Tổng hợp (nay là Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà nội), Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam đã là một môn học bắt buộc, một môn học pháp lý cơ sở của ngành trong chương trình đào tạo luật.
Hiện nay, theo chương trình đào tạo tín chỉ, Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam là một nội dung trong học phần bắt buộc Lịch sử nhà nước và pháp luật của chương trình đào tạo ngành luật (bao gồm ngành luật học, ngành luật kinh doanh và một số mã ngành mới), được giảng dạy tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội. Đây là học phần có chức năng cung cấp các tri thức về pháp luật, chức năng tăng cường khả năng tư duy, khả năng lập luận của người học và chức năng định hướng cho người học trước khi tìm hiểu về các môn học pháp lý chuyên ngành.

Do tầm quan trọng của vấn đề lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam đối với khoa học pháp lý, nên từ rất sớm đã có những công trình khoa học nghiên cứu rất đầy đủ, công phu về vấn đề này, trong đó phải kể đến những công trình như: Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp quyền Việt Nam (từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX), Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà nội, năm 1968 của tác giả Đinh Gia Trinh; Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử, Quyển thứ nhất, Tập nhất, Sài gòn, năm 1973 của tác giả Vũ Văn Mẫu; Pháp chế sử, Sài Gòn, năm 1974 của tác giả Vũ Quốc Thông; Sơ thảo lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam (từ Cách mạng Tháng Tám đến nay) của Viện Luật học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà nội, 1983 v.v…
Tại Khoa Luật, Đại học Tổng hợp trước đây, nay là Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội, những cuốn sách và giáo trình đầu tiên về Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam được xuất bản cũng rất sớm như: cuốn Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam: Từ nguồn gốc đến trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nxb Khoa học xã hội, năm 1990, tái bản năm 1993 và cuốn Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam hiện đại (Thời kỳ sau cách mạng Tháng Tám năm 1945), Khoa Luật, Đại học Tổng hợp xuất bản năm 1991 của cùng tác giả Vũ Thị Phụng. Tiếp đó là cuốn Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam của tác giả Vũ Thị Phụng được in lần đầu năm 1993, được tái bản nhiều lần sau đó. Đây là giáo trình được sử dụng trong giảng dạy nhiều năm nay tại Khoa Luật, Đại học Tổng hợp, nay là Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội. Ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau cũng có các giáo trình về vấn đề này, tiêu biểu như Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà nội, Nxb Công an nhân dân do các tác giả Phạm Điềm và Vũ Thị Nga (chủ biên) in lần đầu năm 2002; Tiếp đó là Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam của Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Hồng Đức năm 2013 do tác giả Nguyễn Thị Thương Huyền (chủ biên) và nhiều giáo trình khác.
Do yêu cầu của chương trình đào tạo tín chỉ, cũng như nhiều học phần khác, thời lượng giảng dạy Lịch sử nhà nước và pháp luật có thể đã giảm đi phần nào để tăng cường thời lượng cho những học phần chuyên ngành và những học phần kĩ năng, nhưng xét về ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề Lịch sử nhà nước và pháp luật, vị trí, vai trò của nó trong hệ thống các học phần thuộc chương trình đào tạo luật là không hề giảm, thậm chí càng ngày càng được quan tâm nhiều hơn, ở mức độ sâu sắc hơn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, phù hợp với mong muốn “ôn cố tri tân” của nhiều đối tượng, trong đó có sinh viên ngành luật. Biết lịch sử, hiểu lịch sử nhà nước và pháp luật của đất nước mình, vận dụng những tri thức, kế thừa những kinh nghiệm trong quá khứ của cha ông để phục vụ cho hiện tại, cho công việc, cho nghề luật cũng là một phong cách tiếp cận thể hiện nét độc đáo riêng, đồng thời cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước, thể hiện trách nhiệm với quốc gia, dân tộc. Lịch sử không phải là một tấm gương quá lớn chắn đặt trước mặt, chỉ khiêm tốn là chiếc gương chiếu hậu của một cỗ xe tuy nhỏ bé nhưng vô cùng cần thiết để khi tiến về phía trước vẫn không quên học hỏi chắt lọc những truyền thống, kinh nghiệm mà cha ông thủa trước đã phải bằng xương máu đánh đổi mới có được.
Giáo trình lần này có sự tham gia của nhiều giảng viên của Bộ môn Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà nội. Các tác giả khi biên soạn đã tham khảo, kế thừa nhiều tài liệu trong nước và nước ngoài, trong đó có các sách chuyên khảo, tham khảo và các Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam qua nhiều thời kỳ, nhiều cơ sở đào tạo khác nhau. Nội dung của hầu hết các chương đã được sửa đổi, cập nhật những nội dung mới. Từng phần của Giáo trình được viết theo hướng phản ánh trung thực lịch sử, bám sát bối cảnh lịch sử cụ thể để luận giải nội dung và ý nghĩa của các vấn đề nhà nước và pháp luật trong lịch sử Việt Nam.

Tuy nhiên, trong phạm vi một cuốn giáo trình, không phải tất cả các vấn đề về nhà nước và pháp luật trong lịch sử Việt Nam đã đều được đề cập và phân tích đầy đủ, sâu sắc. Dù có nhiều cố gắng, nhưng do lĩnh vực nghiên cứu có phạm vi rất rộng, nguồn sử liệu còn hạn chế, nên chắc chắn nhiều vấn đề trong giáo trình còn có những khiếm khuyết ngoài mong muốn. Tập thể tác giả rất mong nhận được những ý kiến góp ý chân thành của các đồng nghiệp, các học viên, sinh viên và bạn đọc quan tâm để giáo trình được hoàn thiện hơn trong các lần tái bản tiếp theo. Hy vọng giáo trình này sẽ trở thành một tài liệu hữu ích, đáp ứng được một phần nhu cầu giảng dạy và học tập môn Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam của giáo viên và sinh viên, học viên cao học ngành luật học, các ngành khoa học xã hội và nhân văn, cũng như những ai quan tâm, muốn tìm hiểu một cách hệ thống những kiến thức cơ bản về lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam.