Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

QUỐC HỘI LẬP PHÁP CHUYÊN NGHIỆP

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Chuyên mục Góc nhìn,
Vnexpress, đăng ngày 8/5/2014,
truy cập đường link gốc tại đây.
Lập pháp là chức năng vốn có của Quốc hội. Thế nhưng ở Việt Nam việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật lại do rất nhiều cơ quan thực hiện.
Tính riêng trong năm 2013, các cơ quan nhà nước ở trung ương đã ban hành một Hiến pháp sửa đổi, 17 luật, 22 nghị quyết của Quốc hội; 3 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; 215 nghị định của Chính phủ; 703 thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; 106 thông tư liên tịch. Như vậy, tính sơ bộ trong một năm các văn bản được ban hành đã vượt con số 1.000 văn bản, chưa kể lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, quyết định của Thủ tướng, nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao…
Thực trạng đó khiến tôi trăn trở với câu hỏi:Quyền lập pháp” của Quốc hội hiện nay có còn là lập pháp nguyên gốc không? Một năm chỉ có 365 ngày, người dân sao có thể tìm, đọc và hiểu được hết một “rừng luật” phức tạp, rắc rối như vậy? Làm thế nào để khắc phục tình trạng này trước đòi hỏi Quốc hội ngày càng phải chuyên nghiệp hơn, phải giải quyết nhiều hơn những “đơn đặt hàng” từ cuộc sống?
Quốc hội nắm quyền lập pháp, nhưng thực tế phần lớn các dự thảo luật là do Chính phủ và các Bộ ngành soạn thảo, đệ trình. Không những thế, ngay cả sau khi luật có hiệu lực thi hành rồi vẫn cần phải có rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành mới có thể đi vào cuộc sống. Xuất phát từ việc quá coi trọng “lập pháp ủy quyền” như vậy nên ở Việt Nam quyền lập pháp vốn thuộc về Quốc hội, nhưng hóa ra trên thực tế đã chuyển một phần lớn sang Chính phủ và các Bộ ngành, vì “hồn cốt của luật” nằm ở các dự luật và văn bản hướng dẫn thi hành.
Luật được ban hành có hiệu lực rồi, nhưng thường chưa thể thi hành được ngay mà vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn. Điều đó nảy sinh cách hiểu những văn bản hướng dẫn thi hành luật hóa ra “quan trọng hơn cả luật”. Như vậy trật tự, nguyên tắc và giá trị vốn có của hệ thống pháp luật sẽ bị đảo lộn, tạo điều kiện nảy sinh sự tùy tiện trong giải thích và thực thi luật pháp của các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền. 
Do có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, nên không tránh khỏi tình trạng nội dung và tinh thần của luật bị biến dạng, biến tướng hoặc không thân thiện với đối tượng được điều chỉnh, tạo tiền lệ dễ cho việc quản lý, nhưng lại khó cho người dân khi thực hiện. Ủy quyền cho Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn, nhưng đáng tiếc chúng ta chưa có cơ chế xác định rõ nội dung, mục đích và phạm vi ủy quyền, hình thức giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện nghĩa vụ ban hành qui phạm được uỷ quyền ra sao.
Quyền lập quy phải dần bị cương tỏa và đặt dưới sự giám sát chặt chẽ để bảo vệ dân quyền. Các đạo luật cần chứa đựng những quy phạm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng và có hiệu lực lâu dài. Quốc hội cần ban hành nhiều đạo luật nhỏ, cụ thể, chi tiết và có thể thi hành được ngay sau khi có hiệu lực. Việc làm này sẽ cắt giảm việc ủy quyền lập pháp ban hành văn bản hướng dẫn.
Muốn hạn chế lập pháp ủy quyền, tôi cho rằng cần phải có một quy phạm quy định rõ tinh thần “nếu không có ủy quyền của Quốc hội ngay trong chính văn bản Luật thì cũng không đặt ra vấn đề cần có văn bản hướng dẫn thi hành, một đạo luật có hiệu lực, có thể thi hành được ngay”. Quy phạm đó có thể là: “Trong từng đạo luật, Quốc hội sẽ quyết định nội dung, phạm vi ủy quyền cho Chính phủ, một Bộ hoặc chính quyền địa phương ban hành văn bản hướng dẫn”.
Quy định như vậy sẽ minh thị rõ Chính phủ, một Bộ ngành hoặc chính quyền địa phương không đương nhiên có quyền hướng dẫn, mà quyền đó có được trên cơ sở trao quyền của Quốc hội, và chỉ có Quốc hội mới có quyền lập pháp nguyên thủy. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng có quá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành như hiện nay, hạn chế tình trạng phân tán, chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các văn bản hướng dẫn liên quan đến một vấn đề.
Hiện nay Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm vẫn chiếm số lượng lớn. Những đại biểu này ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu thì họ còn phải thực hiện các công việc theo chức trách nơi mình công tác, không có nhiều thời gian chuyên tâm vào hoạt động lập pháp.
Để hoạt động lập pháp của Quốc hội được tăng cường, cần gia tăng số lượng Đại biểu chuyên nghiệp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chuyên nghiệp trước tiên phải là người dành nhiều thời gian, tâm huyết cho hoạt động của Quốc hội. Họ sẽ có điều kiện tốt hơn để phản biện các dự luật, cản trở những dự luật có thể gây phương hại cho lợi ích của cử tri đã bầu ra mình. Đại biểu chuyên nghiệp ở Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải là những người không kiêm nhiệm, thạo nghề (thạo giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, nắm vững các quy trình và thủ tục làm việc của Quốc hội...) và có điều kiện làm việc chuyên nghiệp (thu nhập cao, bộ máy giúp việc chuyên nghiệp, có nhiều đặc quyền của Đại biểu Quốc hội...).
Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ cứ làm ra luật, rồi áp dụng là sẽ có “nhà nước pháp quyền”. Tôi không nghĩ đơn giản như vậy.
Luật pháp là do con người làm ra. Con người không hoàn thiện thì pháp luật - sản phẩm của con người - cũng có thể không hoàn thiện. Không thiếu những văn bản luật không khả thi, không công bằng, không khách quan, xâm phạm những quyền tự nhiên của con người. Việc nhất nhất tuân thủ hoặc lợi dụng sơ hở của những văn bản này để trục lợi có thể đi ngược lại tinh thần pháp luật. Bỏ tù 10 năm oan uổng là “đúng quy trình”, tiêm chết người cũng “đúng quy trình”, rồi không công bố dịch sởi khi đã có hàng trăm trẻ tử vong cũng vẫn “đúng quy trình”. Vậy những cái “đúng quy trình” đó có thể tạo nên một nhà nước pháp quyền hay không?
Tôi nghĩ “thượng tôn tinh thần pháp luật” là thượng tôn cái đúng, cái nhân văn, sự công bằng, và các quy trình chuẩn tắc của pháp luật, thượng tôn tinh thần không ai đứng ở trên pháp luật và cũng không ai không được pháp luật bảo vệ. Tinh thần ấy cao hơn cả những đạo luật do con người làm ra. Quốc hội có nhiệm vụ rất quan trọng là ngăn chặn, không thông qua những đạo luật không phù hợp với “tinh thần pháp luật”, xâm phạm đến những quyền tự nhiên của con người. Chỉ có một Quốc hội lập pháp chuyên nghiệp mới có thể làm được những việc khó khăn như vậy.

------------------
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Đa số người dân là không thể hiểu rõ hết các luật mà quốc hội nhà nước ban hành.Mà có được đọc thì không biết đọc đến bao giờ mới xong, mà có đọc rồi thì cũng rất khó hiểu. Chính vì lý do đó người dân rất lơ mơ, mà lơ mơ thì rất dễ bị bắt nạt. Từ đó cũng phát sinh ra đủ thứ các tiêu cực như tham nhũng, nhũng nhiễu, lạm quyền.... Mong sao các điều trong luật phải rất rõ ràng, cụ thể, đừng nói chung chung và mọi người, mọi tầng lớp ai cũng có thể tiếp cận hiểu biết và sống tốt theo pháp luật.
THỦ - 14:29 8/5
Cảm ơn bác đã nói lên tiếng nói giúp nông dân tụi em, làm việc đầu tắt mặt tối không thể theo dõi hết luật, thông tư hướng dẫn, nghị định. Trách mình học thức kém đọc không hiểu luật nắm không vững, người viết luật lại chung chung rồi phải ra một mớ hướng dẫn rối rắm, thậm chí có cả chồng chéo, bất cập.
HoQuoc - 14:18 8/5
Luật muốn đi vào cuộc sống thì cần ngắn gọn, dễ hiểu, hợp lòng dân. Cơ quan lập pháp chuyên nghiệp hay dân cử thì đều phải tuân thủ điều đó thì Luật mới có tác dụng. Thứ nữa là đã có luật thì phải vận dụng vào mọi hoạt động của Xã hội, ai cũng phải làm theo Luật, nếu không thì có Luật cũng như không. 
Bai viet rat hay.
hongtuoi - 16:14 8/5
Bài viết của TS Tuấn hay quá, không biết những ngưới có trách nhiệm có đọc không????
LHH - 11:08 9/5
Tôi thích đọc trở lại trang vnexpress.net là nhờ có mục này. Một tờ báo điện tử nổi tiếng thì ngoài thông tin nhanh nhạy cần phải có cách nhìn nhận và phân tích đa chiều của người dân.
Xưa học thầy ở khoa Luật ĐH Quốc gia, giờ không còn học ở đó nữa, đọc bài viết của thầy thấy thầy nói rất đúng, nhưng không biết khi nào mới được như thầy nói nữa. haizzz
Bài viết hay, đơn giản nhưng dễ hiểu. Luật của ta hiện nay đôi khi... hiểu sao cũng được bảo thế làm sao không có nhiều vụ, ngày càng nhiều vụ người dân chống đối.
bai viet cua ban Nguyen Minh Tuan tuyet voi - rat hay, rat dang de quoc hoi xem xet va suy nghi
Quá đúng - Luật để hướng dẫn công dân làm điều đúng, tránh điều sai (theo luật). Người làm luật phải chuyên nghiệp chứ không phải lơ mơ, kiêm nhiệm như hiện nay được, chúng ta cần phải xem lại cơ cấu nhân sự thật sự có năng lực, có ...  
Bai viet rat hay, cam on tac gia nhieu.
long hai - 20:30 8/5
Nhất trí hoàn toàn
thành - 22:27 8/5

Bài viết rất hay, mong các các Bác có chức quyền để tâm đến để người dân được nhờ. Cám ơn tác giả!
DaQuang - 18:09 8/5
Vì dễ dãi trong việc ra văn bản dưới luật tôi thấy hay nhất là câu luôn “đúng quy trình”
Mot bai viet tuyet voi. O nuoc ta dang co hien tuong chinh phu vua lap phap vua hanh phap
Gia Ha - 16:18 9/5
Khi chưa có luật thì phải sống bằng luật "rừng", giờ có luật rồi thì phải sống trong "rừng" luật. Mệt óc quá!
Hồng - 13:30 9/5
Có pháp luật con người là loài động vật văn minh nhất, nếu không có pháp luật con người là loài động vật dã man nhất. Nhưng pháp luật còn vòng vo có chỗ hở thì con người trở lên tham lam nhất đặc biệt là người thi hành.
Tôi cũng rất tán thành với ý kiến của tác giả về việc cần hạn chế lập pháp ủy quyền. Tình trạng quá nhiều tầng nấc văn bản QPPL hiện nay làm khó cho việc tổ chức thực hiện và vấn đề tuân thủ pháp luật.
Một góc nhìn sâu sắc ! Đừng để Pháp luật giống như quả bóng khi tròn, khi dẹp; đá qua, đá lại rồi buông thả cho qua ! Suy cho cùng thì pháp luật bắt nguồn từ cuộc sống và vì cuộc sống mà phục vụ !
Rất hay. Một bài ngắn mà nêu được cả một vấn đề rất lớn, rất bức thiết hiện nay.
"Luật pháp là do con người làm ra. Con người không hoàn thiện thì pháp luật - sản phẩm của con người - cũng có thể không hoàn thiện" - Vậy có "VB hướng dẫn" nào để hoàn thiện?
Duc R - 16:53 8/5
Tôi ủng hộ ĐB chuyên nghiệp, còn văn bản luật, thông tư hướng dẫn thi hành của bộ nào thì bộ đó soạn và chịu trách nhiệm nhưng cũng cần thêm ý kiến góp ý của chuyên gia và ý kiến người dân qua báo đài, để tăng cường tính dân chủ và minh bạch.
Chỉ có Hiến Pháp - Luật Pháp là Vua, mà Hiến Pháp - Luật Pháp thì phải xuyên suốt từ thời dựng nước đến bay giờ. Một đất nước có năm ngàn năm văn hiến thì nó phải xuất phát từ đó mà ra.
Bài viết rất đúng thực tế, mong rằng có sự điều chỉnh để người dân nắm bắt được hết phát luật của nhà nước.