Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

MỘT GÓC NHÌN VỀ VUA VIỆT NAM THỜI KỲ PHONG KIẾN


ThS. Nguyễn Minh Tuấn
Khoa Luật - ĐHQGHN
Nguồn: Dân chủ và Pháp luật,
Số 1, Số Chào Xuân năm 2008, tr.49-52

Lời toà soạn: Lâu nay, khi nói về Vua Việt Nam - người đứng đầu nhà nước trong chế độ phong kiến, nhiều ý kiến cho rằng, quyền lực của nhà vua là tuyệt đối và không bị hạn chế bởi bất kỳ yếu tố nào. Tác giả bài viết có một cách nhìn khác cho rằng, quyền lực của nhà vua cũng bị hạn chế và có nhiều điểm đặc thù so với Vua của Trung Hoa và các nước Tây Âu thời kỳ phong kiến. Từ sự luận giải này, tác giả cũng tham chiếu và gợi mở vấn đề tạo điểm nhấn trong tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay phù hợp với xu thế dân chủ hóa, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu nhà nước.
Dưới chế độ quân chủ Việt Nam, quyền chủ tể trong nước, quyền quyết định vân mạng của quốc gia được quan niệm như một bảo vật là thần khí mà Trời giao phó. Do vậy ai nắm được quyền chủ tể ấy thường được coi là thừa mệnh trời để trị nước, an dân. Quyền chủ tể của quốc gia là bắt nguồn trong THIÊN MỆNH, hay nói cách khác là trong ý chí của trời.
Nói đến nhà vua, dưới chế độ quân chủ chuyên chế đều có một đặc điểm chung là nhà vua nắm trong tay cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên điểm đặc biệt là tại Việt Nam nhà vua còn là vị giáo chủ độc nhất và cao nhất trong cả nước. Nói cách khác, nhà vua thâu tóm trong tay cả giáo quyền và thế quyền. Để đảm bảo tính thống nhất và vĩnh cửu của quốc gia, ngôi vua chỉ có thể truyền cho một người, người đó là con trai trưởng của nhà vua theo nguyên tắc trọng trưởng, trọng nam.
Vua có 2 bậc: đế và vương. Đế là Hoàng đế vua nước lớn, Vương là vua nước nhỏ hoặc nước chư hầu. Vua có các loại tiên gọi như: Tên huý [Tên gọi trước khi lên ngôi; không ai được gọi tên huý của vua kể từ khi vua lên ngôi]; Tên hiệu [khi lên ngôi mới đặt]; Tên thụy [khi vua qua đời, con đặt tên]; Miếu hiệu [Tên nơi thờ vua]; Niên hiệu [Tên theo năm hoặc giai đoạn cai trị của Vua].

1. Về phương diện giáo quyền
Nhà Vua là vị giáo chủ độc nhất và cao nhất trong nước, vì người ta quan niệm rằng tất cả các quỷ thần trong nước đều thuộc quyền nhà vua cả và chỉ riêng nhà Vua và sau vua là các quan mới được quyền TẾ TRỜI; còn nhân dân chỉ được thờ tổ tiên hoặc quỷ thần mà thôi. Vì quyền tế trời là đặc quyền của nhà vua nên trong lễ tế trời hàng năm người ta thường gọi là tế Nam Giao, ngôi chủ tế lễ bao giờ cũng thuộc về Hoàng Đế. Thần thánh trong nước cũng thuộc quyền điều động của nhà vua, nên thời bấy giờ chỉ riêng nhà vua mới có quyền PHONG SẮC cho bách thần cũng như có quyền khiển trách bách thần, khiển trách bằng cách thủ tiêu bằng sắc hoặc phá hủy đền thờ.
Khác với Vua ở các nước Tây Âu thời kỳ phong kiến, Vua của Việt Nam và Trung Hoa không cần phải dựa vào giáo phái nào để lên ngôi báu cả, mà khi ở ngôi cũng không cần phải phụng sự quyền lợi của một giáo phái nào cả. Theo quan niệm của Nho giáo, nhiệm vụ của vị Đế vương chỉ là trị nước mà thôi, không phải là phụng sự quyền lợi của giáo phái nào cả. Ngược lại vua ở Tây Âu phải chịu phụ thuộc vào Giáo hội Thiên chúa giáo. Nhà vua phải dựa vào Giáo hội mới lên ngôi được. Trong suốt thời kỳ ở ngôi, nhà vua phải luôn bảo vệ quyền lợi của Giáo hội. Tòa án Giáo hội có quyền xét xử cả nhà vua.
2. Về phương diện vương quyền
Vua là người duy nhất đặt ra pháp luật (Lời nói của nhà vua là pháp luật, Vua có quyền quyết định nội dung của các loại văn bản pháp luật);
Vua cũng là người duy nhất có quyền bổ nhiệm, thăng giáng, thuyên chuyển quan lại cả nước. Quan lại phải thành thực với vua, phải tỏ lòng tôn kính đối với Vua hay Hoàng gia., phải thi hành nhanh chóng, nghiêm chỉnh và cẩn thận mệnh lệnh của nhà vua ban ra. Thứ ba, nhà vua có quyền xét xử tối cao. Phán quyết của nhà vua luôn được coi là phán quyết cuối cùng.
Trên phương diện các ưu quyền của nhà vua, phàm cái gì thuộc về của Vua, mỗi khi nhắc tới hoặc viết tới đều phải kèm theo tiếng thánh, long hay ngọc để tỏ ý tôn kính. Thí dụ: ý muốn của nhà vua phải gọi là thánh ý; mệnh lệnh của nhà vua gọi là thánh chỉ; mặt Vua gọi là long nhan; Ấn của nhà vua gọi là ngọc tỷ. Riêng cung điện của nhà vua mới được xây hai tầng, hoặc làm theo kiểu chữ công, chữ môn. Kẻ thường dân mà làm theo kiểu ấy sẽ bị khép vào tội lộng hành và bị xử phạt. Mầu sắc y phục của nhà Vua là mầu vàng, dân chúng không được dùng mầu đó. Khi Vua ra ngoài đường, nhân dân đều phải trốn, nhà phải đóng cửa. Lỡ gặp vua phải phục xuống hai bên vệ đường; nếu không sẽ bị khép vào tội “phạm tất”.
3. Quyền lực của nhà vua không phải là tuyệt đối và cũng bị hạn chế
Mặc dù quyền lực của nhà vua rất lớn, nhưng không phải là tuyệt đối. Quyền lực của nhà vua bị hạn chế ở những điểm sau:
- Vua phải lấy dân làm gốc 
Tuy quyền lực của nhà vua rộng rãi nhưng theo Khổng giáo, một vị vua chỉ được coi là minh quân hay anh quân khi người đó cư xử đức độ và trong phép trị nước phải lấy dân làm gốc, biết nghe lời khuyên can đúng mực của các qua đình thần. Nhà vua không thể làm gì trái với lòng dân được, vì ý dân tức là ý Trời. Mạnh Tử có nói rằng: “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (ý muốn nói dân là quí hơn hết, sau mới tới giang sơn xã tắc sau cùng mới tới Vua). Nếu không đúng như thế, nhà vua sẽ bị mang tiếng là bạo chúa, là hôn quân, và dân chúng không những không cần phải tuân theo lệnh của nhà vua mà còn có quyền phản kháng lại nhà Vua đẻ trừ bỏ ông vua đó đi.
 

Tuân Tử cũng nói rằng: “Tru bạo quốc chi quân nhược tru độc phu” (giết ông Vua bạo ngược một nước cũng như giết một kẻ độc ác vậy)

- Quyền hành của Vua bị hạn chế do chế độ tự trị của làng xã
Sở dĩ như vậy vì làng nào cũng có phong tục tập quán riêng của làng đó. Phong tục tập quán qui định cách tổ chức và điều hành công việc trong làng, do vậy triều đình không thể can thiệp được.
Làng nào cũng có Hội đồng kỳ mục do dân cử ra để trong coi mọi việc trong làng. Đứng đầu là tiên chỉ, thứ chỉ rồi có lý trưởng, phó lý do Hội đồng kỳ mục cử ra để giao thiệp với cấp trên. Vua không thể trực tiếp can thiệp vào các công việc của thôn xã được. Sự giao tiếp giữa làng và nước ở đây có chăng chỉ ở hai việc lớn một là việc đóng thuế hàng năm cho công khố và hai là cung cấp số lính cần thiết cho quan đội hoàng gia.

- Vua không thể độc đoán lựa chọn quan lại 
Thi cử không phân biệt sang hèn, giàu nghèo ai cũng có quyền ứng thí và một khi đã đỗ đạt nhà vua không thể không trọng dụng. Do vậy cần nhận thức rằng với cách tuyển chọn nhân tài như thế không phải là một nhóm cận thần hầu hạ làm việc riêng cho nhà Vua mà chính là một hội nghị chung cho cả nước do sự tuyển chọn những người xứng đáng bằng cách thi cử đỗ đạt. Như vậy nhà vua dù có sủng ái một người nào đó đến đâu chăng nữa cũng ít khi dám gạt bỏ một cách vô lý cách thức tuyển lựa có tính công bằng này. Một khi được tuyển chọn nghiêm túc, quan lại triều đình là những người có phẩm hạnh, tài năng, không chịu khuất mình để làm điều bất chính, phi nghĩa. Chính điều này là một sự điều tiết ngược khiến nhà vua hạn chế được sự độc đoán, chuyên quyền.

- Vua bị hạn chế bởi hàng loạt các thủ tục, những tập quán chính trị khác
Vua phải thiết triều, phải nghị đình, trước khi quyết định vấn đề gì phải hỏi ý kiến quan lại (ý tưởng của nhà vua được đem ra thảo luận để đảm bảo tính khách quan); Vua không được đọc thực lục do sử quan ghi chép để đảm bảo tính khách quan; Vua không được xem hồ sơ các vụ án của quan ngự sử khi chưa đem ra xử; Trong triều đình có một chức quan đó là gián quan - đây là người duy nhất được nói trái với ý vua; Vua không được đi ngược lại những tập quán chính trị đã hình thành từ những đời vua trước...
- Nhà vua phải có bổn phận thân dân
Vua có bổn phận thân dân, nhà vua thường tự nhận trách nhiệm về mình khi để dân đói khổ. Các chính sách của Vua Việt Nam hầu hết đều hướng đến sự ổn định đầu tiên, quan trọng nhất là giữ gìn độc lập chủ quyền.
Có nhiều điển tích rất đáng nhớ về vua Việt Nam:
Thí dụ 1: Tư tưởng yêu dân, thương dân của Lý Thánh Tông:
+ Năm 1055, trời rất rét. Vua Lý Thánh Tông bảo các quan rằng: “Trẫm ở trong cung, nào lò sưởi, nào áo rét mà còn rét như thế này, nghĩ đến người tù trong ngục, chưa biết rõ ngay gian ra sao, trẫm rất thương xót, vậy ra lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa”.

+ Năm 1064, Vua khi xử án đã chỉ vào công chúa mà nói: “Ta yêu dân như con, dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót. Từ nay về sau, không cứ tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm”.
Thí dụ 2: Nhìn thấy khả năng hoàn lương của con người
Phí Mạnh là An phủ sứ Diễn Châu dưới thời vua Trần Nhân Tông. Vua nghe tin Phí Mạnh cậy thế ức hiếp dân lành đã triệu Phí Mạnh về kinh đô Thăng Long và đánh trượng trước triều thần. Sau đó, Vua Trần vẫn cho Phí Mạnh về nhậm trị, giữ chức cũ tại Diễn Châu. Sau một thời gian, Vua Trần nhận được tin nhân dân địa phương hết lời ca ngợi Phí Mạnh về tính thanh liêm, chính trực. Vua Trần nghe tin thấy vui sướng vô cùng.
Thí dụ 3: Sự công minh, xử đúng người đúng tội của Lê Thánh Tông
Lê Bô - một vị quan có công đưa Lê Thánh Tông lên ngôi báu mắc tội: bắt quân lính để làm việc riêng cho mình. Cậy thế là công thần và có thế lực, Lê Bô đã nhờ Trần Phong là Thượng thư bộ Hình và là thầy dạy của vua Lê Thánh Tông cho Lê Bô được dùng tiền chuộc. Lê Thánh Tông đã phán xử: “Trần Phong xin cho Lê Bô phạm pháp được chuộc tội bằng tiền, như thế là người giàu có, nhiều của hối lộ thì được miễn tội, còn người nghèo sẽ bị trị tội. Làm như thế là cả gan vi phạm phép tắc của tổ tông lập ra. Nay ta xử cứ theo phép công mà làm”.
Lịch sử Việt Nam trải qua rất nhiều các triều đại, tuy vậy có thể khẳng định rằng vua của Việt Nam phần đông là những ông vua nhân từ, thấm nhuần tinh thần của Nho giáo, lấy dân làm gốc. Chỉ có ba vị vua tàn ác và bạo ngược nắm quyền trong thời gian rất ngắn là Lê Long Đĩnh (1005 – 1009), Lê Uy Mục (1505 – 1509) , Lê Tương Dực 1510 – 1516).
Tóm lại, Vua Việt Nam thời kỳ phong kiến là người duy nhất nắm cả thần quyền và thế quyền. Khác với nhiều quốc gia khác, quyền hành của Vua Việt Nam không phải là tuyệt đối, dưới thời phong kiến phần đông Vua Việt Nam là những ông vua nhân từ, thân dân. Trong xã hội hiện đại bên cạnh xu hướng dân chủ, một xu hướng khác cũng đã và đang được định hình đó là tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm vào người đứng đầu nhà nước hoặc người đứng đầu hành pháp để giải quyết một cách nhanh, nhậy kịp thời các vấn đề thời sự phát sinh. Nếu hiểu quyền lực thuộc về nhân dân thì ta cũng cần nghiên cứu cơ chế để người dân được bầu thiết chế có thực quyền nhất, và đây sẽ là người mà người dân đặt nhiều niềm tin nhất, và cũng là cách để tạo điểm nhấn trong bộ máy nhà nước.