Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

SÁCH CHUYÊN KHẢO: TƯ DUY PHÁP LÝ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Nguyễn Hoàng Anh, Vũ Công Giao,
Nguyễn Minh Tuấn (Đồng chủ biên)
Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà nội, 2016
Tư duy pháp lý đang dần trở thành một chủ đề nóng, thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu của những người trong giới luật, kể cả những người vốn đã hành nghề luật lâu năm. Nhu cầu này là có thật và xuất phát từ đòi hỏi khách quan của cuộc sống, của công việc, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang tiến hành cải cách tư pháp, từng bước phát triển án lệ và dần tiếp thu mô hình tố tụng tranh tụng. Tư duy pháp lý là gì? Có những cách thức tư duy pháp lý nào? Cần ứng dụng tư duy pháp lý trong thực hành nghề luật ra sao?... Những vấn đề lý thú này sẽ dần được giải đáp trong cuốn sách chuyên khảo "Tư duy pháp lý lý luận và thực tiễn". Cuốn sách có nhiều bài viết sâu sắc của các tác giả như: GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, PGS.TS.NGƯT. Chu Hồng Thanh, PGS.TS. Bùi Xuân Đức, TS. Trần Nho Thìn, PGS.TS. Vũ Công Giao, ThS. Nguyễn Phú Hải, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, TS. Nguyễn Minh Tuấn, TS. Nguyễn Bích Thảo, ThS. Đậu Công Hiệp, ThS. Phan Thị Hải Yến, TS. Mai Văn Thắng, TS. Phạm Thị Duyên Thảo, TS. Lê Thị Phương Nga.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc!

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

SÁCH CHUYÊN KHẢO: GIỚI HẠN CHÍNH ĐÁNG ĐỐI VỚI CÁC QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN CÔNG DÂN TRONG PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM

 
TS. Nguyễn Minh Tuấn (Chủ biên)
Nhóm tác giả: PGS.TS. Vũ Công Giao, TS. Nguyễn Minh Tuấn,
TS. Phạm Duyên Thảo, TS. Mai Văn Thắng, ThS NCS. Bùi Tiến Đạt, ThS NCS. Đỗ Giang Nam, SV chất lượng cao Đặng Duy Anh
(Sách chuyên khảo này là công trình khoa học của Khoa Luật, ĐHQGHN, được tài trợ bởi Đại sứ quán Đan Mạch)


Ngay khi Hiến pháp 2013 được ban hành và có hiệu lực, chúng tôi - một nhóm giảng viên Khoa Luật - ĐHQGHN đã chú ý và bàn thảo nhiều về một điểm mới rất quan trọng của bản Hiến pháp này là vấn đề „giới hạn quyền con người, quyền công dân“ ở Điều 14 Khoản 2: „Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.“ 
Chúng tôi cho rằng: Hiến pháp sinh ra là để giới hạn quyền lực nhà nước và ràng buộc trách nhiệm của nhà nước. Do vậy một bản Hiến pháp tốt không thể trao quyền quá rộng hoặc bỏ mặc cho công quyền tự đo lường và quyết định việc giới hạn các quyền cơ bản của công dân một cách tùy tiện. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là giới hạn đến đâu thì vừa, giới hạn đến đâu để không làm mất đi bản chất của những quyền cơ bản hiến định này? Cơ chế giải quyết xung đột, tranh chấp về việc giới hạn quyền con người, quyền công dân ở các nước khác họ xử lý ra sao? Cách thức nào để người dân có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước sự xâm phạm vượt quá giới hạn cho phép của cơ quan công quyền...