Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

HIẾN PHÁP 1946: THỂ HIỆN CƠ CHẾ PHÂN CÔNG VÀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC

Nguyễn Minh Tuấn
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, 
đăng ngày 14/12/2011,
truy cập tại đây

Ngày 12/12/2011, Tạp chí Tia sáng có đăng tải bài viết: "Học từ Hiến pháp 1946: Cần nhìn nhận cả ưu điểm và hạn chế" của tác giả Nguyễn Thị Hường. Trong bài viết này, tác giả cho rằng “hạn chế của Hiến pháp 1946: tập quyền chứ không phải phân quyền” và đưa ra những căn cứ mà theo tôi chưa thực sự thuyết phục. 

1. Khi đọc bài viết, tôi không rõ tác giả bài viết hiểu “phân quyền” và “tập quyền” là theo nghĩa nào.
Montesquieu
cha đẻ học thuyết phân quyền trong tác phẩm "Tinh thần pháp luật" hoàn toàn không dùng khái niệm "phân chia quyền lực tuyệt đối” (Séperation des pouvois), mà là “phân công quyền lực” (Distribution des pouvois)[1]. Ông cho rằng bản chất khi có quyền lực là dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, vì vậy cần phải phân công, kiểm soát và giới hạn quyền lực để tránh lạm quyền và bảo vệ dân quyền[2]. Thực tế ngày nay ngay cả ở Mỹ, một nước theo chủ thuyết "phân quyền cứng rắn" cũng không tồn tại một sự "phân quyền tuyệt đối" giữa lập pháp và hành pháp, điều này một phần do quan hệ ràng buộc của hai viện và Chính phủ trong hoạt động lập pháp, một phần do tính chất quan hệ giữa các đảng phái không tĩnh mà luôn động[3]. Đưa ra những căn cứ lịch sử và thực tế như vậy để thấy rằng không có sự phân quyền tuyệt đối, mà chỉ tồn tại sự phân công tương đối, tồn tại song hành với việc kiểm soát và cân bằng quyền lực.

Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

TIẾP CẬN PHÁP LUẬT TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Nguyễn Minh Tuấn*
Nguồn: Tạp chí Tia sáng, đăng ngày 8/12/2011, truy cập tại đây

Bên cạnh việc được nhìn nhận dưới góc độ là những định chế, pháp luật còn có xu hướng được nhìn nhận dưới góc độ văn hóa,  mục đích là nhằm vượt lên những bất đồng, khác biệt, để hợp tác xây dựng nên những qui tắc ứng xử mới – những qui tắc có khả năng đem lại lợi ích cho các bên tham gia và cho toàn xã hội.

Lâu nay pháp luật thường được nhìn nhận dưới góc độ là những định chế có tính chất “quan phương” từ phía nhà nước hay nói cách khác pháp luật được hiểu là tổng thể các qui tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tồn tại một xu hướng tiếp cận pháp luật khác – xu hướng nhìn pháp dưới góc độ văn hóa1,  mục đích là nhằm vượt lên những bất đồng, khác biệt, để hợp tác xây dựng nên những qui tắc ứng xử mới –những qui tắc có khả năng đem lại lợi ích cho các bên tham gia và cho toàn xã hội.