Nguyễn Minh Tuấn
Một ngàn năm trước, Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư (kinh đô của nước Đại Cồ Việt) về Đại La với mong muốn tính kế muôn đời cho con cháu.
Một ngàn năm trước, nhà Lý đã mở đầu kỷ nguyên văn minh Đại Việt, tạo dựng nền tảng của chính quyền "khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc" (thời Lý - Trần) tồn tại gần bốn thế kỷ. Vì đâu mà một dân tộc đất không rộng, người không đông lại có thể ba lần dành chiến thắng trước một đội quân thiện chiến tầm cỡ thế giới như quân Nguyên Mông - một đội quân đã chiếm gần hết Châu Âu và vùng Trung Cận Đông, san bằng thành trì nước Tống và đô hộ toàn bộ nước Trung Quốc xưa? Sau này, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã tổng kết, lý giải rằng ta thắng được giặc, giữ vững được bờ cõi là bởi lòng dân - “do trên dưới đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước cùng góp sức”.
Một ngàn năm đã qua, một ngàn năm để rồi cùng nhau nhìn lại vẫn thấy những lời dạy của cha ông thủa trước còn nguyên giá trị. Một ngàn năm nhìn lại cũng là để nghĩ về trách nhiệm của hậu thế với tiền nhân, với hiện tại và tương lai của đất nước.
Thời chiến đã lùi xa. Nay là thời bình, thời của mở cửa và hội nhập. Xã hội ngày nay đã khác xưa nhiều, luôn tồn tại muôn vàn những nhóm lợi ích lớn nhỏ khác nhau, giống như những dòng thác cuồn cuộn chảy không ngừng nghỉ. Hiểu như thế thì đồng thuận ngày nay không loại trừ, thậm chí rất cần cả những phản biện tích cực mang tính chất xây dựng. Đồng thuận phải bắt đầu từ việc thừa nhận những nhóm lợi ích khác nhau, để rồi thông qua đối thoại, hợp tác, cùng tìm ra tiếng nói chung, quyết sách chung có khả năng đem lại lợi ích đa phương.
Thăng Long - Đông Đô - Hà nội, nơi lắng hồn núi sông hôm nay tổ chức kỷ niệm 1000 năm tuổi.
Tiêu tốn hàng ngàn tỷ, chưa chắc đã mua được sự đồng thuận ở nơi dân. Mải mê tổ chức lễ hội đình đám, ai đó xin hãy đừng quên những lời dạy của tiền nhân còn vang vọng về bài học và giá trị của sự đồng thuận.
NMT